Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Đại Cồ Việt vuột mất cơ hội tiến sang đánh chiếm Trung Quốc vào phút cuối như thế nào

Đại Cồ Việt vuột mất cơ hội tiến sang đánh chiếm Trung Quốc vào phút cuối như thế nào

Trong lịch sử vào thời nhà Lý, lúc hoàn cảnh đất nước bị kẹp giữa liên minh Tống – Chiêm, Đại Cồ Việt đã có một cơ hội rất tốt để tiến quân sang Trung Quốc đánh bại nhà Tống. Nhưng đến phút cuối cùng cơ hội này lại bị vuột mất…
Sự việc này liên quan đến một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi: chính quyền Trung Quốc ngày nay tuyên truyền rằng ông là người đã đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà nước phong kiến; phía Việt Nam thì từng tôn vinh ông như một hình tượng đoàn kết các dân tộc thiểu số chống lại ngoại xâm; có người xem ông là một thế lực tự trị; cũng có người gọi ông là giặc loạn; lại có người coi ông như một vị anh hùng dân tộc. Ông là Nùng Trí Cao.

Nùng Trí Cao
Nùng Trí Cao là người đã khiến quân Tống khiếp đảm, khiến danh tướng Địch Thanh phải vất vả. Trong ảnh là tạo hình danh tướng Địch Thanh và chùa Trúc Lâm Bản Giốc, nơi có thờ Nùng Trí Cao. (Ảnh tổng hợp – Ảnh gốc: Tai Do Khac, taybacvietnam.wordpress.com)

Nùng Trí Cao là thủ lĩnh dân tộc người Choang (hay người Tráng tức người Tày, Nùng ngày nay) ở Quảng Nguyên (nay là tỉnh Cao Bằng). Ông là con của thủ lĩnh địa phương Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc tự xưng là Chiêu Thành Hoàng Đế, đặt tên nước là Trường Sinh rồi đem quân tiến đánh các nơi.
Tháng 2/1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh quân của Nùng Tồn Phúc. Nùng Tồn Phúc thua trận, phải cho quân chạy vào núi nhưng vẫn bị bắt. Vua Lý sai chém cả Nùng Tồn Phúc và con là Nùng Trí Thông.

Mong muốn thành lập vương quốc tự trị cho người Choang

Vì mong muốn lập một vương quốc tự trị riêng cho người Choang nên nhiều lần Nùng Trí Cao đã nổi lên, nhưng lần nào cũng bị quân triều đình nhà Lý đánh bại.
Năm 1041, Nùng Trí Cao hợp quân tiến đánh châu Thảng Do (gần Quảng Nguyên), Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng:
Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang nữa.
Năm 1048, Trí Cao lại chiếm giữ phía Tây động Vật Ác (thuộc Quảng Nguyên), vua sai tướng Quách Thịnh Dật đi đánh khiến Trí Cao phải đầu hàng.
Sở dĩ những cuộc nổi dậy của cha con Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao ở Đại Việt đều rất nhanh chóng bị đánh bại là vì nhà Lý có một cơ quan gọi là “Khu Mật Viện” giống như cơ quan tình báo ngày nay, do những người Tày Nùng cung cấp thông tin. Do vậy nhà Lý nắm chắc mọi chi tiết về Nùng Trí Cao, khiến Đại Việt đánh thắng rất dễ dàng. Nùng Trí Cao dù ẩn thân ở đâu cũng bị phát hiện và chỉ cần một cuộc điều binh là bắt sống được. Vì tự tin nắm chắc Nùng Trí Cao trong tay nên khi bắt được, nhà Lý cũng chỉ cần răn đe và thả ra ngay mà không cần lo lắng gì.

Nùng Trí Cao
Nùng Trí Cao xin làm chư hầu phụ thuộc nhà Tống. (Ảnh qua Knews.cc)

Năm 1052, Nùng Trí Cao lại tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Nam. Vì không được nhà Lý công nhận, Trí Cao quyết định xin làm làm chư hầu phụ thuộc nhà Tống, mong nhà Tống phong vương và bảo hộ cho mình. Nhưng vua Tống Nhân Tông không đồng ý. Vậy là Nùng Trí Cao liền đem binh tiến sang đất Tống nhằm khẳng định sức mạnh của dân tộc Choang để buộc vua Tống phải phong hầu.

