Trung Quốc: Tàn cuộc trỗi dậy
1-10-2021
Tác giả: Michael Beckley và Hal Brands
Chuyển ngữ: Sinh Saigon
Lời người dịch: Ngày 24/9/2015, giáo sư Graham Allison, thuộc Đại học Havard, dùng cụm từ “Bẫy Thucydides”, để nói đến tiềm năng xảy ra chiến tranh giữa một thế lực đương vị và một thế lực đang lên, như Sparta đã lâm chiến với Athens thời cổ Hy Lap, theo sử gia Thucydides.
Từ đó đến nay, “Bẫy Thucydides” đã thường xuyên được dùng để chỉ tiềm năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc – một siêu cường đương vị, đại diện cho hiện trạng, và một siêu cường đang lên, muốn thay đổi hiện trạng.
Nhưng đúng sáu năm sau, đến ngày 24/9/2021 vừa qua, trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ), hai tác giả Hal Brands, giáo sư Đại học Johns Hopkins, và Michael Beckley, giáo sư Đại học Turfs, cho rằng, nhận định về Bẫy Thucydides của Allison là “sai lầm”. Cả hai cũng là tác giả bài báo được dịch ở đây.
Trong bài báo đăng ngày 24/9, hai giáo sư cho rằng một siêu cường “đang lên” không nguy hiểm bằng một siêu cường “đã lên tới đỉnh” và bắt đầu xuống. Vì khi đang lên, họ cần bình ổn để hùng mạnh hơn nữa, như Đặng Tiểu Bình từng muốn giấu mình chờ thời. Còn khi các điều kiện giúp phát triển thần tốc không còn, suy thoái trầm trọng kéo dài, cộng thêm đông đảo đối thủ hợp lực chống mình, thì đó là lúc siêu cường trở nên rất nguy hiểm, vì họ có thể liều lĩnh để cứu vãn tình thế, trước khi quá trễ, như Đức và Nhật đã từng gây chiến để thoát hiểm, thời Thế Chiến II. Và xét về tiềm lực, thì không phải Mỹ, mà Trung Quốc mới là siêu cường đã lên tới đỉnh và có vẻ rất khó chấp nhận kết quả đau thương của viễn cảnh suy tàn cận kề.
Bài báo được dịch ở đây, đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 1/10/2021, nói rõ hơn về tiềm lực đang cạn dần của TQ hiện nay, và kêu gọi Mỹ đừng vội lạc quan, mà càng phải thận trọng.
Đây là một quan điểm đáng tham khảo, trong nhiều quan điểm khác nhau của giới học giả phương Tây về tương quan Mỹ – Trung ngày nay.
***
Nhiều người ở Washington và trên thế giới hiện đang có cùng suy nghĩ rằng, Trung Quốc đang lao nhanh qua mặt Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden có lần còn nói: ”Nếu ta không hành động, họ sẽ xơi mất bữa cơm trưa của ta”. Theo lời một nhà ngoại giao châu Á, nhiều nước ở khắp nơi cũng đang chuẩn bị cho ngày mà Trung Quốc trở thành “số một”.
Quan điểm trên thật ra cũng có nhiều căn cứ: GDP của Trung Quốc (TQ) tăng 40 lần từ năm 1978. TQ tự hào vì có dự trữ ngoại tệ và thặng dư mậu dịch lớn nhất thế giới, có nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tính bằng sức mua tương đương, và có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới nếu tính bằng số tàu bè. Trong khi Mỹ quay cuồng trong hỗn loạn khi triệt thoái khỏi Afghanistan, TQ vẫn hung hăng lấn tới nhằm xây dựng một châu Á thân Trung và thay thế Washington ở vị trí đầu bảng toàn cầu.
