Ý thức hệ của chế độ và xã hội Việt Nam hiện nay
Việt Nam, Nga, Trung Quốc đều là hữu khuynh
Ông Putin nói rằng, nước Nga của ông có cùng “giá trị” (bảo thủ) với phương Tây, rằng giá trị đó là giá trị Ki Tô giáo, rằng người Nga cũng như người châu Âu, người Mỹ có cùng nguồn gốc … chủng tộc (da trắng).
Bên cạnh đó, ông Putin mắng tầng lớp mà ông gọi là “tinh hoa” hiện đang nắm quyền ở phương Tây đang theo đuổi những điều lạ lùng như là thông cảm với những người đồng tính, cổ võ toàn cầu hóa…
Đây là điều không mới, về chuyện nước Nga kết thân với phe bảo thủ phương Tây, và cũng được phe này hoan nghênh, vì ông Putin và nước Nga của ông cũng chống người đồng tính, chống việc bảo vệ môi trường, chống chủ trương bình đẳng sắc tộc của phe cấp tiến, chống phá thai… giống như phe bảo thủ phương Tây, từ Viktor Orban (Hungary) cho đến các thẩm phán bảo thủ ở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Đối với các ông bà này và ông Putin, chuyện những người cấp tiến ở California, Sydney, Paris… ăn chay cũng là điều xấu, cần chống!
Mà không chỉ nước Nga, nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình cũng thế. Ngay từ thời ông Mao Trạch Đông, họ Mao cũng rất thích phe bảo thủ Mỹ (đọc “On China” của Henry Kissinger). Gần đây, báo Foreign Policy có nhận định về quan điểm của giới cầm quyền cũng như xã hội Trung Quốc đối với phe cấp tiến của phương Tây, gọi họ là Bạch Tả (phe Tả trống rỗng) một cách miệt thị.
Như vậy, nước Nga hiện nay của ông Putin và nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, thực chất là những quốc gia hữu khuynh, theo những tiêu chuẩn đề cập bên trên, cộng với một tiêu chuẩn quan trọng nhất nữa đó là chủ nghĩa duy lợi, với các đại tài phiệt tư bản bồ bịch (crony capitalists) Nga và Trung Quốc, với chính sách tự do tuyệt đối của phe bảo thủ phương Tây (hand off). Giới tài phiệt phương Tây, dù sao cũng bị hệ thống cân bằng pháp trị áp chế, còn các tài phiệt Nga, Trung Quốc, chỉ bị trừng trị khi sa cơ thất thế về chính trị.
Tôi cũng có một lần nhận xét rằng, mô hình toàn trị ở Việt Nam hiện nay rất giống Nga và Trung Quốc, và xin nói thêm là bản chất kinh tế xã hội của Việt Nam cũng khuynh hữu giống như hai quốc gia này. Việt Nam là một nước hữu khuynh.
Ông Nguyễn Hữu Liêm ở Mỹ có nhận xét rằng, Việt Nam nay không còn “cộng sản” nữa, vẫn chưa đủ, mà phải nói là Việt Nam chạy luôn qua cực bên kia, là một quốc gia hữu khuynh.
Điều này rất trớ trêu ở cái danh xưng “cộng sản” của cái đảng đang độc quyền cai trị ở Việt Nam, nơi mà các “đại gia” như Phạm Nhật Vượng, Trương Mỹ Lan… làm giàu thả ga, và chỉ bị chế tài khi sa cơ thất thế về chính trị.
Rối loạn ý thức hệ
Đỉnh cao ý thức hệ cộng sản theo kinh điển ở Việt Nam là vào thời kỳ cầm quyền của ông Lê Duẩn, với lời hô hào 400 quận huyện pháo đài công nông lâm ngư nghiệp (sic), trong những năm đầu thập niên 1980.
Từ lúc đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như xã hội Việt Nam không có được một hệ thống lý luận tư tưởng nào để thay thế, mà cứ ghép vô tội vạ chế độ độc tài chính trị, và nền kinh tế duy lợi thả ga, được gọi với cái tên ngộ nghĩnh là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Với những giáo điều cũ và “mới” lai tạp như vậy, các viên chức tuyên giáo (hàng ngàn người ra lò mỗi năm từ các khoa “triết, chính trị”, ở các trường đại học trên cả nước), cứ thế mà viết báo, giảng bài, lên truyền hình,… nhấn vào đầu hàng chục triệu người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đảng học được cách dùng công nghệ mới để bưng kín không khí xã hội, chính trị, học thuật… trong nước. Không chỉ bưng kín thông tin, mà với mạng xã hội, giới chức cầm quyền Việt Nam còn học được cách thao túng thông tin, cung cấp cho dân chúng Việt Nam bao nhiêu là tin vịt.
