Sài Gòn: Từ cách chống dịch kiểu Tàu, sang sống chung như Tây
3-10-2021
“Miễn dịch cộng đồng” là bất khả?
Hôm nay 3-10 là ngày thứ ba, TP.HCM nới lỏng giãn cách hết sức khắc nghiệt theo chỉ thị 16+ với sự nhập cuộc của quân đội, rào chắn, chốt chặn nơi, dân tuyệt đối trong nhà, “đi chợ hộ” – không khác gì cách Vũ Hán chống dịch năm trước.
Nhịp sống Sài Gòn chưa hẳn như xưa. Nhưng ngay lập tức, nó đã bật dậy: hàng quán mở cửa khắp nơi sau mấy tuần một số tiệm đã hoạt động… “chui”. Nhà hàng lớn giữa trung tâm thành phố sáng đèn, hàng rong trong hẻm nhỏ rao bán. Dịch vụ như sửa xe, sửa máy lạnh, hớt tóc… bung cửa, thợ làm không ngớt tay, phải xếp lịch khách.
Ở mộ số cửa hàng ở trung tâm thành phố , tôi thấy treo bảng tuyển người. Góc Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ, một cửa hàng điện thoại di động treo băng-rôn: “Hết giãn cách – giảm thả ga”. Thành phố chưa cho quán ăn tiệm nước cho khách ngồi tại chỗ, nhưng tôi thấy có tiệm cà phê “bán mang đi” có mấy vị khách mượn ghế của quán, ngồi ra vỉa hè gần đó uống, tám chuyện Covid.
Lịch sử mấy trăm năm nay, “đầu tàu” kinh tế Sài Gòn luôn là sự trỗi dậy mạnh mẽ. Bốn tháng buộc chân bó tay, nó càng bật mạnh. “Ăn không ngồi rồi” mấy tháng, tiền bạc cũng hao hụt quá rồi, dân Sài Gòn vốn không cam chịu “kiếp nghèo”.
Buồn thay, ngay sau khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nới lỏng giãn cách, hàng vạn bà con nhập cư đã lũ lượt đổ về quê, cỡ nào cũng về. Tối 2-10, bà con miền Tây đi xe máy nối đuôi nhau hàng đoàn từ Bình Dương qua TP.HCM để về quê. 500 người, xe định thông chốt khi bị chặn lại ở Bình Dương. Lúc cao trào nóng giận, bức xúc, có nhóm quỳ lạy, có nhóm ném đá anh em trực chốt.
Dù trước đó ra chỉ thị kiểm soát chặt việc đi lại ở bốn tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đông Nai, Long An, nhưng thủ tướng Phạm Minh Chính chiều tối 2-10, sau khi lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn. Và đêm qua 2-10, rạng sáng 3-10, Cảnh sát đã dẫn đường gần 8.000 người từ Đồng Nai, Bình Dương đi xuyên đêm về Tây Nguyên.
Thực trạng này khả năng vẫn còn tiếp diễn vài ngày nữa. Bốn tháng giãn cách, nhất là từ hôm TP.HCM “thiết quân luật” 23-8, đường mưu sinh của hàng triệu bà con rõ ràng đã tuyệt lộ. Xin 28.000 tỉ đồng, Trung ương cho 2.000 tỉ đồng, dù cố gắng đến âm ngân sách, ba gói chi hỗ trợ 16.000 tỉ đồng của thành phố chỉ như muối bỏ bể.
Một gia đình lao động bốn người, nếu may mắn, được ưu tiên nhận đủ cả ba lần hỗ trợ (1,5 triệu đồng + 1,5 triệu đồng + một triệu đồng/người) tổng cộng là 7,5 triệu đồng cho ba tháng rưỡi. Hơn 100 ngày, mỗi ngày cả gia đình bốn người ấy chỉ có hơn 70.000 đồng cho gạo muối mắm, thịt cá, điện nước, rau củ quả, xà bông, điện nước… thì sống làm sao? Nếu gọi ship thì tiền đó chưa đủ trả tiền ship. Đó là chưa nói giá cả hôm chưa bỏ giãn cách, một bó rau 30-35.000 đồng, chục trứng 40.000 đồng.
Nhiều hứa hẹn lo cho bà con đầy đủ, miễn giảm tiền nhà trọ, điện nước… trật vuột hoài. Lãnh đạo thành phố chiều 1-10 đã thừa nhận có lỗi với bà con, mong bà con ở lại.
