Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Ông Nguyễn Hữu Liêm và cơn bão trong tách trà

 

Ông Nguyễn Hữu Liêm và cơn bão trong tách trà

Jackhammer Nguyễn

26-10-2022

Ông Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose đã gây ra một cơn bão mạng. Sau bài viết về một buổi gặp gỡ tại nhà ông với ông phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở Nước ngoài của chính phủ Hà Nội, đến nay đã có đến cả chục bài, phần lớn là chỉ trích ông Liêm, có khi tấn công cá nhân rất nặng, đến nỗi tạo cảm giác là người viết có tư thù cá nhân gì với ông Liêm vậy.

Dĩ nhiên ông Liêm là một nhân vật thú vị ở hải ngoại vì thế đứng của ông, do phát ngôn của ông đối với chính phủ cộng sản trong nước. Thế cho nên bài viết về buổi gặp gỡ của ông với các “cán binh cộng sản” nhận được phản hồi là thường tình, ngay tôi đây cũng có một bài liên quan đến vụ gặp gỡ, nhưng tôi viết về nghị quyết 36 của chính quyền Hà Nội, được ông Liêm đề cập, còn những người khác viết về… ông Liêm.

Công bằng mà nói thì những ồn ào mà ông Liêm nhận được cũng… đáng, vì ông Liêm cũng … ồn ào, theo thuyết nhân quả của nhà Phật vậy. Ông Liêm như cứ trêu ngươi “người ta”. Đầu tiên là ông kể chuyện công an Việt Nam hụ còi, mở đường cho ông, sau đó là ông cứ dung dăng dung dẻ chụp hình với các ông cộng sản gộc (mà cũng lạ, nếu như các ông tổng thống Mỹ, Pháp, Anh… chụp hình với các ông cộng sản Việt Nam thì không sao cả), rồi ai ở San Jose mà chả biết là ông công khai tiếp khách Hà Nội tại tư gia!?

Thật ra thì đâu chỉ ông Liêm tiếp khách Hà Nội, ngay sau buổi “gặp gỡ” ở nhà ông Liêm, khi bài của ông chưa xuất hiện trên BBC, thì Thông tấn xã nhà nước Việt nam đã có bài về cuộc gặp gỡ này. Mà hình như là vài cuộc gặp gỡ chứ không phải một, trong đó có tên một số nhân vật cũng có tiếng từ trước đến nay, như ông David Duong chẳng hạn. Ông Duong có một nhà máy xử lý rác tại Sài Gòn, và có lúc cũng có lộn xộn với các tay cầm quyền ở thành phố này.

Trong số các nhân vật mà bài báo đề cập, theo tôi, ông Liêm thuộc loại ít “American Dream” nhất. Tôi hình dung là các cuộc gặp gỡ được tổ chức trong các căn nhà rộng rãi, thảm cỏ tỉa tót sạch boong, tại một khu giàu có nào đó ở vùng Vịnh San Francisco.

Sự đời thường trớ trêu, dù ta muốn hay không, giới giàu có hải ngoại, lại là giới đi đầu trong việc bắt tay với cố quốc. Dân tộc nào cũng thế.

Nhưng như đã bàn trên kia, ông Liêm lại bị mắng nhiều nhất, bị những âm thanh cuồng nộ nhiều nhất, là vì ông … hay nói. Mà cũng khổ, ông Liêm vốn sống bằng nghề dạy học, làm sao bắt ông im lặng cho được, mà nhất là dạy môn triết cho con nít Mỹ, phải dùng mồm mà chế phục chúng nó chứ.

