Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Kể chuyện “làm việc” trong đồn CA: Lời thoại như phim!

Kể chuyện “làm việc” trong đồn CA: Lời thoại như phim!

Blog listSun 1:32 PM

Dưới đây là trích lược một vài đoạn đối thoại giữa tôi và các nhân viên an ninh điều tra của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 16/11/2017, tại đồn công an phường Cống Vị, sau cuộc gặp gỡ giữa Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam buổi sáng hôm đó.

Tôi ghi lại, bởi thấy chúng… như lời thoại trong phim vậy, và biết đâu chúng có ích cho ai đó khi rơi vào hoàn cảnh tương tự ở đồn công an.

- Chị đến tòa nhà Lotte hôm nay gặp ai, có việc gì?

- Các anh chị hỏi có động cơ gì vậy?

- Chúng tôi hỏi chị đến đó làm gì, chị được người ta mời hay chị tự đến?

- Sao tôi lại phải nói với các anh chị?

- Tại sao chị không nói?

- À, đó là bí mật công tác của tôi đấy.

- Chà, công việc của chị bí mật đến thế cơ à?

- Vâng, bí mật công tác, cũng giống như an ninh quốc gia của đảng nhà các anh chị thôi ấy mà.

- Chị đến đó gặp những ai?

- Tôi đã nói là bí mật công tác mà. Nói đúng hơn là tôi sẽ phản ánh đầy đủ các thông tin đó trong bài viết của tôi. Các anh chị có thể đón đọc, cũng như mọi độc giả khác. Ngoài tòa soạn, không một ai có quyền đọc tác phẩm báo chí trước độc giả cả. Các anh chị cũng chỉ là độc giả mà thôi, các anh chị không có quyền gì để đòi hỏi biết những thông tin đó trước các độc giả khác cả.

- Chúng tôi không phải là độc giả của chị, chị nhé. Đây là ở trong đồn. Và chúng tôi đang làm việc với chị trên tư cách chính quyền làm việc với công dân.

- À, thế là các anh chị cao hơn tôi hả?

- Tôi không nói thế. Chúng tôi nói đây là quan hệ chính quyền với công dân.

- Ý các anh chị là như vậy, các anh chị có thể thích bắt ai về đồn thì bắt, và hỏi gì thì người ta phải trả lời à? Không. Không thế được đâu. Các anh chị quen cái kiểu ấy lâu rồi, nhưng với tôi thì không được đâu. Các anh chị chẳng là cái gì để tôi phải trả lời cả. Ở đây tôi mới là người quyết định có cung cấp thông tin nào đó, cho độc giả, hay không, chứ không phải các anh chị. Các anh chị muốn biết điều gì thì cứ đón đọc bài báo, chứ các anh chị không là cái gì để đòi hỏi được biết thông tin trước các độc giả bình thường cả. Tại sao các anh chị lại có nhu cầu biết trước người khác?

- Chúng tôi chỉ cần những thông tin căn bản thôi, như là chị gặp ai. Đại sứ quán Pháp có dự không?

- Tôi không trả lời đâu.

- Thế có Bỉ không? EU à? Chắc có Đức nhỉ?

- Tôi không trả lời đâu. Đó là công việc của tôi.

- Chị Trang này, tôi không muốn so sánh đâu, nhưng nếu so sánh chị với những người hoạt động thế hệ trước chị thì… nói thế nào nhỉ, xin lỗi nhé, tôi thấy chị có cái gì đó kém hơn. Ý tôi là kém sòng phẳng, kém đàng hoàng, kém cái tinh thần dám làm dám chịu.

- Ồ, anh không phải nói khích. Tôi kém xa nhiều người mà. Nhưng ở đây không phải chuyện dám làm dám chịu, mà đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một trong những nguyên tắc của đạo đức báo chí là phải bảo vệ nguồn tin, các anh chị ạ.

- Chị nói hay nhỉ? Bảo vệ nguồn tin. Vậy đến lúc viết bài thì chị không trích dẫn ở đâu hết, chị bưng bít nguồn tin, chị tự bịa hết ra à?

- Khi viết bài thì tôi có cách xử lý của tôi chứ. Tất nhiên là phải bảo đảm trích dẫn đầy đủ, chính xác, không đạo văn, không bịa đặt. Còn đây là chuyện bảo vệ nguồn tin các anh chị ạ.

