Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Luật “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” có là bước đột phá, đem lại dân chủ thật sự?

 

Luật “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” có là bước đột phá, đem lại dân chủ thật sự?

T.K. Tran

17-11-2022

Trong kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XV, ngày 10/11/2022 vừa qua, 


Quốc Hội đã thông qua dự thảo Luật “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” (từ nay viết tắt là luật THDCCS). Đây là một bộ Luật đồ sộ, gồm 91 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.

Mục tiêu của Luật này là gì? Luật đưa ra có bảo đảm “quyền làm chủ” thực sự của nhân dân như tên gọi không? Một điều quan trọng cần biết là Luật chỉ giới hạn ở đơn vị hành chính thấp nhất (xã, phường, thị trấn), ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng lao động (như những doanh nghiệp) và chỉ trên bình diện kinh tế.

So với dự thảo ban đầu, bộ Luật được thông qua có một số sửa đổi liên quan tới việc áp dụng Luật tại các tổ chức sử dụng lao động.

Bài này chỉ đề cập tới việc áp dụng luật THDCCS trong lãnh vực hành chính cấp xã, phường, thị trấn (chương II).

Phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng” mà nhà nước đưa ra được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung toàn bộ Luật.

Dân biết? Dân không thể biết, nếu không có tự do báo chí

Ở các điều 11, 12, 13, 14 chương II, mục 1 về vấn đề công khai thông tin, hình thức công khai thông tin để người dân biết: “Chính quyền xã phải công khai các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính …” trên địa bàn xã.

Ở đây, ta nhận thấy rằng chính quyền xã có thể chọn lựa thông tin để công khai. Có nghĩa là người dân không được thông tin về mọi sự, dù chỉ ở phạm vi làng xã của mình. Sẽ có thông tin được sàng lọc, giấu giếm, xếp vào hàng “bí mật nhà nước hay chưa được công khai”. Vai trò của tự do báo chí trong lãnh vực thông tin không được đề cập tới.

Ở những quốc gia dân chủ, tự do báo chí được xem là công cụ hiệu quả nhất trong thông tin, ví dụ trong việc phát hiện những tiêu cực trong xã hội. Điển hình như vụ Watergate ở Mỹ vào năm 1974 đã làm chính quyền Mỹ lung lay, dẫn đến việc tổng thống Nixon phải từ chức. Vụ này do các phóng viên báo Washington Post khui ra. Ở Đức vào năm 1962, báo Spiegel đăng thông tin về sự yếu kém của quân đội Đức dẫn đến việc từ chức của 6 bộ trưởng, trong đó có bộ trưởng quốc phòng F.J. Strauß của chính phủ Adenauer.

Sự thiếu vắng một nền tự do báo chí đích thực khiến việc công khai minh bạch thông tin mà không bị gán tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” sẽ không thể thực hiện được.

Dân bàn? Dân không thể bàn, nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập

Luật THDCCS quy định, việc họp bàn, tham gia ý kiến, quyết định của cộng đồng dân cư ở mục 2 với các điều 15 tới điều 29. Tuy nhiên người dân không được quyết định tất cả mọi việc liên hệ tới xã ,thôn mà chỉ được tham gia bàn thảo và quyết định các chủ trương có “Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí” cùng với việc thu chi quản lý các khoản đóng góp liên hệ.

Những dự án kế hoạch có tầm vóc, như dự thảo quy hoạch đất, đền bù, giải phóng mặt bằng … thì người dân được tham gia ý kiến, nhưng không được quyết định. Quyền quyết định vẫn là của các giới chức. Các quyền khác được cho phép là tham gia vào bầu cử Trưởng thôn hay Tổ trưởng tổ dân phố, ban Thanh tra nhân dân và họp bàn về nội dung hương ước của thôn.

Các nghiên cứu chính trị khách quan chỉ ra rằng, nhận thức của người dân thường hạn hẹp, bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân hẹp hòi, ngắn hạn, bởi đám đông … cũng như dễ dàng bị ảnh hưởng, thao túng, đặc biệt là bởi những kẻ mị dân. Điều này cũng có thể nhận thấy ngay cả ở những quốc gia có nền dân chủ truyền thống như trường hợp Trump ở Mỹ, Le Pen ở Pháp hay đảng AfD ở Đức.

Ở thôn quê, làng xã Việt Nam, việc thao túng các buổi họp bàn bởi các chức sắc địa phương thật ra không khó. Nội dung các buổi bàn thảo sẽ được quan chức địa phương ấn định trước, sau khi hội ý với đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, mặc dù người dân cũng có thể có sáng kiến đưa đề tài thảo luận, nếu có ít nhất 10% tổng số dân cư đồng ý.