Trở lại với các bài viết có liên quan đến buổi gặp gỡ ở nhà ông Liêm. Ngoài bài của Thông tấn xã nhà nước, liệu có bao nhiêu người Việt Nam đọc được các bài kia? Các bạn có thể trả lời là … ồ nhiều chứ, Facebook shared quá trời! Tôi thì thấy chỉ có quanh đi quẩn lại vài gương mặt tích cực tham gia Facebook chính trị thôi, chứ sáu, bảy chục triệu nông dân Việt Nam có ai mà đọc, họ còn đang tính xem nên bỏ quê lên tỉnh làm thuê hay là tiếp tục mua giống, mua phân bón cho mùa tới đầy khó khăn. Mấy chục triệu thị dân thì chắc cũng hơi đâu mà tham gia Facebook chính trị, họ còn lo tìm đường cho con cái du học, tẩu tán tài sản ra nước ngoài…

Ngoài các Facebook “chính trị” người Việt đọc với nhau, còn có cán bộ cộng sản cũng đọc, mà hình như ông Liêm viết cho “đối tượng” này thì phải, không giống như những người mắng chửi ông, họ có vẻ không biết là họ viết cho ai đọc. Có người sẽ nói với tôi là mấy triệu người Việt hải ngoại đọc chứ, vì họ đâu bị cấm. Nếu nghĩ thế là lạc quan quá, tôi nghĩ là mấy triệu đồng bào ta ở hải ngoại, không chừng nghe VTV4 nhiều hơn là SBTN đấy.

Tóm lại, tôi thấy cơn “bão” mạng xung quanh ông Liêm cũng giống như cơn bão trong tách trà vậy thôi.

Sau khi bài của ông Liêm được BBC đăng tải, có người nói với tôi là phen này ông Ngô Trịnh Hà, người “cán binh cộng sản”, phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài, của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tiêu tới nơi rồi. Điều này cũng có lý, đôi khi các hoạt động bên ngoài của các “cán binh cộng sản” là nhằm mục đích cho những tranh đoạt trong nước của họ với nhau. Ông Hà bị ông Liêm hụ còi, thì ông Hà tiêu rồi!

Nhưng tôi nghĩ khác, có khi không phải thế, có khi nó còn tùy. Ông Hà sẽ trình bày với các sếp thế này, “cái bọn Việt kiều ấy cứng đầu thế, em đã làm hết sức rồi mà cứ thế”. Hiện tại Việt Nam người ta đang quắn lên chuẩn bị cho ông Trọng sang Tàu chúc tụng ông Tập Cận Bình, người ta đang dàn xếp nhau quanh đống vàng bạc bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, ai đâu mà chú ý ông cán bộ Hà!

Tôi không nghĩ là cơn bão trong tách trà sẽ ảnh hưởng được bao nhiêu tới tình trạng Việt Nam, mà nó phải là những cơn gió thổi được bên trong nước. Trong một lần về Việt Nam, tôi có đến tham gia một cuộc hội thảo của một trường Đại học, trong đó có một diễn giả rất nổi tiếng, là ông Bùi Văn Nam Sơn, vốn cũng từng là “Việt kiều phản động”. Trước khoảng vài trăm giáo viên và sinh viên, ông phê bình đích danh chủ nghĩa Marx. Trong buổi hội thảo đó có cả một thứ trưởng bộ giáo dục. Từ hơn chục năm nay, ông Sơn sống ở Sài Gòn, biên dịch sách vở từ các thứ tiếng phương Tây sang tiếng Việt, và bán công khai cho người Việt trong nước đọc.

Một người khác cũng từ Đức về như ông Sơn, là ông Nguyễn Tường Bách, cũng sống luôn ở Việt Nam. Tôi nhớ ông có kể lại câu chuyện một lần ông về thăm nhà ở Bao Vinh, thành phố Huế, nhưng không hẹn trước. Khi về đến nơi thì cửa khóa. Ông tả như sau: “Cái ổ khóa chìa ra như hỏi tôi, anh biết gì về nhà anh mà đòi về!?

Quả thật là tôi cũng không biết. Tôi chỉ góp vui trên trang Tiếng Dân cho cơn bão trong tách trà thêm trào lộng. Vậy thôi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.