Jackhammer Nguyễn
18-8-2022
Câu chuyện ông Bùi Chát bị các tay cộng sản thành Hồ bắt phải hủy tranh của ông với lý do ông triển lãm tranh “không xin phép”, thể hiện rất rõ bản năng bạo lực và thù vặt của những người cộng sản.
Hãy cứ tạm chấp nhận rằng triển lãm tranh chỗ công cộng mà không xin phép là “phạm luật” của những người cộng sản … đặt ra, mà nếu tôi nhớ không lầm thì còn một cái luật gì đó nữa, là hễ tụ tập ba người trở lên là … vi phạm pháp luật rồi. Nhưng chắc chắn không có luật nào nói rằng, tranh trừu tượng là phạm luật cả.
Sự việc ông Bùi Chát bị phạt, rồi bị bắt hủy tranh, chẳng qua là vì ông là ông… Bùi Chát!
Ông Bùi Chát vốn cùng một số người đồng chí hướng lập nhóm Mở Miệng, rồi nhà xuất bản Giấy Vụn, thách thức sự thống trị tư tưởng, sự kiểm soát trí não của những người cộng sản.
Công việc của ông Bùi Chát cùng các đồng chí xem như thất bại cũng khá lâu rồi. Không mấy người thuộc lớp tinh hoa của xã hội Việt Nam hưởng ứng, tầng lớp lao động đông đúc thì lại càng không. Ông Bùi Chát làm những việc khác kiếm sống, rồi vẽ tranh.
Thế nhưng, đối với các nhà lãnh đạo cộng sản, ông Bùi Chát mang một cái “dớp” là sự thách thức của ông đối với chế độ. Hành động ra lệnh hủy tranh của các tay lãnh đạo thành Hồ có thể được diễn nôm thế này: “Mày dám chống tao à, tao cho mày chết!”
Nếu như mấy chục bức tranh trừu tượng ấy cũng được trình bày không xin phép, nhưng người vẽ lại là hai tay “nghệ sĩ nổi tiếng” bị tình nghi hiếp dâm vừa qua ở Tây Ban Nha, thì chắc hẳn là không có chuyện gì xảy ra, vì hai tay ấy là người “phe ta”, tức là phe cộng sản. Họ không bao giờ chống Đảng, họ chỉ nhỡ chút thú tính, mà thú tính thì đâu có hề chi đối với Đảng!
Nói vậy thôi, chứ hai “nghệ sĩ nổi tiếng” ấy chẳng … “trừu tượng” tí nào đâu, họ rất thực tế, thực tế như bao nhiêu đảng viên cộng sản hiện nay. Không thực tế thì làm sao họ có tiền đi du lịch Tây Ban Nha, trong khi cả triệu đồng bào của họ bỏ chạy tán loạn vì đói trong đại dịch vừa qua!
Hãy trở lại chuyện ông Bùi Chát bị bắt phải hủy tranh. Người cộng sản vốn chủ trương bạo lực cách mạng, cho nên tất cả các hành xử của họ khi cai trị xã hội đều mang màu sắc bạo lực. Giờ đây họ không còn có thể bắt người ta vào những khu kinh tế mới như thời gian sau tháng 4 năm 1975 ở miền Nam, nhưng màu sắc bạo lực của họ vẫn còn khắp nơi. Họ rất thích cấm đoán, có luật hay không có luật… do chính họ đặt ra. Họ cấm cả những điều không thể cấm được, như là cấm những bài hát chẳng hạn, như câu chuyện xảy ra gần đây, vụ bà Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, vốn bị họ cấm.
Sự kiểm soát xã hội của chế độ toàn trị, cũng xuất phát từ những ý tưởng bạo lực ấy mà ra.
Thật ra bạo lực cai trị không phải là độc quyền của người cộng sản, mà trong lịch sử nhân loại cũng có nhiều. Có thể kể ra một vài sự việc liên quan đến đàn áp văn hóa tư tưởng trong lịch sử từ xưa đến nay, như Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, đảng Quốc Xã Đức đốt sách (rất nhiều sách bị đốt trong Đêm Thủy Tinh, là sách … cộng sản), Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, Taliban phóng hỏa tiễn phá hủy tượng Phật (các cán bộ cộng sản Việt Nam cũng từng phá hủy tượng Phật sau năm 1954 ở miền Bắc), Joseph McCarthy ở Mỹ truy bắt giới trí thức bị chụp mũ cộng sản, cánh hữu Mỹ hiện nay đang hủy sách ở một số vùng quê nghèo khó…
Mẫu số chung của những vụ bạo lực tư tưởng này là nó nảy sinh khi có biến động xã hội, một sự bế tắc trong một môi trường tri thức nghèo nàn. Chủ nghĩa cộng sản, nói đúng hơn là mô hình toàn trị cộng sản của Lenin ra đời trong một không gian bế tắc và nghèo nàn ấy của nước Nga nghèo đói và đen tối.
Mô hình này khi được nhập cảng vào Á Đông, gặp ngay mảnh đất màu mỡ là sự hủ lậu đầy bạo lực của các xã hội “truyền thống” như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Và điều đó dẫn đến tình trạng như ngày nay, là người ta không biết đâu là cái trứng, đâu là con gà. Hãy theo dõi cách người Việt ca ngợi các tay lãnh đạo có khuynh hướng bạo lực và độc tài như Donald Trump, Vladimir Putin… thì rõ.
Mà phàm các tay ưa bạo lực cũng thường có tính cách nhỏ mọn, thù vặt. Không cần phải kể ra đây những cung cách đối xử của Trump, Putin với các đối thủ chính trị, với “đồng minh” của mình trong thời gian vài năm qua.
Sự thách thức tư tưởng của nhóm ông Bùi Chát đã thất bại, nhưng ông cũng như những ai dám thách thức tư tưởng của chế độ sẽ phải tiếp tục hứng chịu những đòn thù… vặt như chuyện các bức tranh vô tội của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.