Tiếc thay, niềm tin đã ít nhiều phai nhạt. Về quê, dẫu cũng là tương cà mắm muối cũng còn gia đình, cha mẹ, anh em…; vẫn còn có tự do. Một buối tối “giới nghiêm” im lặng, tôi bỗng nghe một tiếng than như tiếng thét vang trên đường, ngay trước một chốt dân phòng phường 3, Tân Bình của tôi: “Thời bao cấp không có tiền nhưng còn đi lại được; còn bây giờ, đã hết tiền còn bị nhốt ở nhà”.
Nghệ sĩ Quyền Linh, một nhân cách đẹp hiện nay “nói thiệt lòng: mừng thì có mừng, nhưng cũng lo cho bà con mình lắm. Kiểu hết chuyện này rồi chuyện khác cứ ập đến, có cảm giác tất cả chúng ta ai cũng phải liên tục thích nghi, liên tục thay đổi để theo kịp tình hình”.
Thiếu bà con nhập cư là kinh tế Sài Gòn – một đô thị thuở giờ của người nhập cư – lao đao, lảo đảo.
39 ngày chống dịch khắc nghiệt kiểu Tàu, TP.HCM cơ bản ngày vẫn 4.000 – 5.000 – 6.000 ca, ngày 3-9 cao nhất với 8.499 ca; chết trung bình vài trăm ca/ngày.
Kinh tế suy sụp, lòng dân tơi bời. Ở những stt cách đây hai tháng, tôi đã lo ngại chuyện “sẽ thiệt hại kinh tế khôn lường” nếu cứ chống dịch kiểu này.
Vừa qua, khá hiều bậc trí thức, giáo sư, tiến sĩ đã phản biện cách chống dịch “cơ bắp”, “biển người” này. Nhiều vị còn gửi thư ngỏ lẫn thư riêng lên thủ tướng, bí thư Thành ủy. Thật ra, không chỉ chính quyền, ngành chức năng, không hiếm người vẫn suy nghĩ “cơ học” rằng nhờ cách ly, phong tỏa, xét nghiệm đại trà… vậy mà số ca nhiễm giảm -> số ca nặng giảm – ngành y không quá tải – bớt số người chết.
Khó mà tranh luận được với giả thiết, với “nếu”, dù rằng không thể phủ nhận cách làm ấy không có hiệu quả nhất định. Nhưng cũng khó phủ nhận thực trạng “lây nhiễm chéo” ở các khu phong tỏa, cách ly, thậm chí cả khi xét nghiệm ồ ạt. Liệu có sai lầm khi đã cách ly mà còn tập trung – nó mâu thuẫn rành rành với mục tiêu tối thượng trong phòng chống Covid: giãn cách.
Sài Gòn mỗi ngày hiện nay vẫn 3.000 – 4.000 ca, trên dưới 100 người chết. Nhưng chỉ thị 18 đã mở khá mạnh, không rào, phong tỏa nơi nào – kể cả khu vực có F0. Nhà nào F0 thì rào nhà đó, nhà bên cạnh vẫn có thể tiếp tục bán bún bò mang về. Không còn chuyện một căn hộ chung cư có F0 là cả chung cư “nội bất xuất, ngoai bất nhập”, sống dở chết dở cả ngàn hộ trong đó.
Đó không phải là sống chung với Covid theo kiểu Mỹ thì là gì. Mỹ chấp nhận thực trạng không thể không sống chung với con virus biến hóa khôn lường này, dù hôm qua 2-10, thêm 41.792 người Mỹ nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên gần 44.500.000 ca và đã có 720.000 người ra đi.
Không chỉ Mỹ, một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và cả Úc, vốn cũng chống dịch na ná kiểu Tàu (nhưng không khắt khe như ở TP.HCM vừa qua) đã suy nghĩ lại, hành động lại. Ở Thái Lan, giới nghiêm ban đêm đã rút ngắn một giờ, bắt đầu từ 22 giờ đêm; thư viện và bảo tàng được mở cửa; có thể đi spa, nhưng phải đặt chỗ trước và phải có xét nghiệm Covid âm tính. Khách du lịch tiêm đủ hai mũi giờ chỉ cần cách ly một tuần thay vì hai. Một số biện pháp nới lỏng khác sẽ được thực hiện tháng 11.
Ông hàng xóm Indonesia còn chơi bạo tay khi “ thử” sống chung với Covid-19 bằng sự kiện một 10.000 người: Tuần lễ Đại hội Thể thao Quốc gia Indonesia khai mạc hôm qua 2-10 tại sân vận động Lukas Enembe, phía đông thành phố Jayapura, tỉnh Papua.
CƠ SỞ SỐNG CHUNG: “ZERO COVID”, MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG LÀ BẤT KHẢ?
