Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

HOÀNG TUẤN CÔNG TRAO ĐỔI LẠI VỚI PHẠM VÕ THANH HÀ - Bài 2

HOÀNG TUẤN CÔNG TRAO ĐỔI LẠI VỚI PHẠM VÕ THANH HÀ - Bài 2

Xuân NguyênMon 5:00 PM


Một bức đại tự. Ảnh: ST .

TRAO ĐỔI VỚI PHẠM VÕ THANH HÀ, (KỲ I - Phần 2):
"HIỂU TIẾNG VIỆT SAO CHO ĐÚNG" 

Hoàng Tuấn Công
(phần II) [xem phần I]

6.PVTH cho rằng:

“6. Về cách hiểu cụm từ "chí cha chí chát" (tr.160), HTC cũng chỉ đúng… một nửa. Anh có lý khi cho rằng đấy không phải cảnh “đi lại nhộn nhịp” (như cách NL giải thích) nhưng sai khi chỉ giới hạn nó trong “âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau” cũng như quả quyết: “không thể là âm thanh của giày dép”. 


Theo quan điểm của chúng tôi, về đại thể "chí cha chí chát" gợi âm thanh (từ tượng thanh) nhưng trong từng văn cảnh cụ thể còn biểu thị cho trạng thái. Khi giày dép "chí cha chí chát" cần hiểu là cảm xúc của người đang sở hữu (oai oách, tinh vi kiểu trưởng giả học làm sang). Chính vì thế mà trong bài thơ "Xuân", Trần Tế Xương (Tú Xương) mới mỉa mai: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà/ Chí cha chí chát khua giày dép/ Đen thủi đen thui cũng lượt là"…

Ở đây, PVTH đã nhầm lẫn, hoặc đánh đồng giữa cách dùng từ, tu từ (mang dấu ấn, cảm nhận cá nhân trong một ngữ cảnh đặc biệt của nhà văn, nhà thơ), với cách giải nghĩa từ vựng thông dụng, yêu cầu chính xác của nhà biên soạn từ điển.

Từ “chí chát”, “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giải nghĩa khái quát mà cụ thể như sau: “chí chát • t. từ mô phỏng tiếng vật rắn nện nhiều lần vào một vật rắn khác, nghe đanh và chói tai: “Ở đây suốt ngày chí chát tiếng đập choòng đục lỗ mìn và tiếng búa cái đập đá hộc.” (Nguyễn Tuân). Đn: chi chát”.

Như vậy, khi giải nghĩa từ vựng (trong một số trường hợp cụ thể) nhà biên soạn từ điển phải giới hạn được nghĩa. Ví như nêu được thuộc tính của “chí chát” ( vật rắn nện nhiều lần vào một vật rắn khác, nghe đanh và chói tai), để người sử dụng từ điển (kể cả người ngoại quốc, chưa hiểu về tiếng Việt) có thể vận dụng chính xác khi mô tả âm thanh nào đó. Theo đó, căn cứ vào cách giảng của từ điển, thì tất cả âm thanh của những “vật rắn nện nhiều lần vào một vật rắn khác, nghe đanh và chói tai”, (như tiếng búa thợ rèn, tiếng dao chặt vào gỗ cứng, tiếng của dùi đục gõ vào cán đục, v.v…phát ra nghe chói tai), đều có thể dùng “chí cha chí chát” để mô tả. Ngược lại, cũng là sự va đập, nhưng là sự va đập giữa hai vật mềm với nhau, thì không dùng từ “chí chát” hoặc “chí cha chí chát” được. Ví như, “thùm thụp” được “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giới hạn nghĩa bởi "vật mềm": “thùm thụp • t. từ mô phỏng tiếng như tiếng đấm liên tiếp vào vật mềm: đấm lưng nhau thùm thụp”.
.

"Chí cha chí chát" là một trong những âm thanh của tiếng búa thợ rèn. Ảnh: ST .

