Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Về giáo dục: Ai cho tôi được làm người trung thực?

 

Về giáo dục: Ai cho tôi được làm người trung thực?

Chu Mộng Long

26-8-2022

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SGGP

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 25/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành uỷ TP.HCM, đề nghị ngành giáo dục thành phố phải quan tâm, phải nghĩ bắt đầu đổi mới hướng nào để thực hiện trung thực và dạy học sinh trung thực. “Phải dạy các cháu trung thực các đồng chí à“. (Trích Vietnamnet).

Phát biểu này được dư luận đánh giá cao ở cái tiền giả định: Lâu nay ngành giáo dục của thành phố HCM, và không chỉ thành phố HCM, nói rộng ra là cả ngành giáo dục, đã không dạy trẻ lòng trung thực.

Thực ra, trước đó, ngày 12.8, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học cũ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói: “Có đau cũng phải nói ra, ta chưa thực sự trung thực“.

Không biết ông Nên, ông Đam có đau thật không? Cá nhân tôi đau từ 30 năm nay, kể từ khi dấn thân sống chết với ngành giáo dục.

Cách đây hơn 15 năm, tôi phát biểu công khai: “Chúng ta đã không trung thực, nói thẳng là dối trá, thì không thể dạy con em chúng ta trung thực”. Câu này được một nguyên Phó Hiệu trưởng đưa vào đơn tố cáo tôi “phản động”, “chống phá”. Bây giờ thì tôi có được liều thuốc giảm đau khi ông Đam, ông Nên cũng “phản động”, “chống phá” như tôi.

Hôm qua một phóng viên phỏng vấn tôi, xin luôn những chứng cứ về đào tạo, về khoa học… nhân sau các phát biểu công khai của những người đứng đầu trên. Tôi từ chối và chỉ nói, mọi sự dối trá đều diễn ra nhãn tiền, chứng cứ thì hơn mười năm làm thanh tra, tôi có thừa, nhưng không thể cung cấp cho báo chí. Vì sao? Vì lý do đơn giản: Khi dối trá thành miếng cơm manh áo của cả đội ngũ giáo dục, tôi mà chống lại với bằng chứng cụ thể, khác nào tự tôi đưa thân vào giàn hỏa thiêu khổng lồ của sự dối trá?

Phóng viên không hiểu, tôi phải giải thích đơn giản thế này. Tôi đưa ra chứng cứ một vài trường hợp gọi là điển hình, lập tức cả một đám đông ai cũng thấy nó tố mình, thế là cái cỗ máy khổng lồ ấy sẽ nghiến nát tôi chứ không cần một quyền lực hiện hữu nào!

Bài này nói ngược một vế, cũng là chia sẻ nỗi đau đang bắt đầu nhói lên từ lãnh đạo. Rằng, không phải giáo dục không dạy trẻ lòng trung thực mà dạy rất nhiều nữa là đằng khác. Trong tất cả các bài học, ở trong môn Đạo đức công dân, Đạo đức chống tham nhũng, Đạo đức Hồ Chí Minh,… đều nói nhiều về lòng trung thực. Trong 5 phẩm chất, 10 năng lực của Chương trình 2018, cũng nhấn mạnh vào sự trung thực. Không có trang sách nào dạy sự dối trá cả!

Các bạn chắc còn nhớ một bài học trong sách Tiếng Việt, dẫn một câu chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng về lòng trung thực. Bài làm văn tả bố, các bạn đều làm được, làm tốt. Bố đứa nào cũng rất tốt, tốt hơn cả cái điếu văn trong mọi tang lễ. Nhưng có một em bé bỏ giấy trắng và bị điểm không. Cô giáo hỏi, sao em không làm bài? Em bé nói, vì em không có bố. Bố em đã hy sinh khi em mới chào đời. Một bạn khuyên, sao mày không tả bố của đứa khác? Câu chuyện rất xúc động về sự trung thực đấy chứ?

Tôi cứ nghĩ, thà là sách giáo khoa và các thầy cô dạy trẻ em sự gian dối, để sau này chúng hòa nhập vào sự gian dối, lấy gian dối đối phó với sự gian dối như một cuộc cạnh tranh sinh tồn, có lẽ sẽ tốt hơn. Trung thực như cái em bé kia chỉ có thể bị đày đọa cả đời và chết đói, chết ngạt, chết thiêu trong cái biển lửa của sự gian dối.

Tôi nói như vậy có nghĩa là, giáo dục dạy trẻ em sự trung thực, nhưng ai cho chúng làm người trung thực? Bởi chính những người dạy nói nhiều về sự trung thực, nhưng gần như mọi việc làm trước mắt những đứa trẻ ngây dại này toàn dối trá thì chúng biết tin vào đâu?

Cái lẽ đơn giản ai cũng hiểu. Một người cha, người thầy, một ông quan gian dối mà dạy trẻ, dạy dân sự trung thực, trẻ em và người dân không bị tẩu hỏa nhập ma thì cũng nghi ngờ về những điều được học. May mà khi lớn lên, ai cũng lo học tập và làm theo sự gian dối để sinh tồn.

Bây giờ thì chúng ta hình dung cái sự thực nhãn tiền, ai cũng biết và trẻ em nào cũng thấy.

