Bauxite Tây Nguyên đứng trước sự lựa chọn khốc liệt...
bauxitevn9:33 AM
Thành Luân / 21-11-2017
Vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày càng trở thành chiếc xương hóc của ĐCSVN. Chính vì nó mà trang mạng này mới ra đời. Nó là minh chứng xác đáng của một kiểu tư duy: triệt để chấp hành lệnh “ông anh 4 tốt” dù có phải đưa dân tộc vào cái chết từ từ cho đến lúc không còn cựa quậy được nữa (còn quan chức càng bự thì càng béo bở, cố nhiên). Để bạn đọc nhìn lại một quãng ngắn những vấn đề nổi cộm chỉ trong vòng 3 tháng, BVN xin đăng lại chùm bài viết trên Đất Việt từ tháng 23-8-2017 đến nay để xem dân ta đã phải chịu đựng khối ung nhọt này khốn khổ như thế nào, và phương pháp ứng xử kiên nhẫn hết mực CS: Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi, nó là nguyên tắc bài bản, bắt buộc, không phải chỉ đối với đường sắt trên cao Cát Linh mà với tất cả mọi thứ công trình do tình hữu nghị môi răng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đem lại.
Bauxite Việt Nam
|
Hàng tỷ USD đổ vào dự án bauxite, cần đánh giá toàn diện để có quyết định mới mang lại hiệu quả kinh tế, không để hệ lụy môi trường mai sau.
Điều này phải được đánh giá một cách khách quan và khoa học, vì vậy phải có một Hội đồng gồm các nhà khoa học am hiểu về công nghệ, kinh tế, tự nhiên, xã hội, quân sự xem xét đánh giá lại toàn bộ hồ sơ của dự án thì mới có thể cho các kết luận chính xác về cái giá phải trả nếu tiếp tục khai thác", ông Trần Sơn Lâm nhấn mạnh.
Nhớ bài học Thủy điện Sơn La
Trong câu chuyện của mình, ông Trần Sơn Lâm đã nhắc tới một dự án khác, đó là dự án Thủy điện Sơn La. Theo đó, đầu năm 2000, Hội đồng Chính phủ đã thông qua Đề án xây dựng Thủy điện Sơn La với cao trình của đập lên tới trên 300m.
Biết được thông tin này, nhiều nhà khoa học hàng đầu đã viết chung một kiến nghị gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong đó phân tích rõ những khiếm khuyết trong quá trình khảo sát đánh giá nền móng và hang động ở các vùng núi là nơi dự kiến xây đập.
Sau khi nhận được kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải. Thủ tướng đã chỉ thị dừng việc báo cáo trình Quốc hội đề án này và giao Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xem xét kỹ ý kiến của các nhà khoa học trong kiến nghị.
Sau khi có ý kiến của các bộ ngành, cơ quan nói trên, Vụ Khoa giáo Văn xã đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng. Với tác phong thận trọng, Thường trực Chính phủ đã họp và quyết định giao cho Cục Địa Chất và Khoáng sản Việt Nam thành lập Hội đồng khoa học do nhà địa chất hàng đầu, anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao làm Chủ tịch Hội đồng.
Sau gần một năm làm việc với tinh thần khách quan, thận trọng, Hội đồng đã nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ khảo sát thiết kế do Tổng Công ty khảo sát thiết kế điện cung cấp. Tiếp theo, các nhà khoa học của Hội đồng đã tiến hành nhiều đợt khảo sát trên thực địa để đối chiếu so sánh.
Kết luận của Hội đồng đã chỉ ra các yếu tố về địa chất công trình và các hang động nằm ở các vùng núi này dễ gây tình trạng mất nước khi hồ tích nước và từ đó có thể gây ra hiệu ứng động đất kích thích ảnh hưởng đến an toàn của đập thủy điện.
Sau khi nhận được kết quả báo cáo của Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thị Văn phòng Chính phủ một lần nữa xin ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan về kết quả trong báo cáo của Hội đồng.
Sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan nói trên, do bám sát từng bước làm việc của Hội đồng, Vụ Khoa giáo Văn xã đã tổng hợp ý kiến của các cơ quan trong đó có ý kiến vẫn đề nghị tiếp tục xây ở cao trình cao trên 300m với lý do cho hiệu quả kinh tế cao, có thể xử lý các khiếm khuyết mà Hội đồng khoa học chỉ ra bằng các biện pháp kỹ thuật. Ý kiến khác đề nghị chỉ xây ở độ cao trên 200m để bảo đảm an toàn cho đập và an toàn cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và an ninh quốc gia vì nếu xây đập có độ cao trên 300m, vùng diện tích hồ chứa có nơi chỉ cách biên giới Trung Quốc vài ba chục km theo đường chim bay.
