Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Con người tự do

Con người tự do

bauxitevnWed 9:43 AM

Giáp Văn Dương
Triết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do là đích đến của giáo dục.
Tôi đã dành 22 năm của cuộc đời mình để đi học. Trong đó, 17 năm học phổ thông và đại học ở Việt Nam, và 5 năm sau đại học ở nước ngoài. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã trực tiếp trải nghiệm ba nền giáo dục khác nhau.
Tôi cũng là một phụ huynh có ba con nhỏ. Con đi học, tôi vì trách nhiệm và vì tò mò mà dành thời gian tìm hiểu chương trình, rồi học cùng con ở hai quốc gia khác nhau nữa. Vậy tính ra, tôi đã đi qua năm nền giáo dục Á - Âu, cả trực tiếp và gián tiếp.
Vậy tôi thấy gì khác nhau trong năm nền giáo dục đó? Và quan trọng hơn, bài học nào sẽ được rút ra từ những trải nghiệm thực tế đó.

Tôi thấy rằng, dù khác nhau về văn hóa, thể chế và tôn giáo, nhưng mục tiêu giáo dục nơi đâu cũng chỉ chia ra thành hai loại: Đào tạo con người công cụ và đào tạo con người tự do.
Hai mục tiêu này không tách bạch tuyệt đối, thường lồng ghép xen lẫn vào nhau theo chủ ý hoặc vô thức do tập tục. Tùy theo mức độ công cụ hay tự do nhiều hay ít, mà hệ thống giáo dục đó sẽ tạo ra con người công cụ hay con người tự do theo cách tương ứng.
Như mọi hệ thống sản xuất khác, một hệ thống chỉ có thể vận hành trơn tru hiệu quả và không rơi vào hỗn loại khi hình dung đích xác được sản phẩm đầu ra có những thuộc tính nào. Với giáo dục, thì đó chính là việc gọi tên triết lý giáo dụcthông qua việc trả lời câu hỏi cốt yếu: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?
Câu trả lời cho câu hỏi này không là gì khác, mà chính là triết lý giáo dục. Chỉ khi nào câu hỏi này được trả lời rõ ràng, dõng dạc và chính danh thì triết lý giáo dục mới tỏ lộ và trở thành tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của hệ thống giáo dục. Nếu không, giáo dục sẽ rơi vào bế tắc.
Với cách hiểu về triết lý giáo dục như thế, với việc phân tích nội dung chương trình giáo dục và với những trải nghiệm về hệ thống giáo dục hiện hành, tôi hoảng hốt nhận ra rằng, triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ.
Đó là lý do vì sao tôi đã gặp nhiều khó khăn khi ra nước ngoài du học trong những ngày đầu. Tôi gần như phải tự đào tạo lại từ đầu, không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà còn là những quan niệm về bản thân mình và cuộc sống, và cả những giá trị mà một xã hội cần hướng tới.
Tôi hiểu rất rõ cái giá mà tôi phải trả trong suốt thời gian đó. Và sau khi tỉnh ngộ ra điều đó, tôi bắt đầu gây dựng và theo đuổi một triết lý giáo dục mới, phát biểu giản dị rằng: Con người tự do là đích đến của giáo dục.
Nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” sẽ ngắn gọn là: Học để làm người tự do.
Vấn đề đặt ra: Con người tự do là gì? Và vì sao giáo dục lại cần hướng đến việc đào tạo ra những con người tự do như vậy?
Con người tự do, như tên gọi của nó, thể hiện trước hết ở việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cốt yếu “Tôi là ai?” Đó chính là tự do tư tưởng. Tư tưởng về chính bản thân mình. Con người khác với con vật ở chỗ con người biết hỏi “Người là gì, tức Tôi là ai?”, còn con vật thì không. Chính việc tự do đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là cội nguồn của văn minh nhân loại, hình thành nên nhân tính và xã hội con người.
Mà muốn vậy, điều kiện tiên quyết là họ phải có được tự do tư tưởng để tư duy và trước khi đi đến câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai của riêng họ đó.
Mà để tư duy hiệu quả và chính xác, họ cần thông tin như những nguyên liệu đầu vào. Vì thế, tự do tư tưởng đòi hỏi tự do thông tin như một điều kiện cần. Nếu không có tự do thông tin, sẽ không có tự do tư tưởng. Trong giáo dục, điều này có nghĩa, học sinh và giáo viên phải được quyền tiếp cận với các nguồn tư liệu và tài liệu tham khảo khác nhau, thể hiện trước hết ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được lưu hành.
Trong lớp học, học sinh phải được tự do bày tỏ ý kiến và diễn giải của mình. Nội dung bài học vì thế không được phép đóng cứng vào một diễn giải cụ thể nào, dù đó là diễn giải của người thầy đáng kính. Nếu không, học sinh sẽ mắc kẹt vào một diễn giải cụ thể, làm thui chột sáng tạo và trở nên máy móc. Việc học rõ ràng không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp của thầy cô, mà là tìm được bao nhiêu giải pháp theo cách của riêng mình cho vấn đề mình đang đối mặt.
Tự do tư tưởng vì thế gắn liền với việc dịch chuyển nhận thức để không bị đóng cứng vào một nhận thức đã có. Chỉ khi đó, người học mới có khả năng mở ra những nhận thức mới, tương thích với thời đại mới, thời đại mà những người sinh ra và dạy dỗ họ không có cơ hội để bước vào.
Việc thi cử khi đó cũng không đi theo hướng có học thuộc, biết đúng điều đã được dạy để thi hay không, mà trở thành thước đo cho sự trưởng thành của người học, mà quan trọng nhất là sự trưởng thành trong tư duy của họ, biểu hiện qua một năng lực cốt yếu: Năng lực tư duy độc lập.
Vì sao như vậy, vì nếu không có năng lực tư duy độc lập, một người dù đã bạc đầu, vẫn cần phải cậy nhờ đến tư duy của kẻ khác, do đó trên thực tế vẫn là trẻ vị thành niên. Đất nước không cần nhiều trẻ vị thành niên bạc đầu như vậy.  Đất nước cần những con người trưởng thành, có tư duy độc lập, để xây dựng một đất nước độc lập và trưởng thành.
Rồi nữa, sau khi có tự do tư tưởng, thì lại phải có một hình thức nào đó để biểu đạt cái tự do tư tưởng đó, vì thế mà tự do ngôn luận phải được hình thành. Nếu không, tự do tư tưởng chỉ diễn ra trong đầu của mỗi cá nhân, bị giới hạn bởi chính nhận thức chủ quan của cá nhân đó, do đó không mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội.
Con người khác con vật chủ yếu ở khả năng nhận thức và tư tưởng, trong đó có nhận thức và tư tưởng về chính bản thân mình. Vì thế, tự do tư tưởng là tầng thứ nhất, là nền móng quan trọng nhất của con người tự do.
Tầng thứ hai của con người tự do là tự do lựa chọn. Lựa chọn là cấp độ cơ bản nhất của hành động. Nhìn thật kỹ chúng ta sẽ thấy mọi hành động có nghĩa đều bắt đầu bằng một lựa chọn. Ngay cả khi không lựa chọn cũng là một lựa chọn. Vì thế, để cho sức mạnh và sự hữu ích của tự do tư tưởng được hiện thực hóa, cần thiết phải có tự do lựa chọn.
Vì sao? Vì sau khi đã có tự do tư tưởng, đã có thể tư duy độc lập, thì ta phải làm điều gì đó chứ? Không ai trả lương cho người lao động vì họ biết gì và nghĩ gì trong đầu. Người lao động được trả lương vì họ tạo ra được giá trị gì cho người sử dụng. Nếu giáo dục chỉ đào tạo ra những thế hệ học nhiều thi giỏi mà không biết làm việc, không có khả năng lựa chọn thì rõ ràng nền giáo dục đó đã sai đường.
Với giáo dục, tự do lựa chọn thể hiện trước hết trong việc được quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với mình. Vì thế, bên cạnh những loại hình trường hiện có, loại hình homeschooling, tức học tại nhà, cần được thừa nhận về mặt pháp lý. Trẻ vì lý do gì đó, như sức khỏe yếu, mới ở nước ngoài về, hoặc đơn giản là muốn thay đổi cách học một thời gian, mà chọn hình thức học tại nhà thì cần được thừa nhận, miễn sao có cơ chế kiểm tra đánh giá.
