Họa ‘lý luận’, tới lúc kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị?
Trân Văn
28-9-2022
Thiên hạ biết đến ông Thuấn khi ông trở thành “người thứ 21” trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam (tháng 3/2020) và ông trở thành tâm của một trận bão dư luận vì hai lý do.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận (HĐLL) của BCH TƯ đảng CSVN Bùi Nhật Quang, một ngôi sao vừa “trẻ”, vừa “đỏ” đã thôi chiếu sáng!
Hôm 26/9/2022, sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng CSVN đã đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Quang, đồng thời “cảnh cáo” Ban Thường vụ Đảng ủy hai nhiệm kỳ (2015-2020 và 2020 – 2025) của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và một Phó Chủ tịch (Đặng Xuân Thanh), “khiển trách” một Phó Chủ tịch (Nguyễn Đức Minh), hai Viện trưởng (Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Dân tộc học, Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học) (1)…
Lý do dẫn tới đề nghị và quyết định vừa kể vì Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức bán bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ bất chấp các qui định về tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, học vị và thu – chi tài chính bất minh trong một thời gian dài (2).
Nói cách khác, khác với thiên hạ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là một thứ họa cho khoa học xã hội Việt Nam. Thiên hạ đã tỏ tường từ lâu về chuyện một… Viện Hàn lâm tự biến thành… “lò ấp tiến sĩ” nhưng ngẫm kỹ thì đó là chuyện tất nhiên! Trừ Việt Nam, làm gì có Viện Hàn lâm nào trên thế giới có những bộ phận như… Ban Tổ chức Đảng ủy, Ban Dân Vận Đảng ủy, Ban Kiểm tra Đảng ủy, Ban Tuyên giáo Đảng ủy,… Phải đứng đầu các ban này mới được tham gia đội ngũ lãnh đạo Viện Hàn lâm và nay cùng bị kỷ luật!
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chính là bằng chứng sinh động nhất cho hai vấn đề: Thứ nhất, khi biến khoa học thành công cụ, lũng đoạn khoa học, chính vô hiệu hóa vai trò của khoa học và tiêu diệt khoa học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội. Thứ hai, thể chế chính trị sản sinh, dung dưỡng điều đó không chỉ tạo ra những cá nhân cơ hội, không những không có lý tưởng chính trị mà còn thiếu năng lực trong học thuật, thiếu tự trọng và thiếu lương thiện vốn vẫn được xem là nền tảng đạo đức.
***
Trước giờ, không phải tự nhiên mà nhiều người bật cười khi nghe đề cập đến… HĐLL của BCH TƯ đảng. Tuy nhiên các sự kiện xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy cần phải quan tâm nhiều hơn đến cơ quan tưởng như “vô thưởng, vô phạt” và giáo điều này.
Tiền nhiệm của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Nhật Quang là Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn (Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 2016 – 2019, sau đó đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch HĐLL của BCH TƯ đảng).
Thiên hạ biết đến ông Thuấn khi ông trở thành “người thứ 21” trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam (tháng 3/2020) và ông trở thành tâm của một trận bão dư luận vì hai lý do.
Trước hết, làm sao chỉ trong sáu ngày, chu du hai quốc gia (Ấn Độ và Anh) bao gồm cả thời gian di chuyển từ Việt Nam sang Ấn, qua Anh rồi trở lại Việt Nam mà ông và phái đoàn của ông có thể hoàn thành công việc “khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển, trao đổi về kinh nghiệm xây dựng chính sách, chiến lược phát triển quốc gia, phục vụ việc xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội 5 năm (2021-2025) để trình Đại hội Đảng thứ 13 (3)?