Ở đây, GS. Nguyễn Lân lại giới hạn cụ thể “chí cha chí chát” là “tiếng giày dép đi lại nhộn nhịp”. Cứ theo đó, thì “chí cha chí chát” là âm thành đặc trưng của “tiếng giày dép”. Nói cách khác, theo cách giải thích của GS. Nguyễn Lân, thì hễ nói đến “tiếng giày dép”, là người ta nghĩ ngay đến âm thanh “chí cha chí chát”. Thậm chí ngoài “tiếng giày dép” ra, thì “chí cha chí chát” không phù hợp để mô tả bất cứ âm thanh nào khác.

Mỗi âm thanh đều có tính chất đặc trưng của nó. Cũng là tiếng gõ giữa hai vật cứng với nhau, nhưng giữa gỗ với gỗ khác; giữa sắt với sắt khác.

Giày dép (đế thường mềm), nên âm thanh đặc trưng phát ra (khi người ta đi), phải là tiếng “lộp cộp”, “loẹt quẹt”, hay (đông người hơn) là “rầm rập”…Cùng lắm, bước chân đi mà nghe “chí chát”, hay “chí cha chí chát” phải là chân đi guốc mộc, guốc đế cứng (nói chung), gõ vào nền gạch, đất cứng, chứ không phải giày dép. Sự cảm nhận âm thanh rất tinh tế, nên nghe tiếng bước chân, có thể đoán người ấy đi dép hay đi guốc. Thế nên “Từ điển từ láy” (Viện ngôn ngữ) mới giảng và lấy ví dụ rất cụ thể: “chí chát tt (âm thanh) đanh, vang, liên tiếp do các vật cứng, va đập vào nhau phát ra, gây cảm giác chói tai. Tiếng búa đập chí chát. Cầu thang chí chát tiếng GUỐC.// chí cha chí chát. Có nhiều tiếng chí chát liên tiếp phát ra, tiếng nhỏ tiếng to không đều”.

PVTH dẫn thơ Tú Xương “Chí cha chí chát khua giày dép”, để chứng minh rằng, “chí cha chí chát” vẫn được hiểu là tiếng giày dép. Tuy nhiên, lại phải hiểu rằng, sự cảm nhận âm thanh đó xuất phát từ “văn cảnh cụ thể”, “biểu thị cho trạng thái” (như PVTH đã thừa nhận). Ở đây là tâm trạng tiêu cực của nhà thơ, nghe gì, nhìn gì cũng thấy chán ngán, chói tai, chói mắt: “đì đẹt”, “loè loẹt”, “chí cha chí chát”, “đen thủi đen thui”…Ấy là chưa nói đến chuyện, không phải bất cứ từ ngữ nào (có khi chỉ xuất hiện một lần duy nhất) trong văn chương của một người nào đó, với nghĩa khác lạ, thì lập tức, nó sẽ được từ điển ghi nhận như là nghĩa từ vựng thông dụng. Đừng vì Huy Cận từng viết “Nắng xuống trời lên sâu chót vót”, rồi thu thập, ghi nhận ngay cho “chót vót” cái nghĩa “mô tả chiều sâu/độ sâu”, khiến người ta sẵn sàng mô tả “cái giếng sâu chót vót”!

7. PVTH viết:

“7. Một dẫn chứng khác, liên quan đến nghĩa của từ "Đại tự" (tr.283). Ở từ này, HTC gián tiếp thừa nhận NL không sai khi chiết tự “đại = lớn, tự = chữ” nhưng có vẻ anh không chấp nhận cách hiểu đơn giản, độc nghĩa nên đã liên hệ “trong thực tế” và chỉ ra: “Đại tự còn được hiểu là bức hoành phi”.

Thực ra, "Đại tự" chỉ là Hoành phi trong một số trường hợp. Đặc điểm của Hoành phi là treo ngang, khác với cặp câu đối treo dọc (người ta hay kết hợp “hoành phi - câu đối” thành một bố cục rất cân đối, hài hòa). Nếu là một “bức tranh chữ” viết to và treo ngang thì hiểu như HTC không sai (hoành phi đại tự). Nhưng khi bức đại tự được treo dọc thì không thể xem đó là hoành phi”.