Quyền tự do lựa chọn còn thể hiện ở việc được lựa chọn chương trình học tập. Vì lẽ đó, cần phải có nhiều bộ sách giáo khoa, thay vì chỉ một bộ sách giáo khoa như hiện giờ. Rồi xa hơn thế, người học cần được quyền lựa chọn giáo viên phù hợp. Vì thế hệ thống giáo dục cần phải tổ chức sao cho lựa chọn này thực hiện được, ví dụ bỏ biên chế suốt đời. Không thể nào một giáo viên kém, nhưng vì lý do nào đó, vào được hệ thống giáo dục, thì nghiễm nhiêm ở đó gần 40 năm cho đến lúc về hưu mà không có cách nào để thay thế.
Tự do lựa chọn được đặt cơ sở trên tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng diễn ra ở bên trong bản thân mình, còn tự do lựa chọn là sự thể hiện cái tự do bên trong đó ra bên ngoài thông qua lựa chọn. Nhờ đó, tự do bên trong mỗi người được thể hiện ra đời sống, và hòa cùng tự do của người khác, trên cơ sở tôn trọng tự do của chính người khác đó.
Nhờ có tự do lựa chọn mà một người có khả năng tự quyết về cuộc đời mình, do đó làm chủ cuộc đời mình, và do đó tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình như một hệ quả tất yếu. Đó là sự trưởng thành đích thực. Đó là điều mà giáo dục hướng tới. Nếu không, xã hội sẽ thì là một tập hợp những kẻ vị thành niên, dù đầu đã bạc và khi đi học thì điểm cao ngất ngưởng.  
Nói cách khác, một người có tự do lựa chọn là một người đã có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về sự làm chủ đó. Đó chính là những phẩm chất mà một người học cần hướng tới. Lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc đời mình là thước đo cho sự trưởng thành thực sự cho người học.
Sau khi đã có được tự do tư tưởng và tự do lựa chọn, chúng ta đã thành con người tự do ở cấp độ cơ sở nhất. Nhưng con người không chỉ có tư tưởng. Con người còn có cơ thể này và muôn vàn cảm xúc và các trạng thái tinh thần đi kèm. Mỗi sự thay đổi trạng thái của cơ thể, trạng thái cảm xúc, trạng thái tinh thần thì đều tạo ra một sự trở thành mới. Nguồn gốc của những sự trở thành mới này là sự tương tác của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, cũng như sự kết nối của những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình đó.
Tầng thứ ba của con người tự do sẽ là tự do trở thành, tức được tự do trong việc quyết định trở thành người mình chọn để trở thành. Nó bao gồm tự do thân thể, tự do biểu đạt cảm xúc, tự do biểu lộ tinh thần. Sự thay đổi của chúng chính là sự thay đổi của chúng ta. Người học phải nhận biết và làm chủ được những sự thay đổi đó,  thông qua lựa chọn trong tự do và sau khi suy xét.
Vì thế, tự do trở thành đặt cơ sở trên tự do lựa chọn và tự do tư tưởng.
Cho đến nay, tự do thân thể đã được pháp luật bảo hộ, nhưng nhiều khi còn mâu thuẫn khi triển khai. Quyền tự do thân thể chưa được nhận thức đúng. Bạo hành trong gia đình và nhà trường, một sự xâm phạm tự do thân thể điển hình, vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực học đường bùng phát cũng là chỉ dấu xấu cho thấy tự do thân thể đã bị xâm phạm ngay trong môi trường trong sáng nhất là nhà trường.
Còn tự do biểu đạt, dù là cảm xúc hay tinh thần, gần như ít khi được xét đến. Một phần do văn hóa truyền thống, một phần do giáo dục đã bỏ qua thứ tự do trở thành này, nên con người không được sống thật với cảm xúc và các giá trị tinh thần của mình, lại càng không dám biểu đạt chúng ra cho người khác thấy. Tất cả những điều này đều không tốt cho sức khỏe tâm thần, cho sức sáng tạo, và rộng hơn là cho một xã hội lành mạnh.
Vì sự trở thành có nguồn gốc từ sự kết nối và phản ứng với những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, tự do trở thành vì thế là cơ sở cho sự triển khai việc sống của một người ở trong đời sống. Nhờ đó, một người có thể tự phát triển bản thân mình, tự hoàn thiện việc sống của mình trở nên lịch lãm, tinh thông và đẩy việc sống trở thành một nghệ thuật đáng ngưỡng mộ.
Khi đó, người ấy không chỉ trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”, mà còn có thể trả lời được câu hỏi cốt yếu khác, như: Ý nghĩa cuộc sống là gì? Ta đang đi qua cuộc sống này như thế nào? Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình? Trên tất cả, những câu trả lời này sẽ không chỉ đến được từ lý trí nhờ tự do tư tưởng, mà đến từ toàn bộ khối trải nghiệm của mình ở trong đời sống, chân thật như một phần của đời sống đang-là.
Tầng thứ tư của con người tự do là tự do kiến tạo, có được trên nền móng từ ba thứ tự do đã nói ở trên. Tương lai của một con người, tương lai của một quốc gia, nằm ở thứ tự do kiến tạo này.
Vì con người ta chỉ có thể sống ở thì hiện tại, tức ở cái bây-giờ, nên cả bốn tầng bậc tự do này đều diễn ra ở thì hiện tại. Tuy nhiên, tự do kiến tạo lại có mục tiêu hướng đến tương lai, cụ thể là kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn so với những gì đang có.
Tự do kiến tạo vì thế là tự do trong việc tư tưởng, lựa chọn và trở thành một tương lai mới tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, xứng đáng hơn. Điều này là cần thiết, vì nếu không, mỗi người và do đó cả xã hội, sẽ chỉ giậm châm tại chỗ mà không tiến lên được bước nào trên hành trình phát triển.
Tuy nhiên, có được tương lai kiến tạo không hề dễ. Một người chỉ có thể kiến tạo tương lai nếu tương lai đó đã được kiến tạo trong tâm trí mình trước hết. Do đó, tự do kiến tạo lại trở về với nền móng ban đầu của nó, đó là tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng sẽ không có tự do kiến tạo.
Vì nhận thức của con người là kết quả của một chuỗi những trải nghiệm mà họ đã kinh qua, nên họ chịu giới hạn bởi chính những trải nghiệm họ đã kinh qua đó. Nói cách khác, nhận thức của chúng ta bị giới hạn bởi chính nhận thức của chúng ta ở trong quá khứ. Vì thế, nếu không ra khỏi quá khứ, tương lai sẽ bị giam hãm bởi chính quá khứ. Lịch sử của đất nước chúng ta trong mấy chục năm gần đây đã minh chứng cho điều này, rằng quá khứ vẫn còn đang ngự trị. Với giáo dục thì điều này lại càng trở nên rõ nét, khi cải cách giáo dục cứ mãi sa vào sự vụ hết lần này đến lần khác mà không ra khỏi được bế tắc do chính quá khứ mang lại.
Vì vậy, để có được tự do kiến tạo, giáo dục phải là cho người học có khả năng vượt qua những rào cản nhận thức gây ra bởi quá khứ. Nói cách khác, giáo dục phải có khả năng làm cho người học vượt thoát khỏi những giới hạn do chính giáo dục mang lại. Điều này thể hiện trước hết ở khả năng thay thế những nhận thức cũ, giá trị cũ, tham chiếu cũ bằng những cái mới. Nhờ đó, chúng ta có thể vượt qua chính mình để tạo chính mình.
Thực tế cho thấy, ai không làm chủ cuộc sống sẽ bị cuộc sống làm chủ. Ai không làm chủ tương lai sẽ bị tương lai gạt bỏ ngoài lề. Tự do kiến tạo vì thế là thứ tự do vượt thoát chính mình để tồn tại và phát triển.
Một con người tự do như thế, tức một con người có tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do trở thành và tự do kiến tạo, là một con người của thời đại mới. Và cũng chỉ một con người tự do như thế mới có khả năng sống một cuộc đời đáng sống, cho mình và xã hội.
Đó là lý do vì sao tôi luôn tâm niệm rằng, triết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời.
Con người tự do là đích đến của giáo dục.
G.V.D.
Ghi chú: Bản rút gọn của bài này đã đăng trên mục Góc nhìn của Vnexpress.net.

