Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Tại sao khủng hoảng niềm tin?

 

Tại sao khủng hoảng niềm tin?

Dương Quốc Chính

27-10-2022

Ảnh trên mạng

Bài báo này TS Phạm Thế Anh đã phân tích rất kỹ về khía cạnh kinh tế, tài chính, tiền tệ và đã rất dài. Nhưng điều quan trọng nhất là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hiện tượng mà TS nêu ra trong bài báo thì lại không được nhắc tới, hoặc nhắc tới nhưng chỉ là phần ngọn, không phải là cái gốc của vấn đề, theo quan điểm của mình. Mọi người cứ đọc bài báo ở ảnh đính kèm hoặc link trên là thấy.

Mình muốn trình bày thêm như một sự mở rộng bài báo kia, để lý giải nguyên nhân của sự khủng hoảng niềm tin vào thị trường chứng khoán (CK) và trái phiếu doanh nghiệp (DN), tất nhiên là theo quan điểm của mình, dân tay ngang về tài chính nhưng có thể hiểu về thị trường bất động sản (BĐS) hơn dân tài chính. Người đọc cần biết bản chất của sự việc và trách nhiệm đó thuộc về ai, còn cái ngọn là dễ thấy.

Như chúng ta đã biết, những con nợ lớn nhất của các ngân hàng và nhà đầu tư thông qua thị trường trái phiếu DN chính là các DN BĐS. Có thể dễ dàng tìm thấy số liệu này trên mạng, không có các doanh nghiệp sản xuất thuần tuý mà nợ nhiều như Doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp BĐS càng to thì nợ càng nhiều, tỷ lệ nợ trên vốn rất cao. Điều này rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nhất là khi có biến động về tỉ giá và lạm phát.

Bài viết này có thể coi là phần nối tiếp của status cũ của mình đã dự báo về kinh tế hậu dịch, viết từ khi dịch còn ở bên Tàu, link ở comment, cho ai muốn đọc lại.

Sự khủng hoảng niềm tin hiện nay cũng là một hệ quả của dịch covid, nằm trong một chuỗi quan hệ nhân quả. Khi dịch diễn ra, nền kinh tế bị đình trệ, ngủ đông dẫn tới tiền nhàn rỗi rất nhiều, do không thể đưa vào sản xuất kinh doanh. Lượng tiền nhàn rỗi này được đổ vào các kênh sau: cờ bạc online, chứng khoán, trái phiếu DN và BĐS. Đấy là tiền nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp. Còn tiền nhàn rỗi của ngân sách sẽ được đổ vào đầu tư công, nhưng đầu tư công không thể (khó thể) diễn ra khi đang có dịch, vì không đầu tư online được. Phải chờ khi hết dịch.

Trong hai năm có dịch thì các kênh đầu tư online là phát triển nhất, đó là cờ bạc online, chứng khoán và trái phiếu DN. Mà ngành BĐS là ngành hút nhiều nguồn lực của xã hội và nền kinh tế nhất. Trong đó có vốn và nhân lực.

Doanh nghiệp BĐS vốn dĩ đã được nuông chiều từ nhiều năm trước do có sự cấu kết giữa DN và quan chức, giữa DN và các chủ đất nhà nước (bán đất của DN nhà nước cho tư nhân). Chính quyền các cấp cũng đồng loã với DN để thổi giá đất, để tăng thu ngân sách. Một số địa phương thu ngân sách chủ yếu từ BĐS, không có nguồn nào khả dĩ hơn. Đương nhiên ngân sách có một thì quan chức có 10, nên các bên cùng đồng lòng thổi giá.

Khi dịch Covid diễn ra thì là cơ hội lớn nhất để các Doanh nghiệp BĐS hút sạch nguồn vốn nhàn rỗi vì dù sao dường như việc người dân đầu tư chứng khoán, trái phiếu vẫn lành mạnh hơn là cờ bạc online, do lãi suất ngân hàng rất thấp. Chính vì thế, Doanh nghiệp BĐS đều đua nhau vay tiền ngân hàng và bán trái phiếu, tăng vốn để bán chứng. Tức là làm đủ cách để hút tiền. Đương nhiên khi đua nhau hút tiền thì sẽ phải dùng cả những cách phi pháp như thổi giá CK, thổi giá BĐS, bán trái phiếu phi pháp (dùng tiền không đúng mục đích, không minh bạch…).

Nói chung các DN này đều ít nhiều có vết và lượng tiền vay này trở nên nhiều hơn bao giờ hết. Hay nói cách khác là nguồn vốn của nền kinh tế bị hút hết vào cái lỗ đen BĐS. Dĩ nhiên sẽ tạo nên một quả bóng BĐS khổng lồ, phát triển không đúng với nhu cầu thực mà chỉ là dựa vào nhu cầu của giới đầu cơ. Mà nhu cầu này là vô cùng! Đây là sự nguy hiểm vô cùng lớn đối với nền kinh tế và tiềm ẩn sự đổ vỡ.

