Ukraine: Tám tháng máu, lửa và hoa
26-10-2022
Cuộc sống có những điều kỳ lạ… Khi một cuộc chiến tranh nổ ra thì toàn thế giới hóng về điểm chiến sự, đầu tiên là ngóng tin người quen bạn bè, rộng hơn là hóng tin đồng bào, và cả khắc khoải về số phận của những người dân vô tội của đất nước đang bị dội bom đạn. Ấy thế mà từ những ngày đầu của cuộc chiến, tôi bắt đầu viết những bài nhận xét về nó, thì lại nhận được rất nhiều theo dõi của chính những bạn bè đang ở trong hoàn cảnh lửa đạn đó. Chẳng phải đó lại là điều kỳ lạ sao?
Tôi cứ nhớ vài ngày đầu, tôi thì hóng tin bên đó xem “liệu người Ukraine có đầu hàng hay không…” vì đó là điều đáng lo nhất – không có tinh thần bảo vệ Tổ Quốc, thì sẽ mất tất cả. Đến khi anh Q là Việt Kiều bên đó động viên: “Yên tâm, tinh thần của nhân dân và quân đội Ukraine rất cao, không có chuyện đầu hàng đâu.” Hồi đó tôi chưa biết tổng thống V. Zelensky là ai và cũng rất lo đó là một anh ba vạ nào đó, chỉ vài ngày sẽ dẫn nội các của mình ra hàng – việc đó đã diễn ra một lần năm 2008 ở Georgia.
Khi nghe anh Q nói như vậy, tôi yên tâm và bắt đầu… chém. Tôi động viên anh Q: “Vậy thì anh yên tâm. Theo bản đồ địa hình của Ukraine thì họ sẽ dùng những mũi tấn công bằng xe tăng lớn cường tập vào trung tâm, theo đúng truyền thống của quân đội Xô-viết và khi các mũi đó tiến nhanh, bỏ lại lực lượng hậu cần đằng sau thì người Ukraine sẽ đánh lại và Nga sẽ thua.” Sau này khi được biết anh Q là cựu học viên… sĩ quan xe tăng được nhà nước ta cử sang học ở Ukraine thời Liên Xô cũ, tôi ngượng không biết để chỗ nào cho hết.
May mà sau này điều đó đúng, nhỡ mà không đúng thì đào cái lỗ chui xuống đất.
Vậy mà thoáng cái 8 tháng đã qua, tưởng như vừa hôm kia hôm kìa gì đó. Vẫn có thể tìm lại trên mạng những video hồi đó người ta quay nhà ga Lviv, dòng người tản cư lũ lượt nhưng lại có những hình ảnh ở một thành phố miền tây Ukraine đàn ông xếp hàng dài không kém để đăng ký nhập ngũ. Gần tám tháng sau, một hình ảnh đối lập khác ở nước Nga: dòng đàn ông lũ lượt đi đến các cửa khẩu để trốn lệnh “động viên một phần” của Putin. Ai là người sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ Quốc?
Nhiều khi tôi cũng không hiểu nổi tại sao rất nhiều đồng bào của tôi, đến giờ phút này vẫn tin là người Nga sẽ… bảo vệ Tổ Quốc khi bị quân đội Ukraine tấn công vào những vùng đất vừa cướp được. Đạo quân ăn cướp thì chỉ có tướng cướp được miếng mỏ, chứ lính quèn chỉ giữ được cái mạng là may, ai chia phần cho anh? Thậm chí cả những người ra vẻ đức cao vọng trọng nhờ những thân thế nào đó của gia đình, cũng dám tuyên ngôn về tinh thần của người Nga. Hãy nhìn lại đi, xem có phải người Đức đang than phiền rằng họ thiếu những lao động khỏe mạnh và chất lượng nhất, là những người đàn ông Ukraine về nước tham gia chiến đấu ngay trong những ngày đầu chiến tranh. Hãy nhìn lại đi, khi rất nhiều người đàn ông Ukraine than phiền đăng ký vào quân đội mà được trả lời: “Chưa đến lượt!”