- Chúng tôi chỉ hỏi các thông tin căn bản, như chị được mời hay chị tự đến, ai mời chị, chị đến đó gặp ai…

- Những thông tin đó tôi sẽ đưa vào bài cả, tại sao các anh chị cứ đòi biết trước?

- Thôi chị Trang ạ, chúng ta biết nhau quá rõ rồi. Chị thừa biết tại sao chị về đây rồi. Tại sao bao nhiêu người khác chúng tôi không đưa về đây, mà lại đưa mỗi chị. Chị quá biết rồi còn gì.

- Không, tôi biết gì đâu. Các anh chị cho biết lý do đi.

- Chị không phải nói cái giọng ấy nhé.

- Tôi cho các anh chị 5 phút để trả lời câu hỏi của tôi. Nhắc lại câu hỏi: Vì sao đưa tôi về đây?

Đến đây thì đồng chí an ninh nhìn thẳng mặt tôi, hạ giọng nói khe khẽ:

- Những đứa khác có bằng chứng thì bóc lịch cả rồi đấy. Còn chị thì chưa đủ bằng chứng thôi chứ nếu không thì giờ này cũng không được ngồi ở đây đâu.

- Không ngồi ở đây thì ở đâu? Tù hả? (cười)

- Đúng đấy. Chị cũng không phải chờ lâu đâu, sắp rồi.

- Ừ, tóm lại là chưa có bằng chứng gì phải không? Bằng chứng đâu, đưa đây coi nào. Tôi thách đấy.

- Chưa đủ bằng chứng thôi, còn những đứa nào đủ thì đã bóc lịch cả rồi đấy. Cứ nhìn đi.

- Nhắc lại: Bằng chứng đâu? Tại sao đưa tôi về đây? Lấy điện thoại của tôi vì lý do gì?

- Chị cứ chờ đấy. Không lâu đâu.

Hai bên cùng nhìn thẳng vào mắt nhau và cùng cười rất tươi. Hệt như hai đứa trẻ con thi nhau xem đứa nào chớp mắt trước.

- Vậy hả? OK, chúng ta cùng chờ. Chắc lúc ấy các anh chị sung sướng lắm phải không, mở tiệc to ấy nhỉ?

- Được rồi. Sắp rồi. Chị cứ chờ đi.

* * *

Cuộc “làm việc” tiếp tục chuyển sang vài vấn đề khác. Câu hỏi an ninh đặt ra là tại sao chị Trang không ký xác nhận vào một tập tài liệu chị cầm theo người. Câu hỏi chị Trang đặt ngược lại là tại sao lại phải ký.

- Tại sao chị không ký?

- Vì tôi không hiểu lý do các anh chị yêu cầu tôi ký. Các anh chị cần chữ ký của tôi để làm gì?

- Đó chỉ là vấn đề thủ tục, quy trình mà thôi. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm quyền lợi của chị, nên mới yêu cầu chị ký.

- Tôi ghi nhận là các anh chị có nỗ lực làm việc đúng quy trình. Tôi cảm ơn. Tiếc là cái quy trình ấy của các anh chị không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Tự nhiên lại bắt người đang đi đường về đồn rồi bắt ký xác nhận cái này cái nọ. Thế là có động cơ gì?

- Chị biết những tài liệu chị cầm theo là xấu, là có vấn đề gì đó, nên chị mới không ký phải không?

- Ấy đừng suy đoán thế. Bản năng con người là phải biết cảnh giác để tự vệ, các anh chị ạ. Cho dù có là tài liệu gì cũng thế thôi.

- Chị biết nội dung của tập tài liệu chị cầm theo chứ? (Đó là các báo cáo tóm lược về thảm họa biển miền Trung, đánh giá Luật Tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, bằng tiếng Anh).

- Nếu tôi bảo là tôi không biết thì sao? Cứ coi như tôi không biết tiếng Anh, tôi mù chữ đi.

- Chị đừng nói chị không biết tiếng Anh, nghe nó buồn cười lắm. Tài liệu chị mang theo có nội dung gì?

- Thì các anh cứ đọc đấy.

- Chúng tôi thừa nhận chúng tôi kém tiếng Anh, được chưa? Chúng tôi muốn nhờ chị đọc và giải thích sơ lược nội dung nó là cái gì.

- Ấy chết, ai nói các anh chị kém đâu.

- Chị hiểu nội dung mà, phải không?

- Vâng, tôi hiểu, nhưng tôi không dịch đâu.

