LHQ đòi CSVN thả những người bị tù vì chống Formosa
25-2-2018
GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – Chuyên viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) đòi nhà cầm quyền Việt Nam thả những người đã bị bỏ tù vì đưa thông tin hay chống nhà máy luyện thép Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung.
Trong phiên họp ngày Thứ Sáu vừa qua tại Ủy Ban Cố Vấn thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Baskut Tuncak, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền và về các chất độc hại và chất thải, đã gay gắt lên án CSVN chà đạp nhân quyền. Ông đòi CSVN phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt vì tham dự biểu tình chống Formosa hoặc thông tin về sự chống đối của người dân trên mạng xã hội.
“Bỏ tù các người viết blog và những người hoạt động đã dùng các quyền chính đáng của họ để giúp quần chúng biết các vấn đề cần quan tâm về sức khỏe cộng đồng, là không thể chấp nhận được.”
Ông Tuncak phát biểu, “Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho các ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong là những người bị bắt giam vì những nỗ lực của họ giúp tăng nhận thức và bảo đảm nhà máy Formosa gây thảm họa thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nhà cầm quyền phải biết rằng nền kinh tế của Việt Nam khi phát triển nhanh, không được phép đánh đổi nhân quyền, đặc biệt là những ai sống ở các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng cùng người lao động.”
Ngày 6 Tháng Hai, 2018, tòa án tỉnh Nghệ An đã kết án ông Hoàng Đức Bình đến 14 năm tù và ông Nguyễn Nam Phong 2 năm tù vì vai trò của họ trong việc thông tin các hành động chống đối Formosa qua mạng xã hội. Họ đã bị bắt cóc giữa đường khi đang đến một cuộc biểu tình mà không hề có trát tòa, lệnh truy tố theo thủ tục tố tụng hình sự.
Trong cuộc họp nói trên ở Geneva, David Kaye, một báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do phát biểu, đã quan ngại đặc biệt về nhiều trường hợp khác cũng bị CSVN bỏ tù với các bản án nặng nề cũng chỉ vì người ta bị quy chụp cho các hành động chống Formosa. Người thì quay phim biểu tình, người thì viết tin, đưa hình ảnh lên Facebook, Youtube và các trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Năm ngoái, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút hiệu Mẹ Nắm, đã bị kết án 10 năm tù, bà Trần Thị Nga đã bị kết án 9 năm tù chỉ vì họ đã tích cực tham dự biểu tình chống Formosa. Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án 7 năm tù vì đưa video biểu tình chống Formosa tại Hà Tĩnh lên YouTube.
“Các án tù vừa kể không những vi phạm quyền tự do phát biểu của cá nhân mà còn làm suy giảm quyền đón nhận các thông tin cốt yếu về môi trường bị nhiễm độc cũng như tranh luận về giải pháp đối phó tốt nhất, và trên hết, buộc những kẻ gây ra thảm họa phải chịu trách nhiệm”. Ông Kaye nói.
Tháng Tư năm 2016, hàng trăm tấn hóa chất độc hại đã bị nhà máy luyện gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả ra biển, đầu độc biển miền trung suốt một dọc từ Hà Tĩnh xuống tận Thừa Thiên – Huế. Tất cả mọi loại sinh vật biển từ cá tôm cua đến rong, san hô trên 200km bị hủy diệt hoàn toàn.
Người dân khắp nơi biểu tình lên án Formosa nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng hệ thống công an ngăn chặn. Trước sức ép của quần chúng, nhà cầm quyền CSVN toa rập với Formosa qua sự thỏa hiệp bồi thường $500 triệu, một số tiền mà giới chuyên viên tin rằng quá ít ỏi so với sự thiệt hại đã xảy ra sẽ còn kéo dài nhiều thế hệ. Đã vậy, nhà cầm quyền CSVN không dùng hết số tiền này để đền cho các người dân bị ảnh hưởng.
Trước đây, Ủy ban Nhân Quyền LHQ cũng đã từng thúc Hà Nội trả tự do cho các người chống Formosa nhưng không hề có tác dụng. Hội Đồng Nhân Quyền LHQ sẽ bắt đầu họp kỳ họp thường lệ thứ 37 từ ngày 26 Tháng Hai, 2018 đến ngày 23 Tháng Ba, 2018 tại trụ sở Geneva, Thụy Sĩ.
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Nhân Quyền và Dân Chủ ở trụ sở LHQ ngày 22 Tháng Hai, 2018, Nguyễn Trọng Trung Nghĩa, 22 tuổi, kể lại những sự đau đớn, cận kề cái chết của cha anh là Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, khi ông bị công an hành hung. Ông Mục Sư Tôn tham gia đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền, tự do phát biểu tại Nghệ An rất can đảm nên đã bị nhà cầm quyền tống giam chờ án tù vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ.” (TN)
____
Bản tiếng Anh: Viet Nam: UN rights experts urge release of activists jailed for protesting toxic spill (UN Human Rights).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.