Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Nhà hát Đầm Trị: Sinh cháu rồi mới sinh ông

 

Nhà hát Đầm Trị: Sinh cháu rồi mới sinh ông

Dương Quốc Chính

13-8-2022

Ảnh trên mạng

Vừa rồi Hội Kiến trúc sư Việt Nam mới có ý kiến về việc quy hoạch và thiết kế nhà hát này trong Công văn gửi HN. Ý kiến của Hội nghề nghiệp là rất quan trọng trong việc phản biện xã hội liên quan đến kiến trúc, quy hoạch. Hiện tại Hội Quy hoạch vẫn chưa lên tiếng. Trong công văn của Hội KTS Việt Nam, ký bởi ông chủ tịch Hội là Phan Đăng Sơn, có một số điểm đáng quan tâm như sau:

1. Ông Sơn “phân luồng” quan điểm bằng nhiều hình thức (?) và cho rằng luồng ủng hộ nhà hát ở Đầm Trị là nhiều hơn nhưng không tranh luận qua truyền thông, luồng không ủng hộ thì ngược lại. Không rõ ông phân luồng và thống kê số lượng bằng cách nào mà biết được như vậy?!

2. Ông Sơn cho biết: Việc lập và phê duyệt Quy hoạch tại vùng Hồ Tây và phụ cận (Quy hoạch phân khu 1/2000), điều chỉnh năm 2017 (Xác định đặt một nhà hát quy mô lớn, mới).

Ông không cho biết tên quyết định phê duyệt bản Quy hoạch điều chỉnh này, không hiểu do vô tình hay cố ý, nhưng mình vẫn tìm được nó, nó là Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 23/2/2017. Và mấu chốt vấn đề ở chỗ nội dung Quyết định này không hề liên quan gì tới việc đặt thêm nhà hát ở lô đất số 19 (chỗ Đầm Trị). Có nghĩa là cho đến 23/2/2017 thì nhà hát vẫn chưa hề xuất hiện ở bản Quy hoạch 1/2000 khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (bao gồm Quảng An).

Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, trong Quyết định 8665/QĐ-UBND, HN phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Quảng An, thì mới xuất hiện nhà hát quy mô lớn ở đây. Tức là nó chưa có trong Quy hoạch 1/2000 nhưng lại được có trong nhiệm vụ Quy hoạch 1/500?!

Xin lưu ý là Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt không phải là Quy hoạch được phê duyệt. Có nghĩa là nhà hát có nêu trong Nhiệm vụ quy hoạch mới chỉ là ý chí của tổ chức lập quy hoạch, đó chính là Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (xin phép không viết tắt!).

Thế nhưng, ngày 17/1/2017 Thành ủy HN đã ra Văn bản đồng ý chủ trương để tuyển chọn tư vấn thiết kế nhà hát này! Xin lưu ý là Quyết định phê duyệt Quy hoạch 1/2000 nói trên, cũng của HN, ra ngày 23/2/2017 vẫn chưa có nhà hát ở vị trí Quảng An. Đến ngày 17/5/2019 thì HN mới chính thức phê duyệt phương án kiến trúc nhà hát qua hình thức tuyển chọn (Một dạng chỉ định thiết kế, chọn một trong tối thiểu 3 phương án kiến trúc), là phương án chúng ta đang thấy trên báo của KTS Renzo Piano. Việc tuyển chọn này là kín, báo chí chỉ nhắc là Một KTS nổi tiếng người Ý sẽ thiết kế. Mình là KTS cũng như đa số anh em KTS khác đều không biết đến việc tuyển chọn này do không được truyền thông.

Xin lưu ý rằng chỉ đúng hai tuần sau đó thì Quốc hội ra Luật Kiến trúc (1/6/2019). Theo Luật Kiến trúc thì nhà hát nói trên BẮT BUỘC PHẢI THI TUYỂN KIẾN TRÚC. Thi tuyển kiến trúc phức tạp hơn tuyển chọn phương án kiến trúc rất nhiều lần, nhất là nếu thi tuyển quốc tế. Nên tạm hiểu là việc tuyển chọn nói trên là để CHẠY LUẬT KIẾN TRÚC.

Phải đến ngày 10/5/2021, hai năm sau khi tuyển chọn kiến trúc nhà hát, thì nó mới được hiện diện chính thức ở bản Quy hoạch 1/2000 Khu vực Hồ Tây và phụ cận (điều chỉnh tiếp cái đã điều chỉnh năm 2017 nói trên). Và đến hôm nay thì bản Quy hoạch 1/500 khu vực Quảng An, cụ thể hóa Quy hoạch 1/2000 nói trên vẫn chưa được phê duyệt. Nhưng ý kiến của ông chủ tịch Hội KTS vẫn coi phương án kiến trúc được tuyển chọn năm 2019 vẫn hợp pháp. Đây là vấn đề mà có thể ông Sơn chưa nhận thức đúng về pháp lý.

