Nga đe dọa dùng vũ khí hạt nhân: Thực hư thế nào?
Tác giả: Christian Speicher, Sven Titz phỏng vấn GS Walter Rüegg, NZZ 11.10.2022 nzz.ch
Người dịch: Daniel Trần
Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia vũ khí hạt nhân Walter Rüegg giải thích việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine sẽ có những ảnh hưởng gì đối với Thụy Sĩ hoặc Đức, và đưa đến một kết luận bất ngờ: Điều đó chỉ có tác dụng hoàn toàn về mặt tâm lý – như một biện pháp răn đe. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không mang lại ích lợi gì trên chiến trường.
***
Thưa ông Rüegg, Nga đang đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta hiểu chính xác như thế nào về những vũ khí này?
Chúng ta đang nói về vũ khí hạt nhân có sức nổ tương đương 1 đến 100 kí lô tấn (1000 tấn) TNT. Để so sánh, quả bom nguyên tử ở Hiroshima có sức nổ 15 kí lô tấn TNT. Vũ khí hạt nhân chiến thuật là để sử dụng trên chiến trường. Chúng được sử dụng để đạt được lợi thế chiến thuật trên chiến trường. Từ mục tiêu đó có thể xác định độ lớn của chúng. Thật không có ích gì khi ném một quả bom có hàng triệu tấn chất nổ vào chiến trường. Ảnh hưởng của số lượng thật nhiều các vũ khí hạt nhân nhỏ còn lớn hơn nhiều. Mặt khác, vũ khí hạt nhân chiến lược chủ yếu đóng vai trò răn đe. Chúng thực sự được thiết kế để chiến thắng một cuộc xung đột lớn giữa hai khối. Để làm được điều này, các khu vực quan trọng của những tổ hợp công nghiệp và quân sự sẽ phải bị phá hủy bằng hàng nghìn quả bom lớn. Nhưng khả năng cùng bị tiêu diệt lẫn nhau là rất lớn – đó là cơ bản của sự răn đe.
Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Các chuyên gia đồng ý rằng ngày nay tất cả các loại bom chỉ là bom nhiệt hạch, tức là bom khinh khí (hydro). Điều này phù hợp đối với các loại vũ khí chiến thuật nhỏ. Lý do là trên chiến trường người ta muốn giảm thiểu phóng xạ. Nếu không, nó có thể tấn công vào chính mình trong điều kiện gió bất lợi.
Vậy thì, những quả bom khinh khí này tạo ra ít phóng xạ hơn những quả bom plutonium, chẳng hạn như những quả được sử dụng ở Hiroshima và Nagasaki?
Đúng. Ưu điểm của bom khinh khí chiến thuật nhỏ là chúng tạo ra tương đối ít bụi phóng xạ (fallout). Vật liệu phân hạch plutonium chỉ được sử dụng để kích nổ bom khinh khí. Chỉ cần sử dụng số lượng nhỏ cho việc này. Bản thân các phản ứng nhiệt hạch không tạo ra bất kỳ bụi phóng xạ nào. Chỉ một số vật liệu tritium và lượng phóng xạ nhẹ phát ra. Điều này không đáng kể so với các sản phẩm phân hạch.
Một vụ nổ phát ra bao nhiêu độ phóng xạ?
Quả bom ném xuống Hiroshima với sức công phá 15 kí lô tấn thuốc nổ TNT để lại khoảng một kg sản phẩm phân hạch. Tuy nhiên, ngòi nổ của vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn rất nhiều. Người Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng dân dụng của các chất nổ như vậy, ví dụ như để tạo ra các hồ nhân tạo. Ở đây người ta không muốn tạo ra bất kỳ sản phẩm phân hạch nào. Có lẽ thế hệ vũ khí hạt nhân chiến thuật ngày nay thực tế đã sạch chất gây bức xạ. Chúng ta có thể đang nói về một vài trăm gam sản phẩm phân hạch.
Điều này có thể so sánh với các vụ tai nạn hạt nhân ở Chernobyl và Fukushima không?
Về độ lớn, đây là những chuyện hoàn toàn khác nhau. Chernobyl đã giải phóng đồng vị phóng xạ cesium-137 gấp khoảng 400 lần so với quả bom ở Hiroshima. Và vũ khí hạt nhân chiến thuật giải phóng lượng phóng xạ thậm chí còn ít hơn quả bom ở Hiroshima vì chỉ cần một lượng nhỏ vật liệu phân hạch để kích nổ quả bom.
Vậy hiệu ứng bức xạ của vũ khí hạt nhân chiến thuật là thấp?
Đúng, rất thấp.
Mức độ bức xạ cao có thể xảy ra trong chu vi nào?