Mấy hôm vừa rồi còn nghe tin anh em người Việt bên đó kể về phong trào giúp đỡ quân đội, và chia sẻ: quân đội đã sẵn sàng bước vào chiến đấu trong mùa đông.
Chuyện của người Việt thì nhiều lắm. Tháng thứ tám của cuộc chiến cũng là tháng của cú “động viên một phần” với những câu chuyện choáng váng về chi phí của những người có quốc tịch Nga phải trả để trốn tránh. Có lần tôi gặp trên tường nhà một bác nào đó một bạn không còn trẻ, với lời lẽ rất hung hăng: đã trả ơn nước Nga rồi và sẵn sàng lên đường một lần nữa! Nhiều khi tôi cũng không biết mình phải xác định thái độ như thế nào với những người như vậy… Có lẽ như vậy còn hơn hồi đầu chiến tranh trong các diễn đàn của người Việt Nam tại Nga, đôi chỗ tôi gặp những ý kiến dè bỉu chê bai: “Bên này chẳng coi cấm vận ra gì, vẫn sống khỏe. Kiếm tiền đô, bây giờ đô lên đem đô ra tiêu…” Tôi không nghi ngờ cũng chính những người đó đã từng lên mạng khinh rẻ đồng bào của mình là Việt Kiều ở Ukraine vì mức sống thấp kém hơn ở Nga nhiều. Trong diễn đàn của những người Việt ở Ukraine không hiếm gặp những người như vậy.
Đã là chiến tranh, thì phận dân đen khác gì con sâu cái kiến. Thà hung hăng sẵn sàng ra trận một cách cuồng tín, còn có tư cách hơn thể loại khinh bỉ chính đồng bào mình, và khi họa đến thì tìm cách thoát thân trước tiên. Tất nhiên, cuồng tín là ngu muội và vô minh, đó lại là một câu chuyện khác. Điều chúng ta cần nói với nhau chỉ là: chẳng ai biết một giờ nữa sẽ có cái gì đến với mình, nên đừng ai “nói hay” cái gì cả, và cũng đừng khinh bỉ ai cả.
Quay lại với tám tháng chiến tranh – chẳng ai ngờ là nó có thể kéo dài đến thế và bây giờ thì chẳng ai nói được rằng nó sẽ kết thúc vào lúc nào, chỉ biết là chắc chắn nó cũng sẽ phải kết thúc. Tính phi logic của nó đã làm cho chúng ta sai lầm trong đoán định hết lần này đến lần khác. Chúng ta cho rằng họ sẽ không gây chiến, vì với một nền kinh tế có GDP còn nhỏ hơn tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc thì sẽ không chịu nổi những lệnh cấm vận của Tây, nhưng họ vẫn có những toan tính khác, và vẫn đánh. Chúng ta cho rằng nếu người Nga thua đau, bị đốt một số lượng xe tăng đủ lớn và một số thiệt hại tương ứng về nhân mạng, họ sẽ phải “thôi”. Nhưng họ không “thôi”.
Không “thôi” hả? Ừ thì “tiếp!” – chúng ta cho rằng nếu tiếp tục thì sẽ là một cuộc chiến tiêu hao, và họ sẽ đưa quân đội của chính mình đến chỗ kiệt quệ, và điều đó đã thành sự thật. Nhưng họ vẫn làm, tính phi logic ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và thách thức mọi tư duy thông thường. Nhưng cũng chỉ đến đây, chúng ta mới hiểu được trong những trang sách (mà cực kỳ hiếm hoi được xuất bản ở Việt Nam) có những người lính Hồng quân kể về sự phi lý đến mức khủng khiếp và không thể hiểu được trong quân đội Xô-viết trong thời kỳ chiến tranh.
Tôi xin kể một chuyện mà độc giả Nhịp cầu thế giới có thể kiểm tra được: trong tiểu thuyết “Tuyết bỏng” của Yuri Bondarev (“Горячий снег” – Юрий Васильевич Бондарев), tác giả đã kể lại chuyện một viên trung úy ra lệnh cho mấy người lính, hết người này đến người khác ôm quả mìn bò đến diệt một chiếc xe tăng Đức khi tất cả những khẩu pháo chống tăng của trung đội bị bắn hỏng. Cuối cùng thì không ai diệt được nó mà thiệt mạng hết, chỉ khi một người ở khẩu đội khác tỉnh lại, bắn cho nó một phát đạn vào sườn mới diệt được.