Nhưng, nếu Bắc Kinh có vẻ đang hối hả vội vàng, thì đó là vì cuộc trỗi dậy của họ gần như đã kết thúc. TQ trỗi dậy liên tiếp mấy thập niên nhờ thuận buồm xuôi gió, nhưng giờ đây gió đã thành gió chướng. Chính quyền TQ đang che giấu sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng, và đang trượt dài vào chủ nghĩa toàn trị, tuy cứng rắn nhưng dễ vỡ. Đất nước này đang phải chịu đựng nạn khan hiếm tài nguyên trầm trọng, và đối mặt với sự sụp đổ dân số thời bình tồi tệ nhất lịch sử. Cũng quan trọng không kém là TQ đang đánh mất cảm tình của thế giới, vốn đã giúp họ phát triển.
Có thể nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ “Trung Quốc trên đỉnh”. Bắc Kinh là một thế lực mạnh mẽ, không chấp nhận nguyên trạng, muốn tái tạo thế giới theo mô hình của mình, nhưng thời gian để họ làm điều đó đang mất dần. Khi nhận ra điều này, Washington thật ra không nên lạc quan tếu, mà ngược lại. Các cường quốc đã trỗi dậy một thời, thường trở nên rất hung hãn ngay khi vận hạn của họ suy tàn và kẻ thù ngày càng đông. TQ đang ở trong một chuyển động hình cung vốn có cái kết bi kịch: Một cuộc trỗi dậy chóng mặt theo sau là nguy cơ ngã một cú rất đau.
Thời của phép lạ
TQ đã trỗi dậy quá lâu đến nỗi nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc trỗi dậy kia là tất yếu. Nhưng, thật ra những thập niên hòa bình và thịnh vượng vừa qua chỉ là một biến động bất thường của lịch sử, được một số xu hướng ngắn hạn tạo ra.
Đầu tiên, TQ được hưởng lợi từ môi trường địa chính trị nói chung an toàn, và một quan hệ thân thiện với Mỹ. Trong hầu hết lịch sử hiện đại của mình, vị trí địa lý hớ hênh, ở ngay bản lề giữa lục địa Á-Âu và Thái Bình Dương, đã buộc vận mệnh TQ vào thế xung đột và khó khăn. Từ Chiến tranh Nha phiến Lần I năm 1839 đến kết thúc Nội chiến Trung Hoa năm 1949, các thế lực đế quốc đã xé nát đất nước này. Sau khi thống nhất dưới quyền cộng sản năm 1949, TQ phải đối mặt với sự thù nghịch dữ dội từ Mỹ; tiếp đến, TQ phải chịu đựng sự thù nghịch của cả hai siêu cường sau khi liên minh Trung-Xô sụp đổ vào thập niên 1960. Bị cô lập và bao vây, TQ ngụp lặn trong trong nghèo đói và xung đột.
Việc mở lại quan hệ với Mỹ năm 1971 phá vỡ mô hình hoạn nạn này. Bắc Kinh bỗng nhiên có một đồng minh siêu cường. Washington cảnh báo Moscow không được tấn công TQ và nhanh chóng thúc đẩy cuộc hội nhập của TQ với thế giới bên ngoài. Đến giữa thập niên 1970, TQ có ổn định nội bộ, có thể tiếp cận thị trường và vốn đầu tư nước ngoài – và điều đó diễn ra vào thời điểm có thể nói là hoàn hảo. Vì hoạt động thương mại thế giới, từ 1970 đến 2007, đã tăng vọt gấp sáu lần. TQ cứ việc nương theo đà phát triển đó của toàn cầu hoá và trở thành xưởng gia công của cả thế giới.