- Ký chị cũng không ký, nhờ dịch hộ vài dòng cũng không dịch. Trong khi mọi việc chúng tôi làm chỉ là để bảo đảm quyền lợi của chị. Chúng tôi không chỉ là theo quy trình đâu, mà chúng tôi làm việc theo quy định của pháp luật.

- Vâng, cảm ơn. Tiếc là cái pháp luật ấy của các anh chị cũng không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Phải cảnh giác chứ tin các anh chị thế nào được?

- Vậy chúng tôi ghi vào đây là chị không ký tài liệu vì lý do gì?

- Các anh chị ghi rõ là vì tôi thấy động cơ của các anh chị không minh bạch.

- Này, chị bỏ cái từ “động cơ” ấy đi nhé. Chúng tôi là cơ quan an ninh, chúng tôi làm việc nhà nước, chứ chả có cái động cơ xấu nào ở đây cả mà bảo minh bạch với không minh bạch.

(bật cười) Sao các anh chị dùng từ “động cơ” với “đối tượng” thì được mà hễ người ta dùng lại từ ấy với các anh chị thì các anh chị phản ứng thế?

- Này này, tôi chưa hề nói ai là đối tượng nhé. Tôi chưa hề bảo chị là đối tượng, tự chị nhận đấy nhé. Nãy giờ toàn chị nói nhé.

- À vâng vâng, tôi xin lỗi. Tôi nói chung chung thế thôi chứ có bảo là anh bảo tôi là đối tượng đâu.

- Chị đang cố tình làm mất thời gian của cả hai bên đấy chị Trang nhé. Chị không có gia đình, chứ chúng tôi còn có con nhỏ, còn phải về đón con, cho con ăn. Mà bây giờ là giờ tan tầm, chị biết rồi đấy.

- Vâng ạ. 5h30 rồi. Các anh chị có bận thì cứ về trước đi ạ.

- À, tôi nói là tôi nói đồng chí Hương đây có con nhỏ, phải về đón con. Chứ tôi thì tỷ phú thời gian luôn nhá. Tôi sẽ ngồi đây với chị đến khi nào làm rõ hết vấn đề. Mà không chỉ có tôi, còn nhiều anh em khác nữa.

- Dạ vâng ạ. Thế nếu chị Hương có con nhỏ thì về đón con đi ạ.

- Rồi, chúng ta tiếp tục.

Thật ra tất cả các cuộc đối thoại như thế với tôi đều chỉ có ý nghĩa… nghịch cho vui, chứ chẳng để làm gì. Bởi vì luôn luôn cơ quan an ninh sẽ đưa vào phòng một người nào đó làm nhân chứng, ưu tiên những người dân thường chẳng hiểu chuyện gì và hễ cứ thấy “cơ quan công quyền” là rúm ró. Nhân chứng đó dĩ nhiên do an ninh chọn, không có sự tham gia chọn của ta, không cần sự đồng ý của ta. Cho nên ta có ký hay không ký, an ninh và nhân chứng cũng có thể tự lập biên bản, tự ký với nhau.

Có đồng chí cứng tuổi hơn nêu câu hỏi:

- Em có nghĩ là bọn anh biết hết những việc em làm không?

- Dạ, việc gì hả anh?

- Anh đang hỏi em có nghĩ bọn anh biết hết những việc em đang làm không?

- Như là việc gì ạ?

- Thì đó, tất cả những việc em làm. Em có nghĩ bọn anh biết cả không, hả?

(cười xòa) Em không để ý lắm.

* * *

Có một nhân viên an ninh trẻ hơn, rất chịu khó nói chuyện với tôi về các chủ đề ngoài “làm việc”. Cậu giải thích tỉ mỉ cho tôi về sự khác biệt giữa các loại rượu, giữa thuốc lá và thuốc lào, giữa các môn phái võ thuật “cương” và “nhu”. Tôi rất thích nghe, và cậu cũng nói “em chỉ thích chém gió cho vui, em chẳng thích chị em mình phải làm việc với nhau trong hoàn cảnh này”. Tôi cũng mong cậu ấy nói thật.

Và suy cho cùng, chẳng có ai trong số những người thuộc diện “đối tượng” như chúng tôi muốn phải là đối thủ của ai, muốn cãi cọ, đấu lý, gài bẫy, cảnh giác với ai cả. Nhưng điều đó chắc sẽ không thể nào chấm dứt, chừng nào vẫn còn có một lực lượng coi chúng tôi là kẻ thù.

Một thể chế mới – một nền dân chủ – với một thiết chế công an mới sẽ là sự giải thoát cho cả hai bên chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.