Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam và sự bôi bác cộng sản

  

Nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam và sự bôi bác cộng sản

Jackhammer Nguyễn

19-11-2022

Sức bật mới của nghiệp đoàn ở Mỹ

Có thể nói rằng, những người đầu bếp, chạy bàn, bưng bê quét dọn… ở tiểu bang Nevada đã làm cán cân quyền lực ở thượng viện Hoa Kỳ nghiêng về Đảng Dân chủ.

Trong thế giằng co ngang ngửa nhau về số ghế ở thượng viện, chiến thắng của thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Catherine Cortez Masto, đã chốt lại sự kiểm soát quyền lực của đảng này tại thượng viện, ít nhất hai năm nữa. Trước đó, bà Masto được đánh giá là thượng nghị sĩ khó khăn nhất thuộc phe Dân chủ, bảo vệ chiếc ghế của mình trước ứng cử viên Cộng hòa, ông Adam Laxalt, người được cựu tổng thống Trump ủng hộ, vì ông Laxalt cùng phao tin vịt về cái gọi là “gian lận bầu cử” như ông Trump.

Sự khó khăn của bà Masto nằm ở chỗ, tình hình lạm phát làm ảnh hưởng cuộc sống của cử tri bang Nevada, cũng như khuynh hướng hơi nhích về Đảng Cộng hòa của cử tri gốc Latin, rất đông đúc ở Nevada.

Nhưng may mắn cho Đảng Dân chủ là nghiệp đoàn ngành khách sạn, nhà hàng, công nghiệp giải trí,… với khoảng 60 ngàn thành viên lại ủng hộ Đảng Dân chủ. Nghiệp đoàn này rất quan trọng ở hai khu vực Las Vegas và Reno, hai trung tâm kinh tế của Nevada. Các thành viên nghiệp đoàn ghi công của Đảng Dân chủ, giúp họ giữ công việc và phúc lợi trong hai năm đại dịch Covid-19.

Sự mạnh lên của nghiệp đoàn tại Nevada nằm trong khuynh hướng chung hiện nay ở Mỹ, quốc gia vốn có phong trào nghiệp đoàn kém hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp ở Tây Âu, Canada, và Úc, mặc dù ngày quốc tế lao động 1-5 vốn bắt đầu từ một cuộc đình công ở Mỹ.

Lịch sử nghiệp đoàn Mỹ lên bổng xuống trầm, mà trầm nhiều hơn bổng. Nguyên do thì có nhiều, nhưng hai lý do chính là khuynh hướng tân tự do của xã hội Mỹ, chủ trương cho phép giới chủ tự do sa thải công nhân, chèn ép lương tối thiểu, dưới chiêu bài tự do cạnh tranh của kinh tế thị trường.

Lý do thứ hai là chiến tranh lạnh với khối cộng sản. Các nhân vật cộng sản ở phương Tây thường tham gia vào các phong trào nghiệp đoàn, điều đó làm cho nhiều người lo sợ sự xâm nhập của các phần tử cộng sản vào xã hội Mỹ, nhất là trong những năm sau thế chiến thứ hai, trước khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Điển hình của nỗi sợ này là một đạo luật ra đời năm 1947, bắt buộc các thành viên nghiệp đoàn phải tuyên thệ, rằng mình không phải là cộng sản.

Ngoài ra nước Mỹ là quốc gia đi đầu trong lãnh vực kỹ thuật mới. Giới kỹ sư kỹ thuật mới là giới khó vận động nhất của các nghiệp đoàn.

Mỹ là một quốc gia nhập cư, cho nên giới chủ có nguồn lao động dồi dào thay thế từ công nhân nhập cư, không lo ngại áp lực của nghiệp đoàn.

Tình hình nay đã khác, với cuộc khủng hoảng lớn của toàn cầu hóa. Thăm dò của viện Gallup vào tháng 8/2022 cho thấy, có đến 71% người Mỹ tán thành nghiệp đoàn. Trong năm 2022 người ta chứng kiến các nghiệp đoàn thành công tại nhiều cơ sở của các đại công ty như Starbucks, Amazon, Apple.

Nghiệp đoàn Việt Nam và sự bôi bác cộng sản

Một điều khôi hài là mặc dù tất cả các đảng cộng sản, bao gồm cả đảng Cộng sản Việt Nam, đều tự nhận mình là đại diện cho giai cấp công nhân, nhưng ở bất cứ đâu đảng cộng sản cầm quyền với tư cách độc đảng, là ở đó không có nghiệp đoàn.