Trung Quốc có thể làm như thế vì chính quyền TQ lúc bấy giờ hầu hết đều quyết tâm cải cách. Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra giới hạn nhiệm kỳ và những hạn chế khác đối với các lãnh tụ tối cao. Đảng cũng tưởng thưởng người có năng lực và những thành tích kinh tế tốt. Các cộng đồng nông thôn được phép lập ra những doanh nghiệp có cơ cấu thông thoáng. Các đặc khu kinh tế được mở ra khắp nước và doanh nghiệp nước ngoài được phép hoạt động tự do. Để chuẩn bị tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Bắc Kinh đã chấp nhận áp dụng hệ thống luật lệ và thuế khóa hiện đại. Nói tóm lại, TQ có một gói chính sách đúng đắn để có thể phát triển trong một thế giới rộng mở.
TQ cũng có dân số phù hợp. Họ hưởng được thành quả lớn nhất từ dân số trong lịch sử hiện đại. Vào 10 năm đầu thế kỷ 21, họ có tỉ lệ là 10 người trong độ tuổi lao động trên mỗi người cao niên. Trong khi ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, trung bình tỉ lệ này là khoảng 5 trên mỗi người cao niên.
Lợi thế dân số vừa kể là kết quả của những biến chuyển chính sách lớn lao. Trong thập niên 1950 và 1960, ĐCSTQ khuyến khích phụ nữ sinh càng nhiều con càng tốt, để bù đắp dân số sụt giảm do chiến tranh và nạn đói. Điều này khiến dân số tăng lên 80% trong 30 năm. Nhưng đến cuối thập niên 1970, Bắc Kinh bắt đầu xiết chặt, giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con. Kết quả là trong thập niên 1990, và những năm đầu thế kỷ 21, TQ có một lực lượng lao động khổng lồ, so với số người cao niên và thiếu nhi ít ỏi họ cần chăm sóc. Chưa dân số nào trên thế giới xưa nay ở vị trí tốt hơn và có năng xuất tốt hơn như vậy.
TQ cũng không cần bên ngoài giúp đỡ gì nhiều để cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho dân và cung cấp hầu hết nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp. Với tài nguyên sẵn có, với lương lao động thấp, cùng các quy định lỏng lẻo về bảo vệ môi trường, TQ đã trở thành một trung tâm công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn lao.
Vận may đảo ngược
Nhưng, vận đỏ mỗi-thời-chỉ-một ấy không tồn tại mãi mãi. Trong 10 năm vừa qua, những lợi thế trước đây từng giúp TQ vươn cao, nay lại trở thành những trở lực kéo TQ xuống thấp.
Đầu tiên, phải kể đến việc TQ cạn dần tài nguyên. Một nửa sông ngòi ở TQ đã biến mất, ô nhiễm đã biến 60% nước ngầm “không còn phù hợp để con người tiếp xúc”, và đó là con số được chính phủ công bố. Công cuộc phát triển chóng mặt đã biến TQ thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. An toàn lương thực cũng đang xuống cấp: TQ đã phá huỷ 40% đất nông nghiệp, vì sử dụng quá mức, và trở thành nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Một phần do khan hiếm tài nguyên, tăng trưởng trở nên quá đắt đỏ: TQ phải đầu tư gấp ba lần vốn để có được mức tăng trưởng như trong những năm đầu thế kỷ 21, đắt hơn nhiều với dự kiến ở bất cứ nền kinh tế trưởng thành nào.
TQ cũng đang dần thiếu người, do hậu quả của chính sách một con. Giữa những năm 2020 và 2035, TQ sẽ mất đi khoảng 70 triệu người lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi. Nói cách khác, TQ sẽ mất đi một số lượng người tiêu dùng, đóng thuế và lao động ngang với dân số nước Pháp, cùng lúc lại có thêm số người hưởng trợ cấp xã hội đông ngang dân số Nhật Bản, và tất cả diễn ra chỉ trong 15 năm. Rồi sau đó, từ năm 2035 đến 2050, TQ sẽ mất thêm 105 triệu người lao động và có thêm 64 triệu người cao tuổi nữa. Hậu quả kinh tế của điều này sẽ thật khốc liệt. Các dự báo hiện nay cho rằng, các khoản chi tiêu liên quan đến tuổi tác dân số phải tăng gấp ba lần vào năm 2050, từ 10% lên đến 30% GDP. Để dễ hình dung, nên biết rằng tổng chi tiêu của chính quyền TQ hiện nay cũng chỉ ở khoảng 30% GDP mà thôi.
