Bát Hồ
Đỗ Thành Nhân
14-10-2021
Dịch giặc Covid-19 làm nhiều gia đình khốn cùng, lâm vào cảnh đói, thiếu ăn. Tuy nhiên vẫn chưa đến nỗi thiếu mặc. Dù sao vẫn được cộng đồng giúp đỡ thùng mì tôm, mấy ký gạo; còn trẻ em được tặng sữa. Cũng chưa thấy gia đình nào phải làm thịt chó nuôi để ăn – chống suy dinh dưỡng.
Nhớ lại mùa đông khoảng 40 năm trước (1979-1985). Cùng một giai đoạn lịch sử của các nước anh em cộng sản: Trung Quốc đánh 6 tỉnh biên giới bắc, với khẩu hiệu “dạy cho Việt Nam một bài học”. Còn ở chiều ngược lại – phía tây nam, thì Việt Nam lại đưa quân đội qua Campuchia để thực hiện “nghĩa vụ quốc tế”.
Lúc đó, cả nước đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở nông thôn, nông dân phải vào hợp tác xã nông nghiệp, hàng ngày đánh kẻng đi làm, giương cao khẩu hiệu “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Quyền làm chủ của người nông dân cao đến mức: Sản xuất ra gạo nhưng không có gạo ăn. Đói trên chính đồng ruộng của mình.
Với một ngày công lao động chính bình quân của một xã viên là 10 điểm, cuối vụ được trả 3 lạng (0,3 kg) lúa, quy đổi 0,24 kg gạo. Một năm được khoảng 70-80 kg gạo, cả gia đình ăn chưa được 4 tháng. Vậy là đói triền miên, đói dai dẵng, đói đến hoa mắt, đói bủn rũn chân tay, đói quằn quại bao tử. Những người bình thường thì ra vườn, lên núi, xuống sông kiếm đủ thứ ăn độn lấp chỗ trống trong bụng: các loại rau, củ lang, củ mì; các loại con vật, côn trùng đều ăn tuốt; thịt chó là đặc sản quý hiếm!
Còn gạo dành cho người già, em bé, người bệnh, nhưng cũng không đủ; sữa và các chất dinh dưỡng khác lại càng không có.
Mỗi nhà cố gắng dự trữ ít gạo, khi cần thì lấy gạo nấu cháo loãng nhuyễn bóng lên gọi là hồ, cho vào cái bát (tô), vậy là có một “BÁT HỒ”; múc từng muỗng (thìa) hồ thổi nguội rồi bón cho người già, em bé, người bệnh để mau chóng khỏi bệnh, qua được cơn đói bủn rủn chân tay.
Nhờ có “bát hồ” mà lúc đó tôi vượt qua được trận ngộ độc do ăn củ mì (sắn). Nhờ có “bát hồ” mà nhiều cháu nhỏ thiếu sữa mẹ sống được đến ngày hôm nay. Nhờ có “bát hồ” mà những người già vượt qua được thêm mùa đông lạnh giá.
Hình dưới là hình một BÁT HỒ, để tôi kể lại cho các con cháu chuyện ngày xưa. Để động viên chúng cố gắng vượt qua được khó khăn của giai đoạn Covid-19. Để chúng thấy được cái đói, khổ ngày hôm nay là quá nhỏ so với ông, cha chúng trước đây.
Cho nên ai nói gì thì nói; dù cho ai có chửi, suy diễn, quy chụp như thế nào đi nữa; cá nhân tôi vẫn rất nhớ ơn bát hồ; và cả đời vẫn luôn nhớ ơn bát hồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.