Bondarev đã mất năm 2020, không kịp nhìn thấy ở Dovhenke phía đông nam thành phố Izyum, người Nga cũng làm những việc vô nghĩa y như cuối năm 1942, đúng 80 năm trước nhà văn đã mô tả. Chỉ vì sợ sự trừng phạt của cấp trên cao hơn mà những cấp trên thấp hơn đã ra lệnh cho lính Nga phải chiếm làng hết đợt này đến đợt khác, thương vong của cả hai bên không biết bao nhiêu mà kể. Trong khi đó thì ngôi làng chẳng có chút ý nghĩa chiến lược chiến thuật nào cả – trước đó thì có thể có nhưng những điều đó đã không còn sau vài tháng chiến tranh.
Rất nhiều ký ức chiến tranh của lính Nga kể về cấp trên của họ, khi đứng trước mặt và nghe mệnh lệnh của cấp trên cao hơn, thể hiện sự khiếp nhược và mất tinh thần. Lúc này thì chúng ta chắc chắn sẽ hiểu hơn rất nhiều về cái sự phi lý của “tính cách Nga” – sự phi lý của cái lẽ “đằng nào cũng chết, hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực.”
Tôi tin rằng người Ukraine không lạ gì cái logic đó, vì thế tổng thống V. Zelensky mới nói với ý, chiến tranh chỉ kết thúc khi quân đội Nga bị đánh quỵ. Điều đó vào thời điểm 24/2 không ai có thể tin được. Điều đó vào cuối tháng Ba, khi họ chuẩn bị chuyển sang tập trung vào Donbas, cũng rất khó tin. Nhưng sau những gì hai bên đã thể hiện ở Izyum, ở Kupyansk thì chúng ta tin việc đó hoàn toàn có thể làm được.
Câu hỏi nhiều nhất tôi nhận được sau suốt mấy tháng, là đoán thử xem bao giờ chiến tranh sẽ kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào… Những người hỏi chẳng quan tâm rằng tôi cũng… mù tịt như mọi người. Tôi chỉ có một điều duy nhất là niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng tất yếu của người Ukraine, và cuộc chiến dù kéo dài đến mấy rồi cũng đến lúc kết thúc.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, chúng ta đã cố hình dung ra một cách đánh thông minh mà không chỉ người Ukraine, mà chính chúng ta đã sử dụng là đưa về một thế trận phi đối xứng. Khó khăn khi đó cho chúng ta là thấy quân Nga quá mạnh, quá đông, quá nhiều xe tăng, dùng quá nhiều quân dù đột kích sâu… nhưng hóa ra người Ukraine không dễ bị bắt nạt như thế. Đến giai đoạn tiếp theo, chính ra lại là thời gian còn nặng nề hơn khi cách tiến hành chiến tranh kiểu phi đối xứng của người Ukraine không phát huy được nữa, họ phải chơi đôi công với người Nga bằng pháo binh.
Với những người Việt tôn thờ Putin đó là thời gian hào hứng nhất, nhưng với chúng ta là giai đoạn nặng nề không kém giai đoạn trước. Putin thắng, là thế lực đen tối, là ác quỷ chiến thắng. Người có lương tri không ai mong muốn như vậy. Chúng ta hoang mang, không biết họ sẽ làm thế nào để xoay chuyển tình thế, quay lại với cách đánh phi đối xứng đã rất thành công, và cũng chỉ có cách đó mới đối phó được với một quân đội to lớn. Hai “chiến binh” Severodonetsk và Lysychansk đã giúp cho quân đội Ukraine có những thời gian cực kỳ quý báu trong tiếp nhận và huấn luyện sử dụng thành thục những vũ khí mới, và chỉ ngay sau khi “phải bỏ” hai thành phố, chúng ta thấy quân đội Nga bắt đầu gãy vỡ có hệ thống, toàn ở những chỗ khuỷu chân, khuỷu tay…
Đến nay, người Nga chưa cho thấy họ có cách nào để chống lại cách đánh đó của người Ukraine, chính xác là chưa có cách nào để khắc phục được những điểm yếu của chính mình. Rõ là “không sợ kẻ thù mạnh bằng sợ đồng đội ngu.” Rớt xuống những cái vỏ hào nhoáng của một quân đội thứ hai thế giới đi đều bước đẹp lộng lẫy trong tiếng hành khúc hào hùng qua Quảng trường Đỏ, là một quân đội bệ rạc, thiếu thốn đủ đường.