Giải quyết những vấn đề nêu trên là đặc biệt khó khăn, vì TQ đang được cai trị bởi một nhà độc tài, thường xuyên hy sinh hiệu quả kinh tế cho quyền lực chính trị. Doanh nghiệp tư nhân là nơi tạo ra hầu hết sự thịnh vượng của TQ, nhưng dưới triều đại Tập Cận Bình, doanh nghiệp tư nhân lại lâm vào cảnh đói vốn. Ngược lại, những doanh nghiệp quốc doanh kém hiệu quả lại nhận được 80% vốn vay và trợ cấp chính phủ. TQ tăng trưởng bùng nổ nhờ có đội ngũ doanh nhân ở địa phương làm mũi nhọn, nhưng chiến dịch chống tham nhũng của Tập lại làm cho những tài năng địa phương lo sợ, không dám tham gia những thử nghiệm kinh tế đột phá nữa. Chính quyền của Tập trên thực tế đã đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tin tức tiêu cực về kinh tế, biến những cải cách thông minh trở nên bất khả thi, trong khi hàng loạt quy định mới, thuần vì lý do chính trị, càng làm thui chột thêm những sáng kiến mới.
Khi TQ ngày càng trở nên cứng rắn và độc tài hơn, thế giới cũng trở nên khó khăn hơn trong việc giúp TQ tăng trưởng. Bắc Kinh đang đối diện với hàng ngàn rào cản thương mại, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dựng lên nhiều rào cản để hệ thống viễn thông nước họ không bị TQ ảnh hưởng. Úc, Ấn, Nhật và các nước khác đang tìm cách loại bỏ TQ khỏi chuỗi cung ứng của họ.
Kinh tế sa lầy
Kết thúc 40 năm trăng mật bất thường với lịch sử, TQ giờ đây đối diện với hai trào lưu lớn, đó là kinh tế TQ suy thoái và TQ bị bao vây chiến lược, báo hiệu cái kết của thời kỳ TQ trỗi dậy.
Do hậu quả của nhiều vấn đề cộng lại, kinh tế TQ đã bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài nhất trong thời kỳ hậu-Mao. Tăng trưởng GDP chính thức của TQ đã rớt từ 15% năm 2007 xuống 6% trong năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 kéo mức tăng trưởng xuống chỉ còn hơn 2% trong năm 2020. Nhưng, ngay cả những con số đó cũng chỉ là báo cáo khống, vì các nghiên cứu nghiêm túc khác cho thấy rằng, mức tăng trưởng thực tế của TQ có vẻ chỉ đạt một nửa con số nhà nước đưa ra.
Tệ hơn, hầu hết tăng trưởng GDP của TQ từ 2008 là kết quả của việc chính quyền cố ý bơm vốn vào nền kinh tế. Nếu trừ đi các khoản chi tiêu kích thích đó thì kinh tế TQ khó có bất cứ tăng trưởng nào. Năng suất làm việc, tức chất liệu then chốt làm nên thịnh vượng, giảm 10% từ 2010 đến 2019 – là mức rớt tệ hại nhất trong một nền kinh tế vĩ đại, kể từ thời Liên Xô trong thập niên 1980.