Ông Phúc đi Mỹ là 'cơ hội kết thân với ông Trump'

Ông Phúc đi Mỹ là 'cơ hội kết thân với ông Trump'

bauxitevnWed 9:39 AM

clip_image002
Ảnh: CHINHPHU.VN - Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay John F. Kennedy, New York sáng 29/5 (giờ địa phương)
Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 30-31/5/2017 giúp làm tăng vị thế ngoại giao của Việt Nam và là cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Việt Nam nâng cao vai trò cá nhân, theo một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ.
"Ông Phúc là lãnh đạo đầu tiên của các nước ở Đông Nam Á được mời sang [Washington D.C. ]. Điều đó làm tăng uy tín ngoại giao và vai trò của Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC hôm 27/5.
Điểm đáng chú ‎ý ở đây, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là ông Phúc chỉ là một trong nhiều lãnh đạo thế giới nói chuyện qua điện thoại với ông Trump, nhưng lại là một trong số ít những người được ông Trump mời gặp.
Thêm vào đó, tùy viên báo chí của ông Trump ra thông cáo nói rằng vị Tổng thống "rất vui lòng tiếp đón một trong những đối tác quan trọng của Mỹ ở Á châu", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, khiến cho tầm quan trọng của chuyến đi càng được nhấn mạnh.
Trong cuộc trao đổi với BBC ít hôm trước ngày ông Phúc đi Mỹ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng việc cá nhân ông Trump không mặn mà với Đông Á không có nghĩa là chính quyền Mỹ lơ là khu vực này, và dẫu cho phía Việt Nam có thể không đạt được nhiều kết quả trong mảng kinh tế, thương mại như mong muốn, nhưng ít nhất cũng sẽ đạt được những "thắng lợi ngoại giao" nhất định.
'Cơ hội xây dựng quan hệ cá nhân'
Không chỉ ở vị thế đại diện quốc gia, chuyến đi còn trao cho ông Thủ tướng Việt Nam một cơ hội tốt để nâng cao vị thế cá nhân, theo nhà nghiên cứu đồng thời là Giáo sư về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason.
clip_image004
Ảnh: GETTY IMAGES - Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc theo kế hoạch sẽ gặp ông Trump vào ngày 31/5/2017
"Ông [Phúc] có cơ hội tiếp xúc riêng với ông Trump, thân mật với ông Trump, [qua đó] có thể tạo một ấn tượng nào đó đối với ông Trump, để thăm dò xem chính sách của ông ấy đối với Trung Quốc, đối với Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Mỹ có chính quyền mới, ông [Phúc] muốn sang để tìm hiểu. Đây là cơ hội tốt để ông ấy thiết lập đường dây cá nhân, mối liên hệ cá nhân, thăm dò tìm hiểu để tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách của ông Trump, nếu có thể được".
Khác với các nhà lãnh đạo khác, ông Trump là người "thích ngoại giao cá nhân", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Vấn đề là làm sao để ông Phúc tạo ra được ấn tượng với ông Trump, để ông ấy thích mình. Nếu ông ấy thích mình thì sẽ có lợi cho đất nước".
"Làm được vậy thì đó chính là thắng lợi của ông Phúc".
Vai trò của Việt Nam trong chính sách an ninh vùng
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm những thế lực có thể giúp tạo đối trọng với Trung Quốc, như Nhật Bản, Ấn Độ và ở khối ASEAN, nhưng rõ ràng, cho đến lúc này thì "đối trọng quan trọng nhất là Mỹ", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Cơ cấu an ninh vùng đang hình thành trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nếu Mỹ rút ra thì Trung Quốc sẽ độc quyền, bá quyền mà không ai cưỡng lại được. Cho nên các nước nhỏ muốn Mỹ hiện diện để tạo đối trọng an ninh, tạo sức cân bằng nhất định để các nước nhỏ còn có thể 'thở' được".
Từ phía nước chủ nhà, tuy ông Trump "lơ là Đông Nam Á", nhưng các chiến lược gia và bộ máy cố vấn của ông tổng thống "đều hiểu tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong cơ cấu an ninh vùng", và chính sách chung của Mỹ luôn muốn có "thế cấu trúc an ninh đa cực" trong khu vực.
"Sẽ còn có cả Nhật, Ấn Độ, và có những quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong đó "Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nhà chiến lược Mỹ".
Trong lúc chính quyền Mỹ ở cấp cao chưa đưa ra được một chính sách ngoại giao có hệ thống đối với Á châu để thay thế cho chính sách xoay trục trước đây, thì một trong những điều ông Phúc có thể làm được khi gặp gỡ trực tiếp với ông Trump là "cần chứng tỏ là mình hiểu biết, nước mình có một vai trò quan trọng trong nền an ninh Á châu-Thái Bình Dương", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận.
clip_image005
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES - Cảnh sát biển Việt Nam vừa tiếp nhận từ Hoa Kỳ tàu tuần duyên CSB 8020
Mặt khác, bất chấp khoảng trống ở phần thượng tầng, hệ thống hành chính cấp dưới vẫn "có sự liên tục về chính sách" bởi "như ông Trump nói ông trao rất nhiều quyền cho các tướng lĩnh để họ tự làm", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Cho nên chúng ta thấy vẫn xảy ra việc [Mỹ] vừa trao tàu tuần duyên [cho Việt Nam], bởi đó chỉ là sự tiếp nối của chính sách cũ, là điều mà những người trong bộ máy hành chính có thể làm được, họ tiếp tục thực hiện, miễn là đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ", Giáo sư Hùng nêu ví dụ.
Thách thức lớn cho VN trong chủ đề kinh tế, thương mại
Một trong những thách thức chính của chuyến đi là việc đàm phán song phương với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
"Ông [Trump] chỉ thích điều đình song phương thôi, nếu Việt Nam muốn hưởng những quyền lợi mà đáng lẽ Việt Nam được hưởng nếu có TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), thì đây cũng là dịp Việt Nam phải điều đình song phương với ông ấy, thành ra đây cũng vừa là một cơ hội, mà cũng vừa là thử thách đối với Việt Nam", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Ông [Phúc] sang vào thời điểm không được thuận lợi như trường hợp của những ông Thủ tướng khác".
"Ông sang vào lúc Tổng thống Trump rất lơ là với vấn đề Đông Nam Á và Á châu, không coi [khu vực] đấy là quan trọng".
"Điểm thứ hai là ông ấy đã quay lưng lại với TPP, là một xương sống, cột trụ của chính sách xoay trục của Mỹ ở Á châu".
"Điểm thứ ba là ông ấy đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề nội bộ, liệu ông ấy có thể làm được cái gì quan trọng, lớn hay không?"
"Đó là những thách thức lớn, nhất là khi Việt Nam đặt trọng tâm chuyến đi là vấn đề thương mại".
clip_image007
Ảnh: REUTERS - Tổng thống Donald Trump đã nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tới tại Đà Nẵng
"Thắng lợi ngoại giao"
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, là cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn ông Donald Trump đều muốn có thắng lợi ngoại giao.
"Sẽ có sự dàn xếp trao đổi nào đó, để ông nào cũng có thể tuyên bố thắng lợi với những người ủng hộ mình".
"Có nhiều chuyện có thể xảy ra, như có thể là tuyên bố đạt được một số hợp đồng mua hàng nào đó, hoặc hai bên có thể đạt được một số đồng ý về nguyên tắc nhằm đưa tầm quan trọng của quan hệ hai nước lên một bậc cao hơn".
"Có thể là hai bên sẽ đặt ra một số nguyên tắc điều đình, tạo cơ chế để tiếp tục liên hệ với nhau. Có thể giống như cơ chế khi ông Tập Cận Bình gặp ông Trump để giải quyết những vấn đề khó khăn giữa hai nước..."
Tuy nhiên, kết quả cụ thể có đạt được gì hay không, hay đạt được tới mức nào, sẽ "phụ thuộc rất nhiều vào sự điều đình, chuẩn bị" của ban tham mưu của hai nhà lãnh đạo.

'30 phút quan trọng' của Thủ tướng Việt Nam ở Nhà Trắng

'30 phút quan trọng' của Thủ tướng Việt Nam ở Nhà Trắng

bauxitevnWed 9:37 AM

clip_image002
Bản Ảnh: GETTY IMAGES - Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ từ 29 đến 31/5
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump khoảng 30 phút ở Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, theo một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ.

