Chuyện của Thủ tướng Anh
Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales
Chúng tôi vừa có cuộc họp bàn về logo cho một trung tâm nghiên cứu mới. Vừa nhìn thấy, một Giáo sư buông bình luận gọn lỏn: “Too white” (Trắng quá!).
Trong khi mọi người đang tìm hiểu anh ấy nói gì, tôi nhận ra rất rõ. Logo được thiết kế tinh tế, có hình những người già trong nhà dưỡng lão, nhưng tất cả đều là người da trắng. Ý của Giáo sư (một người Australia da trắng) là logo này không đáp ứng tính đa dạng hóa mà chính phủ đang kêu gọi.
Đa dạng hóa ở đây nghĩa là ghi nhận, tôn trọng, và đánh giá đúng những đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng, mà không quan tâm đến các yếu tố như sắc tộc, tôn giáo, độ tuổi, hay giới tính của họ. Đa dạng hóa, nếu làm đúng, là một động lực quan trọng giúp phát triển xã hội, bởi vì mọi người đều cảm thấy mình thuộc về cộng đồng (chứ không phải người ngoài cuộc).
Ở các nước như Mỹ, Australia, Canada, Anh… trào lưu đa dạng hóa được đặt ra từ hơn 20 năm qua. Theo đó, chính phủ muốn có sự hiện diện bình đẳng của các thành phần xã hội trong tất cả thiết chế chính trị, xã hội, khoa học, giáo dục, và doanh nghiệp. Đa dạng hóa là một cách nói cho thế giới biết rằng "chúng tôi là một quốc gia văn minh và dung nạp".
Trong các yếu tố đa dạng hóa, được thảo luận nhiều nhất vẫn là giới tính và sắc tộc. Tại sao vậy? Vì sự hiện diện của nữ giới ở các thiết chế vừa kể, đặc biệt là cấp thượng tầng, vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn như trong Quốc hội Australia, chỉ có khoảng 30% dân biểu là phụ nữ. Trong các đại học hàng đầu Australia (gọi là nhóm Go8), nữ giới chỉ chiếm 25% (con số 2021) tổng số Giáo sư thực thụ, trong khi đó ở cấp thấp hơn nữ chiếm gần 35%.
Yếu tố sắc tộc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Bốn mươi năm trước, khi tôi mới tới Australia, không có dân biểu gốc Á nào trong Quốc hội cấp liên bang hay tiểu bang. Trong thế giới khoa bảng của 30 năm trước, số Giáo sư gốc châu Á trong các Khoa Y của Đại học Australia (đặc biệt là trong nhóm Go8) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 15 năm trước khi tôi được đề bạt chức danh Giáo sư của Đại học New South Wales, sốGiáo sư gốc Á của cả khoa chưa đầy con số 10. Giáo sư người Mỹ Marybeth Gasman của Đại học Pennsylvania từng nói rằng "lý do trống vắng các Giáo sư gốc da màu là vì chúng ta không muốn có họ".
Nhưng chính sách đa dạng hóa đã và đang làm thế giới thay đổi rất ngoạn mục. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là một người Mỹ gốc Phi. Phó tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris là người gốc Ấn. Nhưng ngoạn mục nhất có lẽ là trường hợp của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ông sinh năm 1980, mới 42 tuổi. Thật khó tưởng tượng nổi "Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn", từng có thời thống trị gần 1/4 lãnh thổ trên thế giới, từng là cái nôi của chủ nghĩa ưu sinh, nay lại có một lãnh đạo cao nhất là người da màu. Đặc biệt hơn nữa, người này lại nguyên quán Ấn Độ, một quốc gia mà Anh cai trị suốt 89 năm.
Câu chuyện của Rishi Sunak làm tôi liên tưởng đến viễn cảnh người Việt cũng được thăng tiến tương tự. Hiện nay, có chừng năm triệu người Việt ở nước ngoài, đa phần ở các nước phương Tây. Người Việt thế hệ hai đã bước vào chính trường ở nhiều quốc gia, dù chưa phải ở các vị trí cấp cao.
Không có gì là không thể. Cái thời "không muốn họ" đối với người nhập cư ở các nước như Mỹ và Australia đã qua rồi. Thế hệ người Việt đầu tiên ra nước ngoài rất bận rộn với việc ổn định cuộc sống và xây dựng nền tảng cộng đồng, do đó họ không có điều kiện để tham gia chính trường. Tuy nhiên với thế hệ mới, với chủ trương cởi mở và đa dạng hóa ở phương Tây, nói như cách của Giáo sư đề cập ở trên, là tạo ra các thiết chế xã hội nhiều màu sắc hơn chỉ một màu trắng, tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ xuất hiện nhiều người gốc Việt đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính quyền cũng như trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội... ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời đại toàn cầu hóa đã sản sinh ra những công dân toàn cầu, với đóng góp không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Người tài ở bất cứ đâu cũng có thể làm rạng danh quê hương, dân tộc.
Sự thăng tiến của những người như Rishi Sunak và những người trẻ gốc Việt ở các nước phương Tây nói lên tầm quan trọng của môi trường đa dạng hóa và dung nạp. Những người có tài nếu bị ràng buộc bởi một môi trường chịu sự chi phối của các yếu tố như nguyên quán, lý lịch, giới tính hay sắc tộc thì rất khó có cơ hội phát huy tài năng.
Đó sẽ là sự tham khảo cho các quốc gia còn chần chừ hoặc còn bị trói buộc bởi những quan niệm cũ về cách trọng dụng con người. Một dân tộc hoàn toàn có cơ hội vươn lên mạnh mẽ khi tạo được môi trường bình đẳng, minh bạch, và một cơ chế mang tính dung nạp.
N.V.T.
Nguồn: VNExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.