Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Chương trình hợp tác Lancang-Mekong: Miếng mồi ngon trong bẫy

Chương trình hợp tác Lancang-Mekong: Miếng mồi ngon trong bẫy

Nguyễn Minh Quang
20 tháng 7 năm 2018
Hình 1 - Lãnh đạo các quốc gia trong Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ nhất tại Sanya, Trung Hoa [Ảnh: Xinhua]
Phần dẫn nhập
Chương trình Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) bắt đầu hình thành từ khi Thái Lan đưa ra sáng kiến cho việc phát triển khả chấp (sustainable development) phân vùng Lancang-Mekong vào năm 2012 [1].  Lancang là tên Trung Hoa của sông Mekong, con sông dài thứ 12 trên thế giới, chảy qua 6 quốc gia gồm có Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Sáng kiến của Thái Lan được Trung Hoa đón nhận tích cực. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Hoa-ASEAN (Association of Southeast Asia Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á)) lần thứ 17 nhóm họp vào tháng 11 năm 2014, Thủ tướng (ThT) Li Keqiang (Lý Khắc Cường) của Trung Hoa đề nghị thiết lập một Khung Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation Framework (LMCF)).  LMCF được 5 quốc gia duyên hà còn lại hoan nghênh nhiệt liệt.
Vào ngày 23 tháng 3 năm 2016, Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ nhất được tổ chức tại Sanya (Tam Á), thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Hoa.  Tham dự phiên họp gồm có ThT Li Keqiang của Trung Hoa, ThT Prayut Chan-o-cha của Thái Lan, ThT Hun Sen của Cambodia, ThT Thongsing Thammavong của Lào, Phó Tổng thống Sai Mauk Kham của Miến Điện, và Phó ThT Phạm Bình Minh của Việt Nam [1].  Phiên họp, với chủ đề “Chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai (Shared river, Shared future)” – Cho một Cộng đồng Chia sẻ Hòa bình và Thịnh vượng trong Tương lai giữa các Quốc gia Lancang-Mekong (For a Community of Shared Future of Peace and Prosperity Among Lancang-Mekong Countries), công bố Tuyên ngôn Sanya (Sanya Declaration) [2] và chánh thức đưa ra cơ chế hoạt động cho LMC.
Hình 2 - Con đường Tơ lụa mới [Ảnh: Internet]
LMC có thể là một nhánh trong “Con đường Tơ lụa mới (New Silk Road),” tên gọi nôm na của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)), mà Chủ tịch Trung Hoa Xi Jinping (Tập Cận Bình) đã không tiếc công sức quảng cáo.  Mục đích của BRI là tài trợ các dự án xây dụng hạ tầng cơ sở cho các quốc gia Á, Âu, và Phi Châu; nhưng giới kinh tế tài chánh quốc tế cho rằng BRI là một “… bẫy nợ được [Bắc Kinh] giăng ra…để tìm cách lệ thuộc hóa các nước khác” bằng cách “… bóp nghẹt các nước nghèo bằng những món nợ ngày [càng] phòng [phồng] lên , thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn không khả thi về mặt kinh tế.” [3, 4]  Như vậy, LMC có phải là miếng mồi ngon trong bẫy hay không?  Bài viết này nhằm mục đích trả lời câu hỏi đó.
Chương trình hợp tác Lancang-Mekong
Hình 3 - Lãnh đạo các quốc gia trong Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ hai tại Phnom Penh, Cambodia [Ảnh: AFP]
Đến ngày 10 tháng 1 năm 2018, Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ hai – với chủ đề “Dòng sông Thanh bình và Phát triển khả chấp của chúng ta (Our River of Peace and Sustainable Development)” - được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Cambodia.  Phiên họp phê chuẩn Tuyên ngôn Phnom Penh (Phnom Penh Declaration), Kế hoạch Hành động 2018-2022 (5-Year Plan of Action), danh sách thứ hai các dự án hợp tác sẽ được thực hiện, và việc điều hành các dự án được Quỹ Đặc biệt LMC (LMC Special Fund) - với số vốn 300 triệu USD (Mỹ Kim) – tài trợ [5].