Dấu hiệu của tăng trưởng nhưng không sinh lợi này có thể thấy khắp nơi. Trung Quốc có tổng cộng hơn 50 thành phố ma – là những trung tâm đô thị có đủ cao tốc lẫn dinh thự và nhà cửa, nhưng không có người ở. TQ có gần 2/3 các dự án hạ tầng cơ sở không bao giờ có thể thu hồi vốn xây dựng. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên, là nợ nần vượt tầm kiểm soát. TQ có tổng nợ tăng lên 8 lần từ 2008 đến 2019. Chúng ta biết chuyện này rồi sẽ có cái kết ra sao: Khi các bong bóng tài sản – do đầu tư tạo ra – sụp đổ thì sẽ hình thành những giai đoạn suy thoái kéo dài. Ở Nhật Bản, cho vay quá đáng đã dẫn đến hậu quả là 30 năm tăng trưởng kém. Ở Mỹ cũng vậy, nó tạo nên cuộc Đại Suy thoái. Với kích cỡ của núi nợ TQ hiện nay, cuộc suy sụp kinh tế có thể còn tệ hại hơn nữa. Những vấn đề mà công ty bất động sản nợ nần chồng chất Evergrande đang trải qua hiện nay có thể là dấu hiệu cho những gì sẽ xảy ra.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh ấy, đảng vẫn không công nhận thất bại: Tập Cận Bình hy vọng sẽ tái lập tăng trưởng nhanh chóng thông qua những phát minh kỹ thuật, và chi phí cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đã tăng gấp 3 lần từ 2006. Nhưng những nỗ lực này vẫn chưa nâng cao được năng suất, và TQ vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường toàn cầu trong ngành công nghệ cao. Lý do chính là hệ thống R&D vận hành theo mệnh lệnh từ trên xuống, dù rất hiệu quả để huy động nguồn lực, nhưng lại bóp nghẹt luồng thông tin mở và luồng vốn cần thiết để duy trì bền vững hoạt động sáng tạo. Cuộc đàn áp chính trị đang diễn ra, nhằm thúc đẩy trí thức quy phục, chỉ làm vấn đề phức tạp hơn.
Bắc Kinh đã chi hàng chục tỉ USD cho ngành sản xuất microchip (vi mạch) nội địa, nhưng vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng đến 80% nhu cầu điện toán cả nước. TQ cũng chi hàng chục tỉ USD cho công nghệ sinh học, nhưng vắc-xin chống Covid-19 của TQ không cạnh tranh được với vắc-xin sản xuất tại các nước dân chủ. Sáng chế sẽ không cứu được TQ khỏi suy thoái. Và sự suy thoái sẽ làm rung lắc hệ thống khi cùng lúc một thách thức khác nữa đến gần, đó là tình trạng TQ bị bao vây chiến lược.
Vòng vây lửa
Lục địa Á-Âu thường là bẫy chết của những thế lực muốn xưng hùng xưng bá: đây là vùng đất mà quá nhiều kẻ thù gần có thể bắt tay với siêu cường xa từ biển tới. Suốt gần 40 năm, TQ trỗi dậy và tránh được thế bao vây chiến lược nhờ xem nhẹ, giảm thiểu hay giấu bớt tham vọng toàn cầu và nhờ duy trì được mối quan hệ thân thiện với Mỹ. Nhưng thời kỳ đó giờ đã hết. Khi Bắc Kinh trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông, ở Eo biển Đài Loan và ở những nơi khác, họ đã khiến chống đối nổi lên hầu như khắp nơi.
Trong năm năm qua, Mỹ đã từ bỏ chính sách giao kết (engagement) và áp dụng chính sách kiềm chế mới (neo-containment). Washington đã tiến hành mở rộng hải quân và số lượng hỏa tiễn lớn nhất trong một thế hệ, áp đặt thuế quan nặng nhất kể từ Thế Chiến II, và áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt nhất lên việc đầu tư nước ngoài kể từ thời Chiến tranh Lạnh – tất cả đều nhắm vào TQ. Buôn bán vũ khí và hỗ trợ quân sự cho các nước tiền phương cũng đã gia tăng; các biện pháp trừng phạt công nghệ của Mỹ đang đe doạ phá hủy Huawei và các công ty công nghệ TQ khác. Trong năm 2021, phó ngoại trưởng TQ phải than phiền rằng “một chiến dịch toàn xã hội và toàn chính quyền đang được tiến hành nhằm hạ bệ TQ”.
