Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Nỗi thê thảm của sách vở thời nay

Nỗi thê thảm của sách vở thời nay

HẢI ĐĂNGOct 26 4:21 PM


Bài đã đưa trên blog này 
 ngày 30 thg 5, 2013


Số lượng
       Thống kê của các cơ quan văn hóa mà báo chí đăng lại 12-4 -2013  cho biết tính ra người Việt một năm chỉ đọc 0,8 một cuốn sách.
     Trên mạng thấy có người đã đem con số này ra so sánh với thế giới. Thì thấy ví dụ người Trung Quốc là 4,23 cuốn/người/năm. Thái Lan, Malaysia đều cao hơn so với Việt Nam.
      Thói quen khai vống khai liều để lấy thành tích vốn không lạ với xã hội ta.  Trong chuyện kinh tế còn thế nữa là trong văn hóa. Văn hóa là dễ lấp liếm hoặc nói bốc lên nhất.
     Thành thử con số 0, 8 ở trên chỉ có thể dùng tạm.
      Cái gọi bằng sách trong thống kê này hẳn bao gồm thượng vàng hạ cám đủ loại khác nhau và ở đó chắc chắn có nhiều tập giấy in chứ không thể gọi là sách được. Sách không ra sách, sách bất thành nhân dạng có tỷ lệ lớn. Có những cuốn không hề được lật ra, không hề  được đọc, sau khi in ra chỉ xếp vào các thư viện chờ ngày thanh lý.


      Hồi mới bung ra trong làm ăn, đã thấy có tình trạng một số  sách  bán chạy phải khai ít đi để trốn quản lý phí. Nhưng cái thời đó qua đi rất nhanh.  Mà số lượng sách được đọc nhiều theo kiểu đó cũng chẳng phải là dấu hiệu tốt đẹp gì. Làm sao có thể coi cái sự chạy theo thời thượng ở một xã hội tiểu nông là tốt đẹp được?
      Nay là một thời khác. Nhiều tập thơ  thì tuy ở ngoài ghi cũng là in 1000, thực ra chỉ in một vài trăm, vì thơ có bán được đâu. Nhưng các nhà thơ thích làm thế để cho thiên hạ biết là mình được đọc nhiều lắm.
      Một số sách dịch ở ta được in ra là do tài trợ nước ngoài. Muốn xin được nhiều tài trợ người ta phải giả dối khai cao lên để nhận tiền, ví dụ sách in chỉ một ngàn nhưng đề hẳn ở sau là ba ngàn. Nói dối người nước ngoài ở ta không bao giờ bị lên án cả.

  Hình thức bên ngoài cũng là dấu hiệu chất lượng
      Có những điều chúng ta đã quen mắt nên thấy bình thường. Nhưng đặt vào một khung cảnh xa rộng sẽ thấy rõ thực chất hơn.
     Có lần trên TV giới thiệu sách VN mang bày tại Đại sứ quán Pháp để khách quốc tế tới xem. Trên màn ảnh chỉ thấy những cuốn sách mỏng dính nhưng lại lố lăng lòe loẹt.
   Có người sẽ cãi đó chỉ là cái hình thức bên ngoài? Không, tình trạng của  nội dung cũng là tương tự.
    Kỹ thuật biên soạn ở ta chỉ ở vào trình độ làm sách của những nước lạc hậu nhất trên thế giới.
    Nội dung đầu ngô mình sở lam nham, cách trình bầy sắp xếp luộm thuộm.
 