Tuyên ngôn Phnom Penh [6] bổ sung cho Tuyên ngôn Sanya 2016 và đề ra những biện pháp để hợp tác trong các lãnh vực sau đây:
  1. Chánh trị và An ninh
  • Khuyến khích việc trao đổi và đối thoại giữa các đảng phái chánh trị, quốc hội, và viên chức chánh phủ; 
  • bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực trên nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nhau; 
  • tăng cường đối thoại và hợp tác trong việc thi hành luật pháp để đối phó với những vấn đề an ninh bất bình thường; 
  • tăng cường hợp tác trong việc phòng chống thiên tai, viện trợ nhân đạo, cứu xét ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nước, và năng lượng; và 
  • trao đổi dữ kiện.
  1. Kinh tế và Phát triển khả chấp
  • Tăng cường sự liên kết (connectivity) giữa các quốc gia vùng LMC và các vùng khác qua một kế hoạch liên kết LMC để thúc đẩy việc phát triển trong nhiều lãnh vực;
  • nghiên cứu khả năng thiết lập một hành lang kinh tế (economic corridor) trong vùng;
  • khuyến khích hợp tác kinh tế xuyên quốc gia; hình thành một “Kế hoạch Hành động cho việc Hợp tác Khả năng Sản xuất giữa các quốc gia LMC” chú trọng vào việc đầu tư hạ tầng cơ sở có phẩm chất cao;
  • tăng cường việc quản trị khả chấp và sử dụng tài nguyên nước qua việc đối thoại về chánh sách, chia sẻ dữ kiện, hợp tác và trao đổi kỹ thuật;
  • thu hút thành phần tư nhân, đặc biệt là SME (Small or Medium Enterprise (Doanh nghiệp Nhỏ hoặc Trung bình)) và doanh nhân trẻ, trong việc đầu tư và cơ hội kinh doanh trong các quốc gia LMC; 
  • khuyến khích thêm sự hợp tác trong lãnh vực tài chánh; chú trọng đến việc gia tăng các dự án nghiên cứu và phát triển chung; 
  • khuyến khích phát triển xanh và khả chấp qua việc hình thành Chiến lược Hợp tác Môi trường Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Environmental Cooperation Strategy) và Kế hoạch Lancang-Mekong Xanh (Green Lancang-Mekong Plan); và 
  • thành lập Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Agriculrural Cooperation Center) ở Trung Hoa.
  1. Xã hội, Văn hóa và Trao đổi Dân với Dân (People-to-People Exchanges)
  • Khuyến khích gia tăng việc cam kết và hợp tác trong các sáng kiến liên kết dân với dân;
  • ủng hộ giới hàn lâm và những người có quan tâm đóng một vai trò thực tiễn và một gạch nối trong việc phát triển nhân lực và xây dựng một thế hệ công nhân có khả năng cạnh tranh cho vùng LMC;
  • tăng cường việc trao đổi văn hóa giữa các quốc gia;
  • tăng cường hợp tác du lịch qua việc thành lập Liên minh Hợp tác các Thành phố Du lịch Mekong-Lancang (Mekong-Lancang Tourist Cities Cooperation Alliance); và
  • cứu xét một mô hình trao đổi hợp tác trí thức bao gồm chánh phủ, giới kinh doanh, giới hàn lâm và các tổ chức nghiên cứu (think tank), truyền thông, phụ nữ và giới trẻ.
  1. Hỗ trợ việc hợp tác
  • Tiếp tục cứu xét các phương thức để tối ưu hóa khung hợp tác hiện hữu gồm có Phiên họp cấp Lãnh đạo, Phiên họp các Ngoại trưởng (Foreign Ministers’ Meeting (FMM)), Phiên họp các Viên chức Cao cấp (Senior Officials’ Meeting (SOM)) và Phiên họp Ngoại giao và Nhóm Công tác Hỗn hợp (Diplomatic and Sectorial Joint Working Group Meeting);
  • tăng cường việc liên lạc và phối hợp giữa các văn phòng LMC quốc gia và các đơn vị phối hợp của các quốc gia LMC;
  • chấp thuận Kế hoạch Hành động 5 năm của LMC (2018-2020) được dùng như tài liệu hướng dẫn và vạch đường lối cho việc phát triển LMC trong thời đại mới;
  • hoan nghênh Thông cáo chung của các Ngoại trưởng LMC về việc Tăng cường Hợp tác Kinh tế Xuyên Biên giới (Strengthening Cross Border Economic Cooperation);
  • sử dụng toàn thể Quỹ Đặc biệt LMC và vận dụng các nguồn tài chánh khác từ các chánh phủ, giới kinh doanh và các tổ chức tài chánh quốc tế; và
  • tạo một thương hiệu cho LMC như là một thực thể qua sự nhất trí đế làm nhẹ bớt việc phục vụ tập thể và các hoạt động thông tin đại chúng khác.
