Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Phiên tòa của Hoàng Bình

Phiên tòa của Hoàng Bình

6-2-2018
Hoàng Bình (trái) và Nguyễn Nam Phong. Ảnh: Báo Nghệ An
Hôm nay xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Đức Bình với hai tội danh, Chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS 1999) và Lợi dụng quyền tự do dân chủ (Điều 258 BLHS 1999) và Nguyễn Nam Phong về tội Chống người thi hành công vụ (Điều 257).
Tại phần tranh tụng, các luật sư yêu cầu Toà án tiến hành trình chiếu công khai và thẩm tra các chứng cứ buộc tội là 12 video mà Cơ quan điều tra thu thập từ facebook “Hoang Binh”. Tuy nhiên, một lần nữa, cũng tương tự vụ án của Trần Hoàng Phúc, Toà án từ chối việc công khai các chứng cứ này và chỉ dùng bản chuyển nội dung video sang bản chữ viết (không đầy đủ và bị cắt đoạn) để làm căn cứ cáo buộc đối với hai bị cáo. Trong các lời khai, tài liệu bút lục có trong hồ sơ, rõ ràng có liệt kê, ngoài 12 video nêu trên, còn có các video mà người làm chứng, người liên quan cung cấp. Tuy nhiên, các video này cũng không có bất kỳ nội dung nào được trích rút ra mà thể hiện nó có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tôi cũng yêu cầu toà án trình chiếu các bản video này cùng 12 video nêu trên, theo các Điều 15, Điều 26, Điều 108, Điều 395, Điều 313 và Điều 326 BLTTHS 2015, sửa đổi 2017. Nhưng tuyệt nhiên bị từ chối và không được xem xét giải quyết mà theo nghĩa vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo tuân thủ và thực hiện nghiêm minh việc này.
Về mặt cáo buộc, viện kiểm sát đã áp dụng sai về việc vận dụng luật pháp khi sử dụng 2 điểm làm tình tiết định khung liên quan đến Điều 257, tội chống người thi hành công vụ. Viện kiểm sát sử dụng điểm c (xúi giục người khác phạm tội) và điểm d (gây hậu quả nghiêm trọng) một cách đồng thời làm cấu thành mang tính định khung hình phạt tại khoản 2 điều luật này. Đây là việc áp dụng sai nghiêm trọng pháp luật. Vì trong trường hợp này, chỉ được dùng 1 tình tiết để định khung và một tình tiết còn lại làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vị đại diện viện kiểm sát không thể đối đáp được nội dung này về mặt học thuật.
Về mặt chứng cứ: như đã yêu cầu nêu trên, đề nghị toà án tiến hành công khai và thẩm tra tại phiên toà các video đã không được đáp ứng, tức đã vi phạm nghiêm trọng điều 31.2 Hiến pháp về nguyên tắc “không ai bị coi là có tội cho đến khi được chứng mình bằng trình tự luật định và có bản án của toà án có hiệu lực pháp luật” (nguyên tắc suy đoán vô tội). Lại thêm việc, tại phiên toà, tôi khai thác vào hai hình ảnh được trích ra từ các video mà toà án làm căn cứ để buộc tội các bị cáo, rằng, người thực thi công vụ đã từng đưa ra yêu cầu Nam Phong dừng xe vào ngày 14/92/2017 tren Quốc lộ 1A là đang nói dối ngay tại phiên toà, khi ba lần khẳng định không có chiếc lốp xe nào chắn trước đầu xe của Nam Phong (lý do khiến xe ô tô này không thể di chuyển theo yêu cầu của CSGT với vai trò người làm chứng tại toà hôm nay), trong khi hình ảnh tôi trưng ra tại phiên toà cho tất cả nhìn thấy thì rõ ràng có một chiếc lốp xe lớn nằm ngay trước mũi xe và sát gần nơi các vị cảnh sát này đang đứng (cũng đứng ngay trước phía đầu xe). Tiếp nữa, Nam Phong khai là có nhiều người mặc đồ dân sự đến phía đầu xe bẻ gãy cần gạt, tôi hỏi lại vị CSGT kia là có đúng như vậy và ông có thấy rõ việc đó không, thì vị CSGT đã khẳng định ngay là không có việc đó. Tôi lại trưng hình ảnh ra và chỉ rõ cho tất cả mọi người có mặt ở đó thấy rằng chiếc cần gạt đã bị gãy rất rõ ràng. Nên vị CSGT lại một lần nữa nói dối và khai báo không trung thực. Đó là lý do tôi lại một lần nữa yêu cầu Toà án phải thực hiện việc công khai và trình chiếu các video tại phiên toà để đảm bảo việc xem xét, đánh giá chứng cứ cũng như xác định được sự thật của vụ án – vì chúng ta không thể dùng bản nản chụp mặt trước ngôi nhà và bắt chúng ta phải tưởng tượng/hình dung ra toàn bộ bốn mặt căn nhà cũng như bên trong của nó có gì. Mặt khác, Nam Phong cũng khai, xe bị xịt lốp nên không thể di chuyển và sau đó bị các lực lượng chức năng cẩu về đồn và được thay lốp tại nơi này. Tôi