Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Ai đủ khả năng giải cứu thị trường Bất động sản?

 

Ai đủ khả năng giải cứu thị trường Bất động sản?

Mai Bá Kiếm

25-8-2022

Ảnh chụp màn hình

Nông dân đầu tư trồng dứa, mít, dưa hấu, thanh long… chủ yếu để xuất sang Trung Quốc. Khi TQ bế quan, giá các trái này rẻ mạt, nên người dân còn “giải cứu” được.

Trái lại, Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dựa vào chính quyền giải tỏa đất của dân với giá rẻ mạt, hoặc mua đất “vàng” công sản không qua đấu giá để xây dựng BĐS bán giá cao, một vốn bốn lời là đầu cơ, không phải đầu tư. Khi Doanh nghiệp BĐS thổi giá đất lên trời, thì ngay cả nhà đầu cơ thứ cấp (mua rồi chờ giá lên bán lại) cũng không giải cứu nổi.

Vì vậy, BĐS đối nghịch với dứa, mít, dưa hấu, thanh long để kêu gọi người dân “giải cứu”, nên hai TS Cấn Văn Lực và Lê Xuân Nghĩa kêu gọi NHNN và Chính phủ “giải cứu” thị trường BĐS, cho dù các DN BĐS vẫn tiếp tục thổi giá BĐS. Nghịch lý cỡ đó mà hai TS vẫn nêu giải pháp trấn an các tài phiệt BĐS!

Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, nhưng hai TS vẫn đòi NHNN nới “room tín dụng” liền và ngay!

Trong 7 tháng đầu năm, Doanh nghiệp BĐS phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021, nên hai TS hối thúc Chính phủ phải ra được Nghị định 153 sửa đổi về phát hành TPDN, cũng như khuyến khích các DN lớn phát hành TPDN; xúi các Doanh nghiệp BĐS có dư nợ TPDN lớn mạnh dạn phát hành TPDN mới, hoặc bán các dự án, tài sản dở dang (làm như các dự án, tài sản rất dễ thanh khoản).

Nhưng, NHNN có dám nới “room” tín dụng BĐS không, vì nếu xảy ra hậu quả thống đốc NHNN phải chịu trách nhiệm với thủ tướng! Nếu NHNN cho nới, các NHTM có dám nới không, khi họ chịu trách nhiệm trước cổ đông?

Bộ Tài chính có dám trình chính phủ nghị định NĐ153 sửa đổi theo hướng khuyến khích các Doanh nghiệp lớn phát hành TPDN?

Xin lỗi, bộ trưởng Hồ Đức Phớc từng là tổng kiểm toán Nhà nước, đã cảnh báo tại QH ngày 4/01/2022: “Việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường và việc huy động TPDN có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN”.

Gần ba tháng sau, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt vì “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”. Một tháng sau, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì phát hành 9 đợt TPDN trái pháp luật. Sau đó, phó vụ trưởng UB Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Hùng bị bắt vì làm lộ bí mật công tác!

UB CKNN là cấp Vụ của Bộ Tài chính, liệu ông Hồ Đức Phớc có dám trình NĐ 153 sửa đổi theo “định hướng” của hai TS không? Ngày 4/1/2022, Ông Phớc nói tại QH: “Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định 153” mà đến giờ chưa có thì “ca này khó” nha!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.