Công an Long An cưỡng ép người trong Tịnh Thất Bồng Lai để lấy mẫu nước bọt và tóc
RFA
2022.09.24
*
Vụ việc công an tỉnh Long An cưỡng ép 28 người trong Thiền Am để lấy mẫu làm xét nghiệm DNA sẽ đi vào lịch sử như là một điểm đen của y đức thế giới.
Báo chí cho biết rằng dựa vào tố giác của ‘nhiều tổ chức và cá nhân’, công an đã lấy mẫu làm xét nghiệm DNA. Mục đích của xét nghiệm là xác định xem có hay không có mối liên hệ huyết thống giữa những người trong Thiền Am. Nghĩ cũng lạ: chỉ vài tố giác (chẳng biết tố giác có chứng cớ đàng hoàng) mà công an đã vội vàng ‘đè’ người ta ra xét nghiệm!
Nhưng báo chí không viết rõ công an lấy mẫu gì. Qua video của nhóm luật sư đại diện Thiền Am [1] chúng ta biết rằng họ lấy mẫu tóc và niêm mạc. Đó là vấn đề.
Vấn đề là mẫu tóc và cả niêm mạc không nên dùng cho xét nghiệm quan hệ huyết thống vì kết quả không đáng tin cậy. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng phân tích DNA từ mẫu tóc là không đáng tin cậy và dễ dẫn đến kết án oan [2]. Khiếm khuyết của phán tích DNA từ tóc đã được FBI xác nhận là dẫn đến sai sót cho ít nhứt là 90% trường hợp [3]. Viện hàn lâm khoa học Hoa Kì cũng đi đến kết luận rằng xét nghiệm tóc cho mục đích pháp y là không đáng tin cậy [4].
Niêm mạc cũng thế, cũng không đáng tin cậy. Chỉ có xét nghiệm trên mẫu máu được lấy trong môi trường phòng thí nghiệm hay được bảo quản tốt mới đáng tin cậy. Do đó, kết quả xét nghiệm DNA từ tóc và niêm mạc không được công nhận là bằng chứng trước toà án.
Báo chí cũng không cho biết việc lấy mẫu có hay không có sự đồng thuận của nạn nhân. Nhưng qua video của nhóm luật sư chúng ta biết rằng họ (những người trong Thiền Am) bị cưỡng chế để lấy mẫu tóc và niêm mạc. 'Cưỡng chế' là chữ hành chánh, trong thực tế dân gian thì cưỡng chế đồng nghĩa với "đè người ta ra để giật tóc và bóp miệng để lấy mẫu". Trong điều kiện bị ép buộc bằng bạo lực như vậy đã là một vi phạm nghiêm trọng về đạo đức khoa học rồi thì kết quả đâu có nghĩa gì. Cũng giống như những thông số y khoa mà chế độ Nazi cưỡng chế lấy từ những tù nhân và tử tù chẳng thể nào sử dụng trong thế giới văn minh được.
Thường, việc lấy mẫu để làm xét nghiệm – bất cứ xét nghiệm nào – đều phải được tiến hành trong môi trường labo. Lấy mẫu trong điều kiện cưỡng bức, thời tiết nóng bức, thì việc bảo quản mẫu sao cho không bị nhiễm (contaminated) là một thách thức. Tôi thì không bao giờ tin vào kết quả xét nghiệm của các mẫu được lấy trong môi trường như kiểu công an Long An làm. Chúng ta đã biết tác động ghê gớm của việc lấy mẫu tuỳ tiện trong trận dịch Covid vừa qua đã cho ra kết quả dương tính giả như thế nào.
Trong toà án, chứng cớ phải chính xác tuyệt đối, độ tin cậy tuyệt đối. Một sai sót dương tính giả và âm tính giả dù chỉ là 1% hay thấp hơn 1% là chấp nhận được trong khoa học, nhưng không thể chấp nhận được trong toà án, bởi vì kết quả như thế ảnh hưởng đến số phận pháp lý của người. Số phận pháp lí của một cá nhân không thể nào được quyết định bởi những kết quả xét nghiệm mà cách lấy mẫu có vấn đề.
Tóm lại, cách công an Long An cưỡng chế lấy mẫu tóc và niêm mạc đối với 28 người trong Thiền Am là một vi phạm y đức rất nghiêm trọng. Ngay cả kết quả xét nghiệm DNA từ tóc và niêm mạc cũng không thể xem là chứng cớ đáng tin cậy để xác định quan hệ huyết thống. Ngay cả người chủ trương làm việc này chắc cũng biết.
Rất có thể việc lấy mẫu xét nghiệm và cách tung tin cho báo chí chỉ là một phần trong chiến dịch cô lập và làm nhục mấy người trong Thiền Am, chứ chẳng liên quan gì đến xét nghiệm DNA.
______
[1] https://youtube.com/watch?v=AU9_zckm_L0
Trích tường thuật của hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Trịnh Vĩnh Phúc (trích lược):
Bởi nếu chưa có quyết định khởi tố như vậy thì không có cơ sở pháp lí nào để họ đột nhập vào Thiền Am (là một tư gia). Và cũng không có cơ sở nào để họ làm cái việc như sáng nay [24/9] họ làm tại Thiền Am. Họ yêu cầu tất cả những người trong Thiền Am để lấy mẫu trong vùng miệng. Họ tự tiện đè, cưỡng chế, bẻ tay những người trong Thiền Am để lấy mẫu, kể cả giựt tóc.
...