Cơ sở khoa học thực nghiệm đó là những nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy việc miễn dịch cộng đồng gần như bất khả, dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin cho 100% số dân.
Cụ thể với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỉ lệ phủ vaccine của dân số nay xem chừng đã không thực tế.
Theo chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi, sống và làm việc tại tỉnh/bang British Columbia (BC), Canada, miễn dịch cộng đồng phụ thuộc ba yếu tố: chủng virus (thể hiện qua hệ số lây lan gốc, Ro), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).
Ông cho biết: “Giáo sư, bác sỹ Ellie Murray của Đại học Boston (Mỹ) đưa ra công thức tính hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng như sau: Rt = Ro x (1 – T x Ve).
Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa một người khác. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = (1 – 1/Ro)/Ve (quy ra từ công thức trên với Rt = 1).
Theo số liệu của CDC Mỹ, với chủng virus corona gốc (SARS-CoV-2), hệ số lây lan gốc “chỉ” trong khoảng từ 2-3, tức một người nhiễm virus có khả năng lây cho 2-3 người, lấy trung bình Ro = 2,5. Hiệu quả vaccine lấy trung bình Ve = 85%. Từ công thức T = (1 – 1/Ro)/Ve ta có T = 71%.
Nghĩa là, với chủng virus corona gốc, ước tính khoảng 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine là đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra theo cách tính này.
Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với biến thể Delta. Cũng số liệu của CDC Mỹ cho thấy hệ số lây lan gốc của chủng Delta hiện nay trong khoảng 6-9, lấy trung bình Ro = 7,5. Giả sử 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine (T = 70%) và cho rằng hiệu quả vaccine lên đến 95%, lúc đó hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 70% x 95%) = 2,5.
Kết quả cho thấy rằng với chủng virus Delta, hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = 2,5 ngay cả khi 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine và hiệu quả vaccine lên đến 95%. Nghĩa là một người bị nhiễm vẫn sẽ lây cho 2,5 người khác dù cộng đồng đã được phủ vaccine và hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.
Trong thực tế, vì Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau và chỉ có Moderna hay Pfizer đạt hiệu quả tối đa 95%, trong khi hiệu quả của AstraZeneca chỉ khoảng 70% và của Sinopharm (Vero Cell) thậm chí còn thấp hơn nên hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân số được tiêm không thể nào đạt mức 90%, thậm chí thấp hơn 85%.
Mà ngay cả khi tiêm 100% dân số (điều không thể đạt được trong thực tế) và hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân là 85% (mức cực kỳ lạc quan) thì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 100% x 85%) = 1,125.
Vì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng vẫn lớn hơn 1, nên miễn dịch cộng đồng không thể đạt được chỉ nhờ phủ vaccine. Để đưa giá trị hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng càng thấp càng tốt và tối ưu nhất là thấp hơn 1, ngoài vaccine phải áp dụng thêm các giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ví dụ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nói cách khác, đó là cách mà loài người sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine.
Sự khác biệt của hệ số lây lan gốc giữa hai chủng virus corona gốc và Delta là vô cùng lớn. Ví dụ, với chủng virus corona gốc, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu hai người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 4 (bằng 2 x 2). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 8 (2 x 2 x 2)… Với chủng Delta, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu 6 người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 36 (bằng 6 x 6). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 216 (6 x 6 x 6)… Nghĩa là chỉ qua ba chu kỳ, số ca nhiễm do biến thể Delta đã cao gấp 27 lần chủng corona gốc.
Điều đó giải thích cho những trận “cuồng phong” lây nhiễm do biến thể Delta tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác trên thế giới”.
TP.HCM đã thực nghiệm hóa sống chung với Covid bằng chỉ thị 18. Hầu hết dân ủng hộ. Thực tế sẽ trả lời cách này ra sao so với kiểu Tàu.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM) dự báo sắp tới: “Số ca mắc có thể tăng, ca tử vong sẽ giảm”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM): “Yên tâm với sức đề kháng vô hình: Ứng xử của từng cá nhân với dịch bệnh thay đổi rất khác. Họ sống chậm hơn, tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K, hiếm thấy sự coi thường trước dịch bệnh”.
Một, hai tuần, một tháng mà dự báo đó đúng thì mô hình kiểu đó đúng. Với chủ quan cá nhân, tôi luôn tin bà con mình.
Còn ai chưa đồng ý sống chung với Covid hoàn toàn có quyền ở nhà tiếp, nhà nước không hề cấm và buộc ra đường. Nếu tiền bạc còn thoải mái, đồng ý sống chung hay không thật sự thuộc về quyền và tự do chọn lựa của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.