Bao giờ chúng ta nhìn thẳng vào sự thật?
Tác giả: Fabian Reinbold, Phóng viên chính trị CHLB Đức
Thuc Quyên, phỏng dịch
17-10-2022
Đây là một sự lừa dối lớn mà chúng ta đã kẹt vào, một sự phát triển đã đưa chúng ta ngập sâu trong sự phụ thuộc và có lẽ còn hơn thế, một tình huống dễ bị áp lực.
Trước khi ngưng đọc vì cho rằng chúng ta đã nói rất nhiều về những điều tương tự trong nhiều tháng qua, xin hãy để tôi nói rõ: Tôi không nói về Nga. Không, đây là một vấn đề lớn hơn. Nó mang tên Trung Quốc.
Như đã biết, nước Đức đã thoát dần khỏi sự lệ thuộc năng lượng nước Nga của Vladimir Putin, một tình trạng tồi tệ và chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả. Nhưng với Trung Quốc của Tập Cận Bình thì chúng ta không chỉ bị cột trong một lĩnh vực – sự vướng mắc phức tạp hơn nhiều. Chúng ta cần thị trường, cần nguyên liệu thô, cần sản phẩm trung gian.
Phần lớn tăng trưởng kinh tế của chúng ta và sự tồn tại của một số ngành công nghiệp chủ chốt đều gắn liền với Trung Quốc.
Và tuần này, chúng ta đang được chứng kiến thế nào là nước Trung Quốc của ông Tập.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập trung tại Bắc Kinh để họp Đại hội Đảng, theo quy trình 5 năm một lần. Thay vì để chuyển giao quyền hạn như thường lệ trong quá khứ, cuộc họp khổng lồ với 2.300 đại biểu vào năm 2022 này chủ yếu trao cho Tập Cận Bình nhiều quyền lực hơn nữa. Tuy trong thực tế, điều này khó có thể xảy ra vì người đàn ông 69 tuổi đã có nhiều ảnh hưởng như Mao Trạch Đông lúc cuối đời, và đã nắm quyền quyết định trong Đảng, quân đội và nhà nước (kể theo thứ tự quyền hạn tại Trung Quốc). Nhưng còn hơn vậy, vì giờ đây ông ta không chỉ được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba, mà kế hoạch lớn là bảo đảm Tập sẽ nắm quyền suốt đời.
Có thể có điều bất ngờ? Không, mọi bất ngờ đã được loại trừ! Quá trình của Đại hội Đảng đã được lên kế hoạch đến từng chi tiết nhỏ nhất – ngay cả rót trà cũng được phục vụ theo một “vũ đạo” đã được tập diễn.
Điều này gây ra những hậu quả khó chịu cho chúng ta và toàn thế giới.
Tương tự như Putin, nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã ảo tưởng về Tập sau khi ông ta đảm nhiệm các chức vụ cao nhất vào năm 2012. Họ gọi ông là một nhà cải cách, một người ôn hòa. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.
Tập Cận Bình đang phong tỏa đất nước của mình, đem chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến vào những lời khích động và đường lối chính trị, thay thế truyền thống kiềm chế trong chính sách đối ngoại bằng sự tàn nhẫn và tái vũ trang nhanh chóng. Tập mở đầu Đại hội Đảng bằng lời đe dọa tấn công quân sự vào Đài Loan, trước những tràng pháo tay như sấm nổ.
Một sự kiểm soát khét tiếng từ lâu đã tràn lan trong nước. Kẻ cai trị Bắc Kinh cũng đã khiến đất nước mình phải tuân theo chính sách không ngừng nghỉ Zero-Covid: Kiểm soát và giam giữ. Chỉ cần vài xét nghiệm dương tính là đủ để phong tỏa các thành phố và đưa hàng triệu người vào tình trạng cách ly cộng đồng. Không hy vọng có sự nới lỏng vì Tập đã cao giọng ca ngợi đường lối ứng xử này tại Đại hội Đảng.
Tập đã cho thế giới thấy rằng, không giống như với những người tiền nhiệm của mình, với Tập thì khi cần, sự phát triển kinh tế sẽ phụ thuộc vào hệ tư tưởng và chính trị quyền lực. Cái gọi là tư duy Tập Cận Bình đã được ghi trong hiến pháp và gần đây cũng đã được giảng dạy trong các trường tiểu học Trung Quốc.
Nền kinh tế Đức đã tự trói mình vào đúng ngay cái thị trường Trung Quốc ngày càng bất định này. Các nhà sản xuất xe hơi như Volkswagen và Mercedes từ lâu đã tạo ra khoảng 40% doanh số bán của họ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hội đồng quản trị Volkswagen cho rằng, việc vận hành một nhà máy ở tỉnh Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị áp bức tàn bạo, là không có vấn đề gì. Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF vừa xây một nhà máy khổng lồ ở Trạm Giang (Zhangjiang), miền nam Trung Quốc. Tất nhiên, sự hứa hẹn của lợi nhuận lớn do sản xuất rẻ và thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người Trung Quốc vẫn còn hấp dẫn. Nhưng các tập đoàn phải cấp tốc xem xét nghiêm túc các dấu hiệu cảnh báo từ một Trung Quốc ngày càng độc tài.
Tối thiểu thì nhiều công ty loại trung và chính phủ liên bang dường như có tiến thêm được một bước: Đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một bước ngoặt trong đường hướng chính trị với Trung Quốc.
Bộ Kinh tế của Robert Habeck (Bộ trưởng kinh tế CHLB Đức) đã từ chối bảo lãnh cho nhiều dự án lớn của các công ty đầu tư tại Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lần đầu tiên đặt ra một chiến lược với Trung Quốc, còn sẽ tiếp diễn ra sao thì thời gian mới trả lời.
Chúng ta sẽ có ấn tượng đầu tiên khi Thủ tướng Olaf Scholz đến Bắc Kinh vào tháng 11. Gần đây nhất, ông thủ tướng một lần nữa cảnh báo chống lại sự tách rời quá mạnh thị trường Trung Quốc. Liệu ông có thực sự nghiêm túc thi hành “bước ngoặt” với Trung Quốc?
Hy vọng rằng nhiều chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và cả người dân sẽ hết sức chú ý đến Bắc Kinh trong tuần lễ này. Vì trong tương lai, không ai được phép ngụy biện rằng mình không biết gì về những nguy cơ đến từ Trung Quốc trong thời đại mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.