Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Trung Quốc có ảnh hưởng tại Zimbabwe như thế nào?

Trung Quốc có ảnh hưởng tại Zimbabwe như thế nào?

Một vài ngày trước khi thực hiện phong tỏa thủ đô Harare và khống chế Tổng thống Robert Mugabe, Tổng tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga đã sang thăm Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 1/2017, vị Tổng thống 93 tuổi cũng đã hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Điều này cho thấy giữa Zimbabwe và Trung Quốc có mối quan hệ bang giao khá tích cực, vậy quan hệ đó sâu sắc cỡ nào?
Hiện tại Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ tư và là nước cung cấp vốn đầu tư lớn nhất cho Zimbabwe. Bắc Kinh sở hữu cổ phần hàng triệu bảng Anh trong mọi lĩnh vực tại đất nước Châu Phi này từ nông nghiệp cho tới xây dựng.


Tổng thống Mugabe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2014.
Trong khi đó, Zimbabwe là nước phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Chế độ của Tổng thống Mugabe phần lớn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho việc vực dậy nền kinh tế mong manh của mình.
Thương mại hai nước vào năm ngoái đạt 1,1 tỷ USD. Trung Quốc là bạn hàng mua thuốc lá lớn nhất của Zimbabwe và cũng nhập nhiều bông và các loại khoảng sản. Đổi lại, Zimbabwe nhập khẩu hàng điện tử, quần áo và các thành phẩm tiêu dùng khác từ Trung Quốc.
Các công ty xây dựng của Trung Quốc cũng hoạt động khá nhộn nhịp ở Zimbabwe, xây các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có Trường Quân sự Quốc gia trị giá 100 triệu USD.
Năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý tài trợ xây dựng tòa nhà Quốc hội mới với 650 ghế tại thủ đô Harare.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Zimbabwe vào năm 2015 và Tổng thống Mugabe vừa tới Bắc Kinh vào tháng 1/2017.
Ngược dòng lịch sử, mối quan hệ của Trung Quốc với Zimbabwe đã sâu đậm từ khi vùng lãnh thổ này vẫn còn thuộc Anh với tên gọi Nam Rhodesia.
Vào năm 1979, sau khi không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Liên Xô, lãnh đạo của phong trào đấu tranh giành độc lập của Nam Rhodesia, ông Robert Mugabe đã tìm tới Trung Quốc. Lúc đó, chế độ Bắc Kinh đã hỗ trợ các chiến binh du kích Nam Rhodesia vũ khí và huấn luyện quân sự. Khi Nam Rhodesia giành độc lập và chính thức mang tên Zimbabwe vào năm 1980, hai nước đã tiến hành thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức.
Trong vai trò Thủ tướng Zimbabwe, ông Robert Mugabe đã tới thăm Bắc Kinh năm 1981 và sau đó vẫn thường xuyên công du Trung Quốc.
Từ những năm 1990, khi ông Mugabe bắt đầu thực hành thể chế xã hội chủ nghĩa tại Zimbabwe, chế độ này đã nỗ lực sát cánh cùng Trung Quốc chống lại phương Tây với chiến lược “Hướng Đông”.
Khoảng một thập kỷ trước, trong một buổi mit-ting tại sân vận động quốc gia do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Harare, ông Mugabe đã nói rằng: “Chúng ta hướng mặt về phía đông, nơi mặt trời mọc, và quay lưng về phía tây, nơi mặt trời lặn”.
Trong thời kỳ Tổng thống Mugabe thực hiện chiến lược “Hướng Đông”, mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Zimbabwe cũng rất sâu sắc.
Zimbabwe đã mua khá nhiều các khí tài quân sự từ Trung Quốc như phi cơ tiêm kích Hongdu JL-8, phi cơ chiến đấu Thần Sấm JF-17, các phương tiện quân sự, radar và các loại vũ khí khác.
Tuy nhiên, do nền kinh tế và xã hội Zimbabwe bất ổn nên chiến lược “Hướng Đông” của Tổng thống Mugabe cũng không thực sự phát huy hiệu quả, không có nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào đất nước Châu Phi này.
Thực tế, Bắc Kinh cũng không mặn mà đầu tư vào Zimbabwe. Về mặt công khai, lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói rằng chính phủ nước này sẵn sàng thúc đẩy các công ty của họ đầu tư vào Zimbabwe. Nhưng, phía sau hậu trường lại là những thông điệp hạn chế vốn đầu tư vào đây và cần chờ cho tới khi Zimbabwe ổn định nền kinh tế.
Theo BBC, đối tác chiến lược của Trung Quốc tại Châu Phi là Ethiopia, Sudan và Angola; hoặc các thị trường lớn như Nigeria, Kenya và Nam Phi. Zimbabwe không thực sự là ưu tiên hợp tác kinh tế hàng đầu của Bắc Kinh.
Năm 2008, Trung Quốc cũng quyết định xếp Zimbabwe vào danh sách các nước chỉ giao thương quân sự ở “mức giới hạn”, sau khi hai nước có những tranh cãi xung quanh một vụ vận chuyển vũ khí.
Sau hàng thập kỷ thực hiện chiến lược “Hướng Đông” không hiệu quả, vào tháng 8/2015, Tổng thống Mugabe đã thông báo chiến lược “Tái gắn kết với phương Tây” trong một “bài phát biểu quốc gia”, nhưng vẫn song song duy trì mối quan hệ với Trung Quốc.
Ngoại giới nhận định cả các nước phương Tây và Trung Quốc đều muốn Zimbabwe phải ổn định mới tập trung đầu tư vào đây. Cả chiến lược “Hướng Đông” hay “Tái gắn kết với phương Tây” đều không mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế niềm tin. Điều các nhà đầu tư cần ở Zimbabwe là sự ổn định kinh tế, xã hội và một chính phủ có trách nhiệm, tuân thủ luật lệ.
Có nhiều đồn đoán cho rằng, thông điệp về sự ổn định kinh tế và chính phủ có tránh nhiệm có thể là điều mà cả Tổng thống Mugabe và Tổng tư lệnh quân đội Chiwenga đã nhận được từ các chuyến thăm Trung Quốc gần đây.
BBC cho biết phía Trung Quốc vẫn đang theo sát các diễn tiến chính trị mới nhất ở Zimbabwe, nhưng chế độ Bắc Kinh cũng không công khai lên án việc quân đội đang tìm cách loại bỏ Tổng thống Mugabe.
Xuân Thành
Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.