Về quy trình thì phải có Quy hoạch 1/2000 rồi mới có Quy hoạch 1/500 và sau cùng là công trình kiến trúc trong phạm vi quy hoạch, cũng có tình huống phải cập nhật kiến trúc vào Quy hoạch, nhưng chỉ khi chưa có Quy hoạch nhưng đã phải có kiến trúc, đây là có Quy hoạch rồi. Tức là coi Quy hoạch 1/2000 là ông thì Quy hoạch 1/500 là cha và công trình kiến trúc là cháu. Tuy nhiên, khi chưa có sự hiện diện ở cả cha và ông thì người ta đã đỡ đẻ đứa cháu rồi! Thông qua việc tuyển chọn phương án kiến trúc khi mới có văn bản đồng ý về chủ trương của Thành ủy HN! Tức là tuyển chọn trên đất giả định. Như vậy là trái với thông tư số 13/2016 TT-BXD hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn kiến trúc theo Luật Xây dựng và Nghị định 59. Có lẽ để trốn thi tuyển nên người ta đã phải sinh cháu trước ông!

Nói cách khác, phương án kiến trúc của Renzo Piano được tuyển chọn là trái với pháp luật hiện hành do việc tổ chức tuyển chọn là sai quy trình. Việc này cũng không có hậu quả quá nghiêm trọng nếu HN hủy bỏ kết quả tuyển chọn đó và thi tuyển lại sau khi Quy hoạch 1/500 được phê duyệt, cho đúng quy định của Luật Kiến trúc hiện hành. Renzo Piano là KTS tài năng, chắc ông vẫn thắng thi tuyển thôi, người giỏi thì đâu sợ thi.

Mình viết dài dòng như trên để anh em thấy rằng lâu nay dư luận bị bẻ lái sang bàn thảo về phương án kiến trúc lẽ ra chưa được phép có! Và Chủ tịch Hội KTS không rõ do vô tình hay gì mà cũng tham gia bẻ lái cho một phương án kiến trúc sinh ra trong hoàn cảnh trái luật như vậy?

Nói thêm về số phận các nhà hát ở HN. Cái nhà hát Thăng Long ở Đầm Trị có số phận rất long đong. Nguyên gốc nó được đặt ở mặt đường Phạm Hùng, gần bảo tàng HN, hình như giờ thành dự án Vinhomes! Sau đó được chuyển ra khu vực quy hoạch các trụ sở cơ quan cấp Bộ ở Tây Hồ Tây. Khi thi tuyển quy hoạch khu này các tư vấn cũng đưa vào đồ án.

Năm 2010, nhà hát Thăng Long đã có một cuộc thi rút gọn chỉ có hai ông sao KTS hàng đầu thế giới là Renzo Piano (thiết kế TT Pimpidou Paris và sân bay Kansai Nhật) và Sir Norman Foster (thiết kế sân bay Hongkong và vô vàn kiệt tác kiến trúc khác), kết quả là Renzo Piano đã thắng với phương án “lều vịt” mà mình đã viết status, do nó y chang cái lều canh vịt cắm nổi ngoài ruộng!

Vị trí nó nằm ở Tây Hồ Tây thì theo mình là cực phù hợp do nó bên cạnh một quần thể cao tầng của các bộ, thuận lợi giao thông công cộng do có kết nối cả tàu điện ngầm (tương lai) và cũng ngay ven Hồ Tây, hoàn toàn đáp ứng mong mỏi của bao chí sĩ yêu Opera muốn có nhà hát cạnh hồ như Marina Bay Sands của Singapore! Nhưng ông Sơn lại cho rằng vị trí đó không phù hợp mà không hề nêu lý do?! Mình tìm hiểu báo chí thì biết đó là do nhà hát lúc đó do Sở Xây dựng làm Chủ đầu tư và không có kinh phí xây dựng nên HN phải xã hội hóa nó, đồng thời hủy bỏ một dự án nhà hát khác là Hoa Sen ở Công viên Cầu Giấy.

Tại sao có cái mốc năm 2017? Đó là vì là thời điểm Chủ đầu tư dự án Hoa Sen đã chán cái đó, đòi bỏ, mà cái Thăng Long lại không có tiền xây cần xã hội hóa và lúc đó xuất hiện ÔNG MẶT TRỜI TỎA SÁNG!

Có lẽ ÔNG MẶT TRỜI nhận xã hội hóa nhà hát với điều kiện phải chuyển nó về Đầm Trị để góp phần làm tăng giá trị khu 58 Tây Hồ và giải quyết được bài toán tắc đường của dự án này. Ý tưởng này phát sinh từ năm 2017 và bây giờ đang chạy đua nước rút để tránh luật Đất đai 2023 sắp ban hành. Trước đã phải chạy luật Kiến trúc, giờ chạy tiếp Luật Đất đai, vất vả quá.!

Câu chuyện tiếp theo nó sẽ thế nào và âm mưu gì có thể ở sau thì hai status trước của mình đã viết rồi, không nhắc lại ở đây nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.