Tân Thủ tướng Anh quốc
25-10-2022
Rishi Sunak, tân Thủ tướng Anh quốc, chỉ mới 42 tuổi. Ông sinh ra tại Southampton trong một gia đình người Ấn Độ. Cha ông là bác sĩ, mẹ là dược sĩ. Rishi Sunak trở thành vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh.
Ông từng giữ chức Bộ trưởng bộ Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson. Vợ ông là một nữ tỷ phú người Ấn Độ cực kỳ giàu có và từng gây nhiều scandal về việc không trả thuế, một cách hợp pháp, cho chính phủ Anh.
Sau khi bị bà Liz Truss đánh bại trong cuộc tranh cử Thủ tướng cách đây hơn 7 tuần, giờ chính ông lại thay thế bà cựu Thủ tướng. Một sự “trả thù” ngọt ngào cho Rishi Sunak.
Là người ủng hộ Brexit, chắc chắn ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại nền kinh tế vốn đang bị suy sụp và tái thiết lại sự đoàn kết của đảng Bảo thủ.
Rishi Sunak trở thành người [gốc] di dân đầu tiên, thuộc cộng đồng thiểu số, nắm giữ chức vụ Thủ tướng nước Anh, một cường quốc về kinh tế và quân sự trên thế giới.
Nước Pháp, dưới thời của Tổng thống Jacques Chirac, cũng có bà Margie Sudre, gốc Việt, từng được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng chuyên trách Cộng đồng Pháp ngữ (Secrétaire d’État chargée de la Francophonie).
Người Đức cũng từng có một Phó Thủ tướng gốc Việt, ông Philipp Rösler trong một nhiệm kỳ gần 3 năm. Sau đó, ông lại chấp nhận lời đề nghị của chính phủ Việt Nam, để trở thành Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ. Một quyết định khó hiểu và gây nhiều tranh cãi của cá nhân ông Rösler.
Bà Margie Sudre hay ông Philipp Rösler, cũng chỉ nắm giữ những chức vụ mang tính cách “tượng trưng” trong nội các chính phủ, hay đơn giản là một toan tính chính trị nhằm thu hút lá phiếu của các sắc dân thiểu số hoặc cải thiện hình ảnh đa văn hoá/đa chủng tộc của các chính phủ nói trên.
Qua sự kiện Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh quốc, chúng ta có thể nhận định rằng, chỉ có những quốc gia như Mỹ và Anh mới có thể tạo điều kiện và cơ hội cho những cá nhân xuất sắc, xuất thân từ những sắc dân da màu hay di dân, nắm những chức vụ quan trọng hàng đầu trong chính phủ. Đó là những xã hội ít bảo thủ và cởi mở, nơi mà tài năng và năng lực mới chính là những yếu tố quan trọng chứ không phải sắc tộc hay tôn giáo.
Chưa biết Rishi Sunak có thành công hay không nhưng đây là một sự kiện lịch sử, không chỉ của riêng nước Anh mà còn của cả thế giới.
Nếu nước Mỹ từng có Barack Obama thì ngày nay người Anh có Rishi Sunak. Một sự tiến bộ vượt bậc của những xã hội thấm nhuần tư tưởng nhân bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.