Ngay từ khi bước chân vào nhà trẻ, khi trẻ em bị đánh đòn đến chấn thương, cô giáo đã răn đe: “Không được mách bố. Phải nói là con chơi bị té ngã nhé!” Khi có thanh tra của Sở, của Phòng, các em bé hay khóc hay hoạt động chưa tốt đều bị giấu vào chỗ kín để khoe ra, rằng trẻ em của nhà trường được chăm sóc và giáo dục rất tốt. Đến khi vào tiểu học và các cấp học cao hơn, ngoài chạy trường, chạy lớp, chạy điểm bằng phong bì, nhãn tiền nhất về cái gọi là giờ “dạy tốt, học tốt” bao giờ cũng được lựa chọn, sàng lọc và huấn luyện rất kĩ để đối phó, kết quả, những gì giả tạo nhất đều được đánh giá rất cao. Lãnh đạo Phòng, Sở cho đến Bộ đều dựa vào đó mà báo cáo thành tích. Bảng thành tích luôn 90 đến 99% khá và giỏi, nhưng đã có ai đánh giá cái đạt chỉ tiêu với thành tích ấy trung thực đến đâu trước khi lộ ra rất nhiều người học không biết gì.

Học theo mẫu, làm theo mẫu như một cái máy là trung thực hay giả dối?

Nhà trường thông qua Hội Phụ huynh, muốn tận thu các loại phí, nhưng bịa ra một mẫu đơn viết sẵn, ép buộc người ta ký vào sự tự nguyện đóng góp, là trung thực hay giả dối?

Tôi tham gia đề tài, dự án cấp bộ, thực nhận chỉ 30 triệu nhưng bắt buộc tôi phải ký nhận khống 300 triệu là trung thực hay giả dối?

Khi xảy ra vụ Việt Á, tôi từng nói, cả ngành giáo dục đang là một Việt Á khổng lồ, từ đào tạo đến nghiên cứu khoa học. Không tin cứ lật hết các công trình, hồ sơ khoa học của các giáo sư, tiến sỹ (chứ không cần nói đến sáng kiến kinh nghiệm hay luận văn cao học lèng phèng), có bao nhiêu công trình không đạo văn, bao nhiêu hồ sơ chân thực để đánh giá đúng thực chất và được trao học hàm học vị giáo sư, tiến sỹ? Đến một trường hợp tại Viện Ngôn ngữ học, sự đạo văn đã phô ra trắng trợn mà không có ai đủ tư cách xử lý, thì rõ là mức độ gian dối đã tràn lan.

Đáng sợ nhất là một khi sự gian dối đã tràn lan và trở thành miếng cơm, manh áo của số đông, trong đó có sự bảo kê của quyền lực, thì một tiếng nói, một việc làm trung thực ắt thành miếng mồi cho sự chụp mũ, bị quy kết thành “phản động”, “chống phá”. Không chỉ bị quyền lực trừng phạt đâu, cái đám đông sống bằng sợ gian dối kia sẽ hùa theo, ăn sống nuốt tươi sự trung thực ngay từ trong trứng nước.

Bắt trẻ em phải trung thực một cách ngây ngô để mình được tự do dối trá, có phải là sự khôn lỏi và lưu manh không? Chính cá nhân tôi, một người đầu đội trời chân đạp đất mà có lúc cũng phải đạp cứt, ngậm ngùi khen cứt thơm để còn sinh tồn đến hôm nay đấy!

Ở một cái xã hội mà gian dối sẽ có được điểm cao, được ghi vào học bạ năng lực và hạnh kiểm tốt, có được chỗ làm có nhiều tiền, được thăng quan tiến chức, được thành giáo sư, tiến sỹ dạy người khác sự trung thực, ngu gì không gian dối? Trung thực chỉ có bị thua thiệt, bị đoạ đày, thậm chí bị chê cười là ngu dại. Đau không?

Tôi mong ông Đam, ông Nên, nếu các ông có đau như tôi thì hãy nhìn nhận đúng sự thật và hành động quyết liệt. Hãy nói rằng, không phải giáo dục ta không dạy trẻ lòng trung thực mà dạy rất nhiều. Nhưng nghịch lý ở đây không đơn giản là nói một đằng làm một nẻo, sự trung thực chỉ ở đầu môi chót lưỡi, mà nguy hiểm hơn, người ta muốn trẻ em và người dân trung thực để mình được tự do gian dối. Giống như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng… dạy dân và công chức chống diễn biến, tự diễn biến, học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng các ông thì lại có quyền diễn biến, tự diễn biến, suy thoái đạo đức, lối sống đến cùng cực. Sự cơ hội và lưu manh đến mức biến mọi người trung thực một cách ngây ngô, khờ dại để kẻ cơ hội, lưu manh dễ dàng chăn dắt như chăn dắt đàn cừu, vắt sạch lông, sữa cừu và cả thịt cừu để trục lợi. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Không nhổ được cái gốc này, sự gian dối còn tràn lan như cỏ dại và hủy hoại dân tộc ngay từ bé mầm non.

Theo tâm lý học, trẻ em sinh ra vốn trung thực. Không cần dạy trẻ em nhiều về sự trung thực mà trước hết, lãnh đạo, người thầy và người lớn phải trung thực đã!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.