Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Câu chuyện không chỉ là ông Quyết

 

Câu chuyện không chỉ là ông Quyết

Đỗ Ngà

26-8-2022

Đăng ký vốn điều lệ tại Sở kế hoạch và Đầu tư khá lỏng lẻo, việc khai báo vốn điều lệ để lập công ty cổ phần được quy định nộp đủ giấy tờ và đóng lệ phí là xong. Tăng vốn điều lệ cũng thế, cũng chỉ là một mớ giấy tờ và lệ phí là xong. Sở Kế hoạch và Đầu tư không hề có kiểm tra tài chính doanh nghiệp. 

Như vậy về bản chất việc đăng ký vốn điều lệ hoặc tăng vốn điều lệ đều là khống. Việc đăng ký vốn điều lệ tại Thái Lan cũng thế, chỉ cần đủ thủ tục quy định và nộp lệ phí. Việc đăng ký vốn điều lệ lớn thì lệ phí cũng cao hơn.

Việc đăng ký vốn điều lệ là việc của các cổ đông trong Hội đồng quản trị, họ muốn khống thế nào cũng được, miễn sao họ đồng ý với nhau. Tuy nhiên khi cổ phiếu được chào bán ra công chúng thì anh phải bán “hàng thật”, tức là cổ phiếu ứng với vốn góp thật trong công ty. Sở giao dịch Chứng khoán là đơn vị xét duyệt doanh nghiệp có được phép lên sàn hay không. Nếu để lọt các báo cáo tài chính thiếu minh bạch thì điều đó đồng nghĩa với việc Sở giao dịch chứng khoán đã để cho doanh nghiệp bán cho công chúng tờ giấy lộn để thu tiền.

Như vậy, vấn đề lừa đảo của ông Trịnh Văn Quyết không phải bởi ông đăng ký vốn điều lệ khống, mà là báo cáo tài chính thiếu minh bạch. Nếu nói ông Quyết và các lãnh đạo tập đoàn FLC phạm tội lừa đảo thì các quan chức Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM HoSE cũng phải liên đới chịu trách nhiệm vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc thậm chí cố ý làm trái nếu đủ chứng cứ.

Cách làm báo cáo tài chính khống của Trịnh Văn Quyết khá đơn giản, vấn đề chỉ là bùa phép của kế toán. Nắm kế toán của tập đoàn là Trịnh Thị Minh Huế em gái ông Quyết. Ví dụ cổ đông góp vốn vào công ty là 4.300 tỷ đồng nhưng lại được cổ đông rút ra dưới dạng bút toán cho vay. Như vậy tiền vào công ty dưới dạng góp vốn và tiền ra dưới dạng cho vay chính cổ đông hoặc thậm chí cho vay chính công ty con của FLC trong hệ sinh thái của nó.

Ngoài dạng bút toán thì còn có dạng rút vốn dưới dạng ứng tiền trước, hay vay ngắn và dài hạn v.v… Như vậy chẳng ai góp vốn cả, cứ ghi khống góp vốn rồi ghi khống khoản đầu tư là có bản cân đối kế toán khủng. Mục đích là để qua mặt Sở giao dịch Chứng khoán chứ không phải qua mặt Sở kế hoạch và Đầu tư.

Vấn đề rất lớn là ở Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM. Mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM HoSE cũng để lọt lưới báo cáo tài chính khống của Tập Đoàn Tân Tạo ITA để bà Đặng Thị Hoàng Yến rút 2000 tỷ mang đi Mỹ một cách dễ dàng. Vì thế vấn đề ở đây là Sở Giao Dịch Chứng khoán.

Nếu Trịnh Văn quyết làm gian thì chỉ có cổ đông của FLC bi dính, còn nếu HoSE tắc trách thì có thể đã có hàng loạt FLC hay Tân Tạo đang lừa khách hàng bán giấy lộn thu tiền thật. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang là một mớ hổ lốn đầy đồ dỏm chưa bóc tem. Kinh thật!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.