Bám sát hoạt động của Hội đồng Khoa học, Vụ Khoa giáo Văn xã đã báo cáo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây đập có độ cao trên 200m.
Hội đồng Chinh phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận rất kỹ, cuối cùng nhất trí thông qua Đề án xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La với cao trình đập có độ cao hơn 200m. Đề án đã trình sang Quốc hội và được phê duyệt theo phương án này.
"Thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học của Chính phủ khi đó đã tránh cho người dân các hệ lụy khủng khiếp có thể xảy ra do tình hình biến đổi khí hậu khôn lường.
Mới đây, khi bão đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc gây sạt lở đất nghiêm trọng, những trận mưa, lũ quét cường độ lớn, nước tràn về các hồ thủy điện với tốc độ khổng lồ. Nếu xây dựng đập ở cao trình trên 300m, tạo ra một hồ chứa nước mênh mang chỉ cách biên giới Trung Quốc vài chục km đường chim bay, không hiểu điều gì sẽ xảy ra?
Nhắc lại câu chuyện cách đây gần 20 năm, tôi thấy vẫn chưa quá muộn khi xem xét, đánh giá và cân nhắc lại việc đầu tư vào dự án bauxite Tây Nguyên", ông Trần Sơn Lâm nói.
T.L.
2. Thu bauxite kém xa dự tính: Minh chứng càng làm càng lỗ?
Thành Luân / 23-8-2017
Số thu ngân sách kém xa so với dự tính ban đầu của các dự án alumin-nhôm đã được cảnh báo từ lâu.
Báo Đầu tư dẫn báo cáo của tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND Nguyễn Bốn ký mới đây cho biết, theo kết quả phân tích, tính toán về hiệu quả kinh tế của Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo vốn đầu tư điều chỉnh và các quy định về cơ chế chính sách của Nhà nước tại thời điểm tháng 12/2016 được Sở Công thương cung cấp, kể từ năm 2016, năm kế hoạch Nhà máy đi vào hoạt động, tổng số thuế bình quân hàng năm đóng góp cho ngân sách là 437,761 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, thống kê từ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho thấy, tổng dự toán thu ngân sách năm 2017 từ Nhà máy chỉ khoảng 107,390 tỷ đồng, thấp hơn so với báo cáo phân tích hiệu quả kinh tế ban đầu hơn 330 tỷ đồng.
Nhà máy dản xuất alumin Nhân Cơ sau khi xây dựng đội vốn lên hơn 5 lần. Ảnh: NLĐ
Trong quý I/2017, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được trên 247.000 tấn hydroxyt nhôm và 126.000 tấn alumin. Đồng thời, Nhà máy đã xuất khẩu được 16.600 tấn hydroxyt nhôm sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và khoảng 85.000 tấn alumin sang thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Số nộp ngân sách nhà nước từ Nhà máy là 57,181 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 23 tỷ đồng; thuế xuất khẩu 13,8 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 7 tỷ đồng; thuế tài nguyên 6,2 tỷ đồng…
Theo tính toán của tỉnh Đắk Nông, với khả năng đóng góp cho ngân sách như hiện tại và sản phẩm alumin sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, thì cả năm 2017, tổng thu các khoản từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ khoảng 150 tỷ đồng.
52% số thu này được đưa về ngân sách trung ương, tức là khoảng 78 tỷ đồng; còn ngân sách địa phương sẽ được hưởng khoảng 72 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, số dự tính thu được của Alumin Nhân Cơ năm 2017 cũng kém xa so với con số 437,7 tỷ đồng được ước tính khi triển khai dự án.
Đối với Nhà máy Alumin Tân Rai, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) hồi tháng 7/2017, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Nhà máy ước đạt trên 60 tỷ đồng.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo TKV cho hay, 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đang thu được kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Về hiệu quả kinh tế của dự án, năm 2017 đã bắt đầu có lãi và cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên, nhìn kết quả từ hai nhà máy, một số chuyên gia địa chất và khoáng sản cho rằng số thu được từ Tân Rai và Nhân Cơ là quá ít so với những gì phải trả và họ nhắc lại lời cảnh báo bauxite càng làm càng lỗ đã đưa ra cách đây rất nhiều năm.
PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản một lần nữa nhấn mạnh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế bởi hai yếu tố: hàm lượng bauxite thấp và công nghệ Trung Quốc.
Từ khi nhà máy chưa làm ông đã đưa ra dự báo này và thực tế đã chứng minh điều đó là đúng.
"Đối với bauxite, có những nơi người ta không coi đó là quặng nhưng Việt Nam lại đánh giá đó là quặng với trữ lượng lên đến hàng tỷ tấn rồi làm. Làm như thế không đem lại lợi ích kinh tế gì, chỉ càng làm càng lỗ", PGS.TS Nguyễn Văn Phổ chỉ rõ.
Vị chuyên gia khẳng định, cái giá phải trả cho các dự án alumin-nhôm là quá lớn khi tiền thu được quá ít ỏi, đất rừng bị mất, môi trường bị ảnh hưởng", ông nói.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cũng nhận xét, kết quả của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ cho thấy cảnh báo của giới chuyên gia cách đây nhiều năm đã đúng.
GS Bá cho rằng, việc tuyên bố mức lãi của các dự án alumin-nhôm ngày càng tăng chỉ là chuyện ảo tưởng khi có quá nhiều vấn đề tồn tại xung quanh các dự án này.
"Thứ nhất, thế giới đã không làm nhôm từ bauxite nữa, ngay như Úc dù đã đầu tư hàng triệu USD cũng vẫn bỏ, chỉ có Việt Nam gánh công nghệ của Trung Quốc.
Thứ hai, làm nhôm từ bauxite quá ô nhiễm. Đập chứa bùn đỏ ở vùng cao 700-800m so với mặt nước biển, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì dưới hạ lưu như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương... chịu rủi ro vô cùng lớn với lũ quét, hệ sinh thái bị tiêu diệt.
Thứ ba, bauxite Việt Nam phân bố theo kiểu lỗ chỗ, không phải ở 1 vỉa sâu liên tục, khai thác dễ nhưng hiệu quả không tốt, hậu quả lớn là không thể hoàn thổ được, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng để canh tác", vị chuyên gia phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường dẫn con số so sánh: 7 tấn nhôm mới bằng được 1 tấn hạt tiêu, làm sao làm có lời được? Trong khi đó trồng hồ tiêu không độc hại, dân ai cũng quen trồng, trồng được ở khắp nơi.
Không dừng ở đó, việc vận chuyển bauxite cũng bế tắc bởi trước TKV tính làm cảng Kê Gà nhưng sau dừng lại dù đã bỏ bao nhiêu tiền; chạy xuống sông Vàm Cỏ để nhẹ tiền hơn nhưng cũng tan nát hết đường.
Bởi giá thành sản xuất cao hơn giá bán nên GS.TSKH Lê Huy Bá cảm thấy "bế tắc" đối với các dự án alumin-nhôm.
"Cảnh báo thì đã nói nhiều, giờ với những con số thực tế như vậy, hy vọng những người có trách nhiệm sẽ nhận ra dù hơi muộn", vị chuyên gia nói.
T.L.
3. Thu bauxite kém xa dự tính: Ai nghe cảnh báo rủi ro?
Thành Luân / 24-8-2017
Ngay từ đầu, Nhà máy alumin Nhân Cơ đã được cảnh báo là rất lớn và Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đã kiến nghị không xây nhà máy này.
Liên quan đến số thu ngân sách kém xa so với dự tính ban đầu của dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) không hề tỏ ra ngạc nhiên.
Theo ông, ngay từ đầu, dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ đã được cảnh báo là rủi ro vô cùng lớn và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã kiến nghị không xây nhà máy này nhưng cuối cùng dự án vẫn được tiến hành xây dựng.
Chuyển quặng tinh về nhà máy alumin. Ảnh: Tuổi trẻ
"Tôi được VUSTA ủy thác xem xét, đánh giá dự án. Vào năm 2009, tại hội thảo về bauxite do Bộ Công thương và VUSTA phối hợp tổ chức, chỉ dựa vào những số liệu do chính Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp, tôi đã thấy dự án này rất rủi ro.
Với các điều kiện tính toán lúc bấy giờ, bài toán kinh tế cho thấy dự án không có lãi. Đó là dựa theo những giả thuyết, chẳng hạn không có chuyện kéo dài thời gian xây dựng do chậm trễ, tổng mức đầu tư không tăng, chi phí không tăng... thì may ra là huề vốn.
