Thông điệp nắn gân nhau trong cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ–Trung
Thanh Tâm (Theo BBC, NY Times, Washington Post, WSJ)
Những cảnh báo hai bên đưa ra trong cuộc điện đàm hơn hai tiếng giữa ông Tập và ông Biden cho thấy quan hệ Mỹ - Trung có thể thêm căng thẳng.
Trong cuộc điện đàm dài hai tiếng 17 phút ngày 28/7, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden nên thận trọng trong từng bước đi và chú ý đến lợi ích của Bắc Kinh trong những vấn đề mà họ xem là "thuộc về chủ quyền".
"Những người đùa với lửa sẽ bị bỏng. Hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập trong cuộc trao đổi.
Rupert Wingfield-Hayes, bình luận viên của BBC, cho rằng đây là cảnh báo ở cấp độ cao nhất Trung Quốc từng đưa ra đối với Mỹ. Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng phát đi những thông điệp tương tự liên quan đến vấn đề Đài Loan, nhưng đây là lần đầu tiên ông Tập nhắc nhở Mỹ về nguy cơ "bỏng tay khi đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan, khiến cảnh báo mang tính "nắn gân" này có sức nặng hơn rất nhiều.
Về phía Mỹ, Tổng thống Biden khẳng định Washington không tìm cách làm đảo lộn mối quan hệ hai nước, đồng thời cảnh báo cả hai bên đều không nên làm như vậy.
"Tổng thống Biden nhấn mạnh chính sách của Mỹ không thay đổi và Washington phản đối mạnh mẽ bất kỳ ai thay đổi hiện trạng hoặc làm suy yếu hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan", Karine Jean-Pierre, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói sau cuộc điện đàm.
Tổng thống Joe Biden điện đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 28/7. Ảnh: Zuma Press.
Cuộc điện đàm hôm 28/7 là lần trao đổi thứ năm của hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh đang ở thời điểm vô cùng nhạy cảm liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Căng thẳng đã tăng cao trong khu vực suốt nhiều tháng qua, khi Trung Quốc từ chối tham gia loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga. Bắc Kinh cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về kiểm soát eo biển Đài Loan, tăng cường hoạt động quân sự ở các vùng biển xung quanh và bị tố có hành vi nguy hiểm trong những lần chạm mặt máy bay Mỹ, Canada và Australia.
Hồi tháng 5, ông Biden tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công. Đây là lần thứ ba ông đưa ra tuyên bố như vậy kể từ khi lên nắm quyền, dù sau đó ông và các trợ lý khẳng định không thay đổi chính sách "mơ hồ chiến lược" lâu nay của Mỹ trong cam kết bảo vệ Đài Loan.
Tuyên bố của Tổng thống Biden khi đó nhận được sự hưởng ứng từ giới lãnh đạo Đài Loan cũng như những người có lập trường cứng rắn ở Washington, nhưng lại vấp phải chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh.
Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh về Đài Loan cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn ở mức cao, khi ông chủ Nhà Trắng tích cực tìm cách thay đổi chính sách đối ngoại, huy động sức mạnh của đồng minh, đối tác để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau nhiều thông tin rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan vào tháng 8. Dù chưa có thông báo chính thức, bà Pelosi đã yêu cầu các thành viên quốc hội khác cùng tham gia vào chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo trong 25 năm.
Thông tin về chuyến đi của bà Pelosi đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, khi Bắc Kinh cảnh báo Mỹ "sẽ gánh hậu quả" nếu Chủ tịch Hạ viện tới thăm Đài Loan, thậm chí để ngỏ "hành động quân sự"
Lời đe dọa này đã khiến Lầu Năm Góc phải lên phương án cho các biện pháp quân sự để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm nếu bà Pelosi quyết định lên đường. Nhóm tác chiến tàu sân bay tàu sân bay USS Ronald Reagan đã được lệnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông sau khi thăm cảng Singapore.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng những cảnh báo này được phát đi nhằm ngăn Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan, nhưng không có nghĩa Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp mạnh.
"Trung Quốc rõ ràng muốn bà Pelosi hủy chuyến thăm, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không muốn xung đột quân sự với Mỹ vào thời điểm này", ông nói.
Tuy nhiên, giáo sư Thời nhận định bầu không khí giữa hai nước đã "tồi tệ hơn nhiều" so với hồi tháng 3, khi hai lãnh đạo điện đàm với nhau.
"Nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, điều đó thực sự sẽ đẩy mọi thứ đến bên bờ vực và sẽ phá vỡ giới hạn an toàn của mối quan hệ", tiến sĩ Lu Xiang, giám đốc nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Hong Kong, một chi nhánh của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận lập luận rằng Tổng thống Biden không thể can thiệp vào chuyến thăm của bà Pelosi vì sự phân chia quyền lực trong chính phủ Mỹ, đồng thời coi chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ sẵn sàng xa rời nền tảng cơ bản trong mối quan hệ hai nước.
Tháng 8 cũng là thời kỳ rất quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Đây là thời gian các lãnh đạo nước này tổ chức cuộc họp bí mật ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, cũng như chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm. Quân đội Trung Quốc cũng sẽ kỷ niệm ngày thành lập vào 1/8.
"Trong thời điểm nhạy cảm đó, ông Tập có thể bị chỉ trích nếu không phản ứng mạnh mẽ khi vấn đề mà Trung Quốc coi là chủ quyền bị thách thức", Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall của Đức ở Mỹ, nói.
Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận định căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm tăng đáng kể nguy cơ dẫn tới tính toán sai lầm, thậm chí gây ra xung đột. Ông Wang cho rằng cuộc điện đàm hôm 28/7 là cơ hội để lãnh đạo hai nước đưa ra một số điểm thống nhất về Đài Loan và các vấn đề nhạy cảm khác.
Ngoài vấn đề Đài Loan, lãnh đạo Mỹ - Trung còn thảo luận về thuế quan được Mỹ tung ra dưới thời tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc điện đàm không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong lĩnh vực này, theo các quan chức Mỹ.
Trung Quốc cũng tỏ ra nhạy cảm với dự luật công nghiệp mà quốc hội Mỹ mới thông qua để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh và các bên sản xuất khác.
"Những nỗ lực tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các quy luật cơ bản sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Nó chỉ khiến cho kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn", tuyên bố của Trung Quốc nêu rõ.
Hai lãnh đạo cũng trao đổi về xung đột ở Ukraine, vấn đề đã làm phức tạp thêm mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng cũng không đạt bất kỳ bước đột phá nào, các quan chức Mỹ cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brasilia, Brazil, hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.
Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc nói chuyện giữa hai lãnh đạo là "hiệu quả", bình luận viên Wingfield-Hayes không nhận thấy bất kỳ tín hiệu tích cực nào cho quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai, ngoài một cam kết rằng hai lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp. Thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp chưa được xác định.
Khi hai lãnh đạo chỉ đưa ra những cảnh báo mà không tìm được tiếng nói chung sau cuộc điện đàm hơn hai tiếng, giới quan sát không khỏi lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, hy vọng Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tìm ra cách thức giúp hai bên tránh các tính toán sai lầm có thể dẫn đến sự cố, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
"Hậu quả một cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tàn khốc hơn nhiều so với cuộc chiến ác liệt ở Ukraine hay đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế thế giới sau đại dịch", ông Wyne nói.
T.N.
Nguồn: VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.