Ông David Brown, nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, viết trên báo mạng Asia Sentinel rằng khi gặp nhau, ông Phúc sẽ nói "đúng theo kịch bản", còn ông Trump sẽ "chi phối cuộc gặp, nói rất nhiều".
Với phong cách "phóng đại và không chính xác" khi phát ngôn, biết đâu ông Trump sẽ đem lại một vài ngạc nhiên trong cuộc gặp, theo tác giả.
Ông David Brown cho rằng việc ông Donald Trump tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc như lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng chứng tỏ giới ngoại giao Việt Nam, cụ thể là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Đại sứ Phạm Quang Vinh, đã thực hiện được "một giây phút quan trọng".
Ngoài ra, cuộc gặp cũng cho Việt Nam hy vọng rằng sau khi TPP đã thất bại với Mỹ, một thỏa thuận thương mại song phương vẫn có thể hứa hẹn.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Việt Nam cũng có thể bày tỏ mong muốn mua hàng hóa quốc phòng từ Mỹ.
Về vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông David Brown cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ không có cam kết cụ thể nào, do bận rộn với vấn đề Bắc Hàn vốn cần sự hợp tác của Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết đăng trên báo Mỹ Washington Times hôm 30/5.
Trong đó, ông bày tỏ "ủng hộ nhiệt thành quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, để cùng viết thêm một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc".
Đồng thời trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ: "Trong chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng trị giá hàng chục tỷ USD".

Tại sao Trung Quốc ít quan tâm đến gìn giữ môi trường?

Tại sao Trung Quốc ít quan tâm đến gìn giữ môi trường?

bauxitevn9:35 AM

Ngọc Việt
clip_image001
Truyền thông quốc tế cho hay, sau khi Diễn đàn Vành đai và Con đường diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 12-14.5.2017 về dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa kết thúc thì Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã từ chối ký kết vào bản thông cáo chung của hội nghị này.

Chuẩn môi trường khiến Vành đai và Con đường không thành công như Bắc Kinh mong đợi
Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký vào thông cáo chung của hội nghị là có nhiều lý do, trong đó có việc không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về môi trường. Đây là một trong những chuẩn mực mà Liên minh châu Âu (EU) luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc trong thời gian qua, nhưng Bắc Kinh được cho là không thực sự cởi mở.
Theo tài liệu của Bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ công bố ngày 22.5.2013, Trung Quốc cam kết đến năm 2016 nước này sẽ cải tiến hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường của họ.
Thực tế thì mọi việc đã không diễn ra như vậy và việc không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về môi trường vẫn là điều đầu tiên mà dư luận thế giới nhắc tới mỗi khi có vấn đề phát sinh liên quan tới kinh tế Trung Quốc. Điều đó đã được chứng minh rõ ràng nhất khi 6 nước châu Âu từ chối ký thông cáo chung của một hội nghị quốc tế mà Trung Quốc rất kỳ vọng.
clip_image002
Chuẩn môi trường khiến Vành đai và Con đường không thành công như Bắc Kinh mong đợi
Việc Trung Quốc không quan tâm tới chuẩn mực và cải thiện môi trường đã gây nhiều bức xúc cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp tại các quốc gia mà doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc có hợp tác, đầu tư.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), tiến hành tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc, có tới 26/38 nước mà người dân không thích cách làm ăn của Trung Quốc.
Trong số những nguyên nhân khiến người Trung Quốc bị “ghét” tại nhiều quốc gia trên thì phá hoại môi trường là nguyên nhân thứ hai, đứng ngay sau thủ đoạn gian dối của người Trung Quốc.
Điều đó là không tốt cho Chính phủ Trung Quốc, nó gây bất lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc trong hợp tác, đầu tư tại nước ngoài, nó ảnh hưởng xấu tới vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và vai trò của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu.
Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc vẫn ít quan tâm đến các chuẩn mực môi trường?
Trung Quốc đòi hỏi sự công bằng trong việc tàn phá môi trường?
BBC ngày 16.6.2009 từng bình luận: “Trong những năm 1990, Trung Quốc chiếm khoảng 10,5% lượng khí thải CO2 trên thế giới. Bây giờ, theo một số phân tích, Trung Quốc đã trở thành quốc gia gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới”.
clip_image004
Mỹ từng đạt kỷ lục trong gây ô nhiễm môi trường
Trung Quốc cũng trở thành quốc gia có mức độ gia tăng gây ô nhiễm môi trường nhanh nhất thế giới và việc Trung Quốc chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chí coi nhẹ những yêu cầu về bảo vệ môi trường đã gây nên những phản ứng dữ dội.
Tiến sĩ William Bleisch, Giám đốc của Trung tâm thăm dò và nghiên cứu về Trung Quốc của Hội không gian Xanh đã đặt vấn đề rằng, phải chăng Bắc Kinh đã sử dụng nguyên tắc bình đẳng cùng tồn tại và phát triển để biện minh cho hành động của mình? Bởi lẽ thời gian phát triển của kinh tế Trung Quốc còn quá ngắn cùng với đó là việc nước này tàn phá môi trường chưa hẳn là nhiều như các cường quốc và cựu cường quốc khác.
Quả thực là khi Kế hoạch Marshall được khởi phát nhằm khôi phục lại châu Âu sau Thế chiến 2 thì Mỹ và các nước đồng minh đã phát triển tất cả các ngành công nghiệp mà không hề giới hạn cũng không hề quan tâm tới ô nhiễm môi trường.
Gần nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng, G-7 và các nước OSCE đã là những nhà vô địch trong việc huỷ hoại môi trường sống. Cùng với đó là Liên Xô và những nước thuộc khối COMECON cũng chạy đua phát triển công nghiệp, đồng thời cũng là chạy đua phá hoại môi trường.
Tuy nhiên, ở thời kỳ đó chuẩn mực môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường không được xem là vấn đề đe doạ tới sự sống và sự phát triển trên toàn cầu. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc phát triển nóng thì cùng lúc vấn đề nóng lên của Trái đất, rồi vấn đề biến đổi khí hậu hiện diện ngày một rõ nét cùng với đó là thảm hoạ thiên nhiên liên tục xảy ra.
Vì vậy, vấn đề giữ gìn và bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu mà các quốc gia phải có trách nhiệm chung tay giải quyết. Trung Quốc bị xem là quốc gia có trách nhiệm lớn nhất trong bảo vệ môi trường vì sự ảnh hưởng của họ tới môi trường đang ở mức nghiêm trọng nhất.
clip_image006
Ngày nay Trung Quốc đang là kỷ lục gia về ô nhiễm môi trường
Theo BBC: “Lượng khi thải carbon dioxide từ Ấn Độ là 2,5% với 1,16 tỉ dân và từ Trung Quốc là 10,5% với 1,33 tỉ dân. Cả hai nước chiếm khoảng 38% dân số toàn cầu. Trong khi đó, Anh quốc là một đất nước nhỏ bé từng thải ra khoảng 6,5% carbon dioxide và Mỹ với 306 triệu dân từng thải ra 27% carbon dioxide”.
Trung Quốc có phương cách “vượt rào cản ô nhiễm môi trường”
Với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã xem xử lý môi trường là tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy Trung Quốc đã có những cách thức vượt qua rào cản này.
Qua nghiên cứu những dự án mà nhà đầu tư Trung Quốc được cấp phép và triển khai tại nhiều nước trên thế giới, có thể nhận diện người Trung Quốc “vượt rào cản ô nhiễm môi trường” theo 3 cách thức.
Thứ nhất, hoán đổi lợi ích kinh tế - xã hội. Biểu hiện rõ nét nhất của phương thức này là nhà đầu tư Trung Quốc đưa ra những lợi ích cho địa phương nơi dự án được thực hiện. Lợi ích hoán đổi thường thấy nhất là giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào quỹ phúc lợi cho địa phương, từ đó khiến cơ quan chức năng sẽ dễ dàng chấp nhận những đề xuất của nhà đầu tư cách thức xử lý ô nhiễm môi trường của họ.
clip_image008
Việc xử lý xả thải của doanh nghiệp Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề mà giới phân tích nghi ngại đó chỉ là cách vượt rào ô nhiễm môi trường mà thôi
Thứ hai, thực hiện giải pháp xử lý nửa vời. Biểu hiện của phương thức này là chủ đầu tư nêu ngay giải pháp xử lý môi trường khi trình dự án khả thi, nhưng có những góc khuất kỹ thuật mà theo đó mức độ xử lý chất thải sẽ không đạt chuẩn. Sự việc chỉ bị phát hiện khi công trình đã vận hành và hậu quả của ô nhiễm môi trường xảy ra -  mọi việc thành chuyện đã rồi. Cơ quan quản lý rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và phải chấp nhận cho chủ đầu tư khắc phục bằng biện pháp chữa cháy mà hầu hết là không đạt chuẩn.
Thứ ba, thực hiện giải pháp xử lý hoàn thiện nhưng không hoàn hảo. Biểu hiện của phương thức này là hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn ngay từ thiết kế lẫn vận hành và cơ quan quản lý luôn yên tâm về sự an toàn của hệ thống.
Song doanh nghiệp Trung Quốc có thể “treo đầu dê bán thịt chó” trong việc vận hành hệ thống xử lý xả thải, nghĩa là phần cốt lõi của hệ thống kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn có thể sẽ được giới doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng cho nhiều công trình, dự án khác nhau, bởi lẽ chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường khác nhau chủ yếu nằm ở chuẩn kỹ thuật xử lý – chuẩn A cao hơn chuẩn B, chuẩn C, và vấn đề nằm ở đây.
Theo giới phân tích, phải chăng đó là lý do tại sao nhiều hệ thống xử lý xả thải trong các dự án đầu tư của Trung Quốc không kết nối với hệ thống quan trắc để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống xử lý xả thải của họ?  
N.V.

