Di sản của Nguyễn Phú Trọng
Tác giả: David Brown
Song Phan, chuyển ngữ
8-11-2022
Một đánh giá miễn cưỡng đối với nhà lãnh đạo già của Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo 78 tuổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định rằng, ông sẵn sàng nghỉ hưu bất cứ khi nào Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý về một người kế nhiệm xứng đáng. Không nghi ngờ gì với cái gật đầu ngầm của Trọng, các nhà xuất bản nhà nước đang biên soạn những ấn bản dày đặc quà tặng với các bài phát biểu và bài viết trong suốt 55 năm sự nghiệp của ông.
Đặc trưng điển hình nhất của Trọng là nhà lãnh đạo lâu năm mà chẳng để lại dấu vết tầm cỡ lớn nào. Kiểu cách ông cụ và lối sống khiêm tốn của ông dễ gây lầm lẫn; ông cứng như đá. Trong suốt một thập niên, ông không hề khoan nhượng khi những nhân vật nặng ký trong đảng, thậm chí cả những người đồng chí lâu năm, được phát hiện là đã dùng sự ưu ái (ô dù) để đổi chác tiền bạc hoặc ‒ có lẽ tệ hơn ‒ bị phát hiện là lấy sự ngờ vực về học thuyết Mác-Lênin. Năm 2015, ông đã bóp nát âm mưu muốn thay ông làm Tổng Bí thư của thủ tướng đương nhiệm. Kể từ đó, không còn bị thách thức, Trọng đã nỗ lực hết sức để thanh lọc tham nhũng và kiểu suy nghĩ mơ hồ trong Đảng. Đó là một trận chiến không hồi kết.
Sau khi bị đột quỵ một thời gian vào năm 2019, Trọng đã đề xuất sát thủ trung thành của mình làm người kế nhiệm. Khi hầu hết các đồng liêu của ông trong Ủy ban Trung ương bị nghẹn họng về điều , Trọng quyết định rằng, dù có bị bệnh hay không, ông vẫn chưa sẵn sàng nghỉ hưu. Thay vào đó, ông đã vận dụng các quy tắc của đảng để bảo đảm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có ở vị trí lãnh đạo.
Bây giờ, khi thời điểm giữa nhiệm kỳ thứ ba đó đang đến gần, tất nhiên là các ứng viên kế nhiệm Trọng đang lập kế điều động một cách kín đáo. Dường như không ai trong số các ứng viên hàng đầu chia sẻ niềm đam mê cải cách của Trọng, mặc dù đó có thể là cái giá phải trả cho việc ông ta thoát khỏi đời sống chính trị một cách lịch lãm.
Cái gì thúc đẩy ông Trọng?
Những thành công và thiếu sót trong nỗ lực của Nguyễn Phú Trọng trong việc trấn áp các vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao đã được tường thuật rộng rãi, bao gồm cả ở đây. Ít thấy hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng là chiến dịch trong nội bộ Đảng của Trọng nhằm dập tắt xu hướng tiêu cực “tự diễn biến và tự chuyển hóa”.
Theo như những bằng chứng công khai, Nguyễn Phú Trọng chưa từng dao động trong niềm tin rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội ‒ kiểu Lênin, trong đó một đảng tiên phong “đưa quyền làm chủ của nhân dân thành hiện thực” ‒ mới có thể đưa Việt Nam đến “một kiểu xã hội mới về chất . . . có khả năng phát huy được sự sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân”.
Chưa hết, khi Trọng gần đến tuổi hưu sau một thời gian dài ‘phục vụ’ với tư cách là một nhà lý luận và giáo sư về ‘xây dựng đảng’, ông ta nhận thấy rằng đảng của Hồ Chí Minh đang mục ruỗng từ bên trong. Trong thời đại có nhiều cơ hội để ‘tự xử lý, các quan chức đang trở nên giàu có và những người dân thường đang mất niềm tin vào Đảng Cộng sản.
Theo tính toán của Trọng, việc chỉ nâng cao tính chính đáng trong hoạt động của Đảng là không đủ. Nó cũng phải chứng minh tính chính đáng về mặt đạo đức của mình bằng cách loại bỏ bọn sâu sa ngã.