Vậy câu trả lời cho những câu hỏi là chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào? – trước mắt là quân đội khố rách áo ôm có thắng được không? Có thể, với điều kiện là anh chiến đấu trên đất nước của anh và bảo vệ Tổ Quốc của anh. Còn khi anh viễn chinh thi hành một cuộc chiến ăn cướp, thì không có chuyện đó đâu. Cuộc chiến sẽ kết thúc bằng thất bại của quân đội Putin, đó là điều chắc chắn, và như thế nào – thì lại chắc chắn họ sẽ bỏ chạy. Như một người anh của tôi nói hôm qua: khi đã tan rã thì quân ta còn không kịp tiếp quản đâu.
Tháng thứ tám đánh dấu những tuần cuối cùng bằng “mưa tên lửa và drone tự sát” của Nga tấn công vào các thành phố hậu phương của Ukraine. Putin vẫn còn nuôi hi vọng rằng với cơn mưa này, người Ukraine sẽ thoái chí chăng? Hắn đã quên rằng những lúc dùng đòn kinh khủng hơn nhiều hắn còn không đánh gục được ý chí của người Ukraine, thì bây giờ mấy chục một trăm quả tên lửa một ngày trên mấy chục thành phố Ukraine, thì làm được sao? Hắn tưởng tàn phá hệ thống điện của thời Liên Xô, thì người Ukraine không biết lấy tiền của chính nước Nga của hắn, để làm lại hệ thống điện hiện đại hơn nhiều sao?
Hắn chỉ còn một hi vọng duy nhất, là đầu tháng sau có bầu cử giữa nhiệm kỳ của nước Mỹ. Với mức độ bắn phá hạ tầng đất nước Ukraine, nhất là gây thương vong cho dân thường nhiều sẽ tác động đến những nghị sĩ sẽ thắng cử nhất là những người theo phe chủ hòa. Khi đó sức ép sẽ có để người Ukraine chấp nhận hiện trạng lúc này của chiến trường, và hắn sẽ thắng. Nhưng hắn đã từng không hiểu tại sao đến nay thế giới văn minh lại ủng hộ người Ukraine mạnh mẽ đến thế. Con người sinh ra trong chế độ xã hội của bóp nghẹt và đè nén, không thể hiểu được tư tưởng dân chủ nó như thế nào. Và bằng hi vọng này, Putin tiếp tục thể hiện là hoàn toàn không hiểu. Khi anh đã không hiểu về thế giới mà tuyên chiến với nó, thì anh sẽ chuốc lấy thất bại chắc chắn.
Không, Putin còn một hi vọng nữa: sức chịu rét của người Nga. Đó là ý kiến của một người bạn tôi, không phải của tôi. Người Nga ở đây là những người từ Siberia, từ Murmansk, từ Taymyr (bán đảo ở miền bắc nước Nga, thuộc vòng Bắc cực)… Đây cũng là lý luận chung của những người Việt tôn thờ Putin, người Nga quen chiến đấu trong mùa đông nên họ không sợ mùa đông. Điều này được gián tiếp khẳng định một lần nữa vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, hồi tháng Ba năm nay có một số đợt rét muộn. Bất chấp hệ thống hậu cần yếu kém, không được trang bị đầy đủ nhưng những người lính Nga vẫn không chết rét và vẫn tấn công.
