Ông Tấn nên xin lỗi!
19-10-2021
Trước lời phủ nhận vào trưa nay, “tôi không nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ”, được rải khắp các tờ báo thành phố; chiều tối nay, báo Lao động công bố bản ghi âm, minh định một lần nữa phát biểu của “chính chủ” mà tờ báo đã tường thuật ban đầu.
Khổ, không những một mà hai lần, giám đốc sở Lao động – Thương binh – Xã hội khẳng định “đến giờ này/ đảm bảo bà con thành phố/chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ…”.
Tôi có mấy suy nghĩ sau:
1 – Đặt trong văn cảnh, sau câu khẳng định “chưa ai thiếu ăn thiếu mặc” là “thông điệp” ngợi ca, tán tụng nhau: “Chúng ta đứng từ góc độ như thế mới thấy được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở ngành, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân”.
Dĩ nhiên, trong đó có Nghị quyết 09 của HĐND TP – “sớm nhất so với Chính phủ” – cú ghi điểm với bà chủ tịch HĐND TP đang điều hành phiên thảo luận.
Dĩ nhiên, trong sở ngành hẳn là có sở ông Tấn.
2 – Có lẽ vì nghĩ đây là phiên thảo luận tổ, không phải thảo luận hội trường nên ông Tấn đã hơi khinh suất chăng khi nghĩ rằng phóng viên chỉ đi tin, không đến mức tường thuật, lại còn rút “quote” cho ông. Trước làn sóng phản ứng của dư luận, ông đành “nhắm mắt” phủ nhận, chắc cũng liều mình “biết đâu không lưu bằng cớ”. Hông dè… cú này anh Hai Củ Chi sập bẫy của chính ảnh!
3 – Một người như ông Tấn, càng giữ ổng lâu trên chiếc ghế ấy càng kỳ quặc cho tổ chức, càng “tội” cho ổng, khổ cho dân. Bình thường, không dịch giã gì, đã đủ thứ chuyện, mà gần đây nhất là cú sai phạm tày trời của cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM). Ông Tấn vẫn bình chân.
Vào thời dịch, không phủ nhận Sở này cùng với Mặt trận Tổ quốc TP đã nỗ lực thực hiện các gói an sinh. Thiếu sót, chậm trễ là có. Nhưng vừa đi “xin”, về đi “chia”, trong một “hệ thống chính trị” mà chỉ khi lâm cảnh dịch bệnh mới thấy “kháng thể” rất lỏng lẻo, yếu nhược thì những bất cập là điều hiểu được, thấy trước được.
Song, với tất cả những gì đã xảy ra lồ lộ trước mắt, mà người làm công tác lao động-xã hội lại càng mục sở thị thì hai lần khẳng định “không ai thiếu đói” là một sự phủ nhận bất chấp. Nó không còn thuộc về kỹ năng nhận biết – để đổ lỗi “nhớ nhớ quên quên”, kỹ năng diễn đạt – nói nhịu mà là đạo đức làm người -cán bộ: sự trung thực, nói đúng sự thật. Ông Tấn đã đánh mất.
Kỹ năng thì còn do học, không học khóa này thì học khóa sau. Còn nói lời thật, sống trung thực thì phải học và hành suốt cả đời mà người thầy vĩ đại nhất lại chính là… mình!
Giờ thì có lẽ, tốt nhất là một lời xin lỗi từ ông Tấn vì đã nói không đúng sự thật. Xin lỗi cử tri, xin lỗi đồng bào thành phố, xin lỗi cả “hệ thống chính trị” – nơi mà hai người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền thành phố đều đã nhận lỗi trước nhân dân, xin nhân dân lượng thứ trong cuộc chiến phòng chống dịch- thì lý gì, một người gây ảnh hưởng xấu lên tổ chức lại không nhận lấy trách nhiệm về mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.