Thúy Nga Paris và ‘một phần dân tộc bị tách rời’
Trân Văn
22-10-2022
Cuối tuần vừa qua (15 và 16/10/2022) khoảng 10.000 người Việt đã đến Bangkok (Thái Lan) để xem show “Paris By Night 134” của Thúy Nga Paris.Trong 10.000 người đó, một số đến từ các quốc gia châu Âu, một số đến từ Mỹ, Úc,… song chủ yếu vẫn là đến từ Việt Nam. Tuy vé không rẻ (từ 160 đến hàng ngàn Mỹ kim) đã vậy còn phải trả thêm chi phí đi lại, ăn uống, khách sạn nhưng người Việt đến từ Việt Nam vẫn chiếm đa số…
Thúy Nga Paris thực hiện các show Paris By Nightphục vụ người Việt ở nhiều nơi trên thế giới. Có những nơi rất gần Việt Nam như Singapore (Paris By Night 113), Bangkok (Paris By Night 134) nhưng theo Giám đốc điều hành Thúy Nga Paris – thì Thúy Nga Paris chỉ mới nghĩ tới chuyện đến thật gần Việt Nam để người Việt trong nước dễ dàng hơn trong việc xem các show Paris By Night trực tiếp và… chỉ thế mà thôi (1).
***
Paris By Night 134 diễn ra ở Bangkok là một trong những chủ đề được nhiều người bàn luận trên mạng xã hội suốt tuần này nhưng nội dung lại nằm bên ngoài show thứ 134, ví dụ như Le Duc Duc: Những người Việt hát tiếng Việt nhưng không được biểu diễn ở nước Việt vì không muốn người Việt xemsong nhiều người Việt vẫn muốn xem những người Việt này hát tiếng Việt nên chấp nhận mua thêm vé máy bay, trả tiền khách sạn và vé xem show. Năm nào đó bà con nô nức qua Singapore. Nay nô nức qua Thailand. Rốt cuộc là người bị cấm coi vẫn được coi. Chỉ là tốn thêm tiền, tốn bộn. Rốt cuộc chuyện này nói lên điều gì? Nghĩ ra khối chuyện hay nhưng thôi để dành lại đây. Á, có vài lần mình đi xe các VIP, thấy vẫn mở Paris By Night trên xe qua You Tube, đã vậy còn vừa nghe vừa hát theo nữa (2)…
Cũng nhìn show Paris By Night 134 theo hướng đó, Từ Nguyên Thạch cho rằng: Chắc người Thái sẽ ngạc nhiên vì sao một sự kiện đình đám như thế của người Việt lại tổ chức trên đất Thái, thay vì ở Việt Nam? Người Thái có óc thực tế. Họ nghĩ rằng Việt Nam sẽ thu được nguồn lợi lớn từ du lịch và các dịch vụ kèm theo nếu được tổ chức ở Việt Nam. Đây quả là vấn đề khó hiểu đối với họ. Biết giải thích như thế nào cho người Thái? Nói rằng vì người Việt ghét người Việt ư? E rằng họ lại càng khó mà hiểu vì dân Thái vốn hiền hòa và hay giúp đỡ nhau. Ông Thạch còn cảm thấy buồn vì: Một sự kiện văn hóa nghệ thuật của người Việt lớn như thế, thu hút sự quan tâm của người dân Việt và nhiều nước như thế nhưng truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng. Vì sao một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” lại ngoảnh mặt trước một sự kiện nhiều người Việt quan tâm?
Theo ông Thạch: Cho dù chính quyền đã ban hành một số chính sách công nhận hoặc khôi phục giá trị của nhiều công trình, tác phẩm văn hóa – nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhiều tác phẩm âm nhạc ngày trước được gọi là “nhạc vàng” nay được hát và biểu diễn rộng rãi. Nhiều văn nghệ sĩ thời VNCH được về nước sinh sống và hát lại. Nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn thời VNCH được in lại. Nhiều vị lãnh đạo khi ra nước ngoài tiếp xúc với kiều bào đã khẳng định đất nước luôn mở rộng vòng tay đón kiều bào về xây dựng quê hươngnhưng chính sách đúng đắn như thế dường như chưa thật đồng bộ và thống nhất. Một ca sĩ hải ngoại dù đã được cơ quan cấp trung ương cho phép biểu diễn nhưng vẫn có thể bị một cơ quan địa phương buộc dừng. Chính sách ấy cũng chưa đủ mạnh, nên có trường hợp địa phương tìm cách cản trở bằng cách này hay cách khác mà trường hợp ca sĩ Khánh Ly vừa qua là một ví dụ... Xâu chuỗi những hiện tượng như thế, người ta có cảm giác nhà nước hình như còn dè dặt, chưa thật lòng mở rộng cửa đón đồng bào mình. Ông Thạch nhấn mạnh: Rất nhiều người muốn Paris By Night được tổ chức trong nước nhưng trước hết, muốn đón người thân về nhà thì chủ nhà phải mở lòng, dẹp bỏ đố kỵ. Chừng nào làm được vậy, chừng đó mới nghĩ đến vấn đề xa hơn: Hòa hợp, hòa giải dân tộc (3).
