Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Giáo dục VN cần thêm 9.000 tiến sĩ để ‘đổi mới’

Giáo dục VN cần thêm 9.000 tiến sĩ để ‘đổi mới’ 

16/11/2017
Các sinh viên Việt Nam vẫy cờ tổ quốc.
Hôm 16/11 Bộ trưởng Bộ Gíao dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ cho báo chí biết thêm về đề án mà ông đề xuất cấp 12.000 tỷ đồng để cấp học bổng đào tạo 9.000 tiến sĩ cho các trường đại học Việt Nam trước năm 2030.
Truyền thông trong nước cho biết nội dung của dự thảo Đề án có tên là “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.”
Ngay khi công bố đề án này, đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV nói “dư luận rất quan tâm.”
Từ Hà Nội, nhà báo Nguyễn Tường Thụy nói với VOA:
“Việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ là việc khó hiểu vô cùng. Không biết ông ấy xuất phát từ động cơ nào mà cho đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi đó đã đào tạo 24.000 tiến sĩ ở Việt Nam rồi mà chẳng làm được gì. Đào tạo thêm làm gì cho mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Tôi rất nghi ngờ về động cơ này. Đây là một quyết định khó hiểu và vấp phải sự phản đối rất mạnh của xã hội.”
Bộ trưởng Nhạ nói: "Số tiền này là dạng học bổng, ai nhận được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền "rót" về địa phương, "rót" về các cơ sở đào tạo."
Trong số 9.000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ có khoảng 5.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh, người từng du học ở Pháp, nhận định rằng mục đích của đề án này đã sai ngay từ đầu:
“Cũng như dự án đào tạo hơn 20.000 tiến sĩ trước đây thì tôi biết chắc trước sau gì thì dự án này sẽ thất bại. Vì sao? Vì mục đích của họ đã sai ngay từ đầu. Mục đích của nền giáo dục là không đào tạo ra tiến sĩ, mà đào tạo ra những người có óc độc lập và phê phán (critical thinking), tư duy sáng tạo. Trong khi đó nền giáo dục Việt Nam chỉ nhắm mắt mà tuân lệnh nhà cầm quyền đào tạo người không có óc phản biện. Bây giờ có đào tạo thêm tiến sĩ nữa thì cũng vậy thôi.”
Báo Zing.vn dẫn lời tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, cho hay thời gian qua, Việt Nam vừa có một cuộc “chạy đua” trong đào tạo tiến sĩ, với chất lượng đào tạo “không được như mong muốn.”
Bảo vệ cho đề án này, Bộ trưởng Nhạ nói: “Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến."
Theo đề án này, từ nay đến 2025 mỗi năm Việt Nam sẽ tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài, sử dụng 94% ngân sách Nhà nước.
Nói về việc chi 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong tương lai, ông Lê Viết Khuyến nói với báo chí trong nước rằng đó là “điều đáng lo ngại.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.