Điều đó phụ thuộc vào quả bom được kích nổ ở độ cao nào. Thông thường nó được kích nổ tầm thấp, bởi vì khi đó sức phá hủy các mục tiêu quân sự là lớn nhất. Sau đó, hàng chục nghìn tấn vật liệu từ đất bay hơi trong quả cầu lửa. Quả cầu lửa mang vật liệu này lên vài km trong bầu khí quyển. Sau đó lại ngưng tụ rơi xuống. Bụi phóng xạ này bao gồm vật liệu từ mặt đất ngưng tụ ở dạng ít nhiều giống như cát mịn trộn với các sản phẩm phân hạch và mảnh bom còn lại. Nếu không có gió, vật liệu lại rơi xuống trong vòng đường kính khoảng hai km. Nhưng không phải lúc nào cũng không gặp gió. Điều này có nghĩa là có một sự phân bố hình điếu xì gà điển hình, được quyết định bởi gió. Bức xạ sau đó tăng mạnh trong thời gian ngắn trong khoảng cách từ 10 đến 20 km.
Thông thường quân đội được chuẩn bị như thế nào khi vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng?
Quân đội được chuẩn bị rất kỹ. Họ biết chính xác những cách tốt nhất để đối phó với tình huống nguy hiểm, kể cả quân Nga lẫn quân Ukraine. Tôi đã đọc bản dịch các sách hướng dẫn sử dụng cho tình huống chiến trường của Nga và chúng rất chi tiết. Tất nhiên, người dân không biết gì, khi đó họ hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin từ biện pháp dân phòng, cảnh sát và chính quyền. Nếu gió thổi mạnh hơn, vùng bụi phóng xạ cũng có thể dài 30 km hoặc hơn, nhưng sau đó hiệu ứng pha loãng càng lớn hơn. Và sau một vài ngày, hầu hết các sản phẩm phân hạch đã tan rã. Quy tắc tạm biết là, nếu bạn không thể nhìn thấy bụi phóng xạ thì không nguy hiểm. Bụi phóng xạ rơi xuống có thể nhìn thấy rõ ràng như cát. Nếu bạn đang ở trong vùng đó, bạn nên tìm một nơi trú ẩn hoặc tầng hầm trong vài giờ hoặc vài ngày.
Điều đó có nghĩa là chúng ta ở đây – ở khoảng cách vài nghìn km – sẽ không nhận thấy gì cả?
Tôi nghi ngờ rằng chúng ta có thể phát hiện bất kỳ độ phóng xạ nào ở đây bằng các dụng cụ đo lường thông thường của chúng ta.
Chúng ta ở phương Tây có thể phát hiện ra ngay và bằng cách nào khi vũ khí hạt nhân chiến thuật được kích nổ?
Các vệ tinh giám sát sẽ ghi nhận nó ngay lập tức. Chúng ta cũng có thể nhận ra từ sóng động đất, chúng có những đặc điểm điển hình. Các viện khí tượng cũng có thể thấy một làn sóng áp lực mạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp phóng xạ, chúng ta có rất ít cơ hội đo lường được bất cứ điều gì tức thì.
Quả cầu lửa không bay lên tầng bình lưu để nó có thể được vận chuyển đến những khu vực xa hơn sao?
Không, điều đó khó có thể xảy ra với vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra việc sử dụng vũ khí lớn hơn. Sau đó, quả cầu lửa có thể đi vào tầng bình lưu. Và sau đó nó sẽ phụ thuộc vào gió ở độ cao lớn: Vì chủ yếu là gió từ hướng Tây, cơ hội để chúng ta đo được những trị số đáng kể ở Trung Âu là rất nhỏ.
Biên độ an toàn mà một quân đội sẽ phải tuân thủ để sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là cỡ nào?
Có thể nói hai đến ba cây số. Với một vũ khí nhỏ, sóng nhiệt có thể đạt khoảng cách từ một đến hai km, sóng do áp lực nổ có khoảng cách tương tự, với bức xạ sơ cấp có thể là 800 mét nếu bạn được trang bị bảo vệ ở một mức độ nào đó. Các loại vũ khí này thích hợp để sử dụng trong chiến trường. Nhưng mặt trận về khoảng cách lại rất dài. Về mặt quân sự, ngày nay việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là vô nghĩa. Các xe tăng hiện đại đa phần đã được bảo vệ. Một quả bom chiến thuật nhỏ sẽ phải được kích nổ cách một chiếc xe tăng vài trăm thước để phá hủy nó. Nhưng vũ khí sẽ được đưa ra khỏi kho trước, các cơ quan tình báo sẽ ghi nhận ngay điều này – sau đó sẽ kích hoạt sự cảnh báo để đề phòng trước. Do đó, sẽ tránh được sự tập trung quân của lực lượng bộ binh hoặc xe tăng.
Các kịch bản hiện đang được thảo luận bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mang tính răn đe thuần túy. Điều này có thể hiểu như thế nào?
Đó là một kịch bản có thể tưởng tượng được. Ví dụ, một quả bom khinh khí khá lớn có thể được kích nổ trên Biển Đen như một phát súng cảnh cáo. Điều đó sẽ có tác dụng hoàn toàn về mặt tâm lý – như một biện pháp răn đe. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật không mang lại gì nhiều trên chiến trường.
W.R.
Nguồn: Diễn Đàn Khai Phóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.