Nguyễn Tuấn – sống ở Úc – cho biết có rất nhiều thân hữu của ông cũng thắc mắc giống như Từ Nguyên Thạch: Tại sao Thúy Nga Paris không tổ chức các show của họ ở Việt Nam khi đi đâu ở Việt Nam cũng thấy sự hiện diện của Thúy Nga Paris (từ thành thị tới nông thôn, từ nhà riêng đến nhà hàng,…)? Nguyễn Tuấn nhận xét, việc các show Paris By Night chỉ diễn ra bên ngoài biên giới Việt Nam giống như vẫn còn… “một phần dân tộc bị tách rời”: Theo thiển ý của tôi, một show nhạc của Thuý Nga Paris ở trong nước sẽ là một tín hiệu tích cực cho chánh sách hoà hợp – hoà giải dân tộc và ‘khúc ruột ngàn dặm’ không còn là câu để đàm tiếu nữa. Các vị lãnh đạo Việt Nam hay nói đến “một bộ phận dân tộc không thể tách rời” nhưng với Thuý Nga thì vẫn là một phần dân tộc bị tách rời (4).
Khi thực tế có vô số sự kiện hài hước hóa những tuyên bố về chủ trương, về mong muốn “hòa hợp, hòa giải” thì tất nhiên Paris By Night 134 diễn ra ở Bangkok cũng sẽ được nhìn dưới góc độ buồn quá đành phải… cười. Chẳng hạn Trần Chí Kông bình thế này: “Thúy Nga Paris” là một show ca nhạc thuần Việt, nhưng không diễn trên đất Việt mà diễn ở Thái, sát nách nước nhà để khán giả người Việt “vượt biên” qua coi. Làm vậy mới chắc cú, không lo “cúp điện” (5). Còn Phương Nguyễn thì tin rằng chủ đề “Lời cám ơn” của Paris By Night 134 là hết sức hợp lý với nhiều bên: Đó là dịp để ông Ngạn và Thuý Nga Paris cám ơn nhau rồi cả hai đồng cám ơn khán giả năm châu. Thái Lan cũng “cám ơn” vì chương trình của người Việt, nói tiếng Việt, khán giả hoàn toàn Việt mà lại chọn tổ chức trên đất Thái, góp tiền cho ngành du lịch và thương mại Thái. Ngoài ra phải cám ơn đảng và nhà nước đã… “tạo điều kiện”, đồng cám ơn ông phụ trách cúp điện show Khánh Ly, tạo điều kiện cho Sing – Thái tiếp tục mần ăn trong tương lai (6).
***
Trước khi Paris By Night 134 diễn ra ở Bangkok, trong một cuộc trò chuyện với VOA, bà Marie Tô Ngọc Thủy – Giám đốc điều hành Thúy Nga Paris – có đưa ra vài lý do giải thích vì sao Thúy Nga Paris chưa nghĩ đến chuyện tổ chức các show ở Việt Nam (kiểm duyệt nội dung chương trình, sự hạn chế về sức chứa của những địa điểm tổ chức show). Có thể vì hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, cần tế nhị nên bà Thủy chỉ ngừng ở đó.
Làm sao Thúy Nga Paris có thể nghĩ đến chuyện tổ chức biểu diễn ở Việt Nam khi thực tế có đủ thứ chuyện… “phức tạp”?. Thậm chí cách nay ba tháng – hồi hạ tuần tháng 7, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt loan báo rồi thi nhau đục bỏ tin ông Tô Văn Lai – người sáng lập Thúy Nga Paris, thân phụ bà Thủy – đã qua đời. Rất nhiều người đã bình phẩm về động thái này trên mạng xã hội. Chẳng hạn Khanh Nguyen: Tôi tin người – hay những người – ra lệnh báo chí trong nước phải hạ bài về tin ông Tô Văn Lai, người sáng lập trung tâm Thúy Nga Paris qua đời đều đã từng ngồi thưởng thức một trong các sản phẩm của Thúy Nga Paris. Xã hội chúng ta đang như vậy. Thật giả lẫn lộn và sự chân thành lần lượt bị bóp chết mỗi ngày. Một xã hội bị điều khiển, bóp nặn như vậy, thì khó mà có tư cách để nói về hòa hợp – hòa giải(7).
Hoặc Vinh Râu: Qua vụ ông chủ Thúy Nga Paris qua đời, ta thấy gì? Một, báo chí dám cầm đèn chạy trước… Tuyên giáo là tiêu. Chưa có lệnh tao mà chúng mày dám đăng à? Hai, khi bắt lột tin, Tuyên giáo đã hạ nhục báo chí, khiến lực lượng này bị muối mặt trước công chúng như một nô tì bị chủ đánh đòn trước bàn dân thiên hạ. Ba, một tin vô thưởng vô phạt về lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật luôn có thể là một vấn đề chính trị theo ý muốn bốc đồng của những người điều hành Tuyên giáo. Bốn, Luật Báo chí làm ra để trưng bày là chính, luật to nhất vẫn là ông Tuyên giáo. Năm, cấm cản việc chia buồn với một người dân VNCH vượt biên dù người đó có đóng góp cho cộng đồng, cho thấy chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc của nhà cầm quyền lâu nay là không thực tâm (8).
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.