Khi thầy giáo phải đớn hèn
1-7-2018
Cách hành xử của ông Phạm Tấn Hạ với em sinh viên Trương Thị Hà là một mũi tên bắn thẳng vào lương tâm các Thầy Cô giáo. Bao con tim của những người làm Thầy đang rỉ máu. Những giọt máu lương tâm dứt day đến ngàn lần: Tại sao Thầy giáo phải đớn hèn?
BIẾT LẼ PHẢI LÀ BIẾT LUẬT
Trong số bao nhiều điều cần dạy cho học trò, điều quan trọng thuộc lớp bậc nhất là biết bảo vệ lẽ phải. Tất cả các kiến thức một đời theo học, cuối cùng cũng chỉ để phân biệt chân lý, phân biệt đúng sai, phân biệt phải trái. Vì bảo vệ lẽ phải mà không thể bẻ cong công lý. Vì bảo vệ lẽ phải mà không lóa mắt trước tiền bạc. Vì bảo vệ lẽ phải mà không khuất phục trước cường quyền.
Luật sinh ra để bảo vệ lẽ phải. Biết lẽ phải là biết luật. Ông Phạm Tấn Hạ chỉ cần biết bảo vệ lẽ phải thì tự khắc luật sẽ theo đó mà hiện ra.
THẦY LÀ ĐIỂM TỰA CỦA HỌC TRÒ
Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy. Từ ngàn xưa người Thầy chỉ đứng sau Bố Mẹ.
Một chữ cũng là Thầy. Nửa chữ cũng là Thầy. Không dạy cũng là Thầy. Đó là đạo lý muôn đời của học trò đối với các bậc Thầy Cô giáo.
Cho nên em Trương Thị Hà tôn xưng ông Phạm Tấn Hạ là Thầy bất chấp ông Hạ có dạy em Hà hay không.
Nhưng đau xót thay, vào thời điểm Thầy phải có nghĩa vụ bảo vệ lẽ phải, chứ không phải nhờ Thầy cứu giúp, thì Thầy đã đớn hèn.
Một xã hội mà Thầy giáo không còn là điểm tựa của học trò, một xã hội mà Thầy giáo phải đớn hèn không dám bảo vệ lẽ phải, thì đó là dấu hiệu tận cùng của sự băng hoại. Đó không chỉ là nỗi đau của Thầy Cô giáo. Đó là tiếng kêu cứu cho sự bừng sinh một xã hội mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.