Tất nhiên Chính phủ phải nhìn thấy hệ luỵ này nên chặn trước nguy cơ đổ vỡ tự nhiên bằng cách đem một số Doanh nghiệp BĐS lớn và sai phạm lộ liễu ra để tế thần. Ví dụ như Tân Hoàng Minh và FLC, Vạn Thịnh Phát. Đừng nghĩ các DN khác chưa bị sờ là đảm bảo sạch sẽ, chẳng qua người ta chưa sờ vì còn e ngại sự sụp đổ dây chuyền, mối quan hệ này kia hoặc đang là biểu tượng của sự thịnh vượng quốc gia…

Nhưng việc tế thần này lại dẫn tới một hệ luỵ, đó là lộ ra bản chất sai phạm của DN. Công an không mò ra rồi tung lên báo thì người dân sao biết được có sai phạm, hoặc biết cũng chỉ dưới dạng tin đồn, rồi Công an bác tin đồn là xong! Đây cũng chính là mặt trái của việc đốt lò. Một mặt, việc đốt lò lấy được niềm tin của giới cần lao thiện lành và các cụ đảng viên già. Nhưng mặt khác lại làm giới đầu tư lo ngại vì nhìn đâu cũng thấy rủi ro lừa đảo ở đủ các kênh đầu tư là CK, trái phiếu và BĐS.

Vì thế phải thấy rằng không phải vì Công an bắt bớ thì nhà đầu tư mất niềm tin, mà là niềm tin lâu nay của họ bị phát hiện ra là đã bị lừa. Nhưng DN lớn, danh tiếng, là niềm tự hào của nền kinh tế, bộ mặt của chế độ, một thời được tiền hô hậu ủng hoá ra lại là bọn lừa đảo! Mà họ lừa được cũng là dựa vào cơ chế và sự cấu kết cố hữu của thể chế (không cấu kết thì công chức không sống được). Đấy là nguyên nhân sâu xa của sự khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư.

Để đối phó thì nhà đầu tư sẽ co cụm, cất tiền, rút tiền (nếu còn rút được) chuyển vào các kênh có sự tín nhiệm cao hơn (của ngân hàng nhà nước) hay mua vàng mua đô.

Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu thì thế giới hậu dịch đương nhiên phải có lạm phát, sau mấy năm đình trệ. Việt Nam vẫn khoe là chưa lạm phát chính vì lý do bên trên. Tiền trong dân và DN bị chôn một đống, chả ai tin ai hoặc bị găm vào đống BĐS đang hình thành thì chưa lạm phát được như Tây.

Trong phạm vi chống đình trệ kinh tế bằng chi tiêu công, tiêu tiền ngân sách, thì lại cũng bị hệ luỵ từ việc đốt lò mang lại. Bác cả đốt mạnh quá dẫn tới quan chức không dám chi tiêu, triển khai các dự án công. Bởi vì nguyên tắc đã có chi tiêu công là phải có abc, không abc thì làm quan làm gì?! Đầu tư ghế để lỗ à?

Thế nên quan chức sẽ chơi bài câu giờ, tránh né phải chi tiêu, đặc biệt là ngành y tế thì đặc biệt đình trệ, đến thuốc và trang thiết bị y tế còn không dám mua. Vì mua thì dễ đi tù! Vì thế nên giải pháp đầu tư công cũng bị vô hiệu hoá. Nên kinh tế vẫn bị tắc tị, thì sao lạm phát cho được?

Tóm lại, trong thời gian qua thì cả dân (nhà đầu tư) lẫn quan đều khủng hoảng niềm tin. Dân thì sợ bị lừa, quan thì sợ đi tù, đều từ đốt lò mà ra. Nói thế không có nghĩa là đốt lò là hoàn toàn sai. Mà là đốt lò nó làm lộ ra bộ mặt thật của chế độ và nền kinh tế, dẫn tới khủng hoảng niềm tin. Không đốt thì sao biết DN lừa đảo và quan lại tham nhũng, phỏng ạ!?

Vậy là đốt hay không đốt, đi mắc núi về mắc sông và hậu quả trước mắt là sự khủng hoảng niềm tin. Đó là điều mà TS Thế Anh không nói ra, mà cũng không dễ gì nói ra trên báo đảng.

Vậy giải pháp nào để vực dậy niềm tin?

Phải thấy được bản chất thì mới thấy được giải pháp. Các giải pháp của TS là những giải pháp xử lý cái ngọn về tài chính, tiền tệ thôi chứ không xử lý được gốc rễ của vấn đề.

Muốn xử lý tận gốc là khó. Vì vướng tới thể chế rồi. Nhưng trước mắt thì việc xử lý các Doanh nghiệp BĐS và tài chính bẩn là cần thiết và cần mạnh tay. Song song với đó cũng phải xử quan lại cấu kết với họ cho công bằng. Phải nhanh chóng hạ nhiệt BĐS bằng luật Đất đai và Kinh doanh BĐS. Nhưng cái khó nhất vẫn là cải cách thể chế để việc đốt lò không còn là việc bắt cóc bỏ đĩa giống dẹp vỉa hè.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.