Tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ của cán bộ!
28-10-2022
Thôi, bỏ chuyện ông thầy thể dục dẫn giải cô giáo dạy văn ra khỏi lớp ở ngay cái trường rất Huế kia đi, dị òm, dân Đồng Khánh, Hai Bà đó nghe.
Chuyện này cũng liên quan giáo dục, mà là giáo dục “trí thức tầng bậc cao” được ông nghị Lê Thanh Vân phát biểu chiều nay trong phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội. Ổng đưa ra 5 kiến nghị, trong đó kiến nghị thứ hai nêu rõ: nhân việc cơ quan Đảng các cấp xử lý một số cán bộ chủ chốt ở Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam liên quan “lò ấp” tiến sĩ, đề nghị có tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước. Việc này là để sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm quản lý điều hành của cả hệ thống.
Vote nhiệt liệt đề xuất của ông nghị Cà Mau. Thạc sĩ thì hằng hà sa số, làm sau, làm từ từ. Trước mắt, rà cho hết mớ bằng tiến sĩ trong hàng ngũ cán bộ, lãnh đạo, không cứ từ mấy cái học viện, mấy phân viện trung ương; cả trường tư trường công, cả Ha vớt lẫn Phun bờ rai, hễ lý lịch nào nắn nót học vị tiến sĩ là kiểm tra ráo trọi.
Kiểm tra nguồn cấp chưa đủ, nhân đó tổng “xét nghiệm” năng lực ngoại ngữ để xem chất lượng có tương xứng với học vị hay không, rà soát các bài báo khoa học có đủ hàm lượng khoa học đã được đăng trên các tạp chí có… khoa học hay không. Cần có bộ lọc để kiểm nghiệm “chỉ số trích dẫn” – nói cho sang là vậy, chứ nói theo dân gian là lượng copy – paste bao nhiêu trong các bài báo lẫn luận án, nhất là ở các ngành thuộc khoa học xã hội.
Ngoài phạm vi ông nghị Vân đề xuất, nhưng nếu được, cũng nên “quét mã” qua các tiểu luận tốt nghiệp cao cấp chính trị (thường dành cho các học viên giỏi, xuất sắc, cán bộ lớp vốn có vai vế…). Biết đâu, nhân đấy, tiện kiểm kê luôn quỹ lớp cũng hay.
Ngày 18.3.2021, tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm của Sở Nội vụ, ông giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng nói: “Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ”.
Kể cả chuyện sau khi cán bộ được đi học về kinh tế số – kinh tế tuần hoàn, ông hỏi chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu, cán bộ không trả lời được và chia sẻ khi đi học giáo viên chỉ “dạy chung chung”.
Trở lại đề xuất tổng rà soát bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, không chỉ kiểm tra trình độ, năng lực – cái này đã thể hiện – mà qua đó “xét nghiệm” PCR luôn cả phẩm chất, đạo đức của người-đày-tớ. Nói như ông nghị Vân là để “sàng lọc chất lượng nhân sự”.
Nhưng, lấy ai – đủ can đảm; lấy cái gì – đủ trung thực và khoa học để sàng lọc chừng ấy tiến sĩ, thạc sĩ là các nguyên, đương cán bộ lãnh đạo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.