Cuộc tấn công khiến quân Tống kinh hoàng

Được sự giúp đỡ của các thủ lĩnh người Tày, người Thái ở Quảng Tây, quân của Nùng Trí Cao chiếm được rất nhiều châu như: Hoành châu, Quý châu, Cung châu, Tầm châu, Đằng châu, Ngô châu, Khang châu, Đoan châu, Ung châu, rồi đem quân vây hãm Quảng châu.
Thế nhưng thành Quảng châu kiên cố, quân Tống liều chết giữ thành, nên sau 57 ngày công phá không chiếm được thành, Nùng Trí Cao ngừng công kích. Nhưng ông vẫn cho quân tiến tiếp lên phía Bắc đánh chiếm thành Thanh Viễn, Anh châu, Thiều châu.
Thắng trận, Nùng Trí cao cho quân tiến về phía Tây chiếm tiếp Liên châu, Hạ châu, Thiệu châu. Toàn thắng, quân của Nùng Trí Cao tiến lên phía Bắc đánh chiếm Cung châu và Toàn châu, đến tận dãy núi Ngũ Lĩnh.

Nùng Trí Cao
Bản đồ đường tiến quân của Nùng Trí Cao của tác giả Trần Việt Bắc – vẽ lại theo tài liệu và bản đồ trong bài viết “Decisive Battles: Parallels Between the Battles of the Kunlun Pass (China, 1054) and Hastings (England, 1066)” Presented at ASPAC ’98. Whitman College, June, 1998. JeffreyBarlow (Ph.D)

Ngũ Lĩnh là dãy núi hiểm trở, rất khó để vượt núi tiến về phía Bắc, nên Nùng Trí Cao Đổi hướng tiến quân về hướng Tây Nam đánh chiếm Quế châu, Hưng An, Liễu châu, Tấn châu và chiếm lại Ung châu (đã bị nhà Tống chiếm lại tháng 10/1052).
Lúc này Nùng Trí Cao đã chiếm được một dải đất rộng lớn. Ông ta dự định xây dựng một vương quốc hùng mạnh riêng của người Choang.
Cuộc tiến binh của Nùng Trí Cao khiến cả triều đình và quan lại nhà Tống lo sợ. Trong khi vua Tống đang bối rối thì vua Lý Thái Tông của Đại Cồ Việt gửi thư xin được mang quân phối hợp với nhà Tống đánh Nùng Trí Cao. Vua Tông liền đồng ý. Quân Đại Cồ Việt tiến về biên giới.
Tuy nhiên danh tướng nhà Tống là Địch Thanh khi nghe tin vua Tống đồng ý để Đại Cồ Việt giúp đánh Nùng Trí Cao thì trong lòng như có lửa đốt. Ông biết rằng quan hệ Tống – Việt vốn chẳng tốt đẹp, Tống – Chiêm luôn là mối họa cho Đại Cồ Việt. Tại sao Đại Cồ Việt lại muốn đem quân sang giúp?

Nùng Trí Cao
Danh tướng Địch Thanh của nhà Tống.

Địch Thanh vội vàng khuyên can Tống Nhân Tông rằng: “Có một Nùng Trí Cao mà đất Lưỡng Quảng không khống chế được, lại phải nhờ quân ngoại quốc vào đánh giúp. Nếu có ai nhân đó mà nổi loạn, thì làm thế nào?”
Vua Tống tỉnh ra cho là phải, liền sai người báo quân Đại Cồ Việt (lúc đó đã gần đến biên giới) là không cần giúp đỡ. Đồng thời Vua sai tướng Dư Tĩnh và Tôn Miện đánh Nùng Trí Cao. Tuy nhiên quân Tống đánh mãi vẫn không sao thắng được.

