Chính phủ California trả đất lại cho dân
Hôm nay, thống đốc California Gavin Newsom vừa ký dự luật trở thành đạo luật trả lại đất cho dòng họ Bruce và những gia đình mà chính quyền địa phương cách đây 100 năm đã ỷ thế, hiếp người, tịch thu đất của họ, chỉ vì họ là người da đen.
Năm 1912, bà Willa Bruce mua lại 2 mảnh đất hướng nhìn thẳng ra biển của một người da trắng ở miền Nam California, mà giờ thuộc thành phố mang tên Manhattan Beach, với giá $1.225 đô. Chồng bà, ông Charles Bruce lúc đó đang là đầu bếp, làm việc trên xe lửa tuyến đường chạy từ Los Angeles tới Salt Lake City, Utah. Bà Willa phát triển 2 mảnh đất mới mua và biến chúng trở thành 1 nơi nghỉ mát, có tiệm cà phê và một vũ trường nhỏ để phục vụ du khách da đen tới nghỉ tại Manhattan Beach. Vì lúc đó người da đen vẫn còn bị kỳ thị và bị chia cách với người da trắng ngay cả ngoài bãi biển.
Kinh doanh của bà Willa khá thành công vì thu hút được du khách da đen ghé nghỉ mát vào những ngày cuối tuần và khu vực đó được du khách đặt cho cái tên là Bruce’s Beach. Điều này tạo hứng khởi cho các gia đình da đen khác và họ đã đổ tới mua nhà xung quanh đó, tạo nên một cộng đồng da đen nhỏ, trong một thành phố đa số là người da trắng.
Cộng đồng nhỏ da đen nơi đây ngày càng được biết đến nhiều và đã thu hút du khách đến khá đông, khiến bọn da trắng kỳ thị trong vùng trở nên khó chịu và chúng bắt đầu quấy nhiễu. Chúng rạch vỏ xe, gắn các bảng đậu xe giả mạo với giới hạn chỉ 10 phút đậu xe. Bọn KKK đã phóng hỏa lên các nệm trên sân và còn âm mưu đốt nhà dân xung quanh. Những sách nhiễu đó không làm suy suyển cái cộng đồng da đen nhỏ bé ấy, mà nó còn đứng vững và phát triển thịnh vượng hơn.
Bọn kỳ thị không dừng ở đó, chúng vận động thành phố nhúng tay vào giở trò dơ bẩn. Thành phố ra nghị quyết lên án khu vực cộng đồng da đen nhỏ bé đó và sử dụng luật “eminent domain”, trưng dụng khoảng 20 bất động sản trong khu vực này, lấy cớ để xây dựng công viên.
Theo luật này, thành phố phải đền bù giá bất động sản theo giá thị trường, nhưng thành phố lại đền bù cho các chủ bất động sản giá rất bèo. Ông bà Bruce và các gia đình khác đã đâm đơn kiện. Trong đơn, ông bà Bruce kiện về sự bị kỳ thị và đòi bồi thường tổng cộng $120.000 đô, trong đó 2 mảnh đất trị giá $70.000 cộng với $50.000 cho sự thiệt hại của họ. Qua nhiều năm thưa kiện, họ chỉ được bồi thường $14.500.
Sự kỳ thị khốn nạn của thành phố không dừng ở đó. Họ nghiêm cấm không cho ông bà Bruce thuê mướn hoặc mua lại bất động sản trong thành phố để kinh doanh. Mảnh đất mà họ tịch thu nói là để xây công viên thì thành phố muốn cho người da trắng thuê mướn lại để biến nó trở thành khu vực riêng tư của người da trắng.
Tổ chức NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì Sự Tiến bộ của người Da màu) đã đứng lên đâm đơn kiện thành phố và tổ chức các đợt biểu tình phản đối như bất tuân dân sự và bơi vào vùng mà thành phố sau khi tịch thu của cộng đồng da đen đã khoanh vùng, xem như là khu vực riêng tư. Những người biểu tình đã bị bắt nhưng họ đâm đơn kiện và thắng kiện. Thành phố phải mở bãi biển trở lại cho công chúng. Còn mảnh đất kia họ đã để trống cả mấy chục năm, không thèm xây công viên.