Kế đó, thời gian biểu của ông Thuấn trong vòng ba ngày sau khi về đến Việt Nam chứng tỏ ông là đại phú: Ăn, ở, giải trí,… đều diễn ra tại những nơi sang trọng, đắt đỏ nhất, dễ gây dị nghị nhất và thời điểm ấy, người ta phỏng đoán chuyện ông tới lui nhiều chỗ có thể gieo rắc mầm bệnh cho 500 người (4). Vì sao một trí thức chỉ hoạt động trong lĩnh vực… “khoa học” và… “lý luận” lại có thể giàu có đến mức sinh hoạt theo kiểu vương giả gây sửng sốt như vậy?
Tuy không mấy ai dám lạm bàn về tiền nhiệm của Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn là Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 2011 – 2016, sau đó đảm nhận vai trò Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch HĐLL của BCH TƯ đảng), bởi ông Thắng đang là một trong 18 Ủy viên Bộ Chính trị nhưng ông Thắng cũng có vài chuyện gây nghi ngại vì ông thiếu sự cẩn trọng vốn là đặc tính mà một người nghiên cứu khoa học không thể thiếu.
Chẳng hạn sau khi Đại hội đảng 13 kết thúc (1/2021), một số đảng viên cao cấp huyên thuyên về “kỳ vọng các đồng chí trong BCH TƯ nhiệm kỳ này là những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”, ông Thắng còn đi xa hơn: Với BCH TƯ khóa 13, “Việt Nam không có lý do gì không thể lập nên những kỳ tích kiểu như ‘thần kỳ Nhật Bản’,…” (5).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch HĐLL của BCH TƯ đảng kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng quá ngây thơ, không biết gì về đảng mà ông là một trong những trụ cột hay còn lý do nào khác?
Đến giờ, trong số 180 Ủy viên chính thức của BCH TƯ đảng khóa 13, đã có bốn cá nhân trong nhóm có… tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm bị tống giam (Trần Văn Nam– Bí thư Bình Dương bị phạt bảy năm tù vì “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với mức thiệt hại cho công quỹ khoảng 5.000 tỉ. Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Y tế, Chu Ngọc Anh – Chủ tịch thành phố Hà Nội, Phạm Xuân Thăng Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Hải Dương đang cùng bị tạm giam để điều tra việc tiếp tay cho Công ty Việt Á).
Đó là chưa kể hai cá nhân bị “cảnh cáo” (Huỳnh Tấn Việt – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Nguyễn Thành Phong – Phó ban Kinh tế của BCH TƯ đảng) và ông Bùi Nhật Quang chưa biết sẽ phải xử lý thế nào (xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự). Làm sao Việt Nam có thể lập nên những ‘kỳ tích’ kiểu như “thần kỳ Nhật Bản”,… khi đảng của ông Thắng chọn toàn những người có đủ loại sai phạm nghiêm trọng từ trước để đưa vào nhóm có… tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm?
Đã có bảy người trong nhóm… tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhómgiờ trở thành những cá nhân từng có sai phạm nghiêm trọng nên nay buộc phải xử lý, ông Nguyễn Xuân Thắng có phải là… “người thứ tám” hay không? UBKT của BCH TƯ đảng đã “cảnh cáo” cả Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020, lúc ông Thắng là Bí thư Ban Thường vụ Đảng ủy này (6), lẽ nào “cảnh cáo” tập thể lại bỏ qua cá nhân trụ cột của tập thể ấy chỉ vì đương sự đang là Ủy viên Bộ Chính trị?
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mở đường cho những “ông” như Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Quang Thuấn, Bùi Nhật Quang bước vào HĐLL của BCH TƯ đảng, bước vào BCH TƯ đảng, thậm chí bước lên những bục cao hơn. “Lý luận” là họa không đơn thuần vì nỗ lực tô vẽ cho những thứ phần lớn nhân loại đã vứt bỏ. “Lý luận” là họa còn vì tạo ra cơ hội để một số cá nhân “leo thật cao, luồn thật sâu” dù bất xứng vẫn không ngần ngại “lý luận” tự xếp chính mình vào nhóm… “tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức”!
Chú thích
(2) https://tienphong.vn/nhin-lai-sai-pham-tai-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-viet-nam-post1473092.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.