Hai chuyến ‘công du’ đáng ngờ đến Thủ Thiêm
Phạm Chí Dũng
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bỗng nhiên tỏ ra quan tâm đến dân oan Thủ Thiêm một cách đặc biệt và… đáng ngờ.Vẫn ma mị
Trong vòng chưa đầy một tháng, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm dân oan Thủ Thiêm hai lần, mà lần gần đây nhất là vào ngày 16/7/2018. Chuyến ‘công du’ này lại xảy ra trong cảnh nạn bản kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ thêm một lần nữa bị thất hứa trầm kha, khi trước đó cơ quan này và Chính quyền TP.HCM đã hứa hẹn sẽ công bố kết luận thanh tra vào ngày 15/7/2018 - tức vẫn bị trễ hẹn đến một tháng so với thời điểm hứa hẹn trước đó là ngày 15/6/2018, và trì muộn đến hàng chục năm trời từ lúc người dân Thủ Thiêm rên siết trong thảm cảnh bị cướp đất. Thế nhưng bất chấp nước mắt và máu đổ, cho đến nay vẫn biệt tăm bóng dáng bản kết luận thanh tra được dân quá trông đợi ấy.
Còn vào lúc này, lại vụt hiện hai hình ảnh quá bất xứng giữa hai lần Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh - đi ‘thực tế’ ở Thủ Thiêm.
Nếu trong lần ‘thực địa’ vào ngày 20/6/2018, ông Nhân ‘tay bắt mặt mừng’ với dân oan và được các tờ báo nhà nước bám theo mô tả như một vị ‘cứu tinh’ đối với những người dân đã khô mòn nước mắt bồi thường và niềm tin chế độ cầm quyền, thì đến lần thứ hai đi Thủ Thiêm vào ngày 16/7/2018, quan chức Bí thư Thành ủy này đã được đến vài chục nhân viên công an ‘nối vòng tay lớn’ bảo vệ, và Nguyễn Thiện Nhân cứ thế dạo bước trong cái vòng đó để né tránh làn sóng dân oan xô tới đòi hỏi ông Nhân phải cụ thể hóa những hứa hẹn của ông ta chứ không thể ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’.
Vào ngày 20/6/2018, phát ngôn có ý nghĩa nhất của quan chức Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc gặp với dân oan Thủ Thiêm là “những hộ ngoài ranh quy hoạch sẽ không phải di dời nữa”.
Khi đó, dân oan bất chợt lại nhen nhóm hy vọng sẽ được lấy lại phần nào công lý mà tưởng đã chìm hẳn vào đống bùn đen. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, người dân lại ngớ ra: làm thế nào để xác định ‘ngoài ranh quy hoạch’, trong khi cho đến lúc đó toàn bộ Chính quyền TP.HCM vẫn cố tình lấp liếm vụ ‘tấm bản đồ gốc biến mất’?
Vậy nếu chính quyền dựa vào bản đồ mới, tức quy hoạch ‘điều chỉnh’ mà một phó chủ tịch chính quyền vào thời đó là Nguyễn Văn Đua đã ký vượt quyền, để giải tỏa dân và do đó vẫn không chịu ‘sửa sai’ thì sao?
Tại sao các cơ quan chức năng của TP.HCM lại không tìm ra, hoặc cố tình không chịu tìm ra tấm bản đồ gốc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm - đã bị một bàn tay đen đúa nào đó cho biến mất suốt nhiều năm qua - không những không tìm thấy ở TP.HCM mà còn không hề được tìm ra ở các bộ ngành liên quan như Văn phòng chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…?
Vào tháng Năm năm 2018, báo chí đã phải một lần nữa nhắc lại câu hỏi trên. Tuy nhiên, lời hứa hẹn ‘đang tìm’ của Chính quyền TP.HCM luôn có giá trị cứ sau mỗi thập kỷ.
Trong trường hợp bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 biến mất hay bị phi tang, những kẻ ‘ăn đất’ trong Chính quyền TP.HCM và các bộ ngành liên đới sẽ có khả năng thoát tội vì cơ quan thanh tra không có cơ sở để đối chiếu và làm rõ con số 150 -160 ha đất ‘giải tỏa thêm’ so với quy hoạch cũ.
Phải chăng trong trường hợp tấm bản đồ xấu số trên bị phi tang, mà khả năng này là rất gần với những dấu hiệu trong thực tế, đã có một âm mưu thông đồng tập thể giữa nhiều quan chức ở nhiều cơ quan - hoàn toàn xứng đáng trở thành một vụ đại án với ít nhất một tội danh ‘cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng’?
Dân lại ‘ăn quả lừa’
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 140 ha đất giải tỏa lố - mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD!
Nếu Chính quyền TP.HCM thực hiện đúng như hứa hẹn của Nguyễn Thiện Nhân, sẽ có hy vọng cho hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm được lấy lại một phần công bằng, vẫn được định cư trên mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ, và cũng có hy vọng làm rõ về những cái chết oan khuất tự treo cổ của người dân Thủ Thiêm khi bị chính quyền và công an cưỡng chế đẩy đuổi, dồn vào đường cùng.
Nhưng làm thế nào để có thể tin vào lời hứa và giá trị lời hứa của một quan chức cộng sản khi trong suốt hai chục năm qua, quá nhiều lời hứa đã bị ma mị, còn hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm đã rất nhiều lần bị ‘ăn quả lừa’?
Cho đến giờ này, không chỉ Bản đồ gốc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thấy tăm hơi, mà cả kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ cũng chẳng thấy đâu. Bi kịch ‘dân ăn quả lừa’ và ‘Thủ Thiêm chìm xuồng’ rất có thể lại một lần nữa tái hiện như rất nhiều lần cái bi kịch đó đã hành hạ người dân Thủ Thiêm trong suốt hai chục năm qua.
Tất cả đều bao che lẫn nhau?
Trước kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng Bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và Chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của Chính quyền TP.HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của Đảng bộ và Chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân TP.HCM phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp Chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch Chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của Chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau đó, trong suốt kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cả bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Thậm chí kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ: ban lãnh đạo Thường vụ Quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như: AVG, Thủ Thiêm, Tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều…. chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân TP.HCM phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm, dư luận đang rất nghi ngờ về việc liệu đã có một ý đồ toa rập giữa Chính quyền TP.HCM, mà cụ thể là của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Thủ Thiêm và những quan chức lãnh đạo đương nhiệm của thành phố này, với các cơ quan chính phủ và với đích thân Thủ tướng Phúc, để dẫn đến những kết luận của ông Phúc như muốn cho vụ việc này chìm xuồng?
P.C.DTác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.