Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Nộp tiền học, biết phải nghe ai?

 

Nộp tiền học, biết phải nghe ai?

Thái Hạo

30-10-2022

Sáng đi họp phụ huynh cho con về mà lòng ngổn ngang vì tình trạng triển khai chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay. Nhưng tạm gác lại việc lớn ấy, chỉ nói một chuyện bé, đóng tiền. Trong một mớ những chuyện đóng tiền ấy lại cũng chỉ nói về một khoản nhỏ nhặt nhất: tiền trông coi phương tiện giao thông của học sinh và tiền vệ sinh (tổng 252.000đ/hs/năm).

Theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rành rành 7 khoản mà Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường không được thu, trong đó có tiền “Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường”. Nhưng, mặc lòng, nó lại vẫn xuất hiện chình ình trong danh mục tiền phải đóng của học sinh. Thắc mắc thì được giáo viên chủ nhiệm giải thích rằng do Thị xã đã thống nhất quyết định.

Tôi tìm kiếm thì thấy được văn bản Số 252/HD-UBND của UBND Thị xã Nghi Sơn, “Hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thị xã Nghi Sơn năm học 2022-2023”. Bất ngờ quá, đúng là UBND Thị xã đã quy định thu 2 khoản này!

Vấn đề đáng nói là tình trạng lạm thu gây nhức nhối này không phải chỉ ở riêng một địa phương nào, mà đang phổ biến trên khắp cả nước, gây bất bình suốt bao nhiêu năm nay.

Trở lại, rốt cuộc văn bản của Bộ Giáo dục – Đào tạo có ý nghĩa gì khi mà về đến địa phương thì không những không được thực hiện nữa mà còn công khai đi ngược lại? Người dân sẽ phải theo văn bản nào, của địa phương hay là của Bộ? Nếu văn bản của Bộ đã vô giá trí thì Bộ phải ra công văn thông báo chấm dứt hiệu lực của nó, còn nếu nó vẫn được áp dụng thì người dân sẽ phải tuân thủ văn bản cao hơn, đó là nguyên tắc.

Tôi muốn hỏi, Bộ GD có biết tình trạng trên dưới bất nhất này không? Và Bộ Giáo dục có trách nhiệm gì khi ban hành văn bản nhưng đã không thực hiện vai trò kiểm tra giám sát, làm người dân lúng túng, hoang mang, bất bình?

Câu chuyện về thu tiền này là một ví dụ rất điển hình cho tình trạng quản lý hiện nay. Từ đây mà nhìn rộng ra thì sẽ thấy một bức tranh chung đáng lo ngại và đã trở thành thực tế trong việc triển khai Chương trình giáo dục mới 2018: đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi… Nó giúp lý giải cho tình trạng rối rắm và nhếch nhác trong triển khai công cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”, một chủ trương luôn được nói là hệ trọng, là lớn lao.

Tình trạng thu chi trong các nhà trường hiện nay là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự mất niềm tin và những bất bình sâu sắc của toàn xã hội đối với ngành, nếu không giải quyết được những nhập nhèm và nhếch nhác này, ngành giáo dục khó mà có được tư thế chững chạc và đường hoàng để thực hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân. Và ở đây, Bộ giáo dục phải thực hiện vai trò quản lý của mình, không thể để sự lem nhem này tiếp diễn mãi như thế được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.