Buông bỏ
23-8-2018
Thông tin ông Trương Quý Dương, giám đốc Bệnh viên Đa khoa Hoà bình thời gian xảy ra thảm hoạ y khoa rúng động thế giới, bị truy tố, đã làm cho nhiều người cảm thấy vui.
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Nỡ lòng nào mà các bác sĩ, nhân viên y tế lại có thể vui mừng khi một đồng nghiệp bị sa vào vòng lao lí. Đã có bạn cho rằng chúng ta cần phải tập buông bỏ, khi có người tỏ vẻ hả hê với thông tin ông Trương Quý Dương bị truy tố.
Nhưng tôi hiểu khác. Tôi cho rằng không có bác sĩ, nhân viên y tế nào lại nhẫn tâm khi đồng nghiệp mình mắc nạn cả. Bằng chứng là cả ngành y đã sôi sục lên bảo vệ cho BS Lương. Không chỉ ngành y, các luật sư, giới truyền thông, và đông đảo người dân, đặc biệt là toàn bộ gia đình các nạn nhân thảm hoạ, đều tìm mọi cách để minh oan cho BS Lương.
Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa BS Hoàng Công Lương và BS Trương Quý Dương? Bỏ qua các khác biệt về bằng cấp, chức vụ, sự khác biệt lớn nhất giữa hai ngượi này là vai trò của họ trong thảm hoạ y khoa Hoà bình, và thái độ của họ sau đó.
Khi thảm hoạ mới xảy ra, tôi nghĩ ngay đến sự xui xẻo. Thậm chí, khi có kết luận là sốc phản vệ, tôi vẫn còn bán tín bán nghi. Nhưng mọi chuyện dần sáng tỏ. Đó là sự cẩu thả, coi thường sinh mạng người bệnh của cả một hệ thống. Và người đứng đầu hệ thống ấy là ông Trương Quý Dương. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy, nếu ông Trương Quý Dương khi ấy đứng ra nhận lỗi, thể hiện sự sám hối, thì có lẽ ai cũng thể hiện sự thông cảm với ông ta.
Nhưng không, ông Dương đã không làm như vậy. Ông ta đã tìm cách thoái thác tội lỗi, đổ tội cho cấp dưới, ông đã ung dung đi sang Canada, để BS Lương ra hầu toà thay ông. Trước đó, ông đã cố tình dàn xếp, sửa chữa hồ sơ, sửa chữa sổ giao ban, rắp tâm đẩy BS Lương vào tù thế chỗ cho ông.
Có lẽ cả ông Trương Quý Dương và những người bao che cho ông ấy đã không tính đến khả năng, là BS Hoàng Công Lương có một đội ngũ luật sư vừa giỏi nghề, vừa có tâm. Đồng thời, lại nhận được sự hậu thuẫn của đồng nghiệp, của xã hội, và của cả gia đình các nạn nhân thảm họa. Họ không dự trù rằng phiên tòa sẽ kéo dài, và phải điều tra lại, để sắp xếp lịch trở về cho ông Trương Quý Dương.
ÔngTrương Quý Dương đã không hành xử như một con người đàng hoàng, ông đã không hành xử như một thầy thuốc chân chính, ông đã tự biến mình thành kẻ đối lập với đồng nghiệp. Cùng với những kẻ giúp sức cho ông trong hệ thống tư pháp Hoà Bình, ông đã góp phần bẻ cong công lí, lấy tay che trời. Ông cùng với những kẻ xấu xa trong hệ thống tư pháp Hoà bình đã coi thường cả xã hội, đã coi tất cả chúng ta như những kẻ ngu, để tự múa tay trong bị mà nhào nặn vụ án.
Thế cho nên, sự hả hê khi nghe tin ông Trương Quý Dương bị truy tố là sự hả hê khi một phần công lí đã không bị bẻ cong. Đó không phải sự ác độc, là tâm lí thù địch mà cần phải buông bỏ. Đó có thể được coi là thắng lợi bước đầu của những người đang tin và đấu tranh cho công lí.
Sự vui mừng là vui mừng khi cuộc đấu tranh đã giành được một thắng lợi nhất định. Nếu chúng ta thông cảm cho ông Trương Quý Dương, buông bỏ mọi sự đấu tranh trong tâm thế như vậy, thì đến bao giờ các bệnh viện khác, các hệ thống khác mới thực sự trở thành an toàn? Đến bao giờ thì sinh mạng của người dân mới thôi không bị coi thường, vì những lợi lộc vật chất của những kẻ nắm giữ quyền lực trong y tế?
Ông Trương Quý Dương hoàn toàn không xứng đáng là một con người có văn hóa, có giáo dục, chứ đừng nói đến việc ông xứng đáng là một đồng nghiệp trong gia đình y khoa Việt nam.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một thắng lợi nhỏ. BS Hoàng Công Lương vẫn bị truy tố. Ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn, người chịu trách nhiệm thứ hai sau ông Trương Quý Dương vẫn ung dung tại ngoại. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh cho công lí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.