Tất cả những điều này không sai, nhưng hồi đó tôi đã bình luận: “Nếu người lính vài hôm không được ăn nóng, anh ta sẽ mất sức. Nếu một tuần nửa tháng không được nghỉ ngơi, nhất là trong thời tiết băng giá không được nghỉ để tắm nước nóng thay quần áo, thì anh ta không chỉ mất sức mà còn mất cả tinh thần.” Xin nhắc lại những dòng cố Nguyên soái Liên Xô G.K. Zhukov viết trong hồi ký của mình: “Cần phải đập tan những lý thuyết cho rằng mùa hè là mùa tấn công của địch còn chúng ta thì chỉ có thể tấn công vào mùa đông. Mùa đông là mùa phải lo áo ấm, ủng và thức ăn nóng cho bộ đội, không quân đội nào tránh được nhiệm vụ đó. Bằng sự nỗ lực to lớn của mình, quân đội, Đảng và nhân dân đã lo cho bộ đội đầy đủ những cái đó, và đó là những điều kiện của chiến thắng.”
Trước những gì quân đội Nga đã thể hiện, tôi có thể khẳng định rằng họ còn lâu, rất lâu mới bằng được những gì mà quân đội Xô-viết trước đây “lo cho bộ đội.”
Những gì mà anh em bên Ukraine kể về nhân dân bên đó lo cho bộ đội, chúng ta có niềm tin. Còn Putin, thì hắn cũng lo cho bộ đội của hắn bằng… niềm tin. Nực cười nhất là đến hôm qua, khi cuộc chiến bước sáng tháng thứ chín, Hội đồng an ninh Nga đã bàn về giai đoạn mới của cuộc chiến: “phi Sa-tăng hóa Ukraine”. Cuộc chiến đến hồi tuyệt vọng nên còn cái phao nào bấu víu được phải cố mà bấu nốt. Tư tưởng dân Nga chắc hẳn đã đến hồi khủng hoảng toàn diện rồi hay sao mà còn phải bấu víu vào đức tin như vậy? Người Nga, xin hãy nhớ lại đi khi cư dân Mátxcơva xây lại Nhà thờ Chúa Cứu thế (“Храм Христа Спасителя”) trên cái bể bơi lớn nhất thế giới của Stalin, bao nhiêu tiền và vàng đã được người dân Ukraine đóng góp? Điều đó còn được ghi nhận trong sách giáo khoa tiếng Nga “Đường tới nước Nga” (“Дорога в Россию”) của trường Đại học tổng hợp quốc gia Mátxcơva đó.
Vậy đó, tôi không nghi ngờ rằng Putin đang hi vọng vào sự suy giảm của hỗ trợ quốc tế cho Ukraine, nhất là từ Hoa Kỳ. Nếu sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ này của nước Mỹ mà những hỗ trợ đó vẫn ít nhất giữ nguyên như cam kết, hắn sẽ tiếp tục nuôi hi vọng vào… tinh thần Nga, vào những mình đồng da sắt của người Eskimo. Hãy để Zhukov trả lời cho hắn. Tôi cũng tin rằng người Ukraine bình tĩnh chờ đợi mùa đông đến và đã tích cực chuẩn bị cho nó.
Mùa đông đến, nếu người Ukraine liên tục tàn phá hệ thống của quân đội Nga, không cho lính Nga ăn nóng và sưởi ấm thì chỉ vài tuần chịu rét, là tan rã hết. Chiến tranh sẽ kết thúc như vậy đó.
Mùa thu cũng đã sắp qua… Vẫn có những người bạn chưa gặp bao giờ ở Kyiv ngày ngày dạo phố, cho xem ảnh những thảm cỏ xanh mượt bên cạnh còn đầy những hàng rào cự mã chống tăng, và vẫn còn đây đó những bông hoa. Tôi lại nhớ hồi quân Nga đe dọa thủ đô Kyiv, chỉ còn cách thành phố chục ki-lô-mét, tôi đã động viên một người bạn khác: “Họ không chiếm thủ đô được đâu, đến Kharkiv còn chẳng chiếm được thì Kyiv làm thế nào? Rồi mùa xuân sẽ về trên sông Dnipro.” Từ bây giờ đến mùa xuân sang năm còn xa lắm, cuộc chiến còn nhiều khó khăn, nhưng những bông hoa của mùa thu này tàn sẽ dành chỗ cho những bông hoa mới của mùa xuân sau.
Rồi mùa xuân sẽ lại về trên sông Dnipro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.