Văn hóa đối thoại & Đồng thuận quốc gia

Văn hóa đối thoại & Đồng thuận quốc gia

bauxitevnTue 12:44 PM

Nguyễn Quang Dy
“Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng” (Hồ Chí Minh).
Điều cụ Hồ nói năm 1945, đến nay (sau 72 năm) dường như vẫn chưa hề thay đổi. Gần đây, dư luận lại ồn ào tranh cãi về vấn đề đối thoại. Trong bài này, tôi không muốn phân tích liệu ý định đối thoại đó là thực hay ảo, mà chỉ bàn về văn hóa đối thoại và đồng thuận quốc gia. Tôi cũng không muốn so sánh ý định đối thoại mà ông Võ Văn Thưởng (Trưởng ban Tuyên giáo TW) vừa đề cập, với ý định tổ chức “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân tộc” mà ông Nguyễn Hữu Thỉnh (chủ tịch Hội Nhà văn VN) đã nói đến, mà chỉ điểm lại mấy nét chính trong bức tranh phác họa về đối thoại đang là tâm điểm gây tranh cãi hiện nay. Tuy sự kiện trên gây ồn ào thế giới mạng, nhưng vì lý do gì đó báo chí chính thống hầu như không đề cập.    

Bức tranh đối thoại
Ngày 16/12/2016, tại “Hội nghị Văn học 2016” do Hội Nhà văn Viêt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hữu Thỉnh cho biết sắp tới Hội sẽ xin ý kiến để tổ chức một “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân tộc” với sự tham gia của các nhà văn trong nước với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Ông Thỉnh còn nói rằng cho đến nay, việc hòa hợp dân tộc trong lĩnh vực văn nghệ vẫn dè dặt và lạc hậu nhất so với các lĩnh vực khác. Tuy dư luận cho rằng tổ chức một hội nghị như vậy là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nhưng chắc không phải là vô cớ mà ông Thỉnh đề xuất như vậy (khi Hội không còn kinh phí hoạt động). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc đó sẽ thành hiện thực. (Tuổi trẻ, 17/12/2016).
Ngày 18/5/2017, tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua văn bản hướng dẫntổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Theo ông Thưởng, đây là vấn đề rất quan trọng. “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. ông Thưởng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp, từng ngành, từng cơ sở, từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại (Pháp luật, 18/5/2017).
Tuy chưa biết ý định đối thoại đó thực hư thế nào, là dấu hiệu đổi mới hay chỉ là bánh vẽ, nhưng phản ứng của dư luận, nhất là của giới trí thức phản biện, rất sôi nổi và trái chiều, thậm chí tranh cãi như mổ bò. Trong khi một số người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng cơ hội chưa đến và nên chờ thêm, thì nhiều người khác lại tỏ ra quá sốt sắng, “vội vã, sốt ruột, cuống quýt” để “chớp thời cơ” như sợ mất lượt (Phạm Chí Dũng, 24/5/2017). Đó là một bức tranh phản cảm so với bài học Đồng Tâm. Khi những người nông dân đồng tâm nhất trí, đấu tranh quyết liệt, thì họ buộc chính quyền phải đối thoại, trong khi giới trí thức hô hào đối thoại, thì chỉ nhận được sự im lặng. Có lẽ họ cần đối thoại với nhau trước khi đối thoại với chính quyền. Vậy cái gì mở cửa đối thoại (như “vừng ơi mở cửa ra!”) và quan trọng hơn là cái gì làm cho đối thoại thực chất và kết quả? Có lẽ giới trí thức cần học hỏi kinh nghiệm “đối thoại Đồng Tâm” (22/4/2017).    
Đối thoại hay độc thoại
Về nguyên lý truyền thông (communication), thông tin phát ra chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi nó được phản hồi trở lại (feedback), hình thành tương tác hai chiều. Hay nói cách khác, có người nói thì phải có người nghe. Nếu chỉ nói mà không có phản hồi là độc thoại (một chiều), không có giá trị truyền thông. Đối thoại (hai chiều) là một cách truyền thông hiệu quả, và độc thoại là ngược lại nguyên lý truyền thông. Theo Aristotle (384-322 BC), truyền thông muốn có hiệu quả thường dựa trên nguyên lý “Ethos – Logos – Pathos”, theo đó người nói và người nghe phải tương tác và giao hòa (rapport), để quá trình phản hồi hay phản biện có ý nghĩa. Trong đối thoại, nhất là trong tranh luận (debate), “tư duy phản biện” (critical thinking) là cần thiết để thuyết phục lẫn nhau, trên cơ sở hai bên phải ôn hòa và lắng nghe lẫn nhau.  
Vì nhiều lý do, người ta cho rằng đa số người Việt Nam yếu kém về năng lực truyền thông, do thiếu văn hóa đối thoại và tư duy phản biện như các dân tộc khác, vì xã hội Việt Nam vốn khép kín, do chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng (trước đây) và chủ nghĩa Mao (sau này). Từ nhỏ, chúng ta được dạy bảo trong nhà trường và gia đình về đạo lý ứng xử là phải “ngoan”, vâng lời cha mẹ và không được cãi cấp trên. Năng lực truyền thông yếu kém (về đối thoại và phản biện) bị thể chế chính trị làm cho vô hiệu hóa và thui chột. Hầu như chúng ta không có thói quen tranh luận và thiếu văn hóa đối thoại. Trong bối cảnh người Việt Nam nay cần tranh luận để đổi mới, thì những tổ chức dân sự có vai trò phản biện xã hội hầu như trống vắng. Viện IDS (Institute of Development Studies) vừa mới thành lập đã bị giải thể (9/2009).   
Tại sao phải đối thoại
Hiện nay, nhu cầu đối thoại và phản biện xã hội nhằm đóng góp cho đổi mới “vòng hai” đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đáng tiếc là lúc này văn hóa đối thoại và tư duy phản biện trong giới lãnh đạo cũng như trong dân lại bị thui chột và tụt hậu như trình độ phát triển kinh tế. Nói cách khác, khi yêu cầu đổi mới cao, thì năng lực đáp ứng lại thấp. Năng suất lao động thấp vì chất lượng nhân lực không cao. Năng lực chém gió không thể thay thế năng lực tư duy và hành động. Lãnh đạo và người dân hầu như chưa sẵn sàng, giống như khi con tàu Titanic bị nạn sắp chìm thì rất nhiều người không biết bơi, và không biết đối phó thế nào. Chưa biết mục đích đối thoại là nhằm tìm kiếm đồng thuận quốc gia để cứu con tàu, hay chỉ nhằm PR để tìm kiếm một cái xuồng cứu hộ nào đó, khi đối thoại Việt-Mỹ về nhân quyền đang diễn ra, trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ (29-31/5/2017).
Như đã đề cập nhiều lần, những động lực đổi mới “vòng một” đã hết đà, không còn tác dụng. Vì vậy cấp thiết phải đổi mới “vòng hai” nhằm tháo gỡ thể chế, đặc biệt là thể chế chính trị và những rào cản của hệ thống cũ, để giải phóng năng lượng sáng tạo và động lực phát triển còn tiềm ẩn. Nói cách khác, lúc này đổi mới thể chế chính trị là cái chìa khóa (như nguyên lý Pareto) để tháo gỡ nút thắt cổ chai về thể chế đang làm ách tắc cả hệ thống. Về thể chế chính trị, yêu cầu quan trọng nhất là đổi mới Hiến pháp, để từng bước dân chủ hóa, thay thế dần chế độ độc quyền độc đảng bằng tam quyền phân lập. Về thể chế kinh tế, yêu cầu cấp bách hiện nay là cắt bỏ cái đuôi “định hướng XHCN” để giải phóng kinh tế thị trường.  