Nùng Trí Cao
Địch Thanh khuyên can vua Tống. (Ảnh minh họa qua knews.cc)

Thấy thanh thế quân của mình ngày càng mạnh, Nùng Trí Cao dâng biểu xin vua Tống phong cho mình là Tiết độ sứ ở Ung châu và Quý châu. Vua Tống toan đồng ý, nhưng Địch Thanh lại xin dẫn quân đi đánh.

Nùng Trí Cao bại trận

Đầu năm 1053, Địch Thanh hội cùng cánh quân của Dư Tĩnh và Tôn Miện, đóng ở Tân châu (Quảng Tây ngày nay).
Địch Thanh quyết định dùng “Nhẫn” để đánh Nùng Trí Cao. Ông lệnh cho các tướng không được xuất quân, ai trái lại sẽ bị xử theo quân lệnh. Tướng Trần Thự trái lệnh đem quân đi đánh và bị thua trận, Địch Thanh bèn đem xử trảm, đồng thời cho quân nghỉ ngơi 10 ngày.
Quân do thám báo cho Nùng Trí Cao biết tình hình quân Tống. Trí Cao cho rằng quân Tống thua nhiều trận, không dám giao chiến nữa mới nghỉ ngơi 10 ngày, nên chủ quan khinh địch, thành trì không còn canh phóng cẩn mật như trước nữa.

Nùng Trí Cao
Tranh minh họa cuộc chiến giữa Địch Thanh và Nùng Trí Cao. (Ảnh qua Knews.cc)

Lúc này Địch Thanh bất ngờ điều binh tiến đánh. Quân của Nùng Trí Cao hoàn toàn bất ngờ và bị tan vỡ, nhiều tướng bị tử trận. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rằng: “Tướng tâm phúc của Cao là Hoàng Sư Mật cùng với thủ hạ 57 người chết tại trận. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2200 người. Trí Cao đốt thành ban đêm trốn đi.”
Nùng Trí Cao cùng gia quyền chạy đến Đặc Ma, nay là thị trấn Quảng Nam, gần ranh giới Quảng Tây và Vân Nam, cách phía bắc thị xã Đồng Văn, Hà Giang của Việt Nam khoảng 100 km.
Năm 1055, quân Tống tiến đánh Đặc Ma, mẹ và các con của Nùng Trí Cao bị bắt và bị xử tử. Về số phận của Nùng Trí Cao thì Tống sử có ghi chép rằng: “Không biết rõ về cái chết của Nùng Trí Cao”.

Nùng Trí Cao
Trái: Tạo hình danh tướng Địch Thanh trong phim – Phải: Nùng Trí Cao.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng: Tháng 10/1053, Nùng Trí Cao cầu cứu Đại Cồ Việt. Vua Lý Thái Tông cho quân đi tiếp ứng, nhưng quân Đại Cồ Việt chưa đến nơi thì quân Trí Cao đã bị Địch Thanh đánh bại. Ông phải chạy trốn sang nước Đại Lý. Đại Cồ Việt cũng rút quân về.
Sử Việt cũng có ghi chép rằng: Năm 1055 quân Tống tiến đánh Đặc Ma bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng, em Trí Cao là Trí Quang, con là Kế Phong. Quân cảm tử của Tống bí mật tiến vào Đại Lý truy tìm Nùng Trí Cao, vì không muốn gây hấn với nhà Tống nên Đại Lý đã chủ động bắt Nùng Trí Cao rồi dâng thủ cấp cho nhà Tống.

Nùng Trí Cao
Bàn thờ Nùng Trí Cao trong bộ chiến phục.

Như vậy sử Tống thì ghi không biết rõ số phận Nùng Trí Cao ra sao, nhưng sử Việt lại ghi rõ Đại Lý đã bắt và dâng thủ cấp của Trí Cao cho nhà Tống. Sự mâu thuẫn này dẫn đến những suy luận khác nhau, nhiều người cho rằng nếu Đại Lý thật sự dâng đúng thủ cấp Nùng Trí Cao cho nhà Tống thật thì Tống sử đã không viết “không biết rõ về cái chết của Nùng Trí Cao”. Nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì cho rằng Nùng Trí Cao không bị chết như sử Việt đã ghi. Dẫu sao số phận của Nùng Trí Cao cũng là một vấn đề còn để ngỏ.