Miếng mồi ngon trong bẫy
Dự án Phát triển Cảng Hambantota ở Sri Lanka
Trong bài phóng sự điều tra ngày 25 tháng 6 năm 2018, nhật báo New York Times ở Hoa Kỳ đã “…vạch trần được thủ đoạn gọi là ‘bẫy nợ’ mà Trung Quốc giăng ra để lừa những nước gặp khó khăn…” với miếng mồi ngon là các khoản tiền vay mượn khổng lồ, “… để rồi sau đó khi con nợ không trả được thì bắt bí, đòi nhượng những vùng đất hay cơ sở chiến lược, và chấp nhận làm theo Trung Quốc trên nhiều điểm, tựu trung là để mất chủ quyền vào tay Bắc Kinh”.  Trường hợp điển hình của thủ đoạn này là Dự án Phát triển Cảng Hambantota ở Sri Lanka [7].
Hình 4 - Cảng Hambantota ở Sri Lanka [7]
Vào năm 2005, ông Mahanda Rajapakse lên nắm quyền và chấm dứt tình trạng nội chiến trong nhiều năm bằng cách thảm sát hàng ngàn người Tamoul.  Vì thế, Sri Lanka ngày càng bị cô lập do những lời tố cáo vi phạm nhân quyền và ”... đã phải dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ về mặt kinh tế, quân sự, cũng như hậu thuẫn về chính trị ở Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn khả năng Sri Lanka bị trừng phạt”.  Năm 2007, phe nắm quyền đã yêu cầu Trung Hoa trợ giúp để xây dựng một thương cảng ở Hambantota nằm trên bờ biển phía nam Sri Lanka.  Mặc dù các nghiên cứu khả thi đều kết luận rằng dự án Hambantota không sinh lợi, Trung Hoa đã tháo khoán cho Sri Lanka khoản tín dụng 307 triệu đô la vào năm 2010, với điều kiện là công trình phải được giao cho công ty China Harbor của Trung Hoa thực hiện.  ”Hai năm sau lần vay đầu tiên, ông Rajapakse lại được một khoản tín dụng mới, nhưng với điều kiện là tỷ lệ lãi suất khoản vay trước phải tăng lên 6,3%, một tỷ lệ rất cao”.
Tháng Giêng 2015, Tổng thống (Tth) Rajapakse bất ngờ triệu tập bầu cử trước thời hạn.  Mặc dù được Trung Hoa tài trợ cho cuộc vận động tranh cử, người dân Sri Lanka đã loại bỏ ông Rajapakse và bầu cho ông Maithripala Sirisena.  Vừa nhậm chức, Tth Sirisena phải giải quyết một núi nợ tích lũy từ trước.  ”Dưới áp lực nặng nề và sau nhiều tháng đàm phán, Chính phủ đương nhiệm tại Sri Lanka đã phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm, cộng thêm với 6.000 ha đất xung quanh”.
Dự án sông Vàm Cỏ (Vaico) ở Cambodia
Dự án sông Vàm Cỏ nhằm mục đích dẫn tưới cho 300.000 ha đất trong các tỉnh Prey Veng, Svay Rieng và Kampong Cham ở phía đông Cambodia [8]. Dự án gồm có 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn trị giá 100 triệu USD (Mỹ Kim).  Giai đoạn 1 được khởi công trong năm 2013. Dự án sẽ dẫn nước sông Mekong để tưới cho 108.300 ha ruộng lúa trong mùa mưa và 27.100 ha ruộng lúa trong mùa khô. Các con kinh của dự án – được xem là một dự án phục hồi hạ tầng cơ sở hiện có – ”... sẽ được phục hồi từ Koh Sotin trong tỉnh Kampong Cham cho đến Sithor Kandal trong tỉnh Prey Veng (13 km) và từ Sithor Kadal đến Kamchay Mea trong tỉnh Preyveng (27 km)”.  Theo Bộ trưởng Thủy lợi Cambodia Lim Kean Hor, kích thước thiết kế của kinh thật vĩ đại, với chiều rộng từ 44 đến 55 m và chiều sâu tư 18 đến 25 m, đáp ứng mục đích thứ hai của dự án là ”thủy vận”.  Đây là một dự án thủy nông khổng lồ và là một kế hoạch lớn nhất của Cambodia từ trước cho cho đến nay, ngang với một vài kế hoạch trong mơ dưới thời Dân chủ Kampuchia vào cuối thập niên 1970.