Khi thảo luận bàn bạc về xây dựng cơ sở hạ tầng, kế toán thu chi, về những vấn đề nóng bỏng như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở thôn xã hay những dự án có nguy cơ phá hoại môi trường, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống … người dân cũng cần có những kiến thức sâu rộng, lý luận vững chắc để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Những tổ chức Xã hội Dân sự độc lập về luật pháp, môi trường … có thể hỗ trợ người dân về mặt này. Song chính sách của nhà nước hiện nay là trù dập Xã hội Dân sự, không cho phép hoạt động. Do đó, việc bàn bạc coi như là không có thực chất, dễ bị lèo lái và kết quả ra sao ta có thể đoán trước được.

Dân kiểm tra? Dân không thể kiểm tra nếu không có bầu cử tự do

Mục 4 của luật gồm các điều 30 tới điều 45, quy định việc công dân được kiểm tra giám sát các nội dung mà công dân đã được quyết định ở điều 15 và giám sát việc “thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Việc kiểm tra giám sát thông qua nhiều kênh như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng … Trong số các cơ cấu này Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan nhà nước lại có vai trò hàng đầu. Ban Giám sát đầu tư cũng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo, không có tính lâu dài, chỉ có nhiệm vụ cho một dự án. Nhiệm vụ giám sát chấm dứt khi dự án hoàn thành.

Đáng chú ý là “Ban Thanh tra nhân dân” được luật THDCCS dành cho tới 5 điều khoản (từ điều 36 tới điều 40) để định nghĩa, xác định quyền hạn và nhiệm vụ. Ban Thanh tra nhân dân sẽ được dân cư bầu ra, song luật không có quy định chặt chẽ là việc bầu cử phải được tổ chức ra sao để bảo đảm bầu cử minh bạch, tự do, không bị các quan chức địa phương lũng đoạn. Không những thế, Ban này cũng lại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo và kinh phí điều hành cũng của nhà nước. Từ đó tính độc lập, khách quan là một câu hỏi lớn.

Ở các nước dân chủ, truyền thống thì bầu cử tự do là công cụ hữu hiệu để kiểm soát nhà cầm quyền: Sau mỗi nhiệm kỳ 4-5 năm người dân sẽ đánh giá nhà cầm quyền qua lá phiếu. Chỉ có bầu cử tự do mới đưa đến minh bạch, đến giám sát có thực chất. Quyền dân chủ đích thực phải bao gồm quyền bầu cử tự do. Bộ Luật mới vẫn không có bước đột phá cho phép người dân bầu cử tự do để thực hiện quyền dân chủ của mình.

Dân thụ hưởng?

Tương ứng với nội dung của Luật, điều 7 viết về quyền thụ hưởng của dân một cách hết sức chung chung. Luật chỉ ấn định mơ hồ như “bảo đảm thực hiện các quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định Luật này …”, “được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước”, “được cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư …”

“Thực hiện dân chủ” = “Treo đầu dê, bán thịt chó”?

Tên gọi của Luật THDCCS khiến người đọc lầm tưởng là nhà nước VN cho thực hiện dân chủ, cho phép bầu cử ở cấp bậc làng, xã, phường …, dựa theo mô hình mà Trung quốc đã thực hiện từ những năm cuối của thế kỷ trước. Song nội dung của Luật THDCCS cho thấy, mục tiêu của nhà nước không phải thực thi quyền dân chủ ở cấp địa phương. Qua bộ Luật này, nhà nước nhắm đến việc kiểm soát các quan chức địa phương chặt chẽ hơn, hạn chế “phép vua thua lệ làng”, giới hạn tham nhũng từ những dự án kinh tế ở địa phương. Tương lai mới cho thấy mục tiêu này có đạt được không, song trước mắt là bộ máy hành chính thêm cồng kềnh, tốn kém.

Ở đạo luật mới này, nhà nước định nghĩa “quyền dân chủ” theo cách và mục tiêu của họ. Họ không lưu tâm tới “quyền dân chủ”, trước hết là quyền con người, đặc biệt là các quyền về chính trị, như tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí … là điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác.

Chắc chắn là khi vắng bóng một nền báo chí độc lập, không có bầu cử tự do, minh bạch cùng với sự bóp nghẹt các tổ chức Xã hội Dân sự, thì sẽ không có “thực hiện dân chủ” thực sự ở “cơ sở” hay ở bất cứ cấp bậc nào khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.