Ở đây không phải là “có vẻ anh không chấp nhận cách hiểu đơn giản, độc nghĩa” (tức do ý riêng của chúng tôi-HTC), mà thực tế "đại tự" còn có nghĩa là bức hoành phi. Bởi thế, “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập) cũng đã ghi nhận: “đại-tự • Chữ lớn; thường chỉ tấm gỗ có mấy chữ lớn treo ở chỗ thờ-phụng <> bức đại-tự”. Thực tế ở nước ta, các bức đại tự phần lớn đều liên quan đến không gian thờ tự, kiến trúc đình chùa. Bởi vậy, "đại tự" chủ yếu được dùng với nghĩa hoành phi, thường đi kèm với câu đối (doanh liên, đối liên). Còn "đại tự" với nghĩa đối dịch là chữ to, hay bức thư pháp viết chữ to, rất ít dùng. Rất ít những bức thư pháp viết chữ to, chỉ với mục đích treo chơi trong nhà. Mặt khác, những bức thư pháp, thư hoạ treo dọc như vậy, gọi là "trung đường" 中堂 (đặt, treo trang trí chính giữa phòng khách, sảnh đường), phân biệt với “đại tự”, “hoành phi”, (hay còn gọi "hoành ngạch"橫額, "biển ngạch" 扁額) treo ngang.
.

Kết quả tìm kiếm hai chữ "đại tự" trên google có 1950000 kết quả
Ảnh: chụp màn hình của HTC 

Theo đó, chúng tôi không khẳng định trong mọi trường hợp, “đại tự” đều có nghĩa là “hoành phi”; mà muốn lưu ý, ngoài nghĩa chữ lớn (rất ít dùng), “đại tự” có nghĩa chính chỉ bức hoành phi. Thế nên, nếu gõ hai chữ "đại tự" vào google, chúng ta sẽ có hàng loạt hình ảnh các bức hoành phi, trong khi hầu như không thấy có bức "đại tự" hiểu đơn giản là chữ lớn (treo dọc) nào.

Như vậy, ở mục từ này, chúng tôi có gì sai.

8. PVTH thắc mắc:

“8. Khi luận giải câu “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau” (tr.140), về cơ bản, cách giải thích cho việc “thiếu đất trồng dừa” tương đối hợp lý nhưng sao lại “thừa đất trồng cau”? Theo HTC, “cau chỉ mọc thẳng (nên được dân gian mệnh danh là Nhất trụ kình thiên - Một cột chống trời, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn). Phải đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng, cau mới lớn và cho quả”.

Một thực tế ai cũng biết là với cau, người ta thường trồng hai cây, thậm chí là hai hàng đối xứng qua một trục (con ngõ) hoặc trồng thành hàng dài (dọc bờ rào, trước sân hay Tiền đường các ngôi chùa…). Thêm nữa, khoảng cách giữa các cây cau khá lớn (lên tới một/vài mét) nên cần diện tích rộng (thừa/nhiều đất) chứ không phải do yếu tố “Nhất trụ kình thiên, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn” của cau. Chưa hết, “đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng” là điều kiện rất tốt nhưng không phải bắt buộc và duy nhất để cau sinh trưởng, ra hoa kết trái. Chẳng phải những cây cau trong chậu cảnh (đất ít, chật chội) vẫn tươi tốt và cho quả sao?”

Ở mục này, chúng tôi xin trích lại đoạn sau:

“Cây dừa có thể tận dụng đất “đầu thừa, đuôi thẹo” nơi bờ ao, góc vườn để trồng. Trong điều kiện chật hẹp, bộ rễ dừa ăn sâu, thân dừa có thể điều chỉnh nghiêng về bên có nhiều ánh sáng để sinh trưởng. Nhưng cau chỉ mọc thẳng (nên được dân gian mệnh danh là Nhất trụ kình thiên 一柱擎天 - Một cột chống trời, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn)”.

Như vậy có nghĩa, cau không trồng được theo kiểu tận dụng đất, vì cau chỉ mọc thẳng, chứ không điều chỉnh thân vươn ra phía có nhiều ánh sáng như dừa (có cây dừa cong queo, hoặc nằm ngả xuống bờ ao). Nếu cau trồng dày, trồng thành bãi, thì cau cũng chỉ thích hợp trồng thuần loài (cau với cau), chứ không trồng hỗn giao với các loại cây thân gỗ khác. Theo đó, phần mở ngoặc “nhất trụ kình thiên”, chỉ là dẫn chứng tham khảo về đặc tính luôn mọc thẳng của cây cau, chứ không phải chúng tôi đem “khí phách hiên ngang”, “nhất trụ kình thiên” của cây cau ra giải thích cho ý “thừa đất trồng cau”.