Hình 5 - Dự án sông Vàm Cỏ ở Cambodia [8]
Để tài trợ cho dự án, Cambodia phải vay một món nợ ODA (Official Development Assistance (Trợ giúp Phát triển chánh thức) trị giá 200 triệu USD trên căn bản chuyển nhượng từ Trung Hoa, thông qua Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Hoa (Export-Inport Bank of China).  Một vài chi tiết về khoản nợ được đăng trên trang AidData như lãi suất, đáo hạn và thời biểu.  Vào tháng 5 năm 2014, nhà thầu xây dựng dự án – Công ty Xây dựng Hải ngoại Quảng Đông (Guangdong Foreign Construction Co. Ltd (GFCC)) của Trung Hoa – cho biết đã hoàn tất 60% dự án [9].  Đến ngày 25 tháng 4 năm 2015, GFCC thông báo rằng họ đã hoàn tất 91,6% giai đoạn 1 gồm có “… công tác chánh yếu của dự án thủy nông Vaico là việc xây dựng 2 hệ thống kinh chánh có chiều dài 70 km, 40 km đường hầm khảo sát nước, cửa xả nước cho đập ngừa lụt, kinh dẫn tưới, đường hầm thoát nước, và các cống.”
Theo sự quan sát của phóng viên David Blake và các nghiên cứu trước đây, đất đai trong vùng dự án không thích hợp cho việc trồng lúa (không giữ nước, độ mặn cao và cằn cỗi).  Nhưng Khmer Rouge – thiếu hiểu biết về những nguyên tắc căn bản của thủy học, địa hình, địa chất, các giới hạn sinh thái và nông nghiệp và các chướng ngại trong việc dẫn tưới – đã không ngần ngại xây dựng dự án dẫn thủy ở phía bắc của Sithor Kandal.  Dự án này bị bỏ hoang vì không thể hoạt động. Dự án sông Vàm Cỏ dường như đang đi theo vết xe của dự án do Khmer Rouge thực hiện trước đây. Ở đầu kinh bên phải là một cửa điều hòa nước (water gate) bằng bê tông vừa mới xây, nhưng không thể hoạt động vì không có điện để nâng các cửa.  Vào tháng 3 năm 2007, chỉ có một vũng nước đục ở đáy kinh vẫn còn dang dở, gây nghi ngờ về hiệu quả của dự án mà nhà thầu cho biết đã hoàn tất trên 90% khoảng 2 năm về trước [8].
Hình 6 - Cửa điều hòa nước của dự án sông Vàm Cỏ [8]
“Khác với những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn do nước ngoài tài trợ, sự vắng mặt khác thường của những tấm bảng ghi các chi tiết căn bản của dự án như nguồn viện trợ ngoại quốc, cơ quan thực hiện dự án của Cambodia (có lẽ là MOWRAM (Ministry of Water Resources and Meteorology) Bộ Thủy lợi và Khí tượng), và nhà thầu thiết kế và xây cất.  Có lẽ giới thẩm quyền hơi rụt rè vì qui mô tài trợ của dự án và chỉ chấp thuận nếu người dân ở địa phương, khách qua đường tò mò và người thụ thuế được giữ trong bóng tối về nguồn gốc của nó (rốt cuộc, họ sẽ trả món nợ 200 triệu USD cho Trung Hoa). Hay có lẽ nó được xem như là một thủ tục thông thường cho các công trình thủy nông được viện trợ phát triển hải ngoại của Trung Hoa tài trợ?” [8]
Dự án Khu Du lịch Ven biển Dara Sakor ở Cambodia
Hình 7 - Khu Du lịch Ven biển Dara Sakor ở Cambodia [Ảnh: Internet]
Khu Du lịch Ven biền Dara Sakor (Dara Sakor Seashore Resort) trong tỉnh Koh Kong gần thành phố Sihanoukville của Cambodia bao gồm một sòng bài (casino) mang tên Angkor Wat trên Biển (Angkor Wat on Sea).  Đây có thể là khu du lịch lớn nhất trên thế giới, được khởi công vào năm 2008 và dự trù hoàn tất trong 25 năm, nhưng một khách sạn nhỏ và 3 sân golf 18 lỗ đã mở cửa và văn phòng được mở ở Phnom Penh ngày 31 tháng 3 năm 2015 [10].
