Mạc Văn Trang
18-8-2022
Mấy bạn bè cứ hỏi, sao không sống ở nước ngoài?
Tính mỗi người một khác, riêng tôi sống với quê hương đất nước gắn bó cả đời quen rồi, không muốn rời bỏ đi. Tôi vẫn thường nói, đất nước mình đẹp lắm, bị tàn phá bao nhiêu mà vẫn còn đẹp; dân mình dẫu không ít thói xấu, tật hư mà sao thật dễ thương. Chuyện mỗi gia đình, mỗi người dân đều như một thiên Tiểu thuyết!
Nói như Phạm Đoan Trang: Tự do cho mỗi mình tôi thì dễ lắm.
Đã hai lần vợ chồng con Hồng làm thẻ tạm cư cho tôi ở Ba Lan, nhưng mỗi lần ở một năm rồi lại về.
Năm 2010 cô Thuận và tôi có thẻ, ở BaLan, rồi ở Pháp, đi khắp các nước châu Âu; ăn Tết, gói bánh chưng… được hơn một năm thì về. Rồi sau đó không sang đổi thẻ, bỏ thẻ hết hạn.
Năm 2017, tôi lại sang Ba Lan, con lại làm thẻ. Các con bảo, mẹ Thuận mất rồi, bố có một mình ở đây với chúng con. Vợ chồng con lớn ở Ba Lan, vợ chồng con thứ hai ở Pháp, chúng nó đều có nghề nghiệp tử tế, đời sống sung túc, nhà cửa đàng hoàng tại Thủ đô; bốn đứa cháu đều giỏi giang và yêu quý ông bà. Nhưng tôi cũng ở một năm rồi lại về.
Ở Ba Lan rất thú vị, ít xã hội có cuộc sống thanh bình, nhân ái như vậy; đặc biệt từ một nước thoát khỏi CNXH, mà xây dựng được một đời sống dân chủ, nhân quyền thật đẹp đẽ. Môi trường tự nhiên thì tuyệt vời, muông thú hoang sống tự do bên cạnh con người.
Tôi không cô đơn, sống hòa nhập với cộng đồng người Việt, được nhiều người quý mến; những buổi tôi nói chuyện về Tâm lý – giáo dục được anh chị em tham dự rất đông vui. Viết bài cho tờ báo Quê Hương được nhuận bút. Nghiên cứu viết về người Việt ở Ba Lan cũng rất thú vị. Tôi còn có hai cô bạn đồng nghiệp Ba Lan xinh đẹp, hay gặp nhau trao đổi về nghiên cứu tâm lý, xã hội học cũng vui.
Ở Wazawa, cộng đồng người Việt có đến hơn một vạn người, sinh hoạt của người Việt chả thiếu gì. Ở trung tâm buôn bán của người Việt, có đủ thứ chả khác chợ Đồng Xuân Hà Nội. Hàng hóa thì khỏi phải nói, các món ăn thì đủ cả: bánh cuốn, bánh rán, bánh dày, bánh giò, bánh chưng, bún đậu mắm tôm, bún cá, bún mọc, phở gà, phở bò, xôi đậu xanh, xôi lạc, trứng vịt lộn, lòng lợn tiết canh…
Ở Warzawa mình ngại nhất là đi liên hoan: Mừng tân gia, mừng khai trương cửa hàng, đi ăn cưới, ăn giỗ, ăn mừng cháu thôi nôi, ăn các dịp Lễ, Tết; ăn nhân dịp gặp gỡ nhau… Mà bữa nào cũng thật nhiều món truyền thống Việt Nam, đúng nghĩa “mâm cao cỗ đầy”! Mọi người cứ ưu tiên gắp cho mình, như để an ủi, bõ những ngày đói khổ ngày xưa!
Cứ thế, chừng hai tháng mình tăng trọng thành hơn 80kg! Lần nào cũng vậy, về lại phải giảm cân.
Người già ở Ba Lan được nhiều ưu tiên: đi các phương tiện công cộng trong thành phố miễn phí; vào bảo tàng, vườn thú… vé đắt lắm, cũng miễn phí hết; chữa bệnh không mất tiền, mỗi người một giường mà do nhân viên y tế chăm sóc, con cháu chỉ được phép vào thăm.
Mình có đi thăm người bạn ở bệnh viện; một người ở trại dưỡng lão thấy rất ổn.
Nhưng mình cứ có một cảm giác lướng vướng trong tâm tư: Mình chả làm gì đóng góp cho đất nước người ta, giờ lại sang tận hưởng, nó làm sao ấy. Có lần đến chục ông bà già nhà mình rủ nhau đợi xe buýt, xe dừng, cả nhóm kéo lên, đã miễn phí, mà những người Ba Lan lại đứng lên nhường chỗ; thế rồi cả đám hồ hởi vào cửa miễn phí xem Triển lãm.
Thú thật mình cứ ngường ngượng làm sao ấy!
Đầu năm 2020, mình bảo Kim Chi, đến tháng 7 mình lại đi Ba Lan; Kim Chi bảo tháng 10 cũng đi Mỹ.
Thế rồi duyên số làm sao, hai đứa lấy nhau và mong ước sống cùng nhau, đi thăm hết đất nước mình, rồi cùng chết.
Nhưng vẫn muốn đi thăm các con ở Mỹ và châu Âu lần cuối nữa. Vậy đó, mà có mấy đứa hèn mạt, chuyên “suy bụng ta ra bụng người” bảo mình, viết bài chửi chế độ để kiếm mấy đồng đôla và mong được Mỹ nó cho cư trú (?).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.