Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Khi nhân dân bị bịt miệng


Khi nhân dân bị bịt miệng

2-8-2018
Nếu anh ngăn cản người bên cạnh nói sự thật, coi như anh tự bịt một phần mắt và một phần tai mình. Nếu anh ngăn cản cả một dân tộc nói sự thật, coi như anh là kẻ bị mù và điếc toàn phần.
Một chế độ cũng thế, nếu chỉ tìm mọi cách bịt miệng người dân, lấy con ngáo ộp “Thế lực thù địch” với hình phạt tàn khốc đi kèm để dọa họ, thì chế độ đó tự biến mình thành chiếc ao tù hôi thối của nhân loại về mặt đạo đức và trước sau cũng suy tàn. Chưa có bất cứ ngoại lệ nào, từ thời cổ đại đến hiện tại.
Câu chuyện tôi kể dưới đây chỉ đáng là một ví dụ nhỏ. (Tôi xin nói trước: hầu hết thông tin đều lấy từ báo chính thống thời ấy).
Khi còn ở đỉnh cao quyền lực, Saddam Hussein có một thói quen rất…Hoàng đế: Mỗi ngày cho gọi một nhà thơ đến, chỉ để đọc cho ông ta nghe những bài thơ… ca ngợi chính ông ta. Với quyền lực vô giới hạn, ông ta muốn gì mà chả được. Một trong những lý do khiến lũ độc tài luôn hãnh diện về quyền lực, chính là vì lúc nào cũng có vô số kẻ khoác áo trí thức chỉ để làm mỗi một việc là nịnh thối chế độ.
Nằm ườn trên chiếc ghế lót lông dê Cashmere, Saddam Hussein lim dim mắt tận hưởng sự tâng bốc mình lên tận mây xanh của các loại thi sĩ cung đình. Câu mà Saddam thích nghe nhất là mắt ông được ví với những ngôi sao sáng trên bầu trời. Ông ta là vua của các vua Ả rập. Rằng người dân I-rắc yêu ông ta hơn cha mẹ, ai ai cũng chỉ mong được chết cho ông, như một niềm vinh hạnh tột đỉnh của họ.
Không còn một kẽ hở nhỏ cho những lời nói thật lách vào. Trong khi những kẻ dám nói thật thì hầu hết bị giết hoặc ở trong tù.
Nghe mãi những lời tụng ca, dù rẻ tiền và một trăm phần trăm dối trá (như bản chất của mọi lời tụng ca, ở đâu cũng thế), rồi cũng thành quen, thành nghiện. Ngày nào không được nghe các thi sĩ “của nhân dân” ca ngợi, không được thấy bọn nô tài quỳ lạy bấm báo, ông ta có thể phát điên. Và thế là, dù không quá ngu si, Saddam Hussein hoàn toàn tưởng rằng những gì ông ta đang nghe là thật!
Vì thế, khi quân Mỹ tiến vào I-rắc lần thứ hai, ông ta rất tin là quân đội hùng mạnh, tuyệt đối “Trung với đảng Bath, hiếu với Tổng thống” của ông ta sẽ nghiền nát, chôn sống hàng vạn tên “quỷ Mỹ” trên sa mạc trong vài ngày. Rằng vì ông ta, hàng triệu người I-rắc sẵn sàng làm lá chắn sống hoặc ôm bom cảm tử. Hứng lên, ông ngạo mạn ra lệnh cho các tướng thân cận là phải bắt sống mấy trăm tên “quỷ Mỹ” làm bia cho ông bắn!
Chuyện có thêm chi tiết tức cười là cùng thời điểm đó, tại Hà Nội, một phó trưởng ban Tuyên giáo TW (lúc đó còn là Ban TTVH), trong một lần hùng hồn giảng bài cho những cán bộ dự nguồn, vốn được coi là hiền tài đất nước, với vẻ mặt đầy hiểu biết của bố hiền tài, bảo: “Các đồng chí cứ chờ mà xem, không dễ mà hạ được Saddam đâu. Ông ấy vừa được 100 % cử tri I-rắc bầu lại làm Tổng thống. Đó là điều mà người Mỹ kiêu ngạo không tính đến. Đừng tưởng ông ta chỉ biết rút lui. Chiến thuật cả đấy! Hàng ngàn chiếc xe tăng hiện đại nhất của Saddam vẫn đang ém mình dưới cát sa mạc với đầy ắp vũ khí và những quân nhân tinh nhuệ nhất, chỉ chờ lính Mỹ lọt vào vòng mai phục là xông lên quét sạch! Nghe nói người Mỹ dự trù một ngàn cái túi đựng xác lính tử trận. Này, nếu họ hỏi tôi, tôi bảo các ông hãy chuẩn bị một trăm ngàn cái mới đủ”.
Saddam khiến người dân I-rắc không dám mở miệng nói thật, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông ta hoàn toàn mù tịt về chính đất nước mà ông ta làm Hoàng đế, hoàn toàn không biết rằng quân đội rệu rã của ông chỉ chờ để quay ngược súng.
Ông phó Ban Tuyên giáo giống Việt thời ấy, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực bẻ cong sự thật, bịt miệng dư luận, thì tự trở thành đui điếc trước thời cuộc.
Bởi vì chỉ chưa đầy một tháng sau, kể từ khi quân Mỹ tiến vào I-rắc như đi vào chỗ không người, tượng Saddam bị kéo đổ, đầu một nơi, chân tay một nẻo, trong tiếng nguyền rủa và hò reo vang trời dậy đất của người dân Bagdad.
Kết cục sau đó thì tôi xin không kể, vì ai ai cũng đã thấy.
Liệu “Ngài Tổng thống vĩ đại và nhân từ”, khi bị đưa lên giá treo cổ có kịp nhận ra: Thế lực thù địch của ông ta là gần 100% người dân I-rắc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.