“Câu lạc bộ đánh Golf Dara Sakor ở Cambodia là một câu lạc bộ đánh golf quốc tế đầu tiên có tổng cộng 54 lỗ; Sân Biển với 18 lỗ, Sân Núi với 18 lỗ, và Sân Nối với 18 lỗ.  Sân số 1, rộng 135 ha, là sân ven biển được chiếu sáng đầu tiên của quốc gia. Câu lạc bộ được trang bị hoàn toàn với các hội quán, một toán chuyên viên, các sân tập dượt, một khu nghỉ mát, và một trung tâm quản trị” [10].
Chi phi để hoàn tất khu du lịch được ước tính từ 3,8 đến 5 tỉ USD.  Union Group của Trung Hoa dẫn đầu dự án, mở mang khoảng 20% bờ biển của Cambodia, với một diện tích ít nhất là 36.000 ha (130 dặm vuông) trong huyện Botum Sakor và Kiri Sakor bao gồm một phần của Công viên Quốc gia (National Park) Botum Sakor gần Vịnh Thái Lan.  Quyền sử dụng đất dựa trên một hợp đồng cho thuê trong thời hạn 99 năm được ký kết trong tháng 4 năm 2008. Khu liên hợp rộng lớn này – rộng bằng phân nửa Singapore – cũng sẽ có một cảng cho tàu du lịch (cruise ship), một phi trường quốc tế, các sân đánh golf, nhà cho thuê (apartment) và các khách sạn để phục vụ cho du khách ngoại quốc.
“Ngày nay [5 tháng 6 năm 2018], nó là khu đô thị mở rộng ở một vùng xa xôi của Cambodia với các khách sạn gần như bỏ trống, các quầy rượu trên bãi biển bị bỏ hoang và một sòng bài còn dang dở.  Bên ngoài khu du lịch là những nền đất dự trù cho khu đầu tư chạy dài đến một cảng container – cả hai đều chưa hoàn tất và bất động” [11].
Việt Nam đã sập bẫy?
Trong tháng 6 vừa qua, người Việt – ở trong cũng như ở ngoài nước – đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật cho Trung Hoa thuê ba khu vực mang tầm chiến lược gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ba nơi này được gọi là Đặc khu Kinh tế. Thời gian thuê là 99 năm, tức là dài gần một thế kỷ mà trong thời gian đó Cộng sản Bắc Kinh có toàn quyền sử dụng và kiểm soát “đặc khu” theo ý của họ [12].
Hình 8 - Biểu tình ở Hà Nội ngày 10 tháng 6 năm 2018. [Ảnh: Reuters]
Ở Hà Nội, theo thông tín viên AFP, “… khoảng 40 đến 50 người tuần hành xung quanh Hồ Gươm, giương cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền cho Trung Quốc thuê đất. Công an thường phục câu lưu khoảng 20 người…   Riêng ở Sài Gòn, có một điều rất kỳ lạ là, đó là cuộc biểu tình mà tôi chưa bao giờ chứng kiến… Lúc này là 5 giờ chiều ở Việt Nam, cuộc biểu tình vẫn còn đang tiếp tục… lần này, không có một ai trong số những nhân vật mang tính hạt nhân xuất hiện, để có thể dự đoán trước được… nhiều nơi biểu tình bùng phát là bởi những người rất bình thường, vô danh.  Những lần trước khác lần này, đó là tính chính danh của việc bắt bớ lần này không có. Tính chính danh của lần này là người ta muốn toàn vẹn lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên… người ta kêu gọi rằng không được bán nước, không trở thành Việt gian và không làm nô lệ cho Tàu… Đó là thông điệp hoàn toàn khác hẳn…” [13]
Hình 9 - Biểu tình ở Sài Gòn ngày 10 tháng 6 năm 2018. [Ảnh: AFP]
Ngoài Hà Nội và Sài Gòn, hơn 5.000 người dân Nha Trang cũng đồng loạt xuống đường biểu tình chung cả nước [14].  Hàng ngàn người dân ở các tỉnh Hà Tỉnh, Đà Nẵng, Vinh “… tiếp tục xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối kế hoạch của chính phủ Hà Nội cho người nước ngoài đầu tư vào các đặc khu kinh tế… nhưng tại Phan Thiết đã biến thành bạo động đốt cháy Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận, trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy [Sở cứu hỏa] tại Phan Rí Cửa, cùng nhiều xe cộ” [15].