Tuy nhiên, cuối cùng dự án kéo dài gần 3 năm, được điều chỉnh 2 lần, thay đổi công suất và tổng mức đầu tư đã tăng gấp 5 lần. Đặc biệt, nhà máy ở rất xa, chi phí vận chuyển và các yếu tố khác rất đắt nên rủi ro càng cao, khả năng có lãi là không có.
Vào thời điểm ấy, các đánh giá như vậy đã được đưa ra và cảnh báo nhưng cuối cùng dự án vẫn cứ được xây dựng", ông Nguyễn Văn Ban kể lại.
Nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam cho rằng, có thể TKV coi dự án đang trong giai đoạn chạy thử nên số thu thấp.
Trong khi đó, đối với dự án Nhà máy alumin Tân Rai, báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) hồi tháng 7/2017, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Nhà máy ước đạt trên 60 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tiếp.
Theo kết quả của đoàn thanh tra Bộ Tài chính trước đó, tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, bauxite Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).
"Tôi cho rằng cần thận trọng trước các con số mà TKV đưa ra bởi đã nhiều lần họ đưa ra các con số khác nhau. Ngay cả dự án Nhân Cơ cũng vậy, phải có kết quả thanh tra của Bộ Tài chính như đã làm đối với dự án Tân Rai thì mới chuẩn xác và tin được.
Lưu ý rằng trước đó TKV đánh giá bauxite Tân Rai hiệu quả thế nào nhưng khi Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc thì mới biết 3 năm Tân Rai đã lỗ tới gần 3.700 tỷ đồng.
Khi nói dự án hiệu quả thì phải hiểu rằng có 2 vấn đề:
Thứ nhất, hiệu quả kinh tế-xã hội tức là nó có thể tạo ra công ăn việc làm.
Thứ hai, hiệu quả về tài chính, tức tiền để nuôi bộ máy, tiền làm ra có đủ để chi trả các chi phí hay không, Đó mới là vấn đề, còn để nuôi bộ máy mà phải lấy nguồn tiền khác, sản xuất ra không đủ ... thì không chấp nhận được.
Suốt 3 năm bauxite Tân Rai lỗ hàng ngàn tỷ mà 6 tháng năm nay đã báo lãi, vậy số tiền lỗ của 3 năm ấy biết bao năm mới bù lại được?", ông Nguyễn Văn Ban thẳng thắn.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, lẽ ra phải đánh giá một cách đầy đủ tính hiệu quả của dự án Tân Rai rồi mới tiến hành dự án Nhân Cơ, tuy nhiên việc xây dựng vẫn được tiến hành bất chấp các cảnh báo rủi ro, bởi thế nguy cơ cái giá phải trả sẽ rất lớn.
T.L.
Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thu-bauxite-kem-xa-du-tinh-ai-nghe-canh-bao-rui-ro-3341712/
4. 11 bộ phải báo cáo về dự án bauxite Tây Nguyên
Minh Thái (Tổng hợp) / 8-11-2017
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi 11 bộ ngành, 2 địa phương yêu cầu phối hợp báo cáo đánh giá hiệu quả tổng thể hai dự án bauxite Tây Nguyên.
Theo đó, để đảm bảo báo cáo hoàn chỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, Bộ Công thương đã ra Quyết định về xây dựng đề cương tổng kết, đánh giá hiệu quả tổng thể của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên.
Tháng 10/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp báo cáo theo nhiệm vụ được phân công. Theo đó các bộ, ngành sẽ phải báo cáo gửi đến Bộ Công thương trước ngày 30/10/2017 để Bộ này tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền.
Theo đề nghị của Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan tham gia vào hiệu quả dự án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng; các doanh nghiệp gồm Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Báo cáo toàn diện về hiệu quả dự án bao gồm 5 phần chính, trong đó quan trọng nhất là đánh giá chủ trương thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn; công nghệ ứng dụng và thị trường, sản phẩm giá cả sản phẩm của hai dự án nói trên.
Đặc biệt, nhiều hạng mục đánh giá hiệu quả dự án được Bộ Công thương yêu cầu các bộ, ngành và địa phương báo cáo cụ thể và chịu trách nhiệm chính. Trong đó, phần đánh giá năng lực của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu ảnh hưởng đến hiệu quả dự án thuộc về trách nhiệm riêng của Bộ Công Thương và TKV.