Vì lòng tin của dân chúng đã xuống đến mức thấp nhất, nên nhiều người nghi ngờ mục đích đối thoại lúc này cũng không phải để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm đổi mới, mà chỉ để đối phó với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, thậm chí những người bất đồng chính kiến vẫn sợ bị gài bẫy như trò chơi “trăm hoa đua nở” trước đây. Thái độ không lắng nghe dân, im lặng không thèm trả lời các kiến nghị tâm huyết, chứng tỏ chính quyền không thực tâm tôn trọng trí thức. Vì vậy, muốn đối thoại trước hết phải xây dựng lòng tin (confidence building), vì khủng hoảng lòng tin và nỗi lo sợ nghi ngờ trong tiềm thức (của cả hai phía) là một rào cản tâm lý.     
Đối thoại về cái gì
Người ta hay nói nhà nước ta là “của dân, do dân, vì dân”. Đó là một khẩu hiệu dân túy rất hay nhưng vô nghĩa, vì chính quyền toàn làm ngược lại. Nay người ta lại nói chính quyền “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận…”.  Đó cũng là một tuyên ngôn dân vận hay, nhưng phản ánh tâm thức bị động đối phó như “hội chứng soi gương” (mirror image) muốn phủ định tâm trạng vừa lo sợ vừa kiêu ngạo, nay bí cờ nên buộc phải tìm nước cờ khác. Nước cờ đối thoại đã được thử nghiệm tại Đồng Tâm, không phải do tự nguyện mà do tình thế bắt buộc. Tuy Đồng Tâm đã “biến điều không thể thành có thể”, nhưng hãy còn quá sớm để cho rằng “giải pháp Đồng Tâm” là không thể đảo ngược. Trong binh pháp, mọi cái đều có thể.    
Có hai tình huống và kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, khi xảy ra tình huống như Đồng Tâm, (hay Formosa), nếu phái ôn hòa và cải cách cầm trịch thì có thể dẫn đến đối thoại và hòa giải (như Myanmar). Thứ hai, nếu phái cực đoan và bảo thủ cầm trịch thì có thể dẫn đến đàn áp và bạo lực (như Thiên An Môn). Giữa hai thái cực đó là một khoảng xám bất định (uncertain gray area) có thể “diễn biến” trái chiều, tùy thuộc vào cán cân lực lượng.  Nhiều người Việt hay ngộ nhận và nhầm lẫn, nên dễ bị ảo tưởng vì tự huyễn hoặc. Ngộ nhận là một căn bệnh khó chữa, nhưng còn khó chữa hơn nếu ngộ nhận bị bội nhiễm bởi cực đoan, dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm. Nếu những người cực đoan và ngộ nhận tham gia đối thoại thì rất khó đi đến đồng thuận để có kết quả, vì họ giống như những người “điếc chuyên nghiệp”.
Muốn đối thoại phải tránh cực đoan. Những người chống cộng cực đoan cũng nguy hiểm không kém gì những người cộng sản cực đoan. Họ sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “việt cộng”, cũng như những người cộng sản cực đoan sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “phản động”.  Thực ra, chính những người cực đoan của cả hai phía mới là “phản động”, vì họ làm cản trở cơ hội hòa giải và hòa hợp dân tộc để chung tay đổi mới và phát triển theo hướng dân chủ hóa.  
Đối thoại với ai?
Tuy có nhiều kênh đối thoại khác nhau, nhưng nên bắt đầu bằng ba diễn đàn chính. Thứ nhất là diễn đàn chuyên về cải cách thể chế (trên cơ sở Báo Cáo VN 2035) với các cựu quan chức cấp cao như ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng bộ KH-ĐT), bà Phạm Chi Lan (nguyên TTK VCCI, thành viên Ban NCTT), ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó ban Tuyên giáo TW), ông Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), v.v.
Thứ hai là diễn đàn cải cách mở rộng, với “Nhóm 72” (gồm các nhân sỹ trí thức) và “Nhóm 61” (gồm các vị lão thành cách mạng), về những kiến nghị họ đã từng đề xuất (nhưng vẫn chưa được lãnh đạo hồi âm). Đại diện nhóm này có thể gồm những vị như ông Nguyễn Trung (nguyên Thứ trưởng, trợ lý Thủ tướng, thành viên Ban NCTT), ông Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN), ông Lê Đăng Doanh (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, thành viên Ban NCTT), ông Tương Lai (nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên Ban NCTT), ông Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện IDS), ông Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban NCTT), ông Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ), v.v.
Thứ ba là diễn đàn xã hội dân sự, với đại diện các hội đoàn XHDS độc lập như nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập), nhà văn Nguyên Ngọc (Chủ tịch Văn đoàn Độc lập), và các đại diện của giới bất đồng chính kiến (trong nước và ngoài nước).
Đối thoại như thế nào?
Thực ra Việt Nam có khá nhiều cơ chế và kênh đối thoại. Ngoài Quốc hội, còn có Mặt trận và Ban Dân vận TW, v.v. Về nguyên tắc, các đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, có quyền và nghĩa vụ thay mặt dân chất vấn Chính phủ trong các phiên chất vấn/điều trần. Nếu Quốc hội, Mặt trận, Ban Dân vận, làm tốt chức năng đối thoại, thì chắc ông Thưởng không phải đặt ra vấn đề đối thoại, như một biện pháp nhằm giải cứu con tàu đang sắp chìm, nếu không phải là PR để đối phó tình huống nhằm tìm kiếm một cái xuồng cứu hộ nào đó.    
Điều kiện tiên quyết trong đối thoại là trước hết hai phía phải ôn hòa, thực tâm lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Nếu đối thoại với thái độ cực đoan và ngạo mạn, không lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, thì sớm muộn cũng thất bại. Thứ hai, phải có chính danh (legitimacy), đối thoại với thái độ xây dựng và nghiêm túc. Thứ ba, phải khiêm tốn để hòa hợp và hòa giải. Những người cực đoan thường khó hòa hợp do không chịu lắng nghe, như “đối thoại giữa những người điếc”, hay giữa những người máy “có hệ điều hành hoàn toàn khác nhau”.
Đã đến lúc chính quyền cần tổ chức đối thoại và tranh luận công khai về những vấn đề bức xúc của đất nước (như đổi mới thể chế), không phải chỉ để “hạ nhiệt” mà để đồng thuận quốc gia, với giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự, trên các diễn đàn được báo chí đưa tin để dân chúng theo dõi. Tuy vấn đề nào “quá nhạy cảm” thì hai bên có thể trao đổi nội bộ, nhưng hầu hết các vấn đề nóng bỏng của đất nước cần được tranh luận công khai.