Hình 10 - Sở cứu hỏa Phan Rí Cửa bị đốt cháy sau cuộc biểu tình ngày 11/6/2018. [15]
Ở Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng 6 năm 2018, “… đông đảo đồng bào tại Orange County, California, thủ đô của người Việt tị nạn CSVN [Cộng sản Việt Nam], đã xuống đường biểu tình chống “Dự Luật Đặc Khu” của Quốc hội CSVN cho thuê đất 99 năm”.  Đoàn biểu tình “… xuất phát từ tôn tượng Đức Thánh Trần trên đường Bolsa, Westminster, đoàn người biểu tình đều có chung mục đích là nhằm góp thêm một tiếng nói với người dân trong nước vì nỗi đau mất nước không của riêng ai” [16].
Ở Đức, “đáp ứng lời kêu gọi và để bày tỏ sự đồng tâm của người Việt tị nạn Hải ngoại đối với lòng sôi sục của đồng bào trong nước trước luật Đặc Khu mà Quốc hội Việt Cộng (VC) dự định biểu quyết”, gần 200 người Việt tị nạn từ khắp nơi trên nước Đức đã tụ về Frankfurt am Main tham dự cuộc biểu tình vào sáng Chủ Nhật (10/06/2018) vừa qua trước lãnh sự quán VC.  Đặc biệt có sự tham dự của đồng hương từ Bỉ và Pháp. “Đồng hương tham dự biểu tình trong trật tự nhưng với khí thế quyết liệt bằng những khẩu hiệu lên án nhà cầm quyền CSVN đã cho thuê/bán những vị trí chiến lược đến 99 năm, nguy cơ sẽ dẫn đến việc xâm chiếm toàn cõi VN của Trung Cộng…  Xen kẽ những bài ca đấu tranh, lần lượt quý đại diện của tổ chức, hội đoàn, đoàn thể, nhân sĩ cộng đồng… đã lần lượt phát biểu nói lên nguy cơ của đất nước và dân tộc, cũng như mạnh mẽ lên án hành vi cho thuê/bán nước của tập đoàn lãnh đạo VC qua cái gọi là ‘Luật Đặc Khu’.  Đa số những lời phát biểu đã đồng cảm với nổi đau và an nguy của đất nước hiện nay.” [17]
Cộng đồng người Việt ở Úc cũng cùng đồng hành với người dân trong nước trong việc phản đối dự luật đặc khu kinh tế cho nước ngoài thuê đất và dự luật an ninh mạng.  Các cuộc biểu tình được tổ chức ở Canberra – thủ đô Úc – vào ngày 14 tháng 6 năm 2018 [18] và ở thành phố Melbourne vào ngày 6 và 16 tháng 6 năm 2018 [19, 20].
Nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay dường như đã sập “bẫy nợ” của Trung Hoa, tượng tự như Sri Lanka và Cambodia.  Tuy nhiên, để làm dịu bớt những làn sóng chống đối và chờ thời cơ thuận lợi, “Quốc hội Việt Nam vào ngày 11-6 hoãn bỏ phiếu thông qua dự luật về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 99 năm cùng các ưu đãi đặc biệt. Đây là dự thảo luật bị nhiều người Việt Nam phản đối và biểu tình để nói lên chính kiến của họ” [21]  Và nếu Việt Nam đã sập bẫy, không sớm thì muộn, Trung Hoa cũng sẽ đòi hỏi Việt Nam cho thuê đất dài hạn để trừ nợ!
Phần kết luận
LMC hình thành khi Thái Lan đưa ra sáng kiến cho việc phát triển khả chấp phân vùng Lancang-Mekong vào năm 2012.  Sáng kiến này được Trung Hoa đón nhận tích cực. Đến tháng 11 năm 2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Hoa-ASEAN lần thứ 17, ThT Li Keqiang của Trung Hoa đề nghị thiết lập một Khung Hợp tác Lancang-Mekong và được 5 quốc gia duyên hà còn lại hoan nghênh nhiệt liệt.
