Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Giải tin giả và Ukraine (Phiên bản ông Lê Ngọc Thống – và cả Đại sứ quán Nga?)

 

Giải tin giả và Ukraine (Phiên bản ông Lê Ngọc Thống – và cả Đại sứ quán Nga?)

Nguyễn Quốc Tấn Trung

29-8-2022

Với sự xuống sức của Nga trên các mặt trận và khả năng tấn công của Ukraine vào Crimea – vùng mà Tổng thống Putin từng gọi là “vùng thánh địa” không thể đụng đến, các nhóm Putinistas Việt Nam lại dùng đến thứ mà họ có nhiều nhất – thông tin sai lệch.

Bài viết này sẽ chỉ ra một số tin giả từ một Facebooker, đồng thời bổ sung các thảo luận Công pháp Quốc tế liên quan để bạn đọc tiện đối chiếu. Hy vọng có thể được chia sẻ để chúng ta cùng nhau chống các chiến dịch disinformation của các nhóm Putinistas.

***

1) Facebook của ông Thống tuyên bố:

“Ông Sergei Kislitsa, Đại diện Thường trực của Tổ chức Độc lập tại LHQ, sau khi liệt kê các quốc gia ủng hộ tuyên bố, ông thay mặt các bên ký kết cho biết: “Chúng tôi vẫn cam kết với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận…”. Điều này có nghĩa là, với Crimea, Donbass và tất cả các vùng lãnh thổ khác không còn là Ukraine.” – Ông Thống “suy luận” (?!)

***

Trả lời:

Đây một vừa là tin giả, vừa là kiểu nói bừa của người không dành thời gian ra nghiên cứu công pháp quốc tế và các văn bản, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Cụm “internationally recognized borders of Ukraine” lần đầu tiên được sử dụng để không công nhận việc Kremlin sát nhập Crimea vào Liên bang Nga. Cụ thể, cụm này được sử dụng trong Nghị quyết A/RES/68/262 có tiêu đề “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” (Territorial integrity of Ukraine) hồi năm 2014.

Nghị quyết này phủ nhận tính pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea do Nga tổ chức, và từ đó khẳng định cả Crimea lẫn Sevastopol sẽ vẫn được xem là lãnh thổ Ukraine.

Cho đến thời điểm này, cụm “internationally recognized borders of Ukraine” được sử dụng xuyên suốt gần hàng chục nghị quyết của Liên Hiệp Quốc suốt 9 năm qua để khẳng định Crimea, Donbas hay tất cả các vùng lãnh thổ nào đang do Nga chiếm đóng đều là phi pháp, và Ukraine bảo toàn chủ quyền của mình trên những vùng này.

Không biết ông Thống đã đọc được bao nhiêu nghị quyết, và xem được bao nhiêu biên bản họp của Liên Hiệp Quốc để đưa ra nhận định giả như vậy.

***

2) Facebook của ông Thống tuyên bố:

“Thế giới đang chôn vùi Ukraine, Nga đang chiến thắng trong cuộc chiến giành lấy khối óc và trái tim của con người…”

Theo lý giải của ông này là bởi vì chỉ còn 54 thành viên của LHQ ủng hộ tuyên bố nào đó của Ukraine (mà ông này không dẫn nguồn).

Mình tìm trên Google 2s thì ra là tuyên bố chung của đến TẬN 54 nước về Ukraine, có tên: “Joint Statement on Six Months of Russia’s Full-Scale Invasion Of Ukraine” (24 tháng 8 năm 2022).

Và ngược lại với những gì ông Thống nói, đây là con số ủng hộ kinh khủng dành cho Ukraine, cân nhắc tính chính trị của tuyên bố.

Song trước tiên, ông Thống đưa ra nhận định là “chỉ còn 54 nước” ủng hộ Ukraine và Nga giành lấy trái tim, khối óc con người… vì ông chưa cân nhắc những kiến thức căn bản của Công pháp Quốc tế.

Một là Tuyên bố này là tuyên bố có tính chính trị, không đại diện pháp lý cho Liên Hiệp Quốc như một nghị quyết. Nói cách khác, những quốc gia phải có cam kết sâu rộng với Ukraine, có hữu hảo thân tình lắm với Ukraine mới dám đứng vào tuyên bố chung này.

Ngược lại, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (Như Resolution ES-11/1, thông qua với 141 phiếu thuận dành cho Ukraine và chỉ 5 phiếu chống vì bảo vệ Nga) thì có mục tiêu là khẳng định nguyên tắc pháp lý nói chung của pháp quyền thế giới, như không sử dụng vũ lực, không xâm lược, toàn vẹn lãnh thổ…

Nghị quyết của UNGA là một loại văn bản bán pháp lý, có tính thẩm quyền mà các quốc gia, miễn là ủng hộ pháp luật quốc tế, sẽ tham gia bỏ phiếu mà không cần quan tâm là họ có cam kết kinh tế, chính trị gì dành cho Ukraine hay không.

Hiểu đơn giản, hai văn bản không liên quan gì đến nhau, và dùng cho những mục tiêu khác nhau.

Một văn bản đại diện cho quan điểm pháp lý chính thức của đại đa số tuyệt đối của LHQ (cân nhắc chỉ có 5 quốc gia chống lại văn bản này), một văn bản có tính cam kết chính trị dành cho Ukraine (cũng có đến 54 quốc gia cam kết).

Thử hỏi Nga đưa ra tuyên bố chung xem có ai dám đứng chung hay không? Đó mới là vấn đề.

***

Thật ra nếu muốn biết Nga bị “chửi trên đầu trên cổ” và cô lập như thế nào, chúng ta chỉ cần lục meeting verbal record của các cuộc họp của Hội đồng Bảo an lẫn Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc để hiểu.

Nhưng chắc thôi theo dõi và đọc tài liệu thực tế vậy Putinistas lại bảo mình lý thuyết, không thực tiễn. Đọc tin giả và thiếu tri thức nền thế này nó mới thiết thực nhỉ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.