Ở khâu công nghệ áp dụng và chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo đánh giá tác động và tính hiệu quả. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, TKV, các tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông được yêu cầu báo cáo về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án quan trọng này.
Đối với hiệu quả dự án của thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và TKV phải chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Báo cáo tác động xã hội của dự án do các bộ, ngành và hai địa phương có hai dự án nói trên thực hiện.
Về vai trò quản lý Nhà nước đối với việc triển khai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Công thương chịu trách nhiệm báo cáo hiệu quả vai trò, trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bộ, ngang bộ và của chủ đầu tư dự án, giám sát dự án.
Dự án bauxite Tân Rai được phê duyệt triển khai vào năm 2007, đưa vào vận hành tháng 10/2013. Theo kế hoạch dự án sẽ lỗ trong 4 năm đầu hoạt động. Hiện mức lỗ của dự án có tăng so với dự kiến ban đầu.
Kết quả thanh tra do Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 3/2017, mức lỗ đã lên đến 3.696 tỷ đồng, trong khi dự kiến lỗ là 2.520 tỷ đồng, vượt lỗ lũy kế dự kiến 1.660 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá là 1.176 tỷ đồng.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo TKV cho hay, 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đang thu được kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Về hiệu quả kinh tế của dự án, năm 2017 đã bắt đầu có lãi và cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm.
Tuy nhiên, nhìn kết quả từ hai nhà máy, một số chuyên gia địa chất và khoáng sản cho rằng số thu được từ Tân Rai và Nhân Cơ là quá ít so với những gì phải trả và họ nhắc lại lời cảnh báo bauxite càng làm càng lỗ đã đưa ra cách đây rất nhiều năm.
M.T.
Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/11-bo-phai-bao-cao-ve-du-an-bauxite-tay-nguyen-3346711/
5. Báo cáo toàn diện dự án bauxite: Chờ lời đáp sáng suốt
Thành Luân / 9-11-2017
Việc đánh giá toàn diện dự án bauxite có thể cho quyết định sáng suốt đối với dự án này, nên tiếp tục, mở rộng hay đóng lại.
Việt Nam đang cần vốn, phải xem xét việc sử dụng nguồn vốn ra sao, có hợp lý không. Bỏ đồng tiền ra phải tính toán căn cơ chứ không phải để lỗ dần lỗ mòn rồi lại bán đổ bán tháo, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Nếu như vậy thì thà dừng lại còn tốt hơn.
Việc tham gia của các bộ, ngành, các bộ phận kinh tế vào hoạt động kiểm tra, đánh giá lại các mặt của dự án bauxite là cần thiết và sáng suốt, để từ đó có thể có được quyết định sáng suốt đối với dự án này, nên tiếp tục duy trì, mở rộng hay đóng lại dù có thể đau nhưng kịp thời để có thể xử lý được những vấn đề ung nhọt", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng, Việt Nam đã lấn sâu vào dự án này nên cá nhân ông không rõ cơ quan quản lý có dám ra những quyết định có tính bước ngoặt hay không.
Sai đâu, truy trách nhiệm ở đó
Bởi Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá dự án bauxite nên theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Bộ Công thương phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Các tập đoàn, bộ, ngành được giao nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các hoạt động của dự án sẽ phải thực thi theo yêu cầu của Bộ Công thương.
"Bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn và những người được giao đầu mối phụ trách phải có trách nhiệm với báo cáo của mình, thuê chuyên gia, tư vấn để thẩm định lại tình hình và số liệu. Nếu họ báo cáo sai thì họ phải chịu trách nhiệm.
Về phía Bộ Công thương, dù các bộ, tập đoàn báo cáo lên nhưng Bộ vẫn có trách nhiệm thuê các tư vấn, chuyên gia thẩm định lại báo cáo của các đầu mối. Khi Bộ Công thương báo cáo với Chính phủ, các số liệu đó là của Bộ Công thương và bộ này phải phải chịu trách nhiệm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích.
Đáng lưu ý, sau khi đánh giá hiệu quả dự án, sai ở đâu thì phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra người chịu trách nhiệm để quy trách nhiệm và xử lý.
T.L.
6. Báo cáo toàn diện dự án bauxite: Phải lưu ý những gì?
Thành Luân / 10-11-2017
Với báo cáo toàn diện về dự án bauxite Tây Nguyên, vị chuyên gia cho rằng điều này thể hiện sự tôn trọng đối với các nhà khoa học.