Vào ngày 23 tháng 3 năm 2016, Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ nhất được tổ chức tại Sanya, thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Hoa.  Phiên họp, với chủ đề “Chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai” – Cho một Cộng đồng Chia sẻ Hòa bình và Thịnh vượng trong Tương lai giữa các Quốc gia Lancang-Mekong, công bố Tuyên ngôn Sanya và chánh thức đưa ra cơ chế hoạt động cho LMC.  Đến ngày 10 tháng 1 năm 2018, Phiên họp Thượng đỉnh LMC lần thứ hai – với chủ đề “Dòng sông Thanh bình và Phát triển khả chấp của Chúng ta” - được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Cambodia. Phiên họp phê chuẩn Tuyên ngôn Phnom Penh, Kế hoạch Hành động 2018-2022, danh sách thứ hai các dự án hợp tác sẽ được thực hiện, và việc điều hành các dự án được Quỹ Đặc biệt LMC – với số vốn 300 triệu USD – tài trợ.  Tuyên ngôn Phnom Penh bổ sung cho Tuyên ngôn Sanya 2016 và đề ra những biện pháp để hợp tác trong các lãnh vực chánh trị và an ninh; kinh tế và phát triển khả chấp; xã hội, văn hóa và trao đổi dân với dân; và hỗ trợ việc hợp tác.
LMC có thể là một nhánh trong “Con đường Tơ lụa Mới” tên gọi nôm na của BRI mà Chủ tịch Trung Hoa Xi Jinping đã không tiếc công sức quảng cáo.  Mục đích của BRI là tài trợ các dự án xây dụng hạ tầng cơ sở cho các quốc gia Á, Âu, và Phi Châu; nhưng giới kinh tế tài chánh quốc tế cho rằng BRI là một bẫy nợ được Bắc Kinh giăng ra để tìm cách lệ thuộc hóa các nước khác, bằng cách bóp nghẹt các nước nghèo với những món nợ ngày càng phồng lên để thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn không khả thi về mặt kinh tế; rồi sau đó khi con nợ không trả được thì bắt bí, đòi nhượng những vùng đất hay cơ sở chiến lược, và chấp nhận làm theo Trung Quốc trên nhiều điểm, tựu trung là để mất chủ quyền vào tay Bắc Kinh.  Trường hợp điển hình của thủ đoạn nầy là Dự án Phát triển Cảng Hambantota ở Sri Lanka, Dự án sông Vàm Cỏ và Dự án Khu Du lịch Ven biển Dara Sakor ở Cambodia. Sri Lanka và Cambodia đã cho Trung Hoa thuê cảng Hambantota và Khu Du lịch Ven biển Dara Sakor trong thời hạn 99 năm.
Nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay dường như đã sập “bẫy nợ” của Trung Hoa, tượng tự như Sri Lanka và Cambodia.  Để làm dịu bớt những làn sóng chống đối và chờ thời cơ thuận lợi, Quốc hội Việt Nam vào ngày 11 tháng 6 đã hoãn bỏ phiếu thông qua dự luật về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 99 năm cùng các ưu đãi đặc biệt.  Và nếu Việt Nam đã sập bẫy, không sớm thì muộn, Trung Hoa cũng sẽ đòi hỏi Việt Nam cho thuê đất dài hạn để trừ nợ!
Hình 14 - Suy tư của giới trẻ Việt Nam [12]
N.M.Q.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California và Florida.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công Chánh/Thủy lợi (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu năm 2016.
Tài liệu tham khảo
[1] Lancang-Mekong Cooperation China Secretariat. December 13, 2017. “A Brief Introduction of Lancang-Mekong Cooperation.” Lancang-Mekong Cooperation. http://www.lmcchina.org/eng/gylmhz_1/jj/t1519110.htm
[2] Lancang-Mekong Cooperation China Secretariat. March 23, 2016. “Sanya Declaration of the First Lancang-Mekong Cooperation (LMC) Leaders’ Meeting - For a Community of Shared Future of Peace and Prosperity among Lancang-Mekong Countries.” Lancang-Mekong Cooperation. http://www.lmcchina.org/eng/zywj_5/t1513793.htm
[3] Thụy Mi. 12 tháng 4 năm 2018. “IMF lo ngại các nước lọt bẫy nợ Trung Quốc.” RFI. http://vi.rfi.fr/chau-a/20180412-con-duong-to-lua-moi-imf-lo-ngai-cac-nuoc-lot-bay-no-trung-quoc