“Một số lượng lớn cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”, ông nói tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi tháng 10 năm 2016. Họ đi xa đến mức “đòi ‘đa nguyên’, cổ xúy cho ‘tam quyền phân lập’, và ca ngợi ‘xã hội dân sự’… Họ lợi dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan tiêu biểu nhất của Đảng và trong những năm gần đây là cơ quan quyền lực nhất. BCH có khoảng 200 ủy viên, bao gồm một số khá lớn các lãnh đạo thành phố và tỉnh, các quan chức chính quyền trung ương và đại diện các doanh nghiệp nhà nước, cũng như các ủy viên đến từ các ban ngành trong trụ sở chính của Đảng. Đáp lại yêu cầu của Tổng Bí thư, họ đã thông qua Nghị quyết 4 hồi tháng mười 2016. Đó là một tài liệu dài cho phép ông có quyền làm (theo cách nói của ông) “đảo ngược sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống… trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý”.
Trái ngược với chiến dịch rất công khai của Trọng nhằm xác định và truy tố các quan chức tham nhũng, chiến dịch chống ‘tự diễn biến’ và ‘tự chuyển hóa’ đã được theo đuổi như một vấn đề nội bộ của đảng CSVN. Trọng giải thích rằng, sự tự tin thái quá thể hiện ở chỗ một cán bộ “muốn nói gì thì nói, nói trái điều lệ, trái cương lĩnh của đảng. Khi xảy ra chuyện đó, anh ta có còn là đảng viên nữa không, chưa nói là cán bộ?”
Nghị quyết 4 gần như ngay lập tức dẫn đến việc Đảng khai trừ một số trí thức phục vụ lâu năm có tư tưởng tự do. Các thành viên khác của đảng trở nên cẩn trọng hơn, ít nhất là khi phát biểu trước công chúng.
Truyền thông xã hội bị chế ngự; Xã hội dân sự bị kỳ thị
Nghị quyết 4 cũng nâng tầm nền tảng lý thuyết cho một động lực thành công phần lớn trong việc hạn chế các cuộc tranh luận tự do trên không gian mạng và gây ra sự nghi ngờ về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.
Đến năm 2016, cả Facebook và công ty con YouTube của Google đã trở nên rất phổ biến ở Việt Nam, là nơi đăng nội dung chỉ trích nhà nước. Chính quyền Hà Nội yêu cầu việc này phải dừng lại. Những gã khổng lồ truyền thông xã hội giải thích rằng việc kiểm duyệt nội dung là trái với chính sách của họ. Chính quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Cộng an) đã báo cho các công ty Việt Nam rút quảng cáo khỏi hai nền tảng (website) này. YouTube đã kịp thời tuân theo, thay vì để mất phần lớn thu nhập ở thị trường Việt Nam đang sinh lời. Facebook đã cố gắng thương lượng nhưng không có kết quả.
Từng chút một, Facebook và những công ty truyền thông xã hội đã nhân nhượng hơn là để đánh mất một thị trường được cho là trị giá khoảng một tỷ Mỹ kim hàng năm. Đến năm 2020, cơ quan chức năng của Việt Nam có thể báo cáo rằng, cả hai công ty này đã trở thành công dân internet tốt. Lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Truyền thông – Thông tin ca ngợi YouTube và Facebook đã kịp thời xóa các bài đăng được coi là thù địch hoặc xúc phạm do đội quân giám sát nội dung của chế độ điểm chỉ và hơn nữa là đình chỉ các tài khoản liên tục đăng nội dung đó.
Cũng sau khi Nghị quyết 4 được thông qua, các cơ quan đảng trở nên ít khoan dung hơn đối với các tổ chức xã hội dân sự không trực thuộc chính phủ. Truyền thông của Đảng khẳng định rằng, đây là những công cụ của “các thế lực thù địch” bên ngoài, nhằm phá hoại vai trò lãnh đạo của đảng CSVN và sự đoàn kết dân tộc, cũng như tuyên truyền các tư tưởng về tự do cá nhân, nhân quyền vốn có và hệ thống chính trị đa đảng.