đề nghị xác định rõ đơn vị đã thay lốp xe cho toà án để chứng tỏ đây là sự thật khách quan vì nó là một chứng cứ quan trọng khác chứng minh các bị cáo hoàn toàn không có ý chí chống người thi hành công vụ mà là do hoàn cảnh khách quan. Hơn nữa, nguyên nhân mà Nam Phong và Hoàng Bình không dám xuống xe vì hai lẽ: i) có nhiều người lạ mặt áp sát xe bẻ gương, bẻ cần gạt (đã được chứng minh) nhưng lực lượng cảnh sát không can thiệp nên những người trên xe rất lo sợ ra khỏi xe sẽ xảy ra sự nguy hiểm đối với tính mạng, sức khoẻ; và ii) có tình trạng hỗn loạn, xô xát và ném đã từ nhiều người ở phía ngoài nên để phòng vệ an toàn cho bản thân, họ không thể xuống xe lúc đó. Toà án đã hỏi vị CSGT là có việc thay hay sửa lốp xe tại đồn lúc cẩu xe về không, ông ta trả lời không. Tuy nhiên tôi đề nghị bác lời khai này vì như tôi đã chứng minh, ông ta không trung thực trong ít nhất hai tình tiết rất quan trọng của vụ án, mà trước đó, trước khi khai ông ta đã cam kết mọi lời khai của ông ấy là hoàn toàn trung thực. Tôi liên tục bị vị chủ toạ ngăt lời bào chữa và nhắc nhở để làm tôi phân tâm và để tôi nhanh kết thúc phần bào chữa của mình. Tuy nhiên, tôi đối đáp rằng toà án hãy tôn trọng quyền bào chữa của tôi, quan điểm và sự đánh giá của tôi về chứng cứ nhằn chứng minh cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo cùng với nguyên tắc suy đoán vô tội mà bị cáo được hưởng. Tôi lại tiếp tục biện hộ cho bị cáo.
Về vấn đề ý chí có chống người thi hành công vụ hay không như vậy đã được làm rõ.
Đối với tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng vì chiếc xe ô tô do Nam Phong lái dừng đỗ giữa đường và không nghe hiệu lệnh của CSGT nên gây ách tắc giao thông. Các tài liệu, lời khai của chính những cơ quan mặt trận, uỷ ban, công an xã, đến chính các cán bộ của công an tỉnh Nghệ An, của Cục Quản lý giao thông đường bộ, đường sắt, những người liên quan, người làm chứng, tôi trích dẫn một loạt các bút lục mà ở đó nêu rõ hai vấn đề lớn chứng minh sự vô tội của các bị cáo: Thứ nhất, việc tắc đường xảy ra là do đoàn người đi bộ, đi xe máy, đi ô tô đi khiếu kiện lên tới khoảng hơn 500 người với băng rôn, cờ ngũ sắc đi dàn hàng 3, hàng 4 ra đường nên khiến giao thông ách tắc; Thứ hai, các lời khai thể hiện, khoảng thời gian tắc đường xảy ra, về nguyên nhân là do như vừa nêu ở trên, diễn ra bắt đầu trong khoảng thời gian từ khoảng 15 giờ cho đến 15 giờ 30. Còn chiếc xe ô tô do Nam Phong lái (Hoàng Bình ngồi ghế phụ) xuất hiện, và buộc dừng lại vì lý do khách quan như đã trình bày, từ khoảng sau 15 giờ 30 phút. Cho nên không thể cáo buộc hậu quả nghiêm trọng (ách tắc giao thông) cho một nguyên nhân không liên quan đến hậu quả đó. Tức không có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của nó. Bởi vậy, hai bị cáo không thể phạm vào tội Chống người thi hành công vụ với hai tình tiết mà cáo trạng đã cáo buộc họ một cách thiên kiến như thế.
Về tội danh tại Điều 258, việc thống kê các bình luận bên dưới các video để cho rằng những video và lời nói của Hoàng Bình phát trong các video này đã gây hậu quả nghiêm trọng tới ngành công an là không thể chấp nhận vì các bình luận này không thể được coi là chứng cứ để dùng làm căn cứ đánh giá về hậu quả của nó được. Vì một người có thể lập tới 100 tài khoản facebook để làm điều đó nếu muốn hãm hại người khác. Về nội dung Điều 258, về mặt lập pháp, tôi đề nghị tham khảo Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 của Liên Hiệp quốc, Bình luận/Khuyến nghị chung của Liên Hiệp quốc về đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân trước nhà nước và các vị trí lãnh đạo, chính trị gia trong nhà nước đó để tham chiếu cũng như tiến tới phải định nghĩa rõ nội hàm của quy phạm điều luật này nhằn đảm bảo cho công dân đúng với vị thể làm chủ của một quốc gia, một nhà nước theo như Hiến pháp 2013 đã ấn định quyền năng tối cao này của mỗi người dân.
Bình không nói gì khi được nói lời sau cùng. Chỉ bắt tay Nam Phong sau khi nghe tuyên án và giơ hai tay vẫy chào Cha, Mẹ ngồi phía dưới khán phòng xét xử rồi đi ra xe một cách bình thản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.