Gót chân A-sin   
Điều đáng mừng là chính quyền đã ngỏ ý đối thoại với những người khác quan điểm (sau khi “quả bom dân sự đồng Tâm” đã được tháo ngòi bằng đối thoại). Nhưng điều đáng buồn là tuy chưa biết ý định đối thoại thực hư ra sao, nhưng một số đại diện cho tiếng nói phản biện đã tranh cãi như mổ bò và “bất đồng chính kiến với nhau”. Trong khi LS Cù Huy Hà Vũ muốn “Đối thoại trực tiếp”, thì LS Lê Công Định lại muốn “đối thoại gián tiếp”.  
Nếu Đảng “nát như tương” và đất nước “nát như cám” (lời ông Phạm Chí Dũng) nên “không có nổi một cuộc đối thoại cho ra hồn”, thì phong trào dân chủ cũng nát như cháo, vì chia rẽ. Điều đó lý giải tại sao chính quyền vẫn coi thường giới trí thức và phong trào dân chủ, tại sao họ vẫn tiếp tục “đối thoại với dân trong đồn công an”. Tuy “bản lĩnh đối thoại” của chính quyền không cao, nhưng bản lĩnh đoàn kết của giới trí thức cũng thấp. Trong khi kiến nghị tâm huyết của Nhóm 72 & Nhóm 61 “không khiến Đảng mảy may động lòng”, thì tại sao họ lại “động lòng” chấp nhận đối thoại và nhân nhượng người dân Đồng Tâm?   
Theo nhà văn Phạm Thị Hoài, Giáo sư Chu Hảo “lạc quan vô tận”, vì cho rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng”. Trong khi “xếp hạng” GS Chu Hảo là “trí thức phản biện trung thành” (để phân biệt với “giới bất đồng chính kiến”) nhà văn gọi “những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” là những kẻ “thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước” xu phụ quyền lực, trong khi chính họ lại “thiếu một chút can đảm để chính danh”.
Theo ông Phạm Chí Dũng, “lãnh đạo còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ lẫn nhau trong nội bộ, thì lấy đâu ra hơi sức để đối thoại với mấy ông trí thức”. Một số quan chức ủng hộ đối thoại có thể vì động cơ thực dụng, muốn lợi dụng việc này “làm cầu nối” để lấy lòng Mỹ và phương Tây, nhằm “thu xếp cho hậu sự”. Trong khi bà Phạm Thị Hoài cho rằng “giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”, thì ông Bùi quang Vơm cho rằng những người chủ trương cải cách thật sự có thể lợi dụng trò chơi đối thoại này để “lật ngược thế cờ” của phe bảo thủ, để “biến giả thành thật”.
Bi kịch quốc gia
Bức tranh nhiều gam màu đa dạng của xã hội dân sự Việt Nam thật quá đa nguyên. Phải chăng đây là “gót chân A-sin” của phong trào dân chủ?  Có lẽ tình trạng chia rẽ và bất đồng trong xã hội dân sự cũng phản ánh bản chất của xã hội Việt Nam (là “ba người thua một người”). Nhưng bài học phát triển của các quốc gia thành công ở Đông Á không dựa trên sự đa nguyên đó. Muốn tự cường và thoát Trung, dân tộc này phải hòa giải và đồng thuận để phục hưng quốc gia, như một dân tộc thông minh và trưởng thành. Vì vậy, không chỉ giới cai trị phải thay đổi, mà giới bị trị cũng phải thay đổi để mạnh lên, vì “dân nào thì chính phủ ấy”.
Một đất nước yếu kém về năng lực kết nối cộng đồng thường do người ta quá coi trọng “chính sách loại trừ” (exlusive politics) và quá coi nhẹ “văn hóa dung nạp” (inclusive culture). Để dung nạp, người ta phải đối thoại và kết nối để đi đến hòa giải dân tộc và đồng thuận quốc gia. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến “ủy nhiệm” (proxy) bởi ngoại bang, đã chia cắt và tàn phá đất nước này một cách thảm khốc. Nhưng 42 năm sau chiến tranh, những người Việt cực đoan và cuồng tín (của cả hai phía) dường như vẫn chưa tỉnh ngộ.
Phải chăng họ vẫn muốn tiếp tục cuộc nội chiến trong cộng đồng, với tâm thức và não trạng như “tù binh của quá khứ”? Và “bóng ma Viêt Nam” đã ám ảnh họ suốt hai thế hệ, đến tận bây giờ vẫn chưa chấm dứt. Dù thời thế đã thay đổi, nhưng dường như họ vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến ý thức hệ vì “cờ đỏ-cờ vàng”. Thậm chí họ còn tiếp tục cuộc nội chiến mới ngay trong lòng cộng đồng của mình, dù cùng màu cờ sắc áo, dù ở Hà Nội/Sài Gòn, hay ở Little Saì Gòn. Họ chống lại và chụp mũ bất kỳ ai không giống họ, hay không nghe theo họ. Đó là nghịch lý Việt Nam, và là bi kịch quốc gia, như một “nghiệp chướng” (karma). Nếu không thể đồng thuận quốc gia bằng đối thoại, thì đất nước có thể trở thành một “Công viên Khủng Long”.
Thay lời kết
Trong những năm qua, không gian xã hội dân sự đã được mở rộng, với 54 tổ chức XHDS trong đó có 16 hội đoàn độc lập (tính đến 6/2014). Nhưng các tổ chức này chưa thực sự lớn mạnh vì họ còn nhiều bất đồng, hay tranh cãi và chia rẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Hiện nay, đổi mới thể chế (vòng hai) là yêu cầu cấp bách nhất, để tháo gỡ những ách tắc của hệ thống chính trị đã lỗi thời, nhằm giải phóng năng lượng sáng tạo, và những động lực của kinh tế thị trường, để đổi mới và phát triển. Trong quá trình này, đối thoại và tranh luận nhằm tìm đồng thuận quốc gia và hội nhập quốc tế là một yêu cầu cấp thiết, để thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kép về kinh tế (nợ công chồng chất, ngân sách thâm hụt), về chính trị (tranh giành quyền lực quyết liệt), về môi trường (ô nhiễm nặng nề) và văn hóa xã hội (xuống cấp trầm trọng) trong khi chủ quyền quốc gia và lãnh thổ (tại Biển Đông) đang bị đe dọa.     
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một thách đố (gambit) đối với Chính phủ Việt Nam, không chỉ về tầm nhìn và đối sách ngoại giao (đầy thách thức) mà còn gắn liền với bức tranh đối nội (đầy bất ổn). Dưới thời Donald Trump, đối thoại Việt-Mỹ về nhân quyền cũng như về thương mại (FTA song phương) hay về an ninh (Biển Đông), đòi hỏi Chính phủ (cũng như dân) phải đổi mới tư duy và có bản lĩnh, để đối phó được với những tình huống mới (đầy bất định). Lúc này chơi “lá bài Mỹ”, hay chơi “lá bài Nhật” như một đòn bẩy (hedging) trong quan hệ với Mỹ, ngày càng khó. 
Chưa bao giờ Việt Nam lại đứng trước các thách thức và lựa chọn khó khăn như hiện nay, trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, và Nhật. Quan hệ “rất phức tạp” giữa Washington và Bắc Kinh vào lúc này là yếu tố khiến lãnh đạo Việt Nam phải gặp Donald Trump “càng sớm càng tốt”. Theo Muray Hiebert (CSIS), “Việt Nam không nên chờ, mà hãy đến Washington ngay bây giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại”.  Vấn đề là ông Phúc đối thoại thế nào với ông Trump và các quan chức Mỹ (để không mang tiếng là “Thủ tướng KLMV”). 
26/5/2017
N.Q.D. 