Chiến dịch bêu xấu các nhóm xã hội dân sự của đảng và nhà nước trước hết cho thấy, sự đàn áp tăng cao đối với một nhúm nhỏ các công dân cấp tiến, dám phản đối đường lối chính trị của chế độ. Vài trăm người hiện đang thụ án tù vì hoạt đông chống đối của họ; những người cùng ý khác đã trở nên cẩn trọng hơn.
Hơn nữa ‒ và điều này là mới ‒ các cơ quan của Đảng đã bắt đầu gộp chung những người phản đối chính trị với rất nhiều người khác vốn chọn cách làm việc trong các nhóm tự nguyện, độc lập với sự lãnh đạo của Đảng nhưng thường hợp tác với các văn phòng chính phủ, để đạt được các mục tiêu xã hội đa dạng như chống ngược đãi trẻ em, ủng hộ quyền động vật, hoặc phân phát thực phẩm cho những người có nhu cầu.
Các nhà lãnh đạo của một số tổ chức xã hội dân sự từng hợp tác với chính phủ ở cấp quốc gia đã bị bắt hồi đầu năm nay. Nổi bật nhất trong số đó, người sáng lập và lãnh đạo nhóm vận động chính sách môi trường, Green ID, đã từng cộng tác chặt chẽ với văn phòng Thủ tướng Chính phủ trong việc lập kế hoạch chuyển đổi nhiều năm cho Việt Nam, từ phụ thuộc vào than sang dựa vào năng lượng mặt trời và nguồn tài nguyên gió dồi dào của đất nước. Bị kết tội trốn thuế hồi tháng 6, cô ấy đang phải thi hành án tù hai năm.
Sự kết thúc của một kỷ nguyên?
Phần lớn các đồng liêu lãnh đạo đảng CSVN của TBT Trọng đã đồng ý vào năm 2011, 2016 và một lần nữa vào năm 2021 rằng ông ta là người “đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống… trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Vẫn không thiếu củi cho ‘vào lò’ của Trọng. Nói một cách đơn giản, nhà lãnh đạo Đảng đã làm lẫn lộn những người hoài nghi, cho rằng các chiến dịch của ông sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và chỉ nhắm vào các đối thủ của ông và đồng bọn của họ.
Chỉ có thời gian mới biết được Trọng có ngăn chặn được sự thối nát trong nội bộ Đảng hay chỉ đơn giản là làm chậm lại. Thành công hay không, Trọng đáng khâm phục theo cách riêng của ông ta. Ông ta là một tín đồ thực sự trong một thời đại hoài nghi, ngoan cường trước mặt với nỗi thất vọng dai dẳng. Ông ta là một nhà lãnh đạo điển hình qua cách làm việc mà ông mong được làm khuôn mẫu cho cấp dưới của mình.
Trong một sơ lược tiểu sử gần đây, Reuters mô tả hình ảnh của Trọng là “hình ảnh của một người ghét sự thái quá, từ chối những món quà Tết Nguyên đán đắt tiền từ bạn bè”. Ông bà Trọng sống trong một biệt thự khiêm tốn, cạnh một trong những hồ nước ở Hà Nội, cách văn phòng làm việc một quãng đường lái xe ngắn. Hai người con của họ, được cho là quan chức, không hề được báo chí Việt Nam nhắc đến.
Lãnh đạo đảng ba nhiệm kỳ của Việt Nam không còn khỏe mạnh nữa: Sự chú ý mà các tờ báo Việt Nam dành cho chuyến đi trong ngày được sắp xếp cẩn thận gần đây đã gián tiếp đưa ra cái nhìn đó. Đây là lần đầu tiên ông Trọng ra khỏi Hà Nội kể từ khi ông bị đột quỵ hồi tháng 4 năm 2019. Ông đi ô tô đến Yên Tử, một cụm chùa cách Hà Nội 130 km về phía đông, gắn liền với vị vua thông tuệ Trần Nhân Tông hồi thế kỷ 13.. Có lẽ đây là một cơ hội tốt để ông cầu xin Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN sẽ chọn được một Tổng Bí thư kế nhiệm, đáp ứng các tiêu chuẩn của ông.
_______
Tác giả: Ông David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là một cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel. Ông có nhiều bài viết về các vấn đề chính sách công ở Việt Nam. Bản dịch này đã được ông Brown chỉnh sửa, dành cho độc giả người Việt, có thể có vài chi tiết khác với bản tiếng Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.