Sự bưng kín thông tin này gặp thuận lợi rất lớn ở tình trạng phát triển của Việt Nam hiện nay, với đại đa số dân chúng vừa bỏ đồng quê lên thành thị kiếm ăn, hoàn toàn không chú trọng gì đến tư tưởng, xã hội, chính trị…
Tin vịt lại được sự tiếp tay vô cùng đắc lực của các kênh YouTube của người Việt hải ngoại. Dân chúng trong nước có hai món ăn tinh thần, đều gớm ghiếc như nhau, đó là tuyên truyền chính trị của Đảng và tin vịt từ Đại Kỷ Nguyên, Sputnik… cùng các YouTubers tin vịt hải ngoại.
Sự bất đối xứng thông tin này tạo nên một không khí diễn ngôn xã hội rất kỳ lạ. Các viên chức nhà nước và Đảng phát biểu rất nhiều từ ngữ không có nghĩa gì cả như bị mê sảng, và dân chúng cũng thế.
Tuy nhiên có một bộ phận cán bộ và dân chúng Việt Nam, chủ yếu đến từ miền Bắc, hoặc giới quân đội, công an, vẫn nghĩ rằng nước Việt Nam vẫn là… cộng sản, giống với Trung Quốc, và… giống cả Nga.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga lớn đến mức cơ quan tuyên giáo Việt Nam không thể che kín hoàn toàn, làm cho nhà cầm quyền không những bối rối về mặt ngoại giao, mà còn về mặt đối nội. Hóa ra những cuộc xâm lược lãnh thổ từ trước đến nay được Đảng gán duy nhất cho “bọn đế quốc tư bản” phương Tây đều không đúng, mà đồng minh Liên bang Nga đầy lãng mạn, mồ ma Xô Viết thắm tình hữu nghị, cũng là những kẻ xâm lăng, và tàn bạo với những ứng xử chiến tranh như thời trung cổ.
Thế là Đảng lôi những cái loa như Lê Thế Mẫu, Lê Ngọc Thống ra, dựa vào tin vịt từ Sputnik để bình luận, cùng hỉ hả với nhau với một số ít dân chúng hoài niệm Liên Xô, nhưng đầu óc duy lợi kiểu tư bản bồ bịch.
Thế cho nên, Đảng đã không cho báo chí của mình dịch những lời của ông Putin về giá trị Ki Tô, về đồng văn đồng chủng… da trắng với phương Tây. Cho dân chúng Việt Nam biết mấy câu đó, hóa ra nước Nga đồng minh là phân biệt chủng tộc sao? Là Ki Tô chống Đảng sao?
Chống thông tin bất đối xứng trong tình trạng Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng kỹ thuật, và tình trạng xã hội đang từ nông nghiệp chuyển lên thành thị, là rất khó khăn. Nước Mỹ ở những vùng thôn quê, cộng đồng Việt hải ngoại còn đầy hứng khởi với tin vịt, huống hồ chi dân chúng của một quốc gia bị bịt kín thông tin.
Những quan sát của chúng tôi trong những lần về Việt Nam, cũng như quan sát từ các nhóm Facebook tiếng Việt, có thể thấy rằng, đại đa số dân chúng Việt Nam hiện nay không đến được, hoặc không muốn đến với những nguồn thông tin và phân tích xã hội chính trị khác hơn là những nguồn mà Đảng muốn cho họ biết. Những cơ quan ngôn luận lớn và có uy tín ở hải ngoại như BBC, VOA, … cũng có nhiều cố gắng, nhưng không tác động được đến người dân trong nước bao nhiêu. Tôi có nói vui rằng, câu chuyện ông Nguyễn Hữu Liêm mới đây ở Mỹ là cơn bão trong tách trà là như thế, dù cũng có hơi ghen tị với ông Liêm, sử dụng được một cơ quan như BBC, hơn hẳn tôi đây.
Các cơ quan truyền thông lớn mà còn như thế, thì bài viết của Jackhammer Nguyễn trên Tiếng Dân chắc chắn chẳng người Việt trong nước nào biết. Nhưng tôi chắc chắn rằng các cán bộ tuyên giáo của Đảng, cùng các nhân viên ngoại giao của Đảng thì đọc được. Những người Việt hải ngoại nghe tin vịt, hoặc là không hiểu hiện trạng xã hội Việt Nam như tôi thấy, cũng có thể đọc được. Thôi thì tôi cứ tiếp tục viết, chứ biết làm thế nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.