Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Huy Đức - Thủ tướng Phan Văn Khải

Huy Đức - Thủ tướng Phan Văn Khải


Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải và tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh VNF
Biết là ông đã ở tuổi 85 nhưng, sáng nay, nhìn ông nằm trong phòng săn sóc đặc biệt với bao phương tiện hỗ trợ vẫn không khỏi ngậm ngùi. 

Từ "Cương lĩnh" đổi mới kinh tế xã hội 1991 cho tới những thiết chế căn bản đảm bảo cho nền kinh tế thị trường vận hành đều được thiết kế trong quãng thời gian ông đóng vai trò như một kiến trúc sư trưởng [Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch (1989-1991), Phó thủ tướng thường trực (1991-1997), Thủ tướng (1997-2006].

Nếu như Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà chính trị tiên phong, có khả năng truyền cảm hứng phát triển, thì Thủ tướng Phan Văn Khải là một bổ sung hoàn hảo. Ông là lựa chọn tốt nhất lúc đó, để biến các ý tưởng cải cách thành chính sách, trong khả năng cho phép của môi trường chính trị Việt Nam. 

Chỉ cần người kế nhiệm ngồi rung đùi như một kẻ vô thưởng vô phạt, thay vì phá, thì đất nước chắc chắn đã khác. Không chỉ tham nhũng di căn mà cả đống rác "giấy phép con và điều kiện kinh doanh" ban hành trong giai đoạn 2008-2014 (theo VCCI là lên tới con số 7.000) đã hành hạ nền kinh tế và làm tổn hại rất nhiều di sản của ông. 

Ông vẫn đang giữ nhiều thông tin thú vị. Mong có một có phép màu giúp ông hồi phục để có thể gặp, hỏi chuyện ông lần nữa.

FB HUY ĐỨC 22.02.2018


Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong hoài niệm của Chủ tịch SSI

(VNF 22/02/2018) – Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng vừa kể lại kỷ niệm trong ông về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải – một vị thủ tướng kỹ trị, luôn xác định nền kinh tế thị trường là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển.

Biết tin  nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh nặng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới đây đã có chuyến thăm nguyên Thủ tướng, đồng thời kể lại ấn tượng của cá nhân ông với vị lãnh đạo kỹ trị này.

“Tôi được gặp ông Phan Văn Khải lần đầu tiên năm 1988, khi ấy ông là chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra thăm tỉnh Phú Khánh, trong một bữa cơm thân mật với Sếp tôi khi ấy, ông Võ Hoà chủ tịch tỉnh Phú Khánh”, ông Nguyễn Duy Hưng mở đầu hoài niệm.

Được chứng kiến hai ông nói chuyện, “chàng thư ký trẻ” thực sự bị cuốn hút bởi tầm nhìn và tư duy kỹ trị của ông về nền kinh tế.

“Trong lúc các ông nói chuyện, tôi đã ‘nói leo’: ‘Sao chú nhìn nhận mọi việc rõ ràng như vậy, chú lại là người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn có nhiều bất cập như vậy?’, ông Hưng kể lại.

Chủ tịch Võ Hòa bất ngờ trước câu hỏi của ông Hưng và nhíu mày, nghĩ chắc “chú Sáu” (tên thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) sẽ bực mình với thái độ “ngựa non háu đá” của ông.

Thế nhưng trái lại, ông Khải cười nói: ”Khi ta nhận thức được thì mới chỉ là bước đầu, bước tiếp theo là làm sao để hệ thống có cùng nhận thức mới thay đổi được cơ chế, cơ chế phù hợp được thể hiện qua hệ thống pháp luật thì mới phát triển kinh tế và xã hội được, chúng ta cần thời gian”.

Vị chủ tịch SSI nghiệm lại rằng, nhận thức mà ông muốn nói hôm ấy là các bước đi để chuyển sang nền kinh tế thị trường, điều mà những năm sau này khi ở cương vị Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, ông đã luôn trung thành với quan điểm của mình.

Năm 1998, ông Hưng theo ông Lê Văn Châu đến gặp ông để ông Châu báo cáo ông về đề án thành lập thị trường chứng khoán. Ông Khải ngồi nghe chăm chú, sau cùng ông nói: ‘Để huy động được vốn dài hạn chắc chắn chúng ta phải xây dựng thị trường chứng khoán, nhưng hãy làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm chắc không để đổ vỡ vì hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về thị trường chứng khoán, ông làm sao để các thành phần kinh tế cùng tham gia, công ty chứng khoán hãy mạnh dạn cấp phép cho cả doanh nghiệp tư nhân, chính phủ sẽ cho thí điểm cổ phần hoá để tham gia thị trường”.

Chỉ đạo của ông Khải hôm ấy phần nào đã giúp ông Lê Văn Châu yên tâm triển khai để năm 2000 thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, có 2 công ty niêm yết đầu tiên là REE và SAM là các công ty nhà nước được cổ phần hoá và 4 công ty chứng khoán trong đó có một công ty chứng khoán tư nhân là SSI.

Chủ tịch SSI đánh giá, ông Khải là vị thủ tướng kỹ trị, luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật để nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. Giai đoạn ông làm Thủ tướng, Luật doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.

“Lần này chúng tôi đến thăm ông, một ngày tết Mậu tuất, tháng 2 năm 2018, khác với mọi lần chúng tôi không còn được nghe ông nói chuyện, thay cho những lời chúc mừng năm mới gửi đến ông, chúng tôi cầu mong ông mau lành bệnh khoẻ mạnh. Hệ thống doanh nghiệp tư nhân và thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhớ về ông và biết ơn ông!”, ông Hưng gửi gắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.