Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Tập ‘đăng quang’ trong bối cảnh Trung Quốc gặp nhiều thách thức

 

Tập ‘đăng quang’ trong bối cảnh Trung Quốc gặp nhiều thách thức

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s coronation ceremony opens on date of China’s first atom bomb,” Nikkei Asia, 20/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh ‘sứ mệnh’ Đài Loan trong lúc chuẩn bị đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ ba giữa bối cảnh kinh tế suy thoái.

Ngày 16/10 chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc cộng sản. Đây là ngày được nhiều người Trung Quốc coi là vinh quang và hệ trọng, thế nên Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn nó làm ngày khai mạc đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một trí thức Trung Quốc cùng thời với Tập hồi tưởng lại cảnh mình nhảy cẫng và hét lên sung sướng tại một thị trấn vào ngày 16/10/1964, khi ông nghe tin về vụ thử bom hạt nhân thành công đầu tiên của Trung Quốc.

Bất cứ khi nào có một cuộc triển lãm về lịch sử đảng, vụ thử bom hạt nhân cách đây 58 năm tại La Bố Bạc, miền tây Trung Quốc cũng đều giữ một vị trí nổi bật.

Trung Quốc coi vụ thử bom này là sự kiện phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của một vài cường quốc. Đối với Trung Quốc, sở hữu bom hạt nhân đồng nghĩa rằng họ có thể chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bá quyền Liên Xô.

Các cuộc triển lãm tuyên truyền của ĐCSTQ luôn trưng bày hình ảnh vụ thử bom hạt nhân thành công đầu tiên của nước này cách đây 58 năm.

Chính Chủ tịch Mao Trạch Đông, người cha lập quốc của Trung Quốc cộng sản, là người đã kêu gọi phát triển bom hạt nhân vào giữa những năm 1950. Ông tin rằng Trung Quốc cần sức mạnh không quân hạng nặng, lực lượng lục quân mạnh, và bom hạt nhân để tránh bị nước khác bắt nạt.

Ngày 16/10 năm nay rơi vào Chủ nhật. Dù hai kỳ đại hội toàn quốc trước đó, năm 2012 và 2017, đều khai mạc vào các ngày trong tuần, Tập vẫn chọn chủ nhật làm ngày khai mạc đại hội năm nay – kỳ đại hội sẽ trao cho ông nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị nhà lãnh đạo quốc gia.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tập liên tục nói về sức mạnh – “một quốc gia hùng mạnh,” “một quân đội hùng mạnh,” và liên tục kêu gọi thống nhất với Đài Loan để bảo vệ “an ninh quốc gia.” Tuy nhiên, những lời kêu gọi của ông về việc tăng cường sức mạnh quân sự đã khiến thế giới lo ngại.

Tập mô tả việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục là “sứ mệnh lịch sử” của Đảng, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, để đạt được điều đó.

“Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu vì sự thống nhất trong hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và chúng ta vẫn giữ quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết,” ông nói.

Bài phát biểu của Tập trong kỳ đại hội 5 năm trước không hề đề cập đến việc sử dụng vũ lực. Ngoài ra, việc lựa chọn ngày khai mạc có lẽ còn nhắm vào nhóm đảng viên lão thành, những người luôn nhớ về thành tựu xa xưa của đất nước.

Vào mùa thu năm 1964, Tập chỉ mới 11 tuổi, còn cha ông, Tập Trọng Huân, đã bị thanh trừng hai năm trước đó. Dù lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Tập đã liên tiếp thăng tiến trong đảng và cuối cùng trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ người có sự kiên trì và quyết tâm như vậy mới có thể xây dựng một quốc gia vững mạnh đủ sức chống lại Mỹ và đạt được sự thống nhất với Đài Loan – đó chính là logic của Tập.

Lập luận này, cũng bao gồm việc phục hưng dân tộc Trung Hoa, là lời biện minh của Tập cho việc nắm quyền lâu dài.

Một màn hình khổng lồ ở Hong Kong trình chiếu các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc gần Đài Loan vào đầu tháng 8. © Reuters

Dù báo cáo của Tập trước đại hội là phiên bản ngắn gọn, nhưng ông vẫn cần 1 giờ 44 phút để trình bày nó. Thời lượng này đã tuân thủ quy định chính thức về COVID-19, rằng tất cả các cuộc họp đều bị giới hạn dưới hai giờ.

Thực ra, các cuộc họp ngắn lại có lợi cho Tập, vì chúng hạn chế khả năng bất kỳ đảng viên nào lên tiếng phản đối các chính sách, hoặc định hướng của ông dành cho đất nước.