PVTH cho rằng “khoảng cách giữa các cây cau khá lớn (lên tới một/vài mét) nên cần diện tích rộng (thừa/nhiều đất)”, là không đúng. Vì nếu tính khoảng cách lớn (giữa cây nọ với cây kia), thì các cây ăn quả như mít, dừa, cần lớn hơn cau gấp nhiều lần (mít thuộc cây cổ thụ, tán, cành vươn ra đến cả chục mét; còn dừa thì tàu dài, rộng, vươn ngang, nên nếu dừa trồng thành hàng cũng cần có khoảng cách giữa cây nọ với cây kia ít nhất là 5-6m để tránh tàu của hai cây chạm vào nhau). Trong khi tàu cau ngắn, mọc vót, hướng lên trên, chứ không ngả dài như tàu dừa, nên khoảng cách giữa hai cây chỉ cần hẹp bằng 1/2 so với dừa.

.
Cây cau trồng chật hẹp, giao tán với cây lấy gỗ, tàu lá bị đánh tơi tả. Ảnh: HTC 

Sở dĩ “phải đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng, cau mới lớn và cho quả”, vì cau không trồng hỗn giao được với các loại cây thân gỗ khác (cành lá của các loại cây khác giao tán, va đập sẽ làm hỏng tàu cau và buồng cau). Mặt khác, cau trồng không chỉ lấy quả, mà còn làm cảnh (“Chim gà, cá lạch, cảnh cau”; “Cảnh cau, màu chuối”). Bởi vậy, nếu trồng cau hỗn giao, cau bị các loại cây khác giao tán che lấp, làm cho lá xác xơ, thì còn gì là “cảnh cau” nữa! Thế nên chúng tôi nhấn mạnh yếu tố “rộng rãi, thoáng đãng” là vậy.

.
Cau ưa trồng ở không gian rộng rãi, thoáng đãng nếu trồng mật độ dày, cau cũng chỉ ưa trồng thuần loài (tức cau với cau). Ảnh: ST 

PVTH lưu ý: “Chưa hết, “đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng” là điều kiện rất tốt nhưng không phải bắt buộc và duy nhất để cau sinh trưởng, ra hoa kết trái. Chẳng phải những cây cau trong chậu cảnh (đất ít, chật chội) vẫn tươi tốt và cho quả sao?”

Đúng vậy! Hầu hết các loại cây khi trồng trong chậu, vẫn sinh trưởng, tươi tốt, ra hoa và cho quả. Tuy nhiên, cây tươi tốt và ra hoa, cho quả theo kiểu của cây trồng trong chậu (bon sai - 盆栽), chứ không phải đạt yêu cầu năng suất và vóc dáng như cây trồng trong điều kiện tự nhiên. Nghĩa là cau trồng trong chậu có thể có quả, nhưng không thể năm nào cũng cho quả và quả to, cho quả hàng chục năm, và cao tới cả chục mét như cau trồng ngoài vườn.

9.PVTH viết:

“9. Ở khía cạnh khác, dù vẫn sâu sắc, kín kẽ nhưng HTC không tránh khỏi sự cứng nhắc dẫn đến sai lầm trong cách hiểu, giải thích vế so sánh “trắng như bông” (tr.150): trắng với vẻ xốp, tựa như bông!
Cần phải xác định, khi ví “trắng như bông” thì “bông” là đối tượng so sánh, đặc tả màu sắc (trắng) chứ không đặc tính (xốp). Chẳng hạn như câu đồng dao “Cơm trắng như bông/Gạo tiền như muối” (bài đồng dao "Thả đỉa ba ba") phải hiểu “cơm trắng như bông” ấy là do nấu bằng thứ gạo tốt và không bị trộn lẫn bởi màu vàng, đục của ngô, khoai, sắn (cơm độn); không phải nồi cơm “trắng với vẻ xốp” (dẫu sau khi nấu, người ta thường dùng đũa cả để đánh cho tơi/xốp)”.