Họ [người trong Thiền Am] bị làm việc từ sáng sớm cho đến chúng tôi đến đã 12 giờ. Họ không được ăn sáng, không được ăn trưa. Người già, người bệnh, trẻ nhỏ rơi vào thế hoang mang. Nghe các cô kể lại, công an bẻ tay, ấn người, đè đầu, bóp họng để lấy mẫu niêm mạc trong miệng và rứt tóc. Vết bầm, xây xát vẫn còn.
...
Đây là lần lấy mẫu thứ 4. Ba lần trước họ cũng bị cưỡng chế để lấy mẫu làm xét nghiệm, trong đó có 1 lần lấy mẫu tại khu tập trung Covid. Không hiểu vì sao lại có chuyện lấy mẫu 4 lần. Bốn lần lấy mẫu mà không đọng lại một thủ tục, hồ sơ. Không có quyết định gì cả. Đây có thể xem là vi phạm quyền con người.
[2] https://rss.onlinelibrary.wiley.com/.../j.1740-9713.2016...
[3] https://www.mynewlab.com/.../why-hair-analysis-could...
[4] https://www.ojp.gov/pdffiles1/nij/grants/228091.pdf
Nguyễn Tuấn
Các luật sư đại diện có mặt tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hôm 24/9/2022. Facebook Manh Dang
Khoảng 50 công an đã ập vào cơ sở của Tịnh Thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) tại xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An vào sáng ngày 24/9, dùng vũ lực bắt lấy mẫu nước bọt và tóc của những người trong Thiền Am. Luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am nói với RFA rằng ông nghi công an lấy mẫu xét nghiệm ADN của những người trong Thiền Am để tìm quan hệ huyết thống.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am, viết trên Facebook cá nhân vào cùng ngày rằng các luật sư nhận được tin báo vụ việc đã ngay lập tức đến Thiền Am và đã bị chặn ở các chốt công an mới được lập gần Thiền Am. Có tổng cộng ba chốt như vậy, ông Mạnh cho biết.
Luật sư Mạnh cho biết sự việc xảy ra khi “Cô giúp việc mở cửa thì họ tự động vào. Họ kéo cả mấy chục người. Họ đọc văn bản. Các cô ni cô và giúp việc không hiểu văn bản nói gì. Đọc xong họ cũng không để lại văn bản nên không hiểu vụ này có lệnh hay quyết định gì không”.
Vì không hiểu nguyên nhân sự việc nên những người trong Thiền Am không tự nguyện cho công an lấy mẫu nước bọt và tóc. Luật sư Mạnh trích dẫn lại lời tường thuật của những người trong Thiền Am trên Facebook như sau:
“Họ đẩy chúng tôi ra ngoài, họ tự tiện đi vào khắp nơi trong nhà”.
“Ba, bốn người ôm, bẻ tay, bóp họng buộc chúng tôi phải há miệng để lấy mẫu niêm mạng miệng. Bứt tóc chúng tôi”.
Theo luật sư Mạnh, việc này không chỉ làm đối với người lớn mà còn cả các cháu nhỏ. Trong Thiền Am vào lúc đó có khoảng 10 người bao gồm hai đàn ông trong đó có ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), còn lại là phụ nữ và trẻ nhỏ.
Nói về nguyên nhân việc công an bắt những người trong Thiền Am phải đưa mẫu nước bọt và tóc, luật sư Mạnh cho biết:
“Tất cả việc làm đó dường như là họ muốn lấy ADN để họ xét nghiệm tìm quan hệ huyết thống của những người trong Thiền Am. Đây đã là lần thứ ba họ lấy mẫu. Hai lần trước là vào tháng 8/2021 và ngày 4/1/2022”.
Luật sư Mạnh cho biết công an không có bất cứ thông báo chính thức nào về kết quả của hai lần xét nghiệm trước đó.
Theo Công an tỉnh Long An, vào các năm 2020 và 2021, cơ quan chức năng ở huyện Đức Hoà đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo một số người sống tại Tịnh thất Bồng Lai đã thực hiện ba hành vi hình sự liên quan đến các tội danh: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; loạn luân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào ngày 4/1/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hoà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị cán đối với ông Lê Tùng Vân và ba người khác tại Thiền Am về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự.
Ngày 9/6/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố sáu người của Thiền Am theo Điều 331. Những người này sau đó bị kết án tổng cộng lên đến hơn 23 năm tù.
Riêng đối với các cáo buộc loạn luân và lừa đảo, vào ngày 26/7, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đã tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác của các cá nhân và tổ chức đối với Thiền Am.
Nguồn tin báo Thanh Niên vào cuối tháng 7 vừa qua cho biết “Hiện, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An đang chờ thêm một số kết quả về xét nghiệm, phân tích gen di truyền học từ cơ quan chuyên môn về y tế. Khi có kết quả khẳng định đúng như nội dung tố giác, kết hợp với các chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra thì Cơ quan Điều tra sẽ phục hồi điều tra tiếp tục và chuyển tiếp giai đoạn điều tra”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc công an bắt ép người trong Thiền Am phải đưa mẫu nước bọt và tóc vào lúc này là trái pháp luật:
“Theo tôi nghĩ việc này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì một sự việc khi trở thành vụ án tức khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra mới có thể làm như sáng này. Cho đến nay họ chưa khởi tố. Họ có quyền điều tra trước khởi tố nhưng không được tự tiện xâm nhập vào tư gia”.
Các luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am hiện đang xem xét sự việc xảy ra vào sáng ngày 24/9 để có thể “cân nhắc có động thái pháp lý cần thiết”, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA nhưng không cho biết cụ thể các động thái pháp lý này là gì.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.