Bức chân dung đẹp nhất hay ông vua chột và họa sĩ
Văn Biển
1-7-2018
Có một ông vua độc tài nọ muốn có một bức chân dung của mình để lưu truyền hậu thế. Nhà vua ra lệnh bức tranh phải được vẽ đẹp và thật. Các họa sĩ trong nước đều lúng túng vì nếu vẽ thật thì không thể nào đẹp được bởi nhà vua bị chột. Dù xấu xí thì họa sĩ bất tài cũng có thể bằng cách này, cách nọ, hoặc dùng màu sắc hay bóng sáng tối che lấp đi được. Nhưng một mắt chột thì… quả là một lời thách đố. Khó hơn tìm ra một Châu Mỹ thứ hai.
Dẫu sao họa sĩ đầu tiên đã phải tới. Sau mấy ngày miệt mài vẽ đi vẽ lại cuối cùng bức tranh cũng hoàn thành. Mọi người đều khen không những bức tranh giống đức vua mà còn lột tả một cách tài tình thần thái của người mẫu. Con mắt chột cũng được ngọn bút tài hoa của họa sĩ diễn tả một cách trung thực.
Một tác phẩm như thế tất nhiên sẽ bị đức vua sổ toẹt. Đức vua không muốn chân dung mình xấu. Họa sĩ bị phạt về tội khi quân.
Họa sĩ thứ hai tới. Người tới sau bao giờ cũng có cơ may hơn người tới trước, vì biết rút ra được bài học.
Song cái khó vẫn là… con mắt chột. Để khỏi phải vẽ nó như thật, họa sĩ vẽ đức vua đang ngủ. Lúc ngủ thì mắt ai cũng như nhau. Họa sĩ xoa tay tự bằng lòng: Ừ, mình khôn thật. Bức tranh được hoàn thành nhanh chóng. Họa sĩ đinh ninh đức vua sẽ bằng lòng. Nhiều người xem tranh khen họa sĩ sáng ý. Nhưng rồi tác phẩm cũng bị đức vua gạt bỏ. Đức vua phán:
Ta phải thức! Dẫu còn một mắt ta cũng phải thức để trông coi đất nước và ngai vàng. Ngươi phải biết điều đó chứ!
Họa sĩ thứ ba được triệu tới. Vợ con bạn bè lo lắng. Liệu tài năng ông có hơn hai người kia không. Bà vợ hỏi. Tôi có cách của tôi bà khỏi lo đi.
Bạn bè góp ý. 36 cách, cách tốt nhất ông nên cáo bệnh hoặc trốn ngay đi.
Xin mọi người cứ an tâm. Họa sĩ nói. Tôi đi vài hôm lại về. Ông hôn vợ con và từ biệt bạn bè.
Họa sĩ tới Kinh Đô gặp đức vua.
Như có thần linh giúp đỡ, sau mấy ngày làm việc căng thẳng, một hôm họa sĩ bỗng kêu lên: Ôi Thần đã tìm ra rồi. Họa sĩ vui sướng như lúc Arcimet tìm ra được định luật nổi tiếng khi nhà vật lý đang trong bồn tắm. Họa sĩ vẽ đức vua ở tư thế nhìn nghiêng. Con mắt chột xấu xí được họa sĩ khôn khéo giấu đi khỏi phải đưa vào tác phẩm. Và tất nhiên bức tranh được nhà vua đánh giá cao.
Giỏi, giỏi ngươi xứng đáng là họa sĩ tài ba. Đức vua nói.
Họa sĩ trở về quê với phần thưởng lớn. Mọi người tới chúc mừng. Và tất nhiên sau đó câu hỏi được đặt ra.
Vậy ông vẽ theo trường phái nào? Mọi người náo nức chờ câu trả lời.
Theo trường phái hiện thực một nửa. Họa sĩ trả lời.
Mọi người đều lạ lẫm. Từ cổ chí kim chưa nghe ai nói tới trường phái đó.
Vậy ông học được nó ở đâu?
Ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Mọi người cười ồ. Quả là quá đơn giản. Cái tốt bày ra, cái xấu đậy lại.
Hóa ra trong nhiều cái dở, đôi khi có cái dở cũng có ích. Ít nhất cứu một họa sĩ thoát nạn(1).
______
(1) Trích trong tập truyện ngắn:“Chiếc bóng của tôi” (Văn Biển) chưa xuất bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.