Dù Tập nói khá nhiều về vấn đề an ninh quốc gia, bài phát biểu của ông có ít điểm mới về chính sách đối ngoại, và hoàn toàn không đề cập đến Ukraine. Nó cũng ít nhắc đến các chính sách liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Điều này rất khác so với năm 2017, khi Tập nói về nhiều chủ đề hơn, và nỗ lực để khích lệ tinh thần người dân trong nước.

Điểm đáng chú ý nhất trong bài phát biểu năm 2017 là mục tiêu đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 – nghĩa là sớm hơn mục tiêu đặt ra trước đó gần 15 năm. Nó phản ánh mong muốn bắt kịp và sau đó vượt qua Mỹ về mặt kinh tế.

Bài phát biểu năm 2017 cũng đặt năm 2035 là thời hạn để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Tập đang có ý nói rằng Trung Quốc sẽ đủ mạnh để đối đầu với Mỹ trên chiến trường vào thời điểm đó.

Đã xuất hiện làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu đối với bài phát biểu năm 2017. Người ta nói rằng Steve Bannon, cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đọc bài phát biểu đó tận 8 lần. Sau đó, chính quyền Trump dần trở nên đối đầu hơn, châm ngòi cho chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Tập phát biểu khai mạc đại hội toàn quốc ĐCSTQ vào ngày 16/10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Có lẽ chính vì phản ứng đó, nên bài phát biểu mới nhất của Tập đã được soạn thảo một cách thận trọng hơn. Nó đã bỏ qua các khái niệm về “một cường quốc biển mạnh” hay tiến tới “hội nhập quân sự-dân sự” vốn đã khiến người Mỹ nóng mặt. Tập còn né tránh các chủ đề nhạy cảm như Biển Đông, cũng như cạnh tranh Mỹ-Trung để giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, và cuộc chạy đua về công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Đáng chú ý, khi đưa tin phát biểu của Tập về vấn đề Đài Loan trên bản tin tối Chủ nhật, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành đã xóa mất đoạn mà chủ tịch nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực.” Hành động biên tập đó không thể là vô tình.

Nhưng nó chỉ là chỉnh sửa vì mục đích lên sóng. Bởi chừng nào đảng còn để Tập tại vị, các chính sách cơ bản sẽ được giữ nguyên.

Bài phát biểu năm nay của Tập cũng chứa đựng một số ý tưởng về tiêu dùng trong nước: tăng cường sự dẫn dắt của đảng, thịnh vượng chung, tự cường, và tuần hoàn kép.

Hôm thứ Hai, Tập đã cùng các đại biểu từ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây thảo luận và ủng hộ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc như một mô hình phát triển độc đáo của riêng nước này.

Nhưng không có ý tưởng nào trong số những ý tưởng được đề ra có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, và báo cáo hầu như không có bất kỳ con số cụ thể nào.

Hồi mùa thu năm 2020, Tập cho biết Trung Quốc “hoàn toàn đủ khả năng” tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế hay thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc cần mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 4,73%. Mục tiêu tăng gấp đôi đã không được đề cập trong phát biểu năm nay, cho thấy những nghi ngờ về việc đạt được mức tăng trưởng hàng năm kể trên.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại phiên khai mạc đại hội toàn quốc của ĐCSTQ ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 16/10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Tập cũng không đề cập đến mức tăng trưởng trung bình trong thập niên vừa qua, vì những con số này không thể sánh được với thành tích của những người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Về lĩnh vực nhà ở, Tập không nói gì về thuế bất động sản, một ý tưởng mà trước đây các trợ lý của ông đã nhắc đến. Xét đến tình hình bất động sản trượt dốc, đây sẽ là một ý tưởng khó có thể triển khai trong 5 năm tới.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã trì hoãn việc công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội quý 3 của nước này, nhiều khả năng lý do là vì Tập.

Nhìn chung, đại hội toàn quốc của ĐCSTQ đã phải đối diện với một số thực tế. Trong khi Tập vẫn muốn xây dựng một quốc gia có thể chống lại Mỹ trên mọi mặt trận, nền kinh tế đang mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm với tốc độ tăng trưởng giảm dần – và những điều này sẽ không biến mất trong một sớm một chiều.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Liệu tình trạng kinh tế bất ổn hiện nay của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu? Và nếu Tập tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2027 – khi ông 74 tuổi – liệu ông có sẵn sàng thay đổi chính sách kinh tế hay không?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn bản dịchnghiencuuquocte.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.