Đại Cồ Việt bị vuột mất cơ hội đánh bại nhà Tống vào phút cuối

Trong lịch sử có ghi chép việc nhà Lý xin tiến quân sang giúp nhà Tống đánh Nùng Trí Cao và được vua Tống đồng ý. Nhưng sau đó vì sao khi nghe tin, danh tướng Địch Thanh lại nóng lòng khuyên can vua Tống Nhân Tông? Lúc đó quân Đại Cồ Việt đã tiến sát tới biên giới của nhà Tống…
Nếu nhìn lại lịch sử, thì tại thời điểm này, mối quan hệ giữa hai nước Tống – Việt vốn chẳng có gì tốt đẹp. Nhà Tống vẫn muốn liên minh với Chiêm Thành nhằm cô lập Đại Cồ Việt. Vì thế việc Nùng Trí Cao đánh chiếm Tống theo lý phải là hoàn cảnh tốt đẹp cho Đại Cồ Việt. Vậy nên việc Đại Cồ Việt mang quân sang giúp Tống là không hợp lý. Việc Đại Cồ Việt đột nhiên mang quân giúp nhà Tống thậm chí nhiều khả năng là cái cớ để nhà Lý hội quân cùng Nùng Trí Cao, tiến đánh Trung Nguyên.

Nùng Trí Cao
Chùa Trúc Lâm Bản Giốc, nơi có thờ Nùng Trí Cao. (Ảnh:Tai Do Khac, taybacvietnam.wordpress.com)

Bên cạnh đó, cần chú ý đến đoạn ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: Tháng 10/1053, Nùng Trí Cao cầu cứu Đại Cồ Việt. Vua Lý Thái Tông cho quân đi tiếp ứng, nhưng quân Đại Cồ Việt chưa đến nơi thì quân Trí Cao đã bị Địch Thanh đánh bại. Ông phải chạy trốn sang nước Đại Lý. Đại Cồ Việt cũng rút quân về.
Khi Nùng Trí Cao thua trận liền cầu cứu Đại Cồ Việt. Nhà Lý liền mang quân đi cứu ngay lập tức, tiếc rằng không kịp. Nếu như nhà Lý thật sự muốn đánh Nùng Trí Cao giúp Tống thì sao lại đi ứng cứu cho Nùng Trí Cao?

Nùng Trí Cao
Chùa Trúc Lâm Bản Giốc, nơi có thờ Nùng Trí Cao. (Ảnh:Tai Do Khac, taybacvietnam.wordpress.com)

Nếu theo tư duy ấy, giả như không có danh tướng Địch Thanh khuyên can vua Tống kịp thời, hoặc khuyên can chỉ chậm một chút, thì quân Đại Cồ Việt đã tràn sang phối hợp cùng quân Nùng Trí Cao đánh Tống. Lúc bấy giờ, các cánh quân tinh nhuệ của nhà Tống phải tập trung tại biên giới phía Tây để ngăn quân Tây Hạ, phía Bắc lo phòng thủ trước sự xâm lăng của quân Liêu. Nếu ở phía Nam, Đại Cồ Việt cùng Nùng Trí Cao phối hợp với các thủ lĩnh dân tộc vùng Quảng Đông, Quảng Tây tiến đánh thì nhà Tống khó lòng chống đỡ nổi.

Nùng Trí Cao
Đền thờ Nùng Trí Cao ở xã Vĩnh Quang TP Cao Bằng. (Ảnh từ baocaobang.vn)

Dù ý định lập nên vương quốc riêng của người Choang không thành, nhưng người Tày, Nùng ngày nay đều xem Nùng Trí Cao như một vị anh hùng dân tộc, nhiều nơi dựng miếu thờ ông. Ngày 3/3 hàng năm là ngày lễ tưởng niệm Nùng Trí Cao, là ngày hội chính của người Tày, Nùng. Vào dịp này, người dân các nơi nô nức đổ về các miếu thờ lớn cùng nghe kể chuyện về ông.
Trần Hưng
Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.