Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Cách chức khi chức không còn: vấn đề lý luận cao siêu, khó hiểu?

Cách chức khi chức không còn: vấn đề lý luận cao siêu, khó hiểu?

LS Trần Hồng Phong
6-2-2018
Hôm qua (5/2/2018), báo chí rầm rộ đưa tin ông Lê Phước Thanh, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam bị “cách chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015”, vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng như: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai mình) giữ các chức vụ (trưởng phòng của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phó giám đốc, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục. Ông Lê Phước Thanh cũng để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định”.
Quyết định cách chức ông Lê Phước Thanh được đưa ra sau cuộc họp tiến hành ngày 5/2/2018 của Ban Bí thư, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Thanh.
Ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 – 2015. Ảnh: TT
Việc Đảng xem xét, kỷ luật những đảng viên có sai phạm là điều bình thường. Mà thậm chí người dân, trong đó có tôi, càng mừng. Càng kỷ luật nhiều càng tốt, càng có lợi cho đất nước! Những đảng viên như ông Lê Phước Thanh cách chức vẫn còn là quá nhẹ, nếu so sánh với việc dân bắt trộm vài con gà có khi phải vào tù.
Tuy nhiên, như nhiều người khác đã bày tỏ, tôi cũng cảm thấy “băn khoăn” về hình thức kỷ luật “cách chức” áp dụng cho người không còn cái chức ấy. Như trường hợp ông Lê Phước Thanh là bí thư Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, thì nay (2018) đâu còn chức “bí thư” nữa mà bị cách chức?
Hiện tại và theo lẽ thông thường, theo quy định của Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội và tại Bộ luật lao động, thì khi đối tượng vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế … có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với chức vụ mà người đó đang nắm giữ. Nhưng hiện chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích về vấn đề cách chức khi chức vụ không còn.
Việc áp dụng hình thức cách chức khi chức vụ không còn tại Việt Nam khởi đầu bằng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, vào tháng 11/2016, cách nay hơn 1 năm. Khi đó, ông Vũ Huy Hoàng cũng bị Ban bí thư đưa ra hình thức kỷ luật cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, trong bối cảnh ông Vũ Huy Hoàng không còn các chức vụ này nữa.
Khi đó, liên quan đến việc cách chức này, Tổng Thư ký Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là trường hợp “chưa có tiền lệ” và Quốc hội đang giao cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu quy trình phù hợp để “cách chức” Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng.
Cụ thể, phát biểu trên báo Dân Trí ngày 4/11/2016, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói như sau:
– Tôi có thể nói đến giờ phút này Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Đây là việc rất khó vì hiện ông Hoàng là Bộ trưởng Công thương của khoá trước, đã được Quốc hội khoá trước (khoá XIII) miễn nhiệm nên đến nay ông Hoàng không còn giữ chức vụ Bộ trưởng nữa.
– Không còn chức vụ thì cần phải giao cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu quy định về mặt pháp luật thế nào, quy trình thế nào để xử lý kỷ luật. Việc này đang được giao cho những cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu về tính pháp lý để đảm bảo căn cứ khi trình ra Quốc hội xem xét. Việc xử lý một người không còn chức vụ Bộ trưởng nữa, Quốc hội đã miễn nhiệm rồi thì phải làm sao đảm bảo đúng pháp luật. Cần phải làm chặt chẽ vì kỷ luật nghiêm minh nhưng phải đúng pháp luật.

Từ đó đến nay, chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích, hay đưa ra cơ sở lý luận về việc cách chức khi chức vụ không còn. Chính vì vậy rất nhiều người, trong đó có tôi, cảm thấy mù mờ, không/chưa hiểu.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là việc nội bộ của Đảng. Đảng không cần thiết hay phải có trách nhiệm giải thích ra bên ngoài.
Bất luận thế nào, thì việc cách chức khi chức vụ không còn không những chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam (tính từ trường hợp ông Vũ Huy Hoàng) mà cũng chưa từng có trên thế giới. Thế nên có thể nói đây là một sự sáng tạo rất độc đáo và đặc biệt của Đảng cộng sản Việt Nam, nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật Đảng. (Ghi chú: từ “sáng tạo độc đáo” và “đặc biệt” tôi dùng ở đây là hoàn toàn trung tính, không có hàm ý “ca ngợi”, “tán dương”).
Vì không hiểu, nên phía người dân như tôi, cho rằng đây là một vấn đề mang tính lý luận cao siêu, khó hiểu là vậy. Thế nên tưởng cũng nên chép lại vài dòng, để nhớ về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Để kết thúc, tôi đưa ra dưới đây ảnh chụp hai bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tiền Phong, cùng về sự kiện cách chức ông Lê Phước Thanh – nhưng có sự khác biệt trong cách hiểu.
Trong khi báo Tuổi Trẻ đăng “cách chức bí thư” dẫn theo nguồn TTXVN, thì báo Tiền Phong gắn kèm thêm chữ “NGUYÊN” – hàm ý là chức vụ ấy không còn nữa, nên chỉ có thể cách “nguyên” chức vụ ấy thôi. (Ghi chú: có vẻ như báo Tiền Phong đã “phá rào”, so với bản tin gốc của TTXVN). Tôi nói “cao siêu”, khó hiểu về mặt lý luận là vậy.
____
* Các hình thức kỷ luật quy định tại Bộ luật lao động (2012) áp dụng cho người lao động vi phạm kỷ luật lao động – có hình thức “cách chức”:
Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.
3. Sa thải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.