Phải sửa từ móng nhà

Phải sửa từ móng nhà

bauxitevnTue 8:42 AM

Tô Văn Trường
Sau rất nhiều bùng nhùng bức xúc xảy ra ở những dự án hàng nghìn tỷ đồng do nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu rồi làm hỏng, khi được hỏi thì các chủ đầu tư phía Việt Nam thường đều tự tin trả lời: “tất cả đều đúng quy trình và minh bạch!”
Nhưng những tổn hại về đội vốn, về môi trường, về an toàn và kéo dài thời gian ở những dự án ấy buộc công luận phải đặt các câu hỏi: “Tại sao những tổn hại ấy phần lớn chỉ xảy ra với các dự án mà các Công ty Trung Quốc trúng thầu? Có lợi ích nhóm ở đây không? Có móc ngoặc hối lộ không? Và trên hết, có những kẽ hở lỏng lẻo trong cơ chế và thủ tục xét thầu sử dụng công quỹ không?" Các câu trả lời dường như đã nằm trong các câu hỏi.

Vậy nếu coi việc loại bỏ những hậu quả tai hại từ những dự án đấu thầu sử dụng công quỹ là sửa một ngôi nhà thì chắc khâu đầu tiên là phải sửa từ nền móng!
Hiện nay, có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều là các công nghệ lạc hậu, bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, v.v... để lại các hậu quả rất nặng nề về mọi mặt. Nếu rà soát có hệ thống và khách quan, một câu hỏi tất nhiên sẽ được đặt ra: đây có phải là sự "thông đồng" có hệ thống hay chỉ là sự "ngẫu nhiên đáng ngờ" của từng dự án riêng lẻ? 
Chỉ nói riêng ngành xi măng ở thập niên 1990, trong vòng chưa đến chục năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc mà sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt giá nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay, nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.
clip_image002
Thiết bị sản xuất xi măng của Trung Quốc (Ảnh trên mạng)
Nhiều người đặt vấn đề vì sao Trung Quốc luôn thắng thầu các dự án ở Việt Nam như sản xuất xi măng, gang thép, nhiệt điện, bauxite, xây dựng cơ sở hạ tầng? v.v… Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, có khả năng đưa người lên vũ trụ, nhưng các đơn vị thắng thầu lại thường chỉ là các đơn vị có chất lượng kém hoặc hầu hết không khá. Vấn đề này cần xem xét, đánh giá cả từ hai phía, chủ đầu tư và bên dự thầu cũng như chủ trương của những người có thẩm quyền.
Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá 
Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Lấy ví dụ: có hạng mục tư vấn thiết kế cùng 2 đơn vị dự thầu khác (3 quốc tịch khác nhau) tính giá suýt soát nhau. Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá chỉ bằng 18% giá trung bình của 2 đơn vị dự thầu kia. Nhà thầu các nước, tất nhiên bị loại vì không thể nào làm được với giá thấp như thế. 
Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Về mặt chuyên môn, khổ nỗi là hạng mục kia có tầm quan trọng về tiến độ và chất lượng, không làm thì cả dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng lại khó trích dẫn hồ sơ mời thầu để biện minh cho việc này! 
Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, và tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công, thậm chí còn cao hơn cả dự toán ban đầu.
Sử dụng công nghệ kém cỏi
Trong một dự án, tư vấn khuyến cáo với điều kiện như thế này, thì cần các loại thiết bị như thế kia. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện như thế nào, cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của tư vấn, lại dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa. Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó với nhiều chi phí rất tốn kém.
Còn đối với nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp, muốn tính đúng, tính đủ để làm cho tốt thì họ sẽ thua khi dự thầu vì giá quá cao.
Chỉ do 2 thủ thuật nói trên là đủ để nhà thầu Trung Quốc tuyên bố: Dù theo giá nào họ vẫn làm được, trong khi nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp thì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc. 
Lỗi tại chủ đầu tư nêu đầu bài "hở" và kiểm tra, giám sát kém
Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu "2 phong bì", phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ. Ví dụ nêu "thiết bị từ các hãng G7", nhưng sau này, họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau. 
Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn "qua mặt" được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng. 
Còn kinh nghiệm của nhà thầu? Khi dẫn đoàn Việt nam đi tham quan xem công trình họ làm ở Trung Quốc rất hoành tráng, tiến độ và chất lượng đâu ra đó, cả tây lẫn ta đều trầm trồ khâm phục! Họ bảo: công trình bên ta thì nhỏ hơn nhiều, làm sẽ dễ thôi!
Thực tế, khi qua VN họ làm không phải “dễ thôi”, mà là quá lôi thôi. Tổng kết các vụ việc, cần tự hỏi: Có phải họ cố ý muốn phá hoại ta không? Cũng chính nhà thầu đó, mình đã đi tham quan, chứ lẽ nào họ “sơ ý” làm kém cỏi như thế?!? Một dự án chỉ cần trễ hạn vài tháng là bao nhiêu thiệt hại, rồi còn phải đối phó với những hỏng hóc cứ xảy ra chỗ này chỗ nọ, khi này khi khác! Các dự án do Trung Quốc thực thi trễ cả năm trời là chuyện “thường ngày ở huyện”! 
Ai bật đèn xanh?
Nhiều người am hiểu thời cuộc cho rằng mọi dự án định đưa ra đầu thầu phía Trung Quốc đã có tay trong của phía ta và của phía họ cho biết trước rồi. Cái đám “lobby 2 bên này” bàn kế hoạch giữa ta và nó để xúc tiến, đấu thầu kiểu gì Trung Quốc cũng trúng, bằng mọi thủ đoạn: dèm pha các đối thủ khác, bỏ thầu thấp, “bôi trơn” gầm bàn, hứa hẹn lo nguồn tài chính, v.v… 
Khi Trung Quốc thắng thầu rồi, họ giở thủ đoạn mới, ví dụ yêu cầu ta nên mở rộng công suất, vì bịa ra là triển vọng dự án tốt lắm, nên thêm cái nọ thay cái kia..., trên cơ sở đó làm lại giá thầu đã được duyệt giữa họ và Việt Nam. Thủ đoạn này cuối cùng thường nâng giá dự án lên gấp đôi hoặc hơn nữa – điển hình là bauxite Tân Rai, Nhân Cơ lúc đầu là 600 triệu đô la, ký rồi nâng lên tới khoảng 1,2 tỷ đô (viện lẽ mở rộng công suất của dự án). Dự án bauxite này vừa thua lỗ về kinh tế, vừa ô nhiễm môi trường, đã được nhiều người, kể cả các vị lão thành cách mạng cảnh báo từ khi mới sơ khởi. 
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vì vay vốn của Trung Quốc do Trung Quốc làm tổng thầu liên tục chậm tiến độ, không bị phạt, lại đòi tăng vốn lên 250 triệu đô la. Việt Nam phải bấm bụng vay thêm rồi nhà thầu vẫn ỳ ra, và chưa đưa vào vận hành đã thấy có nhiều điều vênh váo. Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang trở thành nỗi thất vọng do gói thầu A3 của Trung Quốc liên tục làm ăn gian dối, gây bê trễ về thời hạn thi công và tác hại lớn về kinh tế xã hội, v.v...
Song cái nguy thật sự nằm ở chỗ có sự đồng lõa và bật đèn xanh thường là ở cấp có thẩm quyền. Nói nghiêm khắc, đây là một trong những tội ác tham nhũng trầm trọng, mất lòng dân nhất. 
Giải pháp
Về hồ sơ mời thầu: Cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (có cho phép dùng thiết bị tương đương hay không). Cần tính toán dòng tiền đầu tư, công vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí ẩn) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá sẽ cao. Trong 2 ví dụ nêu trên, chi phí nhân sự khi hạng mục đình trệ, rồi soạn hồ sơ mời thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng mới, v.v... là rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ. 
Về tính toán hiệu quả:Công trình sớm 1 ngày là có lợi ích ngày đó, nhưng nhiều lúc khó tính ra thành tiền (ngoài những dự án sinh ra tiền như điện, hóa chất, sản phẩm bán được...) cho nên làm nghiên cứu khả thi và dự toán cần đặt nặng ở lợi ích về lâu, về dài, rồi cố gắng huy động nguồn vốn cho đủ mà làm cho tốt.
Cả trong hồ sơ thuyết minh tiền khả thi và khả thi cần phân biệt hiệu quả kinh tế quốc gia (tính tất cả chi phí và kết quả, bao gồm cả các khoản giảm thuế, làm công trình kế cận, sử dụng chung...) với hiệu quả tài chính dự án (đã trừ đi các chi phí giảm thuế, làm đường, bến cảng...) để thấy hiệu quả đích thực và cái giá mà quốc gia phải trả có xứng đáng không.
Cũng từ đó: định giá sàn để đảm bảo chất lượng, khuyến khích đơn vị dự thầu đề xuất công nghệ/thiết bị phù hợp tầm G7 dù cho nhà thầu là Trung Quốc, Hàn quốc, Thái Lan,...
Vai trò của tư vấn: Cầnnâng cao vai trò của tư vấn. Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học... giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của tư vấn, vì tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư. Đã thuê tư vấn, phải trả tiền cao cho người bảo vệ mình mà lại không nghe theo họ thì làm sao mà bảo vệ được quyền lợi của mình?
Sửa lại móng nhà: Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế. 
Vấn nạn thắng thầu - tham nhũng và “đi đêm” thì nước nào cũng có, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để giảm thiểu vấn nạn này thì có hai con đường: (1) Hoàn thiện môi trường Luật pháp và (2) Giảm thiểu tới mức cần thiết khu vực công. Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng hình như yếu tố cốt lõi của vấn đề ở đây, mang tính bao trùm lên tất cả, chính là… thể chế chính trị - xã hội. 
Lời kết
Những người phụ trách và quyết định cho đấu thầu và trúng thầu của chúng ta, là những người thuộc một nước có nền công nghiệp lạc hậu, và có những điều kiện bất lợi do lịch sử để lại. Phải nói là Trung Quốc rất hiểu tâm lý cán bộ ta, vừa vụ lợi, vừa bị cầm tù trong tâm lý coi họ là bạn, cùng một hệ thống tư tưởng, cho dù chúng ta đã quá hiểu về họ.
Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên rất cao, cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết chúng ta đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ. 
Chung quy lại, trước hết phải sửa từ móng nhà, thì không có chuyện Trung Quốc thắng thầu tràn lan, làm ăn bê bết để lại các hậu họa mọi mặt về chính trị kinh tế xã hội và môi trường ở Việt Nam. 
T.V.T.
Tác giả gửi BVN