   Trong các báo cáo thường cũng nhấn mạnh là có nhiều sách phục vụ đại chúng bao gồm từ nông thôn đến biên giới hải đảo. Nhưng trong giới người ta đều hiểu ngầm với nhau các loại sách phục vụ nhiệm vụ chính trị này được làm rất cẩu thả.
     Sách giáo khoa cũng thế. Cẩn thận trong chi tiết lặt vặt nhưng lại cũ kỹ xơ cứng trong những vấn đề  lớn. Chỉ oai hơn ở chỗ được coi là sách chuẩn.
     Ngay cái mà ta gọi là các công trình nghiên cứu, hoặc các giáo trình là niềm tự hào của các trường đại học, thì cũng là công trình thô sơ, không thể nói là đạt tới trình độ của nghề viết sách trên thế giới hôm nay .
     Sự nhếch nhác trong loại sách cao cấp này còn bộc lộ ở chỗ một số cuốn chỉ  lược thuật sách của nước ngoài mà tác giả lại cứ làm như mình viết ra. Tiếng trong nghề gọi là thuổng, luộc.
    Các nhà văn đồng nghiệp của tôi còn hay có cái ảo tưởng hão hiền là lúc nào một tác giả VN  sẽ được giải Nobel văn chương.
    Theo tôi biết, các nhà nghiên cứu thực thụ – cả bên  khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội – thì biết mình biết ta hơn.  Họ thừa hiểu cái chuyện từ nay tới lúc có những cuốn sách được dịch ra tiếng nước ngoài, nghĩa là góp phần vào guồng máy nghiên cứu của họ – ngày đó xa lắm.

   Những bước thay đổi vô nghĩa.
    Ở Hà Nội trước 1975 , thỉnh thoảng một người làm báo như tôi cũng được thấy vài cuốn sách in ở phương Tây do người đi nước ngoài mang về.
    Không rõ nội dung, chỉ cần nhìn vào cách in ấn đã thấy ta đi sau họ mấy thế kỷ.
    Thời nay thì kỹ thuật chúng ta nhập vào đã mang tới một sự tiến bộ. Có một số cuốn cũng làm được như sách Tây sách Tầu. Nói chung là sách đẹp, nuột nà hơn trước nhiều.
   Nhưng nhiều khi những cuốn sách đẹp đó lại không phải là những cuốn có giá trị về mặt nội dung.
   Hoặc đó là  của mấy người buôn bán có tiền quay ra chơi bời viết sách làm sang.
    Phổ biến hơn là sách của những cơ quan nhà nước muốn khoe mẽ, lấy vẻ trang trọng bên ngoài che đi phần nông cạn bên trong. Ngoài ra còn có loại sách cấp dưới làm để tô son đánh bóng cho cấp trên, ra cái vẻ sếp của mình  cũng là những tác giả. Sách để bầy. Sách đẹp cho không. Loại này càng chẳng có ma nào đọc.

       Sự lưu hành của sách
       Tháng 4-2011, tôi đến Văn Miếu xem một ngày gọi là hội sách. Người ta phải bán kèm sách bằng cách tổ chức các cuộc đố vui, thi lấy thưởng. Và phát sách tự do. Từ đấy mới xảy ra cái chuyện hi hữu là có người xông vào cướp sách.
   Nhớ lại một chi tiết trong truyện Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn. Nhà nho này có tật đi chép thuê cho nhà nào thì hay thó luôn sách của nhà đó, khi bị phát giác ông ta cãi lại một cách gọn lỏn “Ăn cắp sách không có lỗi.”
   Trong giới những người ham đọc cũng có một câu ba vế như sau
-- Có sách hay mà không mang khoe là một sai lầm
--Trông thấy sách hay mà không hỏi mượn là một sai lầm lớn hơn
-- Mượn được sách hay mà không thó luôn  làm của mình là một sai lầm không thể tha thứ được.
     Thế tức là phải thấy “có yếu tố tích cực” trong việc sách được người ta xông vào cướp. Là hay là đáng mừng chứ gì?
     Không, tôi biết mấy người xông vào cướp sách lần ấy không yêu sách quý sách đến thế. Họ chỉ hăng máu làm theo người khác. Thấy xông vào ăn cướp là vui thì cũng làm theo, mình giật được cái mà người khác không giật được chẳng vui là gì. Sau khi cướp được sách có người không buồn nhìn xem cuốn sách mình cướp được là gì, chỉ thầm nghĩ có thêm ít giấy về làm việc vặt. Có người vứt luôn ngoài cổng.
   
    Vẫn có những người đứng đắn lo viết sách  như sự nghiệp đời mình.
     Nhưng nỗi đau khổ thường trực của họ là hiện nay là sách ra, như rơi vào khoảng không. Không được giới thiệu trên mặt báo. Không được thảo luận. Muốn gây được dư luận, nhất là phải có tiền, bạo chi. Mấy người hiện nay hội đủ những điều kiện đó?!
Cố nhiên đây là nói những  cuốn sách đáng gọi là sách. Loại đó đang hiếm lắm lắm.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.