Cú xoay chiều của Mỹ để đối phó với TQ đã góp phần tạo nên cuộc đổi chiều rộng lớn hơn trước quyền lực Bắc Kinh. Ở vùng Đông Bắc Á, Đài Loan đã quyết liệt hơn bao giờ trong việc bảo vệ nền độc lập đang có trên thực tế của mình, chính quyền Đài Loan đã thông qua một chiến lược quốc phòng mới, rất mạnh mẽ và có thể biến đảo quốc này trở nên cực kỳ khó xâm chiếm. Nhật Bản đã đồng ý hợp tác gần gũi với Mỹ để chống lại những hành vi gây hấn của TQ trong khu vực. Bằng chính sự hiếu chiến của mình, Bắc Kinh đã khiến cho liên minh Mỹ-Nhật có một sắc thái bài Trung rõ nét.
Các nước quanh Biển Đông cũng bắt đầu phòng vệ để đối phó với TQ. Việt Nam đang mua các hệ thống hỏa tiễn di động ven biển, các tàu ngầm tấn công của Nga, các chiến đấu cơ mới, và các chiến hạm trang bị hỏa tiễn hành trình tối tân. Singapore cũng lặng lẽ trở thành đối tác quân sự quan trọng của Mỹ. Indonesia gia tăng ngân sách quốc phòng 20% vào năm 2020, và tăng thêm 21% trong năm 2021. Ngay Philippines, nước tỏ ra gần gũi với TQ trong hầu hết nhiệm kỳ của tổng thống Rodrigo Duterte, giờ đây đã tái khẳng định phần chủ quyền của mình ở Biển Đông và gia tăng các hoạt động tuần tra trên không và trên biển.
Tham vọng của TQ cũng đang kích động những đáp trả bên ngoài khu vực Đông Á, trải dài từ Úc cho đến Ấn Độ và châu Âu. Bất cứ nơi nào Bắc Kinh lấn tới, nơi đó có những đối thủ, ngày càng đông, đẩy họ lùi lại.
Đối thoại Tứ giác An ninh [còn gọi là Bộ tứ Quad hay Bộ tứ Kim cương] – một diễn đàn chiến lược bao gồm Úc, Ấn, Nhật và Mỹ – đã xuất hiện như một điểm nhấn trong cuộc hợp tác đối phó với TQ của các nước dân chủ mạnh nhất Ấn Độ – Thái Bình Dương. Liên minh mới AUKUS (gồm Úc, Anh, Mỹ) thống nhất ba nước cốt lõi trong khối nói tiếng Anh để đương đầu với Bắc Kinh. Mỹ cũng lập ra những liên minh nhỏ phủ lên nhau để bảo đảm các nước dân chủ tiến bộ tiếp tục có ưu thế trong công nghệ then chốt, cùng lúc, khối G-7 và NATO đã đưa ra những lập trường cứng rắn hơn về Đài Loan và những vấn đề khác. Dĩ nhiên, hợp tác đối phó với TQ là việc chưa kết thúc, vì nhiều nước vẫn đang lệ thuộc vào thương mại với Bắc Kinh. Nhưng những liên minh chằng chịt này rồi sẽ có thể tạo thành một vòng thòng lọng quanh cổ Bắc Kinh.
