Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Gửi quà thôi, có cần làm vậy không?

 

Gửi quà thôi, có cần làm vậy không?

Quỳnh Thư

(KTSG Online) – Hàng chục năm nay, chị là “khách hàng thân thiết” của một hãng xe nhận vận chuyển hàng hóa đến mọi miền đất nước. “Hàng hóa” của chị thường chỉ là những vật dụng thiết yếu dùng trong gia đình gửi từ thành phố này về cho người thân ở quê nhà. Trong số đó có thuốc men dành cho cha mẹ chị khi sức khỏe của ông bà đã có phần sút kém.

Nhiều năm trước, chị chỉ gửi quà về nhà qua một con đường duy nhất là bưu điện nhà nước. Nhưng từ khi chị biết đến dịch vụ vận chuyển của hãng xe tư nhân này, chị luôn dùng nó vì nhanh chóng, thuận tiện, giá cả phải chăng, phục vụ thì lại hơn hẳn các bưu cục. Đặc biệt là sau khi nhà xe nhận luôn phần phát chuyển tận nhà, chị vô cùng cảm ơn họ bởi lẽ cha mẹ chị không phải đến chỗ nhà xe nhận hàng nữa.

Trước đây, thủ tục gửi hàng cực kỳ đơn giản, chỉ cung cấp tên, số điện thoại người gửi; tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận. Còn hàng bên trong, họ chỉ yêu cầu không phải là chất lỏng vì khi vận chuyển có thể đổ ra ngoài ảnh hưởng đến các kiện hàng khác.

Kế đến, theo quy định của luật pháp, nhà xe yêu cầu khai báo chặt chẽ, cẩn thận hơn. Gần đây nhất, họ tiến thêm một bước nữa là yêu cầu phải được kiểm tra hàng hóa bên trong. Tuy cảm thấy hơi phiền vì không thể đóng gói cẩn thận theo ý mình bởi phải cho họ xem hàng, chị cũng tự nhủ thôi thì để ngăn chặn kẻ xấu, mình cần làm các thủ tục đó.

Tuy nhiên, gần đây báo chí đưa tin, từ ngày 1-9 tới, mỗi lần gửi hàng về nhà, chị phải cung cấp sáu loại thông tin cá nhân, trong đó có số căn cước công dân của người gửi và người nhận. Đến đây thì chị không khỏi băn khoăn. Không băn khoăn sao được khi nạn buôn bán thông tin cá nhân tràn lan trên mạng. Chỉ cách đây hơn 10 ngày, trong một phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, các đại biểu Quốc hội còn chất vấn người đứng đầu ngành công an về vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân được cho là rò rỉ từ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – Đào tạo(1).

Ba mươi triệu dữ liệu thông tin cá nhân tương đương với gần một phần ba dân số Việt Nam. Người dân cũng không thể nào biết được bọn tội phạm sẽ làm gì với các thông tin này. Thế cho nên, lo lắng của người dân như chị khách hàng gửi đồ cho gia đình nói trên khi phải cung cấp thông tin cá nhân cũng không thể nói là vô lý.

Thứ nhất, chị không rõ cung cấp thông tin về căn cước công dân để làm gì. Ngăn chặn buôn lậu đồ quốc cấm như ma túy ư? Chắc là bọn tội phạm không khờ khạo đến nỗi cung cấp thông tin thật để khi bị phát hiện cơ quan công lực sẽ tóm cổ chúng.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, nhà xe đã kiểm tra trước khi nhận hàng. Trừ phi hàng cấm được ngụy trang tinh vi, nhà xe phải chịu trách nhiệm, chứ không phải yêu cầu mọi người gửi hàng phải cung cấp thông tin cá nhân. Còn nếu ngụy trang tinh vi thì ngay cả cơ quan chức năng cũng khó phát hiện, nói gì đến nhà xe.

Thứ hai, nhà xe chỉ là một đơn vị kinh doanh tư nhân nơi cách hành xử của nhân viên trong vấn đề này thường hết sức lỏng lẻo. Làm sao buộc họ phải bảo vệ các thông tin này của khách hàng? Ngay cả các đơn vị có trách nhiệm của Nhà nước còn chưa thực hiện hiệu quả việc này. Bằng chứng là vụ 30 triệu dữ liệu thông tin nói trên còn đang điều tra. Và cũng không thể loại trừ hoàn toàn mối liên quan giữa chuyện này với các cuộc gọi “rác”, tin nhắn “rác” tràn lan khắp nơi gây phiền toái cho người dân.

Lâu nay, khi đề cập đến việc lộ thông tin cá nhân, các cơ quan chức năng đều đưa ra lời khuyên công dân phải biết ý thức tự bảo vệ thông tin của mình bằng cách chỉ tiết lộ thông tin cho các bên tin cậy. Như vậy, để người dân tự bảo vệ mình, cần hạn chế thấp nhất đến mức có thể việc tiết lộ thông tin cho các nơi không an toàn. Cũng thật khó nói các nhà xe là nơi an toàn để người dân có thể cung cấp thông tin cá nhân.

Thêm nữa, theo kế hoạch, đến năm 2024, Bộ Công an mới tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân(2). Nghĩa là cho đến nay, cơ sở pháp lý trong vấn đề này vẫn chưa đầy đủ. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước nên hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra quy định yêu cầu người dân phải tiết lộ thông tin cá nhân của mình, ít nhất cho đến khi luật nói trên ra đời.

Trở lại với nhân vật ở đầu bài viết, theo lời khuyên của cơ quan chức năng, chị rất ý thức tự bảo vệ mình, từ chối hết các chương trình khuyến mãi buộc phải cung cấp thông tin cá nhân. Chị nghe nói, căn cước công dân có thể thay thế cho 30 loại giấy tờ tùy thân, nên tầm quan trọng của nó còn hơn xưa nhiều. Do vậy, dù thời gian còn rất ít, chị vẫn mong các cơ quan liên quan xem xét lại yêu cầu cung cấp thông tin về căn cước công dân để mỗi khi gửi quà về nhà mình không phải lo chuyện họ sẽ làm gì với thông tin đó.

Với người dân bình thường như chị, tác dụng ngăn kẻ xấu của yêu cầu cung cấp thông tin thì chẳng được bao nhiêu, trong khi lo lắng thì nhiều.

(1), (2)https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-cong-an-dieu-tra-vu-rao-ban-30-trieu-du-lieu-thong-tin-ca-nhan-20220810074938509.htm

Q.T.

Nguồn: Thesaigontimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.