Lưu ý, mục đích của so sánh là nhằm gợi tả, đem vật này ra ví von để hình dung vật khác. Có nghĩa, lựa chọn sự vật, hiện tượng để đem ra ví von, so sánh là nhằm cho người nghe cảm nhận được tính chất của sự vật mình muốn mô tả, càng gợi tả, càng chính xác càng tốt. Theo đó, màu trắng có rất nhiều cấp độ trắng, kiểu trắng, tính chất trắng. Khi ví von, so sánh để người nghe hình dung được vật màu trắng mình muốn mô tả, thì phải chọn sắc thái, tính chất của cái trắng tương đồng, sinh động. Ví dụ, khi tả mái tóc/bộ râu “trắng như cước”, thì sở dĩ màu trắng của cước được đem ra so sánh, vì từng sợi trắng bóng của cước gần giống với râu, tóc trắng (của người già khoẻ mạnh). Theo đó, cũng là trắng, nhưng không ai ví “bát cơm trắng như cước”, vì bát cơm tạo thành từ nhiều hạt cơm nhỏ, vụn, chứ không phải “sợi” (cơm) dài. Trong khi đó, người ta hoàn toàn có thể so sánh “Những sợi miến gạo trắng như cước”, vì miến có hình như sợi cước. Hay, so sánh “Mái tóc trắng như mây” (mây trắng gợi tả vẻ đẹp bồng bềnh, phất phơ của tóc); “Cổ tay em trắng như ngà” (“ngà” gợi nên vẻ đẹp của cánh tay tròn lẳn, trắng mà bóng đẹp, cái trắng của ngọc ngà, khêu gợi). 

.
Cơm trắng như bông. Ảnh: ST 

Vẻ trắng của bông có độ phồng, độ bông. Ảnh: ST 

Trở lại chuyện “trắng như bông”.

Không nên cho rằng, “trắng như bông” chỉ gợi tả tính chất trắng “không bị trộn lẫn bởi màu vàng đục”, chứ không gợi vẻ xốp, “bông” lên của sự vật:

“Trên trời mây trắng như bông,
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây” 

(Ngô Văn Phú)

Sở dĩ mây và bông được đem ra so sánh với nhau, vì ngoài có chung màu trắng, thì cả hai đều giống nhau về hình khối, với vẻ xốp nhẹ, bồng bềnh. Theo đó, “Cơm trắng như bông/Gạo tiền như nước” (không phải “Gạo tiền như muối” như PVTH viết), thì khi mô tả bát “cơm trắng như bông” ấy, không phải đơn thuần dân gian muốn nói cơm “không bị trộn lẫn bởi màu vàng, đục của ngô, khoai, sắn (cơm độn)” [nếu thế, chỉ cần nói “cơm trắng tinh” là đủ], mà là gợi tả bát cơm ngon, hạt cơm trắng bong, cảm giác bông lên, đầy lên trong bát.

Dù so sánh bông trắng như mây, mây trắng như bông (mây và bông giống nhau), nhưng người ta chỉ tả “mái tóc trắng như mây” (hình dung mái tóc trắng đẹp của thần tiên), chứ không tả “mái tóc trắng như bông” (thô, xấu, dễ liên tưởng đến…chó bông); người ta chỉ gợi tả “cơm trắng như bông”, chứ không tả “cơm trắng như mây” (hình dung ngay đến sự bồng bềnh trôi trên trời, không hợp). “Trắng toát”, “trắng như vôi”, “trắng như tuyết”…cũng là mô tả vẻ trắng cả một màu (không trộn lẫn màu khác), nhưng không ai đem ví với bát cơm trắng không độn ngô, khoai, sắn. Cũng là trắng, nhưng “trắng như ngó cần” gợi tả vẻ trắng nõn, nuột nà của da dẻ; “trắng như trứng gà bóc” gợi tả vẻ trắng hồng, mịn màng, mềm mại… Đó chính là sự tinh tế trong sử dụng ngôn từ.

HTC/11/2017

(Mời độc giả đón đọc phần cuối "Với Phạm Võ Thanh Hà:
"Vài trao đổi về phương pháp luận").



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.