Vợ chồng Bruce phải dọn ra khỏi thành phố và sau đó chỉ đi làm công cho người khác tới hết đời. Hai mảnh đất hướng nhìn thẳng ra biển của họ sau đó được chuyển sang cho tiểu bang California vào năm 1948 và rồi lại được chuyển xuống cho quận hạt Los Angeles vào năm 1995. Những mảnh đất để trống khác cuối cùng cũng đã được thành phố xây công viên, được đổi thành nhiều tên khác nhau và cuối cùng vào năm 2007, nó đã được đổi tên chính thức là Bruce’s Beach, nhờ sự tranh đấu của một nghị viên thành phố người da đen.
Cái hay của chính quyền có nền dân chủ (và có lẽ thuộc đảng Dân chủ nhiều phần luôn đứng về phía dân) là tiến trình trả đất lại cho dân, vì thật ra con cháu của ông bà Bruce và những người bị chiếm đoạt đất khi xưa đã không còn có ý định đòi lại.
Giám sát viên quận hạt Los Angeles là Janice Hahn, sau khi nhận ra rằng, quận hạt đang làm chủ 2 mảnh đất mà khi xưa là của ông bà Bruce, vì bà Haln đã biết câu chuyện này. Thế là bà bắt tay vào làm việc, bà gọi cho cháu của ông bà Bruce là Anthony Bruce, hiện đang làm trưởng toán bảo vệ ở Florida, bà tiến hành thảo luận với các dân biểu và nghị sĩ tiểu bang và các luật sư quận hạt và dự luật trả lại đất cho dân được ra đời.
Kế tiếp, phải kể đến công lao của bà Kavon Ward, là người cùng con gái chuyển tới sinh sống Manhattan Beach hồi năm ngoái và vẫn bị kỳ thị. Tại thành phố này, họ đuổi bà đi, nhưng bà nhất quyết không dọn đi. Bà biết được câu chuyện về ông bà Bruce và quyết định thành lập 1 nhóm gồm toàn các bà mẹ và đặt tên là Phong trào chống phân biệt chủng tộc xung quanh vùng Nam Vịnh. Phong trào của bà vận động sâu rộng trong quần chúng để giúp dân chúng nhận ra sự kỳ thị tại thành phố này và nỗ lực ủng hộ trả lại đất cho dòng họ Bruce và những người khác ở đây.
Hôm nay, sau khi ký dự luật Thượng Viện 796 trở thành luật, thống đốc Gavin Newsom nói: Với tư cách là thống đốc bang California, xin để tôi làm điều mà dường như thành phố Manhattan Beach không làm: “Tôi muốn xin lỗi gia đình Bruce. Tôi tin rằng, đây có thể là một sự thúc đẩy nhanh chóng. Những gì chúng tôi đang làm ở đây ngày hôm nay có thể được thực hiện và nhân rộng ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi xin nhắc lại một câu ngạn ngữ cũ: Khi trí tuệ của con người được kéo giãn bởi ý tưởng hay cảm xúc mới thì sau đó nó sẽ không bao giờ trở về trạng thái cũ nữa“.
Nghị sĩ tiểu bang ông Steven Bradford, tác giả dự luật này nói: “Đây là bước đầu tiên để sửa chữa nhiều bất công đang tiếp tục ám ảnh lịch sử tiểu bang và đất nước chúng ta. Nếu các bạn có thể thừa hưởng gia tài qua bao nhiêu thế hệ thì các bạn cũng có thể qua bao nhiêu thế hệ gánh nợ. Thành phố Mahattan Beach đã nợ gia đình Bruce. Tiểu bang California đã nợ gia đình Bruce. Quận hạt Los Angeless đã nợ gia đình Bruce và hôm nay thống đốc của chúng ta đặt bút ký để trả món nợ đó“.
Bà Janice Hahn nói: “Luật đã được sử dụng để đánh cắp tài sản này cách đây 100 năm, thì hôm nay, luật cũng được sử dụng để trả tài sản đó lại“.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.