Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Chiến lược là gì ở nước ta?

 

Chiến lược là gì ở nước ta?

Ngô Huy Cương

28-9-2022

Có lẽ không nước nào trên thế giới có “phong trào” xây dựng chiến lược như ở nước ta?

Gắn với xây dựng chiến lược, họ khoe tầm nhìn, chẳng hạn như chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Từ lâu lắm rồi phong trào này vẫn âm ỉ, thỉnh thoảng lại bùng lên như thể nhờ có “ống thổi lả” hay “ống đu đủ” đút vào đâu đó.

Nhiều bộ, ngành còn xây dựng cả những viện nghiên cứu lớn về chiến lược để có thể đút hay nhét những “tồng chí” không tranh được vị trí lãnh đạo nào nữa vô đó?

Từ “chiến lược” ở ta quan trọng lắm nha. Ai mà được làm hay được quy hoạch làm “cán bộ cấp chiến lược” là thôi rồi, đầy kẻ hầu người hạ cho đến khi nghỉ hưu hay vô “lò”? Con cái họ rất có thể gặt hái được những suất học bổng công khai hay kín đáo để học những trường tốp đầu ở những nước tư bản phát triển đang giãy chết để rồi khi quay về nước lại được nối “nghiệp” cha mẹ đấu tranh giai cấp xem “ai thắng ai”? À quên, nếu không xem bọn tư bản giãy chết như thế nào thì làm sao mà đấu tranh giai cấp có hiệu quả?

Chiến lược được xây dựng theo mẫu hoặc chép của nhau vậy và tầm nhìn thì “oách xà lách” vậy nhưng đất nước phát triển thì đì đẹt là tại sao?

Cứ xem mấy ông chuyên gia số một về nghiên cứu chiến lược được “trọng vọng” trong nhiều năm qua ở nước ta thì sẽ có câu trả lời.

Đó là trường hợp của hai vị họ “Lê” lấy tình cảm cá nhân và thói xu nịnh đến mức biến thành cách hiểu, cách nghĩ và cách ứng xử thường ngày như thể có từ khi cha sinh mẹ đẻ ra để xem xét cuộc xâm lược của Nga vào Ucraina, thì làm sao có được tầm nhìn và có được chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc đúng đắn?

Nếu chỉ tập trung dùng mấy tay cán bộ lãnh đạo, quản lý đam mê chức quyền hoặc mấy tay có học hàm, học vị cao nhưng “xu nịnh đến mức biến thành cách hiểu, cách nghĩ và cách ứng xử thường ngày” hay nịnh như nôn thốc, nôn tháo vào mặt lãnh đạo, vào tổ chức của mình, thì chỉ có thể giữ được sự ổn định tạm thời?

Hãy cho những người có khả năng, có tâm huyết một cơ hội cống hiến cho xây dựng chiến lược trong mọi lĩnh vực!

Đừng để xây dựng chiến lược theo ý chí và vì lợi ích “ghế” của cá nhân lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị!

Nhớ lại thời ông Phùng Xuân Nhạ còn làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mà ngao ngán.

Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội bịa ra cái gọi là “nhiệm vụ chiến lược” đại loại là mỗi đơn vị trong ĐHQGHN phải lấy một chương trình đào tạo một ngành tương ứng của một trường đại học thuộc tốp 05 trường đại học đứng đầu thế giới mang về giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên mình.

Nhiệm vụ chiến lược đó được ông GS. TSKH. Vũ Minh Giang (lúc đó làm Phó Giám đốc ĐHQGHN) luôn bảo vệ với cái “ný nẽ” như sau: Ông Vũ Khoan (đã từng là Phó Thủ tướng) nói rằng để hội nhập quốc tế chỉ có hai cách, hoặc là mình làm cho thế giới thừa nhận mình, hoặc là mình phải làm theo thế giới, cách thứ nhất thì khó và mất thời gian, vậy chỉ còn lại cách thứ hai, cho nên mình phải lấy chương trình của họ về đào tạo và chứng minh với thế giới là mình cũng như họ.

Khi họp, do ông Nhạ chủ trì, tôi phát biểu nhiều vấn đề nhưng có một ý đại loại là không thể dạy luật Mỹ ở Việt Nam vì Mỹ có nhiều tiểu bang có luật lệ khác nhau và hầu hết theo truyền thống pháp luật án lệ mà khác nhiều với truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa và pháp luật xã hội chủ nghĩa, nên chỉ có thể dạy với tính cách tìm hiểu thêm và nghiên cứu chứ không thể dạy đồng loạt để hành nghề ở Việt Nam…

Ngay sau đó, dường như để nịnh Thường vụ Đảng ủy ĐHQGHN và để ra oai, Phùng Xuân Nhạ gay gắt nói: đây là nhiệm vụ chiến lược đã quán triệt; ai nói ngược lại là bị kỷ luật. Mọi người ngao ngán nhìn nhau và một vài người thông cảm nhìn tôi.

Nhiệm vụ chiến lược đó chết yểu. Nhưng Phùng Xuân Nhạ thì cứ thăng tiến lên Giám đốc ĐHQGHN, rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nay Vũ Minh Giang vẫn chễm chệ ngồi làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN dù đã qua tuổi nghỉ hưu hoàn toàn mấy năm nay rồi. Điều tệ hơn là cái hội đồng này làm được cái gì dưới sự dẫn dắt của vị GS. TSKH lịch sử này?

Còn vị thế của “tồng chí” Phùng Xuân Nhạ hiện nay thì chúng ta biết rồi. Ngay từ khi “tồng chí” được vào Trung ương, rồi làm bộ trưởng, nhiều người không hiểu nổi.

Để giúp cho công tác cán bộ (khâu then chốt của then chốt) được ngày một tốt hơn, nếu chỉ dùng một từ mà chỉ ra được nguyên nhân chủ yếu đưa “tồng chí” Nhạ lên chức, thì bạn chọn từ nào?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.