Bùng cháy
Trung Quốc là một cường quốc đã nổi lên, chứ không phải đang trỗi dậy: TQ đã nắm giữ khả năng địa chính trị thật sự đáng gờm, nhưng thời kỳ huy hoàng nhất của TQ đã qua. Phân biệt được điều này là rất quan trọng, vì TQ đã đặt cược vào tham vọng cao vời vợi của mình, nhưng giờ đây họ có thể không đạt được nếu không hành động quyết liệt. ĐCSTQ nhắm mục tiêu tái chiếm Đài Loan, thống trị phía tây Thái Bình Dương, và trải tầm ảnh hưởng lên toàn cầu. Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng, TQ đang tìm kiếm một “tương lai mà ở đó chúng tôi sẽ cầm chịch và ở vị trí thống lĩnh”. Tuy nhiên, giấc mơ đó đang bắt đầu vuột khỏi tầm tay, vì kinh tế trì trệ và vì TQ đang đối mặt với một thế giới ngày càng thù nghịch.
Có vẻ đó là tin vui với Washington, vì cơ hội để TQ dễ dàng vượt mặt Mỹ nay ít ỏi hơn. Nhưng, đó không hoàn toàn là điều tốt lành. Vì khi những vấn đề trở nên trầm trọng hơn, tương lai sẽ trở nên đầy thách thức đối với Bắc Kinh. Bóng ma tụt hậu sẽ ám ảnh quan chức ĐCSTQ. Tập Cận Bình sẽ tính toán, liệu ông ta có thể thực hiện những hứa hẹn vĩ đại của mình nữa hay không, và đó là lúc thế giới cần thật sự lo lắng.
Các cường quốc muốn xét lại hiện trạng có khuynh hướng trở nên nguy hiểm nhất khi khoảng cách giữa tham vọng và năng lực thực hiện tham vọng bắt đầu vượt tầm kiểm soát. Khi một cường quốc bất mãn thấy cửa sổ cơ hội chiến lược của mình bắt đầu khép lại, thì một cú đánh bất thình lình, dù khả năng thắng thấp, vẫn có vẻ tốt hơn là buông xuôi nhục nhã. Khi lãnh tụ độc tài lo âu rằng sự suy sụp trong địa chính trị sẽ phá huỷ tính chính danh của họ, thì hành vi tuyệt vọng rất có thể sẽ xảy ra. Chẳng hạn, nước Đức đã gây ra Thế Chiến I để tham vọng bá quyền của họ không bị đè bẹp bởi liên minh Anh-Pháp-Nga; Nhật đã phát động Thế Chiến II ở châu Á để ngăn Mỹ triệt hạ đế quốc của mình.
TQ ngày nay có đủ yếu tố đáng ngại. Tăng trưởng trì trệ? Có. Bị bao vây chiến lược? Có. Chế độ độc tài hà khắc với rất ít tính chính danh tự nhiên? Có. Mối thù lịch sử phải trả và khát vọng trả thù? Có và có. Thật ra, TQ đã tiến hành những hoạt động này rồi – họ liên tục bành trướng lực lượng quân sự, họ tìm kiếm vùng ảnh hưởng ở châu Á và xa hơn, họ nỗ lực kiểm soát công nghệ và nguyên liệu trọng yếu – là những việc một nước ở vị trí như họ thường làm. Nếu có công thức gây hấn cho một thế lực đang trên tột đỉnh, thì TQ hội đủ điều kiện chính.
Nhiều nhà quan sát tin rằng, TQ đang lấn tới trên khắp các mặt trận vì đang rất tự tin mình sẽ tiếp tục trỗi dậy. Tập Cận Bình chắc chắn đã nghĩ rằng dịch Covid-19 và bất ổn chính trị tại Mỹ đã tạo ra nhiều cơ hội mới để TQ lấn tới. Nhưng, một khả năng khác có vẻ gần thực tế hơn – và cũng đáng sợ hơn – đó là lãnh đạo TQ quyết tâm lấn tới nhanh hơn vì biết rằng họ không còn nhiều thời gian nữa. Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia muốn lập lại trật tự thế giới đi đến kết luận rằng họ sẽ thất bại nếu chỉ dùng biện pháp ôn hoà? Lịch sử và hành xử hiện nay của TQ đều cho thấy rằng, câu hỏi trên sẽ dẫn đến đáp án không có gì là tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.