Các đảng cộng sản cầm quyền đều có các tổ chức gọi là “công đoàn”, nhưng chỉ là những tổ chức quan liêu, cánh tay nối dài của giới cầm quyền độc tài, chứ không đại diện gì cho quyền lợi công nhân cả.

Từ khi Việt Nam cho phép giới tư bản trong và ngoài nước hoạt động, các tổ chức gọi là “công đoàn” của nhà nước Việt Nam bắt đầu thông đồng với giới chủ tư bản. Tại các công ty nhà nước, các “quan công đoàn” lãnh lương của nhà nước, tại các công ty do giới tư bản đầu tư, thì các “quan công đoàn” lãnh lương của giới chủ. Các tổ chức “công đoàn” Việt Nam không phải là để đại diện quyền lợi công nhân, mà là để theo dõi công nhân rồi đàn áp họ.

Công nhân công ty Chí Hùng ở Bình Dương đình công hôm 28/5/2020. Nguồn: RFA

Đã từng có những tổ chức nghiệp đoàn độc lập được thành lập, và có tạo được một số tiếng vang trong các cuộc đình công bảo vệ quyền lợi công nhân trong những năm 1990, 2000. Nhưng các tổ chức này nhanh chóng bị đàn áp, các thũ lĩnh bị bỏ tù, hay tha hóa, trở thành nhũng lạm dưới nhiều hình thức. Một nguyên nhân khác nữa cho việc chưa nở đã tàn này của các nghiệp đoàn độc lập Việt Nam là giới lãnh đạo từ nước ngoài, quan liêu và không hiểu tình hình trong nước.

Nhưng không phải hễ cứ nằm dưới ách cộng sản là không có hoạt động nghiệp đoàn độc lập, ví dụ rõ nhất của việc này là tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở nước Ba Lan cộng sản, góp phần lớn vào việc xô đẩy cả hệ thống cộng sản Đông Âu, dẫn đến sụp đổ.

Nguyên nhân của sự yếu ớt của nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam chính là lịch sử xã hội và kinh tế của nước này.

Cho đến năm 2022, tại Việt Nam vẫn không có một tầng lớp công nhân thực sự, mà đa số là những người nông dân làm thuê tại các nhà máy khu công nghiệp. Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa và công nghiệp hóa, lực lượng nông dân nghèo bỏ quê lên phố là nguồn cung cấp lao động dồi dào cho giới chủ câu kết với các viên chức nhà nước nhũng lạm, vì thế họ không bị áp lực trước sự đoàn kết của công nhân.

Ngay cả trong thời kỳ hoạt động bí mật của đảng Cộng sản Việt Nam, các hoạt động mang tính chất nghiệp đoàn của họ cũng rất nhỏ, so với các hoạt động khác trong giới trí thức thành thị, hay giới bần nông.

Khi đảng Cộng sản cầm quyền, với chủ trương độc đảng, một hoạt động nghiệp đoàn thực sự sẽ là điều đe dọa sự cầm quyền của họ, nhất là sau ví dụ lịch sử nhãn tiền của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan. Sang giai đoạn mở cửa cho tư bản nước ngoài vào làm ăn, giới quan chức cộng sản cầm quyền càng có lý do để bóp nghẹt nghiệp đoàn, vì quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền bây giờ rất đồng nhất với giới tư bản, như tôi đã trình bày trong một bài khác, cũng trên diễn đàn này, nước Việt Nam cộng sản thực sự là một quốc gia cánh hữu, trong đó quyền lợi của giới thợ thuyền bị chèn ép nặng nề.

Hiện nay vẫn còn những hoạt động nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam diễn ra âm thầm, nhưng vô cùng yếu ớt. Vụ hơn một triệu công nhân miền Đông Nam bộ bỏ chạy tán loạn trong năm 2021 vì đói, sau một tháng giới nghiêm chống Covid-19, là một minh chứng cho sự vô tổ chức của công nhân Việt Nam hiện nay.

Số lượng công nhân, hay nói đúng hơn là nông dân làm thuê, sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Tình trạng yếu ớt của nghiệp đoàn độc lập sẽ duy trì sự thống trị của giới cầm quyền mệnh danh cộng sản, câu kết bồ bịch với giới tư bản trong và ngoài nước. Mà sự yếu ớt đó cũng chính là sự yếu ớt của dân tộc Việt Nam vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.