11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên. Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá.
Bình luận về thông tin này, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, đây là một chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ. Để đi tới một quyết định sáng suốt về dự án bauxite cần phải đánh giá toàn diện về dự án, cả về kinh tế, môi trường lẫn cuộc sống người dân, phát triển bền vững, an ninh quốc phòng...
Chính phủ chỉ đạo như trên là rất đúng, tức trước khi dừng dự án phải có đánh giá toàn diện về dự án, về kinh tế, môi trường, cuộc sống người dân, phát triển bền vững, an ninh quốc phòng...
Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: VnEconomy
Theo vị chuyên gia, sau một thời gian vận hành, dự án bauxite Tây Nguyên đã không cho thấy hiệu quả kinh tế trong khi lại gây hại cho môi trường, thua lỗ nhiều, làm xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương. Đặc biệt, ông lo ngại vấn đề bùn đỏ và chất độc hại từ nhà máy chuyển ra như một quả bom nổ chậm, dù có chôn lấp cũng là hiểm họa cho các vùng hạ du và các vùng xung quanh, không phải ngày một ngày hai mà khắc phục được.
"Thủ tướng yêu cầu như vậy thì các bộ, ngành liên quan phải làm. Trong đó, TKV phải có một đánh giá nghiêm túc, chứ không phải vì lỡ làm rồi mà cứ che chắn. Dự án này liên quan tới sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, một chủ trương đầu tư và việc đánh giá toàn diện dự án thể hiện sự tôn trọng của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với công tác phản biện xã hội của các nhà khoa học", PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nhấn mạnh.
Từ đây, ông góp ý, báo cáo toàn diện về dự án bauxite Tây Nguyên cần lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, phải đánh giá hiệu quả kinh tế, nguồn lực (con người, của cải vật chất, cơ sở hạ tầng...) đầu tư vào dự án bao nhiêu.
Chẳng hạn, cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư, được xây dựng với mục đích nhằm vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên xuống. Thế nhưng TKV cứ trì hoãn việc xây dựng cảng, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư có dự án du lịch bị thu hồi. Vậy ai chịu trách nhiệm về 1.000 tỷ đồng đó? Những thứ này phải được đưa vào trong báo cáo và đánh giá một cách đúng đắn.
Đặc biệt, báo cáo này cần phải có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, nghiêm túc để có chế tài phù hợp, chứ không thể để doanh nghiệp tự báo cáo thế nào cũng được mà không biết có đảm bảo độ tin cậy hay không.
Thứ hai, phải đánh giá về mặt môi trường, tác động của dự án tới nguồn nước ngầm và môi trường sinh thái.
Chẳng hạn, nếu bùn đỏ, bột trắng bị phát tán ra môi trường thì ảnh hưởng mức độ nào tới nguồn nước ngầm? Phải có xét nghiệm, phân tích cụ thể chứ không nói chung chung. Hay dự án đã khiến độ che phủ rừng của Tây Nguyên giảm đi bao nhiêu % cũng phải có đánh giá cụ thể.
"Mặc dù trong nghiên cứu tiền khả thi TKV có nói đảm bảo môi trường, nhưng thực tế nhiều sự cố vẫn xảy ra, có nghĩa là dự án đã sử dụng một công nghệ quá lạc hậu và TKV đã quyết làm, bất kể ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội", PGS Khiển thẳng thắn.
Thứ ba, về môi trường xã hội, những hệ lụy mà các lao động phổ thông nước ngoài và trong nước tham gia vào dự án gây ra cho địa phương có hai dự án bauxite cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.
Thứ tư, báo cáo phải đánh giá về tác động của dự án tới an ninh quốc phòng.
"Tôi hy vọng từ báo cáo toàn diện về dự án bauxite, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn về dự án này. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng, với lần đánh giá này, các nhà khoa học phải được tôn trọng, đừng vì lợi ích trước mắt hay một nhóm nào đó", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhấn mạnh.
Trong khi đó, cũng liên quan đến báo cáo đánh giá toàn diện dự án bauxite Tây Nguyên, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) cho rằng, cần có một hội đồng quốc gia đánh giá, xem xét thì mới có thể tin cậy và đảm bảo khách quan. Hội đồng này phải có những người có chuyên môn, kinh nghiệm.
"Bởi nhiều thông tin đưa ra ở các cấp, doanh nghiệp không được tin tưởng nên cần có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm và có quyết định chính xác về dự án", ông nói.
T.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.