[4] Mai Vân. 17 tháng 7 năm 2018. “Con Đường Tơ Lụa: Thủ đoạn của Trung Quốc bắt nước khác phụ thuộc.” RFI. http://vi.rfi.fr/chau-a/20180717-con-duong-to-lua-thu-doan-le-thuoc-hoa-nuoc-khac-cua-trung-quoc
[5] Chheang Vannarith. January 11, 2018. “Lancang-Mekong Cooperation Summit: The key agenda.” Khmer Times. https://www.khmertimeskh.com/50101327/lancang-mekong-cooperation-summit-key-agenda/
[6] Office of the Council Ministers (OCM). January 11, 2018. “Phnom Penh Declaration of the Second Mekong-Lancang Cooperation (MLC) Leaders’ Meeting ‘Our River of Peace and Sustainable Development’” OCM. http://pressocm.gov.kh/en/archives/21699
[7] Mai Vân. 3 tháng 7 năm 2018. “Báo Mỹ vạch trần cách Trung Quốc gài bẫy thâu tóm Sri Lanka.” RFI. http://vi.rfi.fr/chau-a/20180703-bao-my-vach-tran-cach-trung-quoc-gai-bay-thau-tom-sri-lanka-ok
[8] David Blake. May 30, 2017. “Take Cambodian Irrigation to the Extremes: The Vaico River Project.”  East by Southeast. http://www.eastbysoutheast.com/taking-cambodian-irrigation-to-the-extremes-the-vaico-river-project/
[9] Guangdong Foreign Construction Co. Ltd (GFCC). May 30, 2014. “60% of VAICO Irrigation Project in Cambodia has been completed with Concessional Loan by China.”  GFCC. http://www.gdfc.cc/en/news.aspx?info_id=454&info_kind=3
[10] World Casino Directory.  No date. “Dara Sakor Seashore Resort Review.” World Casino Directory. https://www.worldcasinodirectory.com/casino/cambodia-dara-sakor-seashore-resort-casino
[11] Brenda GohPrak Chan Thul. June 5, 2018. “In Cambodia, stalled Chinese casino resort embodies Silk Road secrecy, risks.” Reuters. https://www.reuters.com/article/us-iran-nuclear-usa-rouhani/irans-rouhani-warns-trump-about-mother-of-all-wars-idUSKBN1KC07Z
[12] Nhật báo Viễn Đông. 7 tháng 6 năm 2018. “Biểu tình chống dự luật Đặc Khu Kinh Tế bán nước cho Trung Cộng.”  Nhật báo Viễn Đông. http://www.viendongdaily.com/bieu-tinh-chong-du-luat-dac-khu-kinh-te-ban-nuoc-cho-trung-cong-gAFrOaid.html
[13] Trọng Thành. 10 tháng 6 năm 2018. “Việt Nam: Biểu tình ở nhiều nơi phản đối dự luật 3 đặc khu.” RFI. http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180610-viet-nam-bieu-tinh-o-nhieu-noi-phan-doi-du-luat-3-dac-khu
[14] Việt Nam Thân Yêu Lạc Hồng. 10 tháng 6 năm 2018. “Hơn 5.000 người dân Nha Trang Khánh Hòa đã đồng loạt xuống đường biểu tình chung cả nước.” Việt Nam Thân Yêu Lạc Hồng.  https://www.youtube.com/watch?v=cA3IlXDLppg&t=67s
[16] Lâm Hoài Thạch & Quốc Dũng. 9 tháng 6 năm 2018. “Quốc nội và hải ngoại cùng một lòng chống CSVN lập đặc khu.”  Nhật báo Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/quoc-noi-va-hai-ngoai-cung-mot-long-chong-csvn-lap-dac-khu/
[17] Nhật báo CaliToday. 13 tháng 6 năm 2018. “Đức: biểu tình phản đối cho Trung cộng thuê đất 99 năm & Dự Án An Ninh Mạng.” Nhật báo CaliToday. https://www.baocalitoday.com/cong-dong/duc-bieu-tinh-phan-doi-cho-trung-cong-thue-dat-99-nam-du-an-an-ninh-mang.html
[18] SBTN. 14 tháng 6 năm 2018. “Biểu tình phản đối luật đặc khu & an ninh mạng tại Canberra, Úc.” SBTN. https://www.sbtn.tv/bieu-tinh-phan-doi-luat-dac-khu-an-ninh-mang-tai-canberra-uc/
[19] SBS. 10 tháng 6 năm 2018. “Springvale, Melbourne: Người Việt xuống đường chống Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng Việt Nam.” SBS. https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/springvale-melbourne-nguoi-viet-xuong-duong-chong-du-luat-dac-khu-va-du-luat-ninh-mang?language=vi
[20] Nguyễn Quang Duy. 16 tháng 6 năm 2018. “Úc Châu đồng loạt biểu tình phản đối Đặc Khu.” Việt Báo. https://vietbao.com/a282239/uc-chau-